Những bí ẩn về người Rục ở Quảng Bình

Những bí ẩn về người Rục ở Quảng Bình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Ở miền Tây tỉnh Quảng Bình (nơi giáp ranh với nước bạn Lào), có 3 bản làng nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn. Đó là những bản làng của người Rục dân tộc cuối cùng trong 54 dân tộc Việt Nam được phát hiện ở hang động.

Kỳ 1: Phát hiện “người em út”

Hơn 1 tháng băng rừng, lội suối, ngày 29/2/1959, tổ tuần tra đồn biên phòng Cà Rèng - Óc Sách (nay là đồn biên phòng 585) đã đến được đỉnh đại ngàn Trường Sơn. Lúc đang nghỉ giải lao để tiếp tục chặng đường quay về thay ca, bất ngờ mọi người phát hiện một nhóm người lạ tóc dài quá lưng, không quần, không áo, chỉ che thân bằng những tấm vỏ cây sơ sài.

Để tìm hiểu, thiếu tá Nguyễn Văn Cương (trưởng đoàn) đã cho tổ tuần tra bí mật tiếp cận lán cư trú của họ. Khi phát hiện ra các chiến sĩ biên phòng, cả nhóm người lạ khiếp sợ, bỏ chạy toán loạn vào rừng sâu lẩn trốn. Phải vất vả tìm kiếm, lần mò theo từng dấu vết, tổ tuần tra mới biết được chốn trú ẩn mới của nhóm người ấy. Đó là một hang động bí hiểm nằm sâu hun hút trong dãy núi đá vôi ở đỉnh Trường Sơn. Rút kinh nghiệm lần trước, đợt này sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, mọi người quyết định đánh dấu vào cửa hang rồi quay về đồn, báo cáo lại sự việc cho ban chỉ huy.

Xã hội - Những bí ẩn về người Rục ở Quảng Bình

Hang Cà Rung- nơi “định cư” của đồng bào Rục trước đây

Ngày 17/5/1959, đồn biên phòng Cà Rèng - Óc Sách đã kết hợp với lực lượng công an tỉnh Quảng Bình và già làng dân tộc Mày lên đường vào rừng sâu, thực hiện cuộc tìm kiếm lại nhóm người lạ. Sau bao ngày lấn rừng, gian nan vất vả, cuối cùng đoàn công tác cũng đến được cửa hang - nơi đã đánh dấu trước đây. Nhưng thật bất ngờ, khi các chiến sĩ biên phòng, công an vào hang để tìm hiểu thì không còn một bóng người. Qua những gì để lại cho thấy, nhóm người lạ đã rời bỏ hang, đi nơi khác cách chừng nửa tháng.

Đoàn công tác một lần nửa lại phải tìm tung tích của nhóm người đó giữa bạt ngàn rừng núi Trường Sơn. Sau 3 tháng “mò kim đáy bể”, ngày 12/8/1959, đoàn công tác lại phát hiện ra nhóm người ấy đang “định cư” trong một hang động cách nơi ẩn trú lần trước chừng 5km (đường chim bay) về phía tây.

Xã hội - Những bí ẩn về người Rục ở Quảng Bình (Hình 2).

Vợ chồng Hồ Pứa, 2 người rời khỏi hang động

Sau khi bố trí lực lượng chốt chặn chu đáo, thiếu tá Nguyễn Văn Cương và già làng người Mày đã thông dây đột nhập vào hang sâu. Sự xuất hiện của 2 người làm cho cả “đại gia đình” trong hang động bàng hoàng khiếp sợ.

Nhóm người này tự nhận họ là bà con của người Rục (một dân tộc chưa từng có tên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở thời điểm đó). Sau 1 tuần “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để gần gũi và thuyết phục, ngày 19/8/1959, già làng Mày và đoàn công tác đã đưa được “đại gia đình” gồm 34 người Rục ra khỏi hang động.

Đức Dũng

(Còn nữa)

Bài 2: Hành trình hòa nhập cộng đồng