Nhận diện những ông “trùm” bảo kê... vỉa hè

Nhận diện những ông “trùm” bảo kê... vỉa hè

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
"Bức vẽ" về cảnh trông giữ xe còn ẩn chứa một mảng mầu ít ai biết tới, nó được ví như "thế giới ngầm" bao thầu từ A Z mỗi khi có ai muốn thành ông chủ trong lĩnh vực kinh doanh kếch xù này.

Nhưng bởi "đất chật mà người lại đông" nên "trùm" thật, "trùm" giả đua nhau lộng hành "móc túi" những kẻ chưa hiểu cuộc chơi... lòng đường, hè phố của Hà Nội.

Xã hội - Nhận diện những ông “trùm” bảo kê... vỉa hè

Các điểm trông xe trên phố Hoàng Đạo Thúy lấn chiếm lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông

Buôn bãi gửi xe bằng... miệng

Bắt đầu từ phố Phạm Ngọc Thạch (phường Kim Liên), theo phản ánh của người dân, vài tháng trở lại đây, tòa nhà B10 bỗng xuất hiện một nhóm người đứng ra kẻ vôi, căng dây lập điểm trông giữ xe. Thậm chí, để công khai việc làm của mình, nhóm người này còn xông vào các cửa hàng kinh doanh tại tầng 1 của tòa nhà, yêu cầu đưa xe của khách hàng ra bãi với giá 5.000 đồng /xe máy. Nếu không gửi, chủ cửa hàng phải đóng tiền tháng cho khái niệm "bao thầu" của họ.

Tuy nhiên, khi các chủ cửa hàng yêu cầu xuất trình giấy phép thì nhóm người này lờ đi, nhưng thi thoảng vẫn mò tới đòi tiền "bao bãi" theo tháng với lý do, toàn bộ khu vực Kim Liên, Phạm Ngọc Thạch đã được ông chủ của họ... "bao thầu".

Trong vai người kinh doanh đang cần "chạy" giấy phép giữ xe trên vỉa hè, hoặc cần một người có thể đứng ra "bảo kê" cơ sở kinh doanh của mình, chúng tôi đến phố Phạm Ngọc Thạch. Sau nhiều mối qua tay giới thiệu, cái cần cũng đến khi tiếp cận được với H. - một nhân vật được đồn thổi là có đủ tầm quan hệ đáp ứng nhu cầu của chúng tôi. Theo cách mô tả của H. thì, lĩnh vực trông xe được chia làm hai "dạng" chính, cái đơn giản là bao vỉa hè của nhà hàng, quán ăn, phức tạp hơn là xin cấp phép thành lập điểm giữ xe trên một tuyến đường, hay một khu phố.

Nói là vậy, bằng cái cách mà H. "nổ" với chúng tôi: "Không có cái gì là dễ, nhưng khó mấy rơi vào tay này... trôi ngay", cho thấy y lọc lõi thế nào trong ngành "chặt chém" vỉa hè. Thấy chưa đủ sức thuyết phục chúng tôi, H. chỉ tay về một nhà hàng gần đấy, được H. giới thiệu mình đã "ôm" thầu có giá từ 3 - 5 triệu đồng /tháng (tùy vào thời điểm đầu năm hay cuối năm - PV). Việc "bôi trơn" theo H. cũng còn tùy vào địa điểm, số lượng khách ra vào của nhà hàng mà chi. Cố gặng hỏi chi cho những đâu, H. quắc mắt như nhắc nhở cấm hỏi đến những điều tối kỵ.

"Muốn làm ở địa điểm quận khác thì sao?", tôi hỏi, H. bình thản trả lời: "Quận nào cũng làm được hết, đã trong giới thì chỗ nào chẳng có anh em. Nhưng phải chi nặng hơn, vì chỗ khác tôi phải nhờ qua tay". Tôi hỏi tiếp: "Tức là khi nào có giấy phép cầm tay thì chi tiền?". H. cười sằng sặc, bốp luôn: "Giờ mà dùng ba thứ giấy tờ thì quê quá, thử hỏi xem trên địa bàn TP. Hà Nội này có được mấy nơi có giấy phép tử tế. Giờ là công nghệ gật đầu, xin chỗ nào các ông ấy gật là OK rồi. Còn cụ muốn giấy phép thì có đến mùa khướt cũng chẳng được đâu". Thấy chúng tôi còn hồ nghi, H. bảo cho về tìm hiểu thêm, khi nào quyết định thì tìm lại y... chưa muộn.

Tay không... hốt bạc

Rời phường Kim Liên, chúng tôi quyết định đi "săn" vỉa hè trên "phố". Điểm đầu tiên chúng tôi đến là khoảng vỉa hè đối diện số nhà 14 - 16 trên phố Hai Bà Trưng. Nhận thấy có xe ô tô đang vào lề đường, từ xa một thanh niên ăn mặc lịch sự, vẫy tay ra hiệu đánh xe lên vỉa hè gần khu vực mình đứng. Nhận lệnh "ông chủ" này, tôi đánh liều đỗ xe chềnh ềnh trên vỉa hè giữa làn dành cho người đi bộ. Dừng xe, tôi ra hất hàm hỏi theo kiểu "dân xã hội": "Nhiêu?", xin sếp 3 sịch" (30.000 đồng - PV), gã thanh niên chừng 25 tuổi, khẽ cúi người nói. Giả làm ngơ tôi hỏi lại: "Có vé không, không có biển cho đỗỏ công an phạt thì sao?", gã này lại cười: "Vé làm gì, sếp cứ yên tâm, khu này là của em, em thầu hết, đố ai dám đụng. Sếp có vứt cả ngày ở đây em cũng đảm bảo OK".

Xã hội - Nhận diện những ông “trùm” bảo kê... vỉa hè (Hình 2).

Tỏ vẻ hào phóng tôi dúi luôn 5 "sịch" vào tay gã, bắt đầu gợi chuyện làm quen. Khi biết chúng tôi đang có ý định làm ăn bằng vỉa hè, nhưng ở một quận khác, T. - tên gã, được dịp khoe hàng: "Các sếp đừng thấy vỉa hè bầy sẵn ngoài đường, chỉ cần vác vôi, dây đến giăng là kiếm". Theo T. trước tiên, để có được khu vực mầu mỡ thì phải có quan hệ với chính quyền, mà bét cũng phải cấp quận. Hiện tại, lòng đường thì do cấp sở quản lý, nhưng trên vỉa hè lại được phân định cho cấp quận quyết định. Vì thế, thay vì cứ chạy vạy ba cái giấy phép, dân vỉa hè lại chọn đến cấp quận để xin "visa".

Không nhất thiết, điểm nào cũng cần giấy phép, chỉ cần cái gật đầu là hiểu ý làm ngay. Khâu tiếp theo là chấp nhận chung chi hậu hĩnh với các cơ quan đi "tuần" là ngon lành. Thế nhưng, theo lời thú thật của T. thì gã chỉ là tay thực hiện, thu tiền về đóng định mức cho đại ca đứng ra "ôm thầu" những điểm này. Chân dung vị đại ca theo cách mô tả đầy sự tôn thờ của T. chứa một sự "quảng giao" mà không phải ai cũng có thể sờ tới. Vì thế, khi có lực lượng chức năng nào làm căng, chỉ cần giới thiệu tên vị này ra là êm hết. Nói là vậy, nhưng khi chúng tôi đề nghị T. giới thiệu cho gặp đại ca thì T. một mực từ chối vì sợ... mất việc.

Mặc dù chềnh ềnh trước đầu xe ô tô mình là tấm biển cấm đậu ô tô trước cửa của một đơn vị hành chính sự nghiệp, nhưng để thẩm định chất lượng quảng cáo của T., chúng tôi đâm liều bỏ xe lại, sang bên kia đường để quan sát. Theo ghi nhận của PV Nguoiduatin.vn, trong khoảng thời gian từ 11h trưa đến gần 13h chiều, đã có hàng chục lượt xe ra vào điểm trông giữ xe đặc biệt này. Hầu hết, khách dừng chân ở đây là để vào các hàng quán đối diện.

Cứ như vậy, với mức giá T. lấy của chúng tôi, ước tính trong vòng vài giờ đồng hồ, T. cũng đút túi gần 500.000 đồng mà không hề phải mất một chút công sức. Vì cơn đói hành hạ, chúng tôi quyết định đi ăn, 1 tiếng sau quay lại, giật mình khi thấy còn lại xe của mình trơ trọi trên vỉa hè, gã trông xe đã mất dạng từ lúc nào.

Doanh nghiệp cũng "ngán" trùm thầu

Quả đúng như câu "đất có thổ công", nó càng thêm có giá trị với câu chuyện "giữ đất" để trông xe của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Sự là, cách đây mấy tháng, Công ty này được Sở GTVT Hà Nội cấp phép khai thác điểm đỗ xe ở một phần đất trên đường Nguyễn Khang (đoạn dọc theo sông Tô Lịch). Nhưng khi bắt tay vào triển khai thì bị các đối tượng "xăm trổ đầy người" đến quấy rối, với lý do đất này trước đây đã được chúng quản lý để trông giữ xe, nên không có phận sự cho doanh nghiệp vào cướp mất miếng mồi béo bở. Không những đe dọa, các đối tượng này còn ra tay hành hung nhân viên của công ty vì dám trông xe. Cực chẳng đã, Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội phải cầu cứu đến công an thì các đối tượng này mới buông tha.

Chia sẻ với PV Nguoiduatin.vn, bà Nguyễn Thị Thanh Lam, PGĐ Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho hay: Bất cập hiện nay chính là việc cấp các điểm đỗ tràn lan. Nhiều điểm, chủ yếu do cấp quận cấp, các chủ thầu khi trúng lại đã bán cái cho một cá nhân khác, khiến cho việc lạm thu phí trông xe ngày càng loạn.

Để minh chứng cụ thể, bà Lam lấy quận Hoàn Kiếm là một ví dụ: Theo quy chế khoán của quận thì một m2 vỉa hè, chủ thầu phải thu từ 25 - 45.000 đồng/ngày tùy khu vực. Đó là một bất cập có thể nhận thấy nếu cứ thu đúng giá nhà nước quy định thì làm sao nhà thầu có lãi sau khi trừ đi các chi phí như: Lương, quần áo cho người lao động và chi phí lót tay. Vì thế, bù vào đó sẽ là chuyện thu phí cao gấp 2 - 3 lần, thậm chí là đến 5 lần so với quy định là điều có thể hình dung ra.

Đáng lo ngại nhất hiện nay mà theo bà Lam, chính là việc các điểm trông giữ xe trái phép mọc lên một cách tràn lan hiện nay. Những điểm đỗ này xuất hiện bất cứ nơi đâu, hễ thấy nhu cầu cần nơi để xe là bọn chúng xuất hiện. Bên cạnh đó các doanh nghiệp sau khi trúng thầu điểm đỗ đã bán lại cho một đơn vị, hay một cá nhân khác với mức giá khá cao, cũng khiến những ông chủ mua lại cái phải cố gắng chặt chém để nhanh chóng thu lời. Nhưng điều mà bà Lam khó hiểu nhất, chính là việc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng, rất dễ để phát hiện ra các điểm trông giữ xe chui, cũng như những điểm đã bán cái. "Nhưng thực tế người dân vẫn bị thu phí với giá cắt cổ mà chẳng thể kêu ai", bà Lam cho biết.

Quỳnh Chi - Vương Trần

Kỳ tới: “Lỗ hổng” từ khâu cấp phép và quản lý?


Tag: cách mô