Những bí ẩn về loài ếch cây... kỳ lạ ở Lâm Đồng

Những bí ẩn về loài ếch cây... kỳ lạ ở Lâm Đồng

Thứ 2, 25/03/2013 | 19:06
0
Loài ếch kỳ lạ được gọi với cái tên ma cà rồng vì trong miệng chúng xuất hiện hai chiếc "răng nanh" từ khi còn là nòng nọc.

Thời gian vừa qua, các nhà khoa học về động vật trong nước và thế giới vô cùng ngạc nhiên trước sự kiện nhóm các nhà nghiên cứu của bảo tàng Úc, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) và bảo tàng lịch sử tự nhiên bang North Carolina (Mỹ) phát hiện ra loài ếch ma cà rồng vô cùng quý giá và kỳ lạ ở Việt Nam. Thông tin đặc điểm sinh học của loài ếch này được nhóm các nhà khoa học trên công bố trên tạp chí động vật học Zootaxa về một loài thú mới được phát hiện tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) có tên là ếch cây ma cà rồng.

Việt Nam Xanh - Những bí ẩn về loài ếch cây... kỳ lạ ở Lâm Đồng
Răng nanh kỳ lạ của ếch cây ma cà rồng

Mọc "răng nanh" như ma cà rồng

Theo ông Lê Văn Hương, giám đốc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, trong vài năm trở lại đây, các nhà khoa học đã phát hiện một số loài động vật và thực vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Núi Bà. Điều này khiến không chỉ dư luận trong nước mà cả nước ngoài rất quan tâm. Tuy nhiên, loài ếch cây ma cà rồng được phát hiện nhận được sự chú ý hơn cả. Bởi, những đặc điểm sinh học kỳ lạ mà không loài ếch nào có được.

Nhiều nhà khoa học nghiên cứu về các loài động vật lưỡng cư cho biết, ếch cây ma cà rồng còn được gọi là ếch cây quỉ, tên khoa học là Rhacophorus vampyrus. Sở dĩ loài ếch này được gọi ma cà rồng là do trong giai đoạn nòng nọc, miệng của chúng mọc hai chiếc "răng nanh" có màu đen. Hai chiếc răng này sẽ ngày càng lớn và thò ra ngoài giống hình tượng con quỷ hút máu người trong huyền thoại văn hóa phương Tây. "Loài ếch cây ma cà rồng được phân biệt với nhiều loài khác bởi trên lưng chúng có màu nâu nhạt và đỏ gạch; họng, ngực và bụng có màu trắng; hai bên sườn, trước và sau đùi có màu đen; giữa các ngón chi trước và chi sau có màng da màu xám đến đen", thạc sỹ Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia nghiên cứu động vật lưỡng cư tại TP.HCM cho biết.

TS. di truyền học Nguyễn Công Thoại (trường ĐH Đà Lạt), người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực đa dạng sinh học tại Lâm Đồng cho biết: "Loài ếch cây ma cà rồng có đặc điểm sinh tồn khá kỳ lạ. Chúng là loài ếch sống trên cây, sử dụng màng kết dính giữa các ngón trên tứ chi để có thể bay từ cây này sang cây khác. Trong một số trường hợp, tứ chi có màng kết dính sẽ giúp loài ếch bay trong không trung từ địa điểm này sang địa điểm khác hoặc để tránh bị kẻ thù ăn thịt. Hiện loài ếch cây này vừa chỉ mới được phát hiện tại Việt Nam và được coi là một loài đặc hữu của khu vực cao nguyên Lâm Viên (Việt Nam) ở độ cao trên 1.400 - 2.000m. Đây là loài ếch cây thứ 17 thuộc giống Rhocophorus được phát hiện, sau 16 loài ếch khác đã được phát hiện ở Việt Nam".

TS. Jodi J. L. Rowley, nhà nghiên cứu động vật ở bảo tàng Úc, người trong nhóm nghiên cứu quốc tế phát hiện ra loài ếch này cho biết: "Tôi đã tới Việt Nam và một số vùng núi hẻo lánh khác ở Đông Nam Á để nghiên cứu về các loài động vật lưỡng cư, trong đó có loài ếch. Tại Việt Nam, tôi và các nhà khoa học đến Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) khảo sát thực địa và phát hiện ra loài ếch này. Khi mới được phát hiện, chúng tôi thấy loài ếch này rất đẹp nhưng không có những đặc điểm khác thường. Tuy nhiên, thu thập được một số nòng nọc và quan sát dưới kính hiển vi, chúng tôi mới phát hiện được điều cực kỳ thú vị. Những con nòng nọc có hai chiếc răng nanh màu đen cong chìa ra khỏi miệng. Cái tên ếch "ma cà rồng" bắt nguồn từ đó. Dù có những chiếc răng nanh nhưng dĩ nhiên loài ếch này không hút máu như ma cà rồng. Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa biết rõ tại sao nòng nọc có răng nanh".

Việt Nam Xanh - Những bí ẩn về loài ếch cây... kỳ lạ ở Lâm Đồng (Hình 2).

Ếch cây ma cà rồng

Kỳ lạ cách sinh sản của ếch "bay"

Theo các tài liệu nghiên cứu về loài ếch cây ma cà rồng, nòng nọc của chúng có đặc điểm sinh học kỳ lạ nhất từ trước đến nay. Đó là việc phát triển từ những quả trứng treo trong đám bọt trên thành hốc cây. Theo bài báo khoa học của PGS.TS Hoàng Đức Huy, Phó trưởng khoa sinh học, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nòng nọc của loài ếch này sống trong thân cây có hình dáng kỳ lạ, khác hẳn 79 loài cùng họ. Loài nòng nọc này được phát hiện ở độ cao 1.500 - 2.000m tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Các nhà khoa học đã phát hiện ra điều kỳ lạ trên từ những quả trứng treo trong đám bọt trên thành hốc cây đã phát triển thành nòng nọc.

TS. di truyền học Nguyễn Công Thoại cho biết: "Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về loài nòng nọc này (cụ thể là PGS.TS Hoàng Đức Huy) cho thấy, cơ thể của chúng dẹp, dài, có đặc điểm giống với nòng nọc của một số loài ếch sinh sản trên cạn. Điều đặc biệt, môi trên của loài nòng nọc này tiêu giảm thành cấu trúc như hai mấu thịt ở mỗi bên. Đọc các tài liệu nghiên cứu về loài nòng nọc của ếch ma cà rồng sẽ thấy cách ăn uống của chúng rất độc đáo và kỳ lạ. Loài nòng nọc này có ruột không xoắn đôi như các loài nòng nọc khác mà hình thành một cái túi ở bên trái khoang bụng. Chúng sẽ ăn trứng dinh dưỡng do ếch mẹ đẻ ra. Trứng dinh dưỡng sau đó được chúng lột bỏ lớp keo jelly bằng hai móc (nanh) môi dưới rồi đưa vào chứa trong túi này để tiêu hoá. Ở nòng nọc lớn, chúng có thể nuốt nguyên những quả trứng dinh dưỡng mà không cần sử dụng các móc môi dưới (vì đã biến mất). Tất cả đặc điểm này cho thấy, loài nòng nọc này ăn trứng và mẹ của chúng thường xuyên quay lại đẻ trứng dinh dưỡng để nuôi chúng.

Một số nhà khoa học nghiên cứu về các động vật tại Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà nghiên cứu của bảo tàng Úc, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) và bảo tàng lịch sử tự nhiên bang North Carolina (Mỹ) rất được cộng đồng khoa học quan tâm. Trong đó, đặc điểm di chuyển của loài nòng nọc này được quan tâm hơn cả. Thạc sỹ Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia nghiên cứu động vật lưỡng cư tại TP.HCM cho biết: "Các cuộc khảo sát thực tế của các nhà khoa học đã phát hiện loài nòng nọc này sinh trưởng từ trứng được ếch mẹ đẻ vào trong các đám bọt tại những hốc nước trên thân cây. Loài ếch cây ma cà rồng rất kén chọn nơi đẻ trứng. Thông thường, chúng sẽ lựa chọn làm tổ đẻ thường là những cây gỗ lớn có nhiều rêu phát triển ở rừng thường xanh núi cao. Bên cạnh đó, dưới đáy hốc nước trên thân cây phải có lớp cặn bã hữu cơ và một số loài giun sống trong đó. Khi chọn được nơi đẻ trứng, loài ếch cây ma cà rồng sẽ sử dụng nhiều lần trong các mùa sinh sản khác nhau.                           

Điều kỳ lạ

Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Tuấn, quá trình sinh trưởng của nòng nọc ếch cây ma cà rồng sẽ ở trong hốc nước trên thân cây. Nòng nọc thường bất động dưới đáy hoặc bơi chậm, trong một số trường hợp sẽ rời khỏi lớp đáy cặn bã hữu cơ. Mỗi khi di chuyển, loài nòng nọc này sẽ vặn mình như rắn thay vì búng như các loài nòng nọc khác. Ngoài ra, một điều kỳ lạ khiến nhiều nhà khoa học chưa thể giải thích được là xung quanh nơi sinh sống của ếch cây ma cà rồng thường xuất hiện rất nhiều loài ếch sinh sản ở suối và trực sinh (sinh sản trực tiếp ra ếch con).

Hai chiếc răng nanh vẫn là điều bí ẩn

Nhóm các nhà nghiên cứu của bảo tàng Úc, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) và bảo tàng lịch sử tự nhiên bang North Carolina (Mỹ) cho biết, loài ếch cây ma cà rồng có những chiếc "răng nanh" kỳ lạ và dĩ nhiên chúng sẽ không hút máu như ma cà rồng. Hiện các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa biết rõ tại sao chúng lại có răng nanh. Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết được các nhà khoa học đặt ra là, có lẽ chúng sử dụng răng nanh với mục đích có liên quan đến quá trình lớn lên trên hốc thân cây. Bên cạnh đó, một giả thuyết được đặt ra, nòng nọc được sinh ra trong hốc nước trên thân cây (nhỏ bằng nắm tay) nên không có đủ thức ăn. Chính vì vậy, rất có thể, nòng nọc sử dụng răng nanh để tìm kiếm thức ăn. Một số người khác cho rằng, chúng dùng răng nanh để bám vào cây. Nhóm nghiên cứu hiện chưa có bằng chứng xác thực cho các giả thuyết trên và vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hiện tượng này.

 P.PhúcC - T.Nguyên