Nhật ký người đàn bà 6.000 ngày

Nhật ký người đàn bà 6.000 ngày "làm vợ" xứ người

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Những giọt nước mắt cứ lăn vội vã trên khuôn mặt nhăn nhó khi đọc lại những trang nhật ký của cuộc đời mình. Cuốn nhật ký của người đàn bà có 16 năm "làm vợ" xứ người rồi bây giờ lang bạt kỳ hồ như để "ghẹo đời" thêm một lần nữa.

Trong cái rét lạnh như cắt da cắt thịt mà đôi bàn tay gầy guộc, nhỏ bé của chị Nguyễn Thị Từ - người đàn bà có số phận éo le, bất hạnh cứ thoăn thoắt đưa những chiếc bát, cái chén rửa chúng sạch sẽ. Hiện, chị đang làm phụ giúp việc tại một quán cơm bình dân ở Thủ đô.

Pháp luật - Nhật ký người đàn bà 6.000 ngày 'làm vợ' xứ người

Chị Nguyễn Thị Từ

Đầu đời vác nặng nỗi đau

Chị Từ (SN 1959), ở thôn Đinh Ninh, xã An Bài (Quỳnh Phụ- Thái Bình). Người đàn bà ở cái tuổi 52 đang vật lộn với cuộc sống ở chốn thị thành mà chị than rằng cuộc đời bây giờ chẳng khác gì tứ cố vô thân. Là con gái duy nhất trong gia đình có 5 người con, nhà có “truyền thống nghèo” nên lần lượt 5 chị em chia tay con chữ để làm mướn nuôi miệng.

Năm 21 tuổi, cả gia đình thực hiện "kế hoạch li hương", bán sạch nhà cửa, vườn tược chuyển vào tận Kiên Giang. Thời điểm đó, Nguyễn Thị Từ đang làm công nhân nhà máy nhiệt điện Phả Lại ở Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên-PV) nên quyết định không tham gia cái "kế hoạch" của gia đình. Hơn một năm sau, Nguyễn Thị Từ xao xuyến với mối tình đầu. Đối tượng là người đàn ông lịch lãm, hiền từ, khéo léo quê ở Hưng Yên, hơn Từ nửa giáp. Nhưng phải cò cưa mãi đến năm 26 tuổi chị mới lẽo đẽo bước về nhà chồng. Tôi nói lẽo đẽo bởi cái đói, cái nghèo khiến đám cưới của chị u ám tựa trong "Vợ nhặt" của Kim Lân. Chẳng hoa đèn, kèn nhạc hay kiệu hoa mà chân đất, áo rách về nhà chồng.

Gia đình chồng cũng "môn đăng hộ đối" khi cùng cảnh nghèo đói lại đông con. Sai lầm lớn của Từ là sau khi lấy chồng chị quay mặt với mức lương công nhân hậu hĩnh lúc ấy là 550 nghìn đồng/tháng để về nhà cày kéo. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, không hiểu sao khi đứa con đầu lòng ra đời thì bỗng dưng chồng Từ thay tính đổi nết. Chị hết thời được hạnh phúc, được yêu thương và bị hắt hủi, đối xử bạc bẽo. Người chồng vũ phu mượn rượu để dạy vợ một cách vô cớ lại được sự "cổ vũ" nồng nhiệt của bà mẹ chồng. Từ không dám khóc bởi theo như chị kể là cứ khóc là no đòn. Đêm nằm ôm con mà nước mắt thấm ướt đẫm áo đứa bé. Mấy người em ở xa biết chuyện nhiều lần khuyên chị ra tòa ly dị nhưng chị vẫn cắn răng cam chịu.

Đỉnh điểm của sự đắng chát, đau đớn là người chồng công khai quan hệ với một phụ nữ khác cùng quê và đã có với nhau một mụn con. Chị ngửa cổ than trời, giọt nước mắt thấm nhòe cái đơn ly dị gửi ra tòa. Năm 1988, đơn ly dị của chị được tòa án chấp nhận. Đúng theo nguyện vọng, đứa con trai được tòa xử cho chị chăm sóc, nuôi nấng. Nhưng khi về người mẹ chồng đã giấu đi đứa cháu không cho chị tiếp xúc. Người chồng liên tục đe dọa chém giết, đuổi đánh quanh làng. Chị nuốt nước mắt vào lòng ra đi với hai bàn tay trắng.

Không có tiền chị lang thang, vật vạ ngoài đường khiến cho thân tàn ma dại. Người qua đường cám cảnh, thương hại nên mỗi người cho vài đồng. Gom nhặt, chị bắt xe lên Lạng Sơn cầu cứu người bạn cũ thời làm công nhân. Ở đây, chị tình cờ quen được một người phụ nữ “tốt bụng” tên Nguyễn Thị Tình hứa sẽ giúp chị tìm được một công việc có chỗ ở đàng hoàng và mức lương xứng đáng. Đang trong lúc túng quẫn chị không thể ngờ đó là cái bẫy của kẻ buôn người quỷ quyệt. Sau múi bưởi mát lành và giấc ngủ dài sâu chị giật mình nhổm dậy, bên cạnh chị là một người đàn ông tật nguyền nói tiếng Trung Quốc.

Gần 6.000 ngày tủi nhục ở xứ người

Khi nhận ra mình bị bán sang Trung Quốc cho một người đàn ông tàn tật sống một mình trong ngôi nhà rách nát, chị òa khóc. Người đàn bà tiều tụy run lên bần bật, nỗi tủi nhục lớn hơn cả sự sợ hãi. Sáng khóc, chiều khóc, đêm cũng lại khóc, khóc đến ngất lịm đi cho đến khi tỉnh dậy nước mắt lại rơi.

Một thân một mình nơi xứ người, mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm. Ý định trốn thoát về Việt Nam hiển hiện ngay trong đầu nhưng bên người không có một đồng xu dính túi lại mù tịt đường đi lối lại nên đành bất lực. Khi thấy mình không thể về Việt Nam, ngày nào tôi cũng khóc. Khóc vì nhớ cha mẹ, nhớ các em, khóc vì thương cho phận bạc mệnh. Nhưng kì lạ người chồng tàn tật đó lại rất tốt với tôi”, chị vừa khóc vừa kể.

Thế rồi chị nhắm mắt làm vợ người đàn ông tật nguyền ấy trong nỗi đắng xót nghẹn ngào. Người đàn ông hơn chị 14 tuổi, bị tật một chân đi phải chống nạng, không anh em, chẳng họ hàng sống độc thân một mình trong ngôi nhà liêu xiêu, rách nát. “Nhà ông ấy nghèo lắm. Cũng cấy lúa, làm hoa màu như ở Việt Nam. Thời gian đầu ông ấy bắt tôi ra đồng làm theo ông ấy, ông ấy làm gì tôi làm đấy rồi cũng thành quen”, chị kể.

Đáp lại lòng tốt của người đàn ông xa lạ, năm 1990, chị sinh cho ông ta một đứa con trai. Nỗi tủi nhục như vơi bớt đi phần nào khi nghe tiếng con trẻ và "người chồng" vẫn ngày ngày chống nạng ra đồng. Thời gian thấm thoắt trôi đi, năm 1994, chị khẩn cầu xin chồng cho về Việt Nam thăm cha mẹ. Sợ mất vợ, người đàn ông tàn tật nhất định không đồng ý. Chị lại khóc ngày này qua ngày khác đến dại người. Nước mắt làm ông ta mềm lòng nên đến cuối tháng 11 năm ấy chị cũng được về quê hương sau khi thề thốt những lời độc địa. Về tới Việt Nam việc đầu tiên là chị nói cho gia đình biết việc mình bị lừa sang Trung Quốc và muốn tố cáo kẻ đó với công an. Nhưng lạ thay cả gia đình ai cũng ậm ừ chẳng nói câu nào rồi cứ nhấm nhẳng "con kiến mà kiện củ khoai". Chị lại đành lòng nhẫn nhục.

Về quê thấy người cũ, cảnh cũ, anh chị em vẫn nghèo khó, con cháu ốm đau dặt dẹo chị lại thấy đau xót. Giữ lời hứa với người đàn ông ở bên kia biên giới, chị lại quyết định tạm biệt bố mẹ, anh em quay trở lại Trung Quốc.

Năm 1997, hay tin bố mẹ mất, chị lại nài nỉ người chồng được về quê để thắp hương cha mẹ. Lần thứ hai chị về Việt Nam nhưng lúc này gia đình, dòng họ lại nhìn chị bởi ánh mắt khinh bỉ, coi thường. Họ nói chị là đứa con hư hỏng, bất hiếu, kẻ ngu muội, khiến chị như xát muối vào ruột gan. Ôm những lời nói mỉa mai, lời nói phũ phàng chị lại lầm lũi vượt biên sang Trung Quốc.

9 năm sau ngày trở về quê lần thứ hai, tức là 16 năm sống với người đàn ông tật nguyền và một đứa con trai sắp bước sang tuổi trưởng thành. Một buổi sáng tinh sương, người đàn ông lật đật ngồi dậy dúi vào tay chị 100 trăm Nhân dân tệ (tương đương gần 2 triệu đồng Việt Nam-PV) và một câu nói tỉnh queo: "Cô có thể về Việt Nam và không cần trở lại nữa". Số tiền ấy được mặc định là công sức của chị làm việc trong thời gian 16 năm qua và trả ơn nghĩa vì đã sinh cho ông ta một đứa con. Chị thấy tủi nhục khôn cùng như một người rơi xuống vực thẳm. Cùng cực, năm 2006 chị về Việt Nam chấm dứt 16 năm "lưu đày" trên đất khách.

Về quê hương, chị trở nên bơ vơ lạc lõng, không có chốn nương thân sống trong cảnh "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường". Lân la khắp các vỉa hè, chị được một người bán nước giới thiệu làm ô sin cho một gia đình ở Đông Anh. Hết "hợp đồng" chị lại đi rửa bát thuê ở tận Xuân Hòa -Vĩnh Phúc. Những tháng ngày long đong, lận đận khiến thân chị Từ cứ như bèo trôi sông dạt đi hết nơi này đến nơi khác. Rồi cho đến một ngày chị gặp đứa con với người chồng cũ, niềm ao ước mong mỏi suốt hơn chục năm trời của chị bỗng tan theo mây khói khi đứa con trai lạnh nhạt, thờ ơ.

Bước sang tuổi 52, tóc nhuộm màu mây, bao nhiêu cay đắng, khổ ải chị đều tự mình gồng gánh, nhưng ngay cả một chốn nương thân cũng không có đành lòng lang bạt kỳ hồ làm mướn để tá túc qua ngày.

Mỗi đêm, khi ánh đèn đường bật sáng vàng vọt chị lại lúi húi với công việc dọn dẹp cho một quán ốc trên đường Lê Đức Thọ-Hà Nội. Mấy hôm trời trở lạnh tôi đi ngang qua thấy người đàn bà ấy cứ co ro, lầm lũi giữa thành đô nhộn nhịp, cuồng quay. Đưa đôi bàn tay bong tróc, viêm loét đang ngày ngày bị nỗi đau gặm nhấm. Chị chua chát nói với tôi rằng: "Đằng nào cũng đau, đời tôi đau nhiều rồi, thà cứ để cho nó đau thì hơn”. Rồi chị lẳng lặng cúi đầu, tôi biết chị lại khóc.

Thùy Việt


Cùng chuyên mục

Tạm giữ 8 đối tượng trong đường dây ghi số đề ở Đắk Lắk

Thứ 2, 29/04/2024 | 16:05
Đường dây ghi số đề hoạt động rất tinh vi, các đối tượng không nhận phơi đề trực tiếp mà sử dụng ứng dụng Telegram để chuyển và nhận phơi đề…

Khởi tố kẻ bán ô tô rồi đưa chìa khóa cho em trai đi trộm lại

Thứ 2, 29/04/2024 | 15:26
Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Nghệ An, Công an Tp.Vinh đang thu thập, củng cố hồ sơ, khởi tố 2 đối tượng là anh em ruột về hành vi “trộm cắp tài sản".

Đồng Nai: Bắt giữ đối tượng đốt 4 xe máy trên xe đặc chủng của CSGT

Thứ 2, 29/04/2024 | 08:30
Người đàn ông vi phạm nồng độ cồn đã tự ý trèo lên thùng xe tải chuyên dụng của CSGT và đốt chiếc xe máy của mình. Ngọn lửa bùng phát, lan sang các phương tiện khác.

Huế: Nam thanh niên tông vào CSGT khi bị dừng xe để kiểm tra

Thứ 2, 29/04/2024 | 06:05
Khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, Phạm Ngọc An đã bất ngờ tông thẳng xe máy vào người trung tá Minh khiến chiến sĩ này bị thương phải nhập viện.

Bắt đối tượng đánh người thương tích rồi trốn nã

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:55
Sau khi biết mình bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Cố ý gây thương tích, Nguyễn Dương Tùng đã bỏ trốn nhưng không thoát khỏi sự vây bắt của lực lượng công an.
     
Nổi bật trong ngày

Hành trình lật mặt kẻ thủ ác vụ án sát hại người tại Đồng Nai

Chủ nhật, 28/04/2024 | 09:08
Đối tượng ra tay giết người tình là bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Khởi tố kẻ bán ô tô rồi đưa chìa khóa cho em trai đi trộm lại

Thứ 2, 29/04/2024 | 15:26
Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Nghệ An, Công an Tp.Vinh đang thu thập, củng cố hồ sơ, khởi tố 2 đối tượng là anh em ruột về hành vi “trộm cắp tài sản".

Đồng Nai: Bắt giữ đối tượng đốt 4 xe máy trên xe đặc chủng của CSGT

Thứ 2, 29/04/2024 | 08:30
Người đàn ông vi phạm nồng độ cồn đã tự ý trèo lên thùng xe tải chuyên dụng của CSGT và đốt chiếc xe máy của mình. Ngọn lửa bùng phát, lan sang các phương tiện khác.

Lâm Đồng: Bắt giám đốc trốn truy nã 22 năm

Chủ nhật, 28/04/2024 | 13:22
Sau 22 năm trốn lệnh truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phạm Văn Bộ đã thay tên đổi họ, làm giám đốc 3 công ty trước khi bị công an bắt giữ.