Nhập viện vì... suy nghĩ quá nhiều

Nhập viện vì... suy nghĩ quá nhiều

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Bác sỹ cảnh báo, nhiều trường hợp khi nhập viện mới biết nguyên nhân do mình quá suy nghĩ, căng thẳng dẫn đến xuất huyết dạ dày, trầm cảm.

Chảy máu dạ dày vì... đạo hiếu dang dở

Sáng thứ 2, tầng 5, khoa Tiêu hóa (bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đông nghịt người đứng ngồi lố nhố chờ đến lượt khám bệnh. Bà cụ tên Miên vừa bước ra từ phòng tái khám, khuôn mặt âu sầu. Được biết, bà đang điều trị xuất huyết dạ dày tại viện được một tuần. Bà Miên 72 tuổi, người gốc Hà Nội nhưng mới chuyển lên Phú Thọ, sống được vài ba năm nay.

Theo lời kể của bà Miên, bà có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Hai vợ chồng bà trước đây làm việc tại một công ty có tiếng của Hà Nội. Số tiền ông bà tích cóp bao nhiêu năm dồn hết để mua nhà cho 3 cậu con trai. Sau khi về hưu, chồng bà mất vì tai biến.

Số tiền bán đất, bà Miên chia đều cho 4 người con. Bà giữ lại một nửa tiền để tiết kiệm phòng lúc tuổi già đau ốm. Thế nhưng, bi kịch xảy ra với bà, khi 3 cậu con trai biết tin mẹ cho cô em út vay riêng 100 triệu lấy vốn làm ăn. Ba người con trai đã "yêu cầu" bà lấy lại số tiền đó và chia đều làm 4 phần. Bà Miên ngậm ngùi, cay đắng nuốt nước mắt vào trong, khi chứng kiến cảnh "nồi da nấu thịt". Cũng từ đó, "bệnh suy nghĩ" của bà ngày càng trầm kha.

Những ngày sống ở đó, lúc trái gió, trở trời, bà ít nhận được sự quan tâm, hỏi han từ con trai cũng như con dâu. Bà sống khép mình và trở nên u uất. Quá phẫn uất, bà bỏ nhà lên Phú Thọ và quyết từ mặt con, sống - chết nơi đất khách quê người.

Vì quá suy nghĩ về con, bà Miên đã năm lần bảy lượt phải vào viện điều trị xuất huyết dạ dày chỉ trong thời gian ngắn.

Xã hội - Nhập viện vì... suy nghĩ quá nhiều

Bà Miên đang vật vã với cơn đau xuất huyết dạ dày.

Bà Miên không phải trường hợp cá biệt nhập viện do suy nghĩ quá nhiều (bình thường người mắc bệnh về dạ dày thường hay gặp ở những người gầy yếu, nghiện rượu, ăn uống thiếu khoa học...). Các bác sĩ khoa Tiêu hóa cho biết, số bệnh nhân điều trị bệnh dạ dày khá lớn, trong số đó có không ít trường hợp phải nhập viện vì viêm dạ dày xuất huyết (viêm dạ dày ăn mòn) do quá suy nghĩ, stress... Suy nghĩ có ảnh hưởng xấu lớn nhất đến dạ dày.

BS.Mai Minh Huệ - khoa Tiêu hóa (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trạng thái stress trong một số bệnh lý có thể gây viêm dạ dày, xuất huyết như suy hô hấp, chấn thương nặng, nhiễm khuẩn huyết... Tổn thương ăn mòn niêm mạc và xuất huyết thường xảy ra trong vòng 18 giờ sau khi bị stress. BS.Huệ khuyến cáo, khi gặp các biểu hiện chán ăn, buồn nôn, đau vùng thượng vị, đi ngoài phân đen..., bệnh nhân cần phải nhập viện ngay, nếu tự ý điều trị ở nhà có thể gây chảy máu nhiều, dẫn đến tử vong.

Suy nghĩ lắm cũng vào viện tâm thần

Trong lần tiếp xúc với BS. Nguyễn Văn Dũng (viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - bệnh viện Bạch Mai), tôi được nghe kể nhiều trường hợp mắc tâm thần vì những lý do có vẻ... ngớ ngẩn như suy nghĩ quá nhiều, stress... Bác sĩ Dũng chia sẻ: "Trước đây, nhiều bệnh nhân nhập viện bởi những biểu hiện "nghiện", tức là có sở thích gì đó thái quá được xem là một hành vi bất ổn của con người như nghiện mua sắm, nghiện giảng dạy, nghiên cứu...

Tuy nhiên, trong nền y học hiện đại bây giờ, đó là một loại bệnh, chứ không đơn thuần là tính cách như nhiều người vẫn nghĩ". Nhưng ấn tượng nhất với tôi lại là câu chuyện về những người mắc chứng tâm thần vì nghĩ quá nhiều.

Xã hội - Nhập viện vì... suy nghĩ quá nhiều (Hình 2).

Rất đông bệnh nhân đang chờ đến lượt khám.

BS. Dũng kể lại: "Tôi đã chứng kiến một bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì rối loạn tâm thần với những biểu hiện trầm cảm, lo âu... Bệnh nhân này vốn học rất giỏi, có hai bằng đại học trong tay nhưng khi ra trường lại không kiếm được công việc theo ý muốn. Vì quá suy nghĩ về công việc, cậu thanh niên này đã rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần. Bệnh nhân luôn nghĩ mình là số một nên khi không tìm được việc làm, cậu thanh niên đã bị cú sốc tâm lý và phải nhập viện điều trị".

Trong những lần tiếp xúc bệnh nhân, BS. Dũng có nhiều ấn tượng với một thanh niên tên Nguyễn Thanh T. (Ba Đình, Hà Nội). Chàng thanh niên này nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần. Tốt nghiệp phổ thông, bố mẹ đầu tư cho T. đi du học tại Singapore. Sau 4 năm du học trở về nước, T. xin vào làm tại một doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Từ thời còn du học, T. chỉ biết vùi đầu vào học hành.

Ra trường, công việc cũng trở thành niềm đam mê lớn nhất của anh. T. suốt ngày vùi đầu vào sổ sách, lên kế hoạch với đối tác... Lịch làm việc dày đặc khiến T. bị căng thẳng tột độ. Lúc nghỉ ngơi, ăn uống, T. đều chỉ nghĩ đến công việc, thậm chí quên cả gia đình. Điều này làm cuộc sống của T. hoàn toàn bị đảo lộn và gây cho cậu những khó khăn về cảm xúc.

BS. Dũng bảo rằng: "Người nhà T. phàn nàn, không có nhiều thời gian cho công việc, T. lúc nào cũng gắt gỏng, khó ngủ, ăn không ngon miệng, hay ngồi im lặng một mình, vẻ mặt mệt mỏi, thờ ơ với các hoạt động xung quanh. Không dừng lại ở đây, các hoạt động xã hội bình thường của cậu cũng giảm sút, cậu ít tiếp xúc với mọi người, thậm chí mối quan hệ của cậu với các thành viên trong gia đình trở nên bất hòa. Khi T. được đưa vào viện, bác sĩ chẩn đoán là rơi vào trạng thái bị cưỡng bức bởi xung động quá mức, vì nghĩ quá nhiều đến công việc, stress cao độ".

BS. Dũng cho biết thêm, mỗi người vào điều trị tại viện đều có những rối loạn khác nhau. Tình trạng rối loạn hành vi được điều khiển bởi các xung động cưỡng chế mà người mắc phải không thể kiểm soát được. Người mắc xung động công việc thường bị thôi thúc bởi cảm giác phải làm việc.

trường hợp vì "nghiện" dạy học mà phải vào viện điều trị. Đó là một thanh niên trạc 30 tuổi, giáo viên giỏi, đông học sinh đến xin học phụ đạo. Anh này đã không kể ngày đêm giảng dạy và hướng dẫn, quên đi sự chăm sóc cho cơ thể của mình, ăn uống qua loa.

Dần dần sức khỏe suy nhược, cơ thể rối loạn các chu trình sinh học, mất ăn mất ngủ, tính tình thay đổi, cáu giận vô cớ, tự cho rằng mình là người tài giỏi, làm được mọi thứ, nên thích nói và muốn giảng dạy chỉ bảo cho người khác suốt ngày.

Ngân Giang