Những bóng hồng trong cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Những bóng hồng trong cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Yêu rồi đau khổ, mất mát cũng nhiều. Giờ đây ông chỉ còn lại một mình trong căn nhà vắng vẻ khi người vợ thứ hai đã qua đời.

Tôi đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào một buổi sáng. Ngôi nhà nhỏ khép mình nằm trong con hẻm yên tĩnh trên đường Trần Khắc Chân, Q. 1, TP.HCM. Ông ngồi trong nhà trông ra, chờ tôi như bao lần khác ông ngồi chờ khách đã có hẹn trước. Nhạc sĩ của những bài ca đi cùng năm tháng, giờ đây đã là ông lão hơn 90 tuổi, đi lại khó khăn sau hai lần bị tai biến. Mỗi ngày còn lại của tuổi già, ông sống với nỗi hoài niệm những chặng đời đã qua của cuộc đời mình. Ở đó có niềm vui, hạnh phúc và có cả những giọt nước mắt buồn thương. Như những dư âm còn lại của cuộc tình hoa mộng đã trôi xa.

Xã hội - Những bóng hồng trong cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Nhạc sĩ "chuyên trị về phụ nữ"

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chia sẻ rằng, với ông, phụ nữ bao giờ cũng là những người đẹp. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác rất nhiều ca khúc về phụ nữ. Điển hình như: Tiễn anh lên đường (1964), Bài ca năm tấn (1967), Cô nuôi dạy trẻ (1980), Bài ca phụ nữ Việt Nam (1970), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (1973), Dáng đứng Bến Tre (1981), v.v. Ông được đồng nghiệp phong cho danh hiệu Nhạc sĩ "chuyên trị phụ nữ".

Trong đó, ca khúc Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa là ca khúc khiến nhạc sĩ nhớ mãi. Đó là quãng thời gian Mỹ quay trở lại đánh phá Hà Nội bằng bom B52. Khi nhạc sĩ tới Hà Bắc, một trong những chiến lũy thép của miền Bắc, nhạc sĩ gặp một bà mẹ đang ngồi vá áo cho bộ đội. Nhìn bà từ phía sau, nhạc sĩ như nhìn thấy hình bóng của mẹ mình thấp thoáng đâu đây. Trong cơn xúc động, nhạc sĩ đã viết nên ca khúc chứa chan nghĩa tình ấy.

Còn như ca khúc Gương mặt Kiên Giang lại là mối tình của nhạc sĩ với một người con gái Kiên Giang. Một cô gái bằng xương bằng thịt. Nhưng bước vào ca khúc này, cô gái hóa thành biểu tượng cho vùng đất Kiên Giang, xinh đẹp và tràn đầy sức sống. Dáng đứng Bến Tre là ca khúc có bóng hình bà Nguyễn Thị Định, người phụ nữ anh hùng mà nhạc sĩ rất cảm phục và yêu mến.

Về người mẹ thân yêu của mình, ông cũng có một ca khúc nói giùm cõi lòng sâu kín của bà. Khi ông nghe bà kể lại về mối tình dang dở đã qua của mình. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ví những cuộc tình dang dở giống như một dòng sông, bên lở thì lở mãi. Đó là những mất mát, đau thương trong lòng mỗi người. Ca khúc ấy đã xoa dịu nỗi niềm chất chứa bấy lâu trong bà, khi người con trai của bà đã thấu hiểu được và nói lên giùm bà bằng những lời ca. Với ông, người mẹ Việt Nam luôn sống bằng tình yêu, tình thương nhiều hơn là bằng lý trí. Chính điều này khiến nhạc sĩ vô cùng yêu mến và trân trọng tấm lòng của những người phụ nữ, những bà mẹ Việt Nam.

Những bóng hồng đi qua cuộc đời

Mối tình đầu tiên, nhiều lãng mạn nhưng cũng đầy trái ngang của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Đó là vào năm 1949, nhạc sĩ có quen biết một cô gái con nhà giàu có ở Nghệ An, quê của ông. Nhưng trớ trêu thay, khi tới nhà, người khiến trái tim của chàng nghệ sĩ tan chảy lại không phải cô gái đó mà là cô em, mới 16 tuổi, với đôi mắt to tròn như nước mùa thu. Một hôm đến chơi nhà, ông đang say sưa nói chuyện với cô chị thì cô em lén đến sau lưng chị, tì cằm vào thành ghế chị ngồi, nghiêng đầu nhìn nhạc sĩ bằng đôi mắt đen láy. Một đôi mắt biết nói. Trong giây phút ấy, trái tim tuổi trẻ nhạy cảm của một nghệ sĩ như ông đọc thấy trong đôi mắt đó đã gửi gắm tất cả những gì say đắm, sâu kín nhất...

Xã hội - Những bóng hồng trong cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (Hình 2).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và vợ, bà Nguyễn Thị Bạch Lê.

Nhưng đó chỉ là mối tình thầm lặng của nhạc sĩ. Sau đó ông bị gia đình này "cấm vận", không cho gặp mặt cô em. Có lần nhớ quá, ông đánh liều tìm tới nhà, nhưng gia đình cô chỉ cho người tiếp ông ở góc sân. Day dứt khôn nguôi, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý viết bài Dư âm - ca khúc nằm lòng của bao thế hệ người Việt Nam yêu tình ca.

Người phụ nữ mà cho đến giờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn thấy thương mến khi nhớ đến người đẹp của tỉnh Nghệ An một thời, tên là Báu. Ngày đó, đang học ghi ta nên hàng đêm nhạc sĩ thường mang ghi ta ra tập đánh. Tiếng đàn khiến cô gái nhà bên mê đắm. Đêm nào cũng ghé sang nhà ông chơi với cô em gái của ông để nghe đàn. Sau này mẹ cô biết chuyện đã cấm cô không được sang nhà ông nữa. Hai tuần sau, có lần ông thấy cô đi ngang nhà ông, với làn da xanh xao của người mới ốm dậy. Lòng ông trào dâng một niềm thương cảm. Nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. Một thời gian sau cô đi lấy chồng.

Sau này, ông có dịp tới thăm vợ chồng cô. Cô Báu có ý muốn mai mối cho nhạc sĩ một cô gái ở gần nhà làm nghề dệt vải. Ông ví cô giống như một búp măng mọc lên giữa bụi tre già. Vài lần đến nhà trò chuyện, cô gái ấy chẳng nói lời nào, chỉ ngồi dệt vải, thỉnh thoảng quay sang tủm tỉm cười. Hồi đó, nhạc sĩ đã không biết rằng khi cô gái cười cũng có nghĩa là cô ấy đã đồng ý. Ông lại nghĩ rằng cô ấy không ưa mình nên không nói lời nào. Vậy là ông trở ra Hà Nội, không một lời từ biệt, cũng không lần nào quay trở lại tìm cô nữa.

Nhưng gần 20 năm sau, trong một hội nghị, bỗng có một người đàn ông đến gặp ông và hỏi ông có phải nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không. Rồi người đàn ông ấy nói giọng trách móc: "Anh có một tội rất lớn. Tội đã làm o (cô) của em chờ đợi hết thời con gái. Mười tám, mười chín năm trời ai hỏi cũng bảo có chồng rồi mà lại không nói người đó là ai".

Người con gái ấy chính là cô gái dệt vải nói gì cũng chỉ mỉm cười ngày nào. Buồn thương cho người, cho mình, ông viết nên ca khúc Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh. Trong đó có đoạn: "Ai hôm nay ra khơi buông lưới/ Mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ/ Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa/ Thương con đò cắm con sào đứng đợi". Rồi giọng ông chua xót: "Mười tám, mười chín năm trời để đổi lấy một chữ thương thôi. Một chữ thương vô nghĩa cho một mối tình không hò không hẹn. Giá như ngày đó cô ấy nói một lời, hoặc giá như bác kiên nhẫn hơn một chút, thì có lẽ cô ấy đã trở thành vợ của bác rồi". Nhắc lại những mối tình vô vọng của tuổi trẻ, ánh mắt mờ đục của ông buồn xa xăm.

Duyên tình nên nghĩa vợ chồng

Hai người phụ nữ chính thức đi cùng ông trên một con đường là hai người vợ quá cố của ông. Năm 1953, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý yêu rồi lập gia đình với một cô gái rất đẹp. Bà sống với ông một năm, sinh hạ một con gái thì qua đời. Bảy năm sau, ông kết hôn với bà Bạch Lê, là vợ thứ hai - em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, cũng có với ông một người con gái. Bà mất năm 2004. Bà là nguồn cảm hứng cho sự ra đời tác phẩm Mẹ yêu con của ông. Nhạc sĩ viết nên bài hát này khi bà Bạch Lê phải nằm ở một cái bè trên sông để tránh bom đạn của giặc lúc đang mang thai cô con gái.

Yêu rồi đau khổ, mất mát cũng nhiều. Giờ đây ông chỉ còn lại một mình trong căn nhà vắng vẻ khi người vợ thứ hai đã qua đời. Trong lúc trò chuyện, nhắc đến những chuyện buồn ông vẫn không kìm được lòng xúc động. Nhưng có lẽ cũng chính đó là nguồn cảm hứng để ông viết nên những ca khúc ở lại cùng thời gian.

Lam Hương