Niềm khao khát sống ở xóm chạy thận khi xuân về

Niềm khao khát sống ở xóm chạy thận khi xuân về

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Có người vì một lý do nào đó đã tự tước đi mạng sống của mình, cũng có những con người khao khát được sống dù phải sống một cuộc đời lay lắt. Đã lâu rồi, 30 con người tại xóm chạy thận (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) phải oằn mình chống đỡ lại căn bệnh quái ác.

"Thổ công" xóm chạy thận

Xóm chạy thận những ngày cuối năm 2011, không gian nơi đây vẫn không có gì thay đổi, vẫn tĩnh lặng, ảm đạm đến nao lòng. Những thân hình tiều tụy, xanh xao, trong một xóm nghèo, tách biệt khỏi dòng người bận bịu, tất bật trước thời điểm năm cùng, tháng hết... Những con người sống chỉ với mục tiêu trước mắt: “Còn nước còn tát”.

Sở dĩ người ta gọi nơi đây là xóm chạy thận bởi đã mấy chục năm qua, những bệnh nhân thận mãn tính đã tụ nhau lại, thuê nhà sinh sống để chạy thận theo định kỳ. Chúng tôi đến xóm chạy thận vào một buổi chiều đông trời mưa lạnh. Cái lạnh mùa đông khiến cho khung cảnh nơi đây càng ảm đạm và cô độc. Đường đi dẫn vào xóm chạy thận ngoằn ngoèo khó nhớ, giống như cuộc đời cực khổ của những cư dân xóm chạy thận vậy. 30 con người, 30 số phận, họ ăn, ở cùng nhau, chạy thận cùng nhau và cùng một ước mơ được kéo dài sự sống.

Khi chúng tôi tìm đường vào “xóm chạy thận”, tình cờ gặp được chị Nguyễn Thị Hải, 29 tuổi, quê Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), một người được coi như "thổ công" của xóm. Đã 10 năm nay, chị Hải gắn bó với nơi đây. Từ trong thâm tâm, chị coi bệnh viện, xóm chạy thận như ngôi nhà thứ hai của mình.

Trên đường dẫn chúng tôi vào xóm, chị Hải tâm sự: "Năm 19 tuổi, đang học lớp 12, chị mắc phải căn bệnh quái ác này. Lúc đầu thường xuyên thấy đau lưng, vì gia đình làm nông nên cứ tưởng đi cấy, đi gặt nên bị đau. Ai ngờ, mấy tháng sau, tình trạng càng trở nên tồi tệ, đau quá không chịu được, mẹ chị dẫn lên bệnh viện Hà Nội khám. Gia đình tá hỏa khi phát hiện ra chị bị viêm cầu thận mãn tính. Từ lúc đó, chị đã thuê nhà ở đây để thuận tiện cho việc chạy thận. Thấm thoát cũng đã 10 năm rồi".

Chị Hải cho biết thêm, cũng có nhiều người gắn bó với xóm chạy thận gần 20 năm trời. Để có thêm tiền kéo dài sự sống, ban ngày những cư dân trong xóm chạy thận phải đi làm thuê. Người khỏe hơn thì đi ve chai, người thì bán trà đá ngoài cổng viện, người thì đánh giày...

"Chị bán trà đá được 8 năm ở đây rồi. Cứ sáng sớm dọn hàng ra cổng viện bán đến 10h tối lại thu hàng. Khi nào đến ca chạy thận thì lại nhờ người trông giúp. Chạy thận xong, nghỉ ngơi một chút rồi lại ra bán hàng", chị Hải chia sẻ.

Xã hội - Niềm khao khát sống ở xóm chạy thận khi xuân về

Căn phòng thuê của những bệnh nhân ở xóm chạy thận

Đến làng chạy thận, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những dãy nhà cấp bốn xập xệ, san sát nhau, mờ mờ tối như chính tương lai của gia chủ. Họ không bật đèn vì tiết kiệm điện. Bên trong, những bức tường màu xanh xám bụi bặm. Trần nhà được che chắn bởi những tấm cót ép mỏng. Do lâu ngày, nhiều tấm cót đã bị mục nát. Tuy nhiên, đây lại là nơi sinh sống lý tưởng của những cư dân xóm chạy thận.

Trước mặt chúng tôi là bác Trần Viết Thành, 54 tuổi, quê Sơn La, người đã ăn 12 cái Tết tại xóm chạy thận. 12 năm trước, cơ thể bác Thành bị căn bệnh căn bệnh suy thận mãn tính đánh "sập". Gia đình đưa lên Bệnh viện Bạch Mai khám chữa và cũng từ đó bác ở lại đây luôn. Khuôn mặt xanh xao, những nếp nhăn khiến bác Thành già trước tuổi.

Được biết, để có thêm tiền phụ giúp gia đình mua thuốc thang, bác Thành hàng ngày đi lượt lặt những chai nhựa đem bán. "Cũng chẳng đỡ đần được gia đình nhiều nhưng cứ chơi không suốt ngày tôi không chịu được. Ở quê làm việc nó quen rồi, với lại, vợ con tôi ở nhà đang oằn lưng kiếm tiền để tôi được sống mà tôi lại không làm gì phụ giúp họ tôi cảm thấy dằn vặt lắm", bác Thành bộc bạch.

Người được coi là "trưởng xóm" là ông Phạm Đình Hùng, 56 tuổi quê Thanh Hóa. ông Hùng đã ăn 16 cái Tết tại xóm chạy thận. Công việc hàng ngày của ông là bán trà đá gần bệnh viện. 16 năm qua, chính cái quán trà đá ấy đã cho ông "được" sống. Thỉnh thoảng vợ con ông Hùng lại ra thăm. Nhà xa quá mà phải chạy thận định kỳ nên có lẽ chắc từ nay đến khi nhắm mắt xuôi tay ông Hùng cũng không được về nhà. Căn bệnh của ông nặng đến nỗi không mong một ngày lành lại. Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp ông Hùng nhưng bác Thành bảo, hiện tại đang đến ca chạy thận của người "trưởng xóm" nên không gặp được.

Càng đến Tết càng khát khao cuộc sống

Ai đi xa cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến xuân về lại có cảm giác nhớ nhà, muốn quay về đoàn tụ với gia đình. Tết đến, nghị lực sống, khát khao vượt qua bệnh tật những cư dân của xóm chạy thận lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ cũng có gia đình, cũng có quê hương, cũng cảm thấy xốn xang mỗi khi hoa đào nở. Tuy nhiên, có những người vì hoàn cảnh không thể về ăn Tết cùng gia đình được. Buồn bã, chán nản, cô độc nhưng họ đành chấp nhận.

Tâm sự với chúng tôi, bác Thành bảo: "Giáp Tết, đi nhặt ve chai ngoài đường nhìn nhiều gia đình dẫn con cái đi mua đồ chuẩn bị Tết tôi cũng thấy chạnh lòng. Gia đình họ được đoàn tụ cùng nhau đón Tết trong khi đó mình phải đấu tranh với bệnh tật, xa vợ con họ hàng. Chẳng biết bao giờ mới được về quê ăn Tết cùng gia đình. 12 năm ở đây, dù gì thì tôi đã quen với cảnh cô độc này, chỉ thương cho những người mới nhập xóm. Chắc chắn Tết đến họ sẽ cảm thấy cô đơn, nhớ nhà da diết". Nói đến đây, giọng bác như nghẹn lại. Những giọt nước mắt mặn chát lăn trên khuôn mặt hốc hác, đen sạm của người đàn ông đã ở độ tuổi xế chiều, người đàn ông đã 12 năm đánh vật với căn bệnh quái ác.

Xã hội - Niềm khao khát sống ở xóm chạy thận khi xuân về (Hình 2).

Bác Trần Viết Thành, người đã có thâm niên 12 năm đón Tết ở xóm chạy thận

Thông thường, mỗi bệnh nhân một tuần đều đặn phải 3 lần "chạy thận", mỗi lần 4 tiếng. Chi phí mỗi lần khoảng gần 400.000 đồng, chưa kể tiền thuốc ngoài. Tính nhẩm, một tuần những bệnh nhân này phải móc túi không dưới 1, 2 triệu đồng tiền chữa bệnh. Thế nên, người ta vẫn gọi căn bệnh này là bệnh của "nhà giàu". Tuy nhiên, trớ trêu thay, những người mắc phải căn bệnh này lại đa số là những người nghèo, người tỉnh lẻ nên tiền sinh hoạt, nhà ở cũng là gánh nặng cho mỗi gia đình.

Theo đúng quy định, tất cả cán bộ, nhân viên của khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai được nghỉ 2 ngày từ 30 và hết ngày mùng 1 Tết. Nhưng, cứ cứ đến cuối năm, các bệnh nhân đều làm đơn xin viện cho "chạy" thêm ngày 30, chỉ nghỉ ngày mùng 1, đến mùng 2 lại chạy tiếp. Ca đêm cuối cùng là ngày 29 Tết, liền sau đó là ca sáng ngày 30, đảm bảo cho một số bệnh nhân ở gần và cán bộ, nhân viên kịp tranh thủ về nhà ăn Tết. Thế nghĩa là cả năm, họ chỉ có một ngày để vui xuân, tề tựu với gia đình. Tuy nhiên, vì chỉ được nghỉ một ngày nên nhiều bệnh nhân ở xa quyết định ở lại cùng nhau đón Tết.

Chị Nguyễn Thị Hải cho biết: "Đêm giao thừa, tất cả các cư dân trong xóm tề tựu nhau lại cùng nhau liên hoan. Nhìn ra bầu trời thấy pháo hoa nổ, tôi biết ai cũng buồn cũng nhớ nhà nhưng tất cả đều không thể hiện ra mặt. Chỉ thương những người mới vào xóm, đón cái Tết đầu tiên tại cái nơi bất đắc dĩ này, chắc họ tủi thân lắm". Có lẽ, nhìn những chùm pháo hoa nổ, rực sáng rồi lại chợt tắt cũng giống như số phận của những cư dân xóm chạy thận. Với căn bệnh quái ác này, không biết điều gì tiếp theo sẽ đến với họ. Tương lai của họ cũng tăm tối như những chùm pháo hoa đã cháy hết.

Cứ thời điểm cuối năm, cư dân xóm chạy thận lại nín thở, bồn chồn thèm được về quê đoàn tụ cùng gia đình. Cuộc sống của họ dường như quá quen thuộc với không khí ngột ngạt mùi thuốc, máy móc của bệnh viện. Hơn ai hết, họ luôn khao khát có một cái Tết Cổ truyền của người Việt đúng nghĩa - đoàn viên, đầm ấm, không bị bạo bệnh hành hạ. Tuy nhiên, điều mà một người bình thường cho là giản dị này đối với cư dân xóm chạy thận là cả một ước mơ, một dự định quá xa vời...

Ấm lòng hơn trong nỗi nhớ nhà và lòng khát khao sống

Mấy năm gần đây, những người ở lại xóm chạy thận đón Tết vẫn góp tiền mua gạo, đậu xanh để có một nồi bánh chưng. Mặc dù căn bệnh này phải ăn uống rất kiêng khem nhưng họ biết rằng những chiếc bánh này chỉ để có không khí Tết. Hơn nữa, Tết đến mỗi người được một cái bánh chưng cũng thấy ấm lòng. Họ cũng có mâm ngũ quả, đào, quất chơi xuân. Tuy nhiên, những thứ ấy sao bù đắp được nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ người thân và khát khao được sống.

Văn Chương - Hồng Nhung