Những kiểu lừa ngoạn mục của kinh doanh trên mạng

Những kiểu lừa ngoạn mục của kinh doanh trên mạng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Tham lam, lại thiếu hiểu biết về thương mại điện tử, không ít người đã bị các trang mạng bán hàng đa cấp núp bóng thương mại điện tử lừa đảo hàng chục triệu đồng.

Tại TP.HCM, khái niệm thương mại trực tuyến không còn xa lạ với người dân. Hiện nay, mô hình kinh doanh trên các trang thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, với hàng ngàn người tham gia mua các gian hàng của một công ty để thực hiện kinh doanh thương mại điện tử.

Tuy nhiên, chính những người tham gia hoạt động này cho biết, nhiều công ty có dấu hiệu mượn danh thương mại điện tử để bán hàng đa cấp trục lợi, với đa số nạn nhân là sinh viên.

Xã hội - Những kiểu lừa ngoạn mục của kinh doanh trên mạng

Một buổi họp mặt bán hàng của một công ty bán hàng đa cấp

Để trống gian hàng, lôi kéo người thân kiếm lời

Theo chân một nhân viên tên Hiền, người mà PV liên hệ trước qua số điện thoại trên một tờ quảng cáo, tôi đến Công ty bán hàng đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy (lầu 2, chợ Phú Lâm, quận Bình Tân, TP.HCM). Tôi phải bỏ ra 20 ngàn đồng để lấy một tấm thẻ “thông hành” vào bên trong. Hội trường khá rộng và luôn náo nhiệt vì những tiếng vỗ tay hô hào của từng nhóm nhân viên quây thành vòng tròn quanh một chiếc bàn. Hầu hết trong số họ đều ăn mặc chỉnh tề, áo sơ mi trắng cài cúc tay, áo vest đen ngoài, đầu chải chuốt, giày đen bóng, rất ra dáng những ông chủ, bà chủ.

Tôi được Hiền giới thiệu về nhiều nhân vật có thu nhập cao và những mặt hàng kinh doanh của công ty. Hiền luôn miệng hứa hẹn về mức thu nhập “khủng” mà tôi sẽ được hưởng khi tham gia vào hệ thống này. Tuy nhiên khi tôi hỏi, “tôi làm gì và sẽ được gì?”, nhân viên này từ chối trả lời vì nói dài lắm, chờ mọi người tập trung lại nói một lần. Lấy lý do có việc đột xuất, tôi ra về thì được một nhân viên khác “hộ tống” ra tận… chỗ giữ xe của chợ Phú Lâm.

Nhiều lần sau đó, Hiền hẹn gặp và muốn mời tôi cùng tham gia làm việc. Hiền giảng giải, nào là người bán hàng đa cấp là những người chủ thực sự mà không cần vốn, vốn là của công ty. Người bán hàng đa cấp là người biết làm chủ bản thân, công việc, làm chủ thời gian. Chỉ cần bán được hàng là mình được chia lợi nhuận như một người chủ thực sự mà không cần góp vốn. Theo Hiền, tôi chỉ cần bỏ ra 1,7 triệu đồng để mua một sản phẩm đồng hồ hoặc áo lót có hạt nano, có thể điều trị được nhiều chứng bệnh phụ nữ với giá 1,8 triệu đồng thì sẽ trở thành nhân viên bán hàng. “Khi đó, anh có quyền kinh doanh tất cả sản phẩm của công ty” - Hiền nói.

Nói là kinh doanh sản phẩm nhưng thực tế, công ty này lôi kéo nhiều người mua sản phẩm với giá cao hơn giá trị thực. Nếu mời được ba người bạn mua hàng thì trở thành đại lý một sao và được hưởng 25% giá trị hàng hóa mà công ty bán ra cho ba người bạn mới của tôi. Một trong ba người bạn của tôi mời ba người khác mua hàng, bạn tôi sẽ lên một sao và tôi lên hai sao, khi đó tôi sẽ được hưởng 30% hoa hồng của giá trị hàng hóa bán ra. Cứ thế, cấp dưới lên sao thì đại lý cũng lên sao, cấp dưới bán hàng có hoa hồng thì cấp trên cũng được hưởng.

Dưới danh nghĩa sàn thương mại điện tử, website muaban24.vn đang bán hàng đa cấp trá hình, kiếm bộn tiền từ nhiều người dân. Trên giao diện trang muaban24.vn có ghi rõ “Sàn thương mại điện tử muaban24.vn, bản quyền thuộc Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến; Trụ sở chính tại Lô 4 khu biệt thự C8 Mỹ Đình 1, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội; Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 53/GXN-TTĐT do Bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 29/06/2011”.

Tuy nhiên, trái ngược với lời quảng cáo, khách hàng vào website có thể dễ dàng nhận thấy, ngoài số lượng mặt hàng ít ỏi hơn so với các trang mua bán trực tuyến khác thì tên danh mục và mặt hàng được giới thiệu tại đây khá “nghèo nàn”. Đặc biệt, quá nửa số gian hàng được trưng ra với những cái tên rất kêu đều bỏ trống, không có sản phẩm nào rao bán, chẳng khác nào kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Trên trang muaban24.vn có rất nhiều gian hàng trống trên. Nhiều danh mục hàng của muaban24 rất khó hiểu như công nghiệp (0 sản phẩm), văn phòng phẩm (0 sản phẩm) đứng liền với các danh mục như sản phẩm truyền thống, đặc sản dân tộc, da bò, da cá sấu, da đà điểu… Tổng số sản phẩm theo hiển thị của trang này là 854 sản phẩm trên 30.000 gian hàng. Gian hàng nào có danh mục thì lại được sắp xếp rất lộn xộn.

Chẳng hạn, trong danh mục “Đặc sản dân tộc” lại rao bán sim, thẻ điện thoại… Hay trong thư mục “Thực phẩm đồ uống” từ trang số 6 đến trang số 9 là một loạt quảng cáo logo của Mobifone. Phần tên sản phẩm ghi các số điện thoại, khi bấm vào mục “chi tiết” để xem thêm thì xuất hiện thông tin người bán, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Hỏi ra mới biết đây là dịch vụ mua bán sim thẻ, số đẹp.

Nhiều người “trắng tay”

Bà Huỳnh Kinh Hồng, Hội bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, cho biết: Hoạt động bán hàng đa cấp không xấu nhưng tại Việt Nam, loại hình này đã bị biến tướng thành một hình thức lừa đảo theo mạng lưới. Hiện nay, trên địa bàn cả nước xuất hiện một số công ty lợi dụng kẽ hở của luật pháp đã mở hình thức kinh doanh bán gian hàng ảo trên mạng mà họ gọi là “thương mại điện tư”ã, nhưng thực chất là một hình thức lừa đảo đa cấp.

Bà Hồng nói thêm, hiện nay, tâm lí chung của nhiều người là muốn tìm kiếm việc làm nhàn rỗi nhưng có mức thu nhập cao. Nhiều công ty bán hàng đa cấp nắm bắt được tâm lý này đua nhau quảng bá về dịch vụ và mức lợi nhuận để thu hút nhân lực. Nguy hiểm hơn, nhiều nhân viên của các công ty này chính là học sinh, sinh viên mới chân ướt, chân ráo lên thành phố. Sau khi nghe những lời lẽ “kẹo ngọt”, các bạn đã sẵn sàng dồn hết tiền để có một chân trong đội ngũ bán hàng.

T.T, sinh viên trường Cao đẳng Vạn Xuân (TP.HCM) cho biết, vì tin lời bạn thân, T., bị lôi kéo vào một trang thương mại diện tử. Và để trở thành hội viên, T. phải mua một bếp điện từ với giá 2,3 triệu đồng. Để có tiền mua sản phẩm, T. đã cầm cố laptop và trở thành thành viên của trang web này. Sau một thời gian, T., nhận ra mình đã bị lừa và để lấy lại số tiền đã mất, T. lại lôi kéo nhiều bạn khác và người thân tham gia. Hậu quả là tiền không thấy đâu, trong khi bạn bè nhìn T. với cái nhìn không tốt, người thân cũng “cạch” mặt T.

Theo phản ánh của chị H., (trú tại đường Trần Khắc Chân, Q.1, TP.HCM), được người quen rủ tham gia kinh doanh thương mại điện tử vừa nhàn, lại dễ kiếm tiền nên chị đồng ý tham gia. Sau vài tháng, chị mới thấy đây thực chất là hình thức bán hàng đa cấp, sản phẩm chính là các gian hàng điện tử trên mạng. “Dành dụm gần nửa năm mới được 5 triệu đồng, giờ bị lừa coi như trắng tay rồi” - chị H., cho hay.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, trưởng ban truyền thông Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết của mọi người về xã hội, thương mại điện tử cũng như các mô hình lừa đảo. "Lòng tham cũng là một lý do khác khiến mọi người dễ bị dụ dỗ tham gia" – ông Bình nói

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho rằng, do mức hoa hồng hấp dẫn và cơ chế phân chia hoa hồng đa cấp, phần lớn những người nộp phí mua gian hàng ảo đều hướng tới mục tiêu thu lợi nhuận từ hoạt động lôi kéo người khác tham gia thay vì để tiến hành kinh doanh trên đó. Theo quy định, Cục không xác nhận đăng ký dịch vụ sàn giao dịch mà trong đó thành viên tham gia môi giới kiếm lợi từ hoa hồng trả cho việc giới thiệu người tham gia. Các doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử để thực hiện điều đó làm tổn hại đến lòng tin của cộng đồng, cản trở sự phát triển của lĩnh vực này.

Công Thư