Nỗi đau 3 đám tang thợ mỏ trong 50 mét đường

Nỗi đau 3 đám tang thợ mỏ trong 50 mét đường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Dường như chưa có năm nào, vùng mỏ Quảng Ninh lại không phải chứng kiến những cái chết bất ngờ của những người thợ nhưng cái chết của 3 thợ mỏ trong vụ bục túi nước ngày 23/7 vừa qua thì quá đau thương

Đã mấy ngày trôi qua, thôn Hồng Thái (phường Phương Nam, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh) bao trùm trong không khí đau thương tang tóc. Trên một quãng đường ngắn chưa đầy 50m mà có đến 3 đám tang của những nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn lao động bục túi nước tại Xí nghiệp than Uông Bí ngày 23/7 vừa qua.

Xã hội - Nỗi đau 3 đám tang thợ mỏ trong 50 mét đường

Bục túi nước, tai nạn kinh hoàng của thợ mỏ

Như tin đã đưa, khoảng 11h ngày 23/7, tại đường lò thăm dò số 1 từ +82/+135 vỉa 29 Phân xưởng khai thác 3 Xí nghiệp than Uông Bí có 9 công nhân đang làm việc thì bất ngờ túi nước bị vỡ, trút ào ào xuống mọi ngõ ngách. Bốn công nhân đã may mắn tháo chạy được ra ngoài, còn 5 công nhân bị kẹt lại. Anh Dương Văn Tạo (SN 1966, công nhân khai thác hầm lò phân xưởng khai thác 3 nhớ lại giây phút kinh hoàng mà anh và các đồng nghiệp phải “đối mặt” khi xảy ra sự cố bục túi nước: "Bất ngờ, tôi nghe thấy tiếng hét của các công nhân “bục túi nước rồi, chạy nhanh” nên vội lao đến. Khi thấy nước từ lò chợ chảy ào ào, tôi chỉ kịp hô anh em chạy thật nhanh để thoát khỏi cơn “đại hồng thủy” đang ập đến”.

Theo anh Tạo, khi túi nước bị bục, nước sầm sập đổ xuống sát vị trí 9 công nhân đang làm việc khiến 9 công nhân vội vàng tháo chạy ngược lên phía cửa lò + 135 để thoát thân. Ở phía dưới vị trí bục nước, anh Tạo cũng “cắm đầu cắm cổ” chạy xuống phía + 85. Lúc này, nước đổ từ trên xuống làm ngập hết tất cả các hầm tại lò, anh Tạo không còn nghĩ được gì, chỉ biết quay đầu lại chạy về phía + 135 để tìm cách thoát ra ngoài. Còn tại vị trí xảy ra sự cố, thời điểm bục túi nước có 3 công nhân đang làm việc gồm: Lê Công Mão, Lê Công Trực, Phạm Văn Tuân đã không kịp tháo chạy khi dòng nước ập xuống…

Nhận được tin dữ, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh đã trực tiếp xuống hiện trường để điều hành công tác cứu hộ. Từng giờ khắc trôi qua tại hiện trường xảy ra tai nạn luôn bao trùm một không khí tang thương ảm đạm, không ai nói với ai một lời nào nhưng họ cùng chung một suy nghĩ, mong sao những “điều kỳ diệu” sẽ đến. Bằng cả một nỗ lực quyết tâm không mệt mỏi nhưng với địa hình phức tạp, cho đến 17 h ngày 23/7, lực lượng cứu hộ mới đưa được các nạn nhân xấu số ra ngoài.

Nỗi đau người ở lại

Hiện trường nơi xảy ra tai nạn thấm đẫm nước mắt và tang thương. Anh Lê Công Thắng (em trai và là đồng nghiệp của nạn nhân Lê Công Trực,) nói trong tiếng khóc: “Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề mỏ, cũng là thợ mỏ, tôi hiểu nguy hiểm này nhưng không ngờ rủi ro lại đến với chính anh trai mình. Đau xót lắm... từ trưa đến giờ, mẹ tôi và vợ con anh ấy cứ khóc ngất lên ngất xuống. Tội nhất là mấy đứa nhỏ…”.

Chị Lê Thị Hồng vẻ mặt thẫn thờ, mệt mỏi, gần như kiệt sức, ngồi ngóng chờ lực lượng cứu hộ đưa chồng chị là anh Phạm Văn Tuân, công nhân cuối cùng còn sót lại trong lòng đất, ra khỏi hầm lò. Nước mắt cạn khô sau nhiều giờ xót thương, chị dường như không còn biết được những gì đang diễn ra xung quanh. Mãi rất lâu, chị mới nghẹn ngào kể lại: “Khi chuyện xảy ra, tôi không được công ty báo ngay vì mọi người sợ tôi đau khổ quá. Tôi chỉ được biết tin từ người hàng xóm nhắc tên các công nhân gặp nạn có anh Tuân. Lúc đó, tôi không còn nhớ gì hết, không còn biết gì nữa. Anh ấy ra đi, để lại tôi và con, giờ chẳng biết bấu víu vào đâu ngoài hai sào ruộng của ông bà”. Vừa nhìn thấy những người thợ lấm lem như những tảng than khiêng xác chồng từ cửa lò ra, chị Hồng như đổ gục xuống, tiếng nấc đứt quãng. Cả công trường như chết lặng vì xúc động trước sự đau đớn của người vợ trẻ.

Còn nạn nhân Lê Công Trực là con thứ hai trong một gia đình nông dân tại Phương Nam – Uông Bí. Vào nghề hơn sáu năm nay, Trực luôn là người được đồng nghiệp ngợi khen ở tính tình hòa đồng, làm việc năng nổ. Chính vì thế, mới 28 tuổi anh đã được phân công làm phó quản đốc phân xưởng. Với gia đình, Trực là người con hiếu thảo, là người chồng hết mực thương yêu vợ con. Thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng, Trực đưa cả cho vợ để chi tiêu .Nhưng giờ đây, anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất mỏ…

Ông Thao, người nhà của nạn nhân Lê Công Trực, nghẹn ngào: “Cháu nó mới đi làm được vài năm, lương công nhân hầm lò cũng đủ nuôi gia đình, dù công việc nặng nhọc và hiểm nguy. Vẫn biết tai nạn hầm lò lâu lâu vẫn xảy ra nhưng mất mát này quá lớn đối với gia đình, vì cháu là chỗ dựa của cả nhà, cháu nó ra đi để lại người vợ trẻ và hai con dại”.

Anh Dương Văn Tạo, người thoát chết trong vụ bục túi nước, xót xa: “Cứ mỗi ca vào lò như người lính khi ra trận, khi hết ca mới thở phào nhẹ nhõm, ai biết trước được hiểm họa có đến với mình hay không, nhưng đã chọn nghề này thì dù có gian khó đến mấy, hiểm nguy đến mấy tôi cũng không từ bỏ. Nghề đi đôi với nghiệp mà, công nhân chúng tôi luôn chấp nhận rủi ro, những chuyện suýt chết đối với thợ hầm lò chẳng khác nào chuyện thường ngày ở huyện...”.

Chị Lê Thị Luyến, 36 tuổi, ở Cao Xanh thổ lộ: “Lấy chồng làm thợ hầm lò phải chấp nhận sống chung với thấp thỏm và lo âu. Mỗi khi chồng tôi đi làm về... tôi mới tin là anh còn sống!”. Đó cũng là những suy nghĩ hay đúng hơn là những nỗi lo âu luôn thường trực trong lòng những người mẹ, người vợ vùng mỏ…

Hoài Nam – Nhật Thiên