Nỗi niềm phụ nữ chợ nổi sông Đà

Nỗi niềm phụ nữ chợ nổi sông Đà

Thứ 6, 24/05/2013 | 15:31
0
Sau một vòng chợ 7 ngày dài lênh đênh sông nước tôi sẽ được trở về với Thủ đô, nhưng với người dân đi buôn bán dọc sông Đà thì thời gian chỉ là những phiên chợ mà không biết ngày dừng lại.

Chợ đường sông - ngôi nhà thứ hai

Con tàu chật chội với hơn 40 con người chung sống. Đó là một gia đình lớn mà tôi được là thành viên trong 7 ngày (một vòng chợ), một cộng đồng chợ nổi duy nhất ở miền Bắc tại Hòa Bình. Với đủ thứ hàng hoá, hơn 40 con người tất tả ngược Đà giang, bắc nhịp cầu nối từ miền xuôi đến những bản làng xa xôi của người Thái, Mông, Dao.

Những người buôn bán trên sông vốn xuất thân không phải dân sông nước nhưng lên đất này thì sông núi đã trở nên quá thân quen. Tất cả cũng vì mưu sinh, vì con cái mà họ dần hòa nhập, gắn bó như một cái duyên với Đà giang. Dân buôn là những người phụ nữ từ miền xuôi lên đây kiếm sống và chủ yếu là ở Chương Mỹ (Hà Nội), Bắc Giang, Nam Định.

Mỗi tháng là 3 vòng chợ, mỗi vòng chợ kéo dài 7 ngày, cho nên những người phụ nữ này thời gian chủ yếu là lênh đênh sông nước. Sau 7 ngày dọc hành trình đến các phiên chợ ven sông Đà, họ có 3 ngày trở về với gia đình. Trong thời gian đó họ lại tranh thủ đi trả tiền hàng cũ và đóng hàng mới chuẩn bị cho vòng chợ sau. "Nhiều khi về nhà không có thời gian dọn dẹp hay hỏi han con cái đã phải đi rồi", cô Thoa ở Chương Mỹ - Hà Nội chia sẻ.

Không gian sinh hoạt mỗi người chỉ được một khoang nhỏ 60cm thuê với giá 450.000đ vòng chợ /người. Với diện tích nhỏ nhoi ấy, họ vừa nấu cơm, vừa để hàng và ngủ. Cô Thắm ở Chương Mỹ - Hà Nội kể: "Những lúc đóng nhiều hàng các cô còn không có chỗ mà ngồi, còn phải đứng để ngủ đấy. Đâu đâu cũng là hàng, đến đi còn không len được, khổ lắm. Thế nhưng ở tập thể đông vui, sống dần cũng thành quen".

Xã hội - Nỗi niềm phụ nữ chợ nổi sông Đà

Lối đi chật chội phải len lách

Đã là chợ đường sông thì mọi sinh hoạt đều phải gắn liền với sông nước. Ngày đầu tiên tôi lên tàu, cô Chờ, người bán hàng vặt đã cười hỏi tôi: "Trông các cô sướng chưa? Ăn nước sông, tắm nước sông, thải cũng trực tiếp ra sông. Vào mùa hè, nước sông cạn, nhiều rác bẩn kinh khủng, đục ngầu mà vẫn phải dùng. Cứ người này vừa giặt đổ ào xuống thì người kia lại múc lên tắm". Không gian chật chội đến tắm giặt cũng phải xếp hàng, có hôm tối mịt gần đến giờ tàu tắt đèn đi ngủ mới hết người. Nhiều cô bác dọn hàng lên tắm muộn thì nước sông như là nước thải, nhưng họ đều bình thản mà dùng. "Đã lên đây thì ai ai cũng phải dần thích nghi được hết", cô Chờ kết luận.

Chú Tình, chồng cô Chờ lần đầu tiên đi phụ vợ bán hàng chia sẻ: "Mới đi có một vòng mà chú khiếp vía rồi, nhất là đến giờ nấu ăn, cả thuyền ngột ngạt đủ thứ mùi. Vậy mà vẫn rất đông người kéo nhau đi chợ".

Anh Lực bán phở chia sẻ: "Tất cả vì cuộc sống, vì đồng tiền mà lôi nhau lên đây, vất vả mà chẳng kiếm được là bao, nhưng mọi người đùm bọc nhau giống như người trong nhà, sống vô tư nên vui lắm. Ai cũng hiểu nỗi khổ trên này như thế nào, sống chật chội nên chạm nhau là có câu chuyện để trêu đùa cho đỡ mệt".

Phụ nữ kiêm cửu vạn

Khi trời còn tối om, những người dân chợ đã mò mẫm thức dậy. Họ lóc cóc mang hàng lên chợ để kịp bày bán cho dân bản. Đủ thứ thanh âm hỗn tạp của tiếng người gọi nhau ý ới, tiếng bày hàng soàn soạt và cả những tiếng bước chân thình thịch, mặc dù chẳng trông rõ mặt người đâu.

Đa phần dân buôn là phụ nữ lớn tuổi. Nhiều người ở cái tuổi vui vầy, an nhàn bên con cháu vậy mà vẫn phải lăn lộn trên cái đất chỉ có sông và núi để kiếm sống. Bà Thi năm nay 65 tuổi với mái tóc bạc trắng, khuôn mặt trầm ngâm, bà kể: "Tôi đã theo chợ đường sông này gần 20 năm nay, buôn đủ thứ hàng, mùa nào thứ ấy. Khi rảnh thì lên đón hàng, xem dân bản mang được thứ gì thì mua lại, rồi mang về xuôi bán. Mọi thứ hàng đều do tay tôi mang vác hết".

Tàu vừa cập bờ, cầu chưa kịp bắc, cọc tàu chưa kịp đóng nhưng dân buôn đã vội vàng lao lên bờ như con thiêu thân. Nhiều người vì thế mà ngã từ trên cầu xuống. Bác Sang (Chương Mỹ - Hà Nội) cũng gần 60 tuổi cho biết:  Đi chợ trên này vác hàng không cẩn thận thì tai nạn như chơi. Nhẹ thì cộc mái thuyền biêu đầu, ngã cầu gãy chân, nặng thì cũng đã có nhiều người bỏ mạng. Nguy hiểm lắm. Em gái bác cũng vừa bị ngã gãy chân khi đang vác hàng mà phải nghỉ chợ đấy".

Theo chợ không biết đến bao giờ...

Cả ngày mệt mỏi chạy chợ, vậy mà đêm đến họ vẫn sùng sục cố thức để gói hàng, kiểm hàng chuẩn bị cho ngày mai bán. Ngay cả trong giấc ngủ họ cũng thấp thỏm sợ không bán được hàng. Chợ đường sông thức khuya dậy sớm, vất vả leo dốc cao là thế nhưng chẳng ai dám nghỉ. Chỉ cần một vòng không đi là bị đọng vốn, rồi hàng cứ thế tồn mà không thanh lí được. Vừa lúi húi sắp xếp hàng, cô Thắm kể: "Cô cũng hay nhức mỏi chân tay, lại phải vác hàng, leo dốc, chạy chợ nên chồng con không muốn cô đi chợ này nữa. Năm nào cô cũng bảo đi nốt năm nay, nhưng nghĩ nghỉ chợ ở nhà chẳng biết làm gì ra tiền nên đã 54 tuổi mà đã nghỉ được đâu".

Như gặp được người để dốc bầu tâm sự, cô Thoa chia sẻ: "Cô khổ lắm, nhà 7 đứa con nhỏ không đi chợ thì không biết làm gì, nên chẳng biết sẽ đi đến bao giờ. Chồng cô ở nhà chăn nuôi thất thu, đủ thứ tiền chỉ biết trông chờ vào chợ. Trước kia đi chợ còn kiếm được giờ người khôn của khó hàng hóa ế ẩm lắm. Có phiên bày hàng đến chết mệt, mời chào mỏi miệng, bạc mặt ra mà được 20 nghìn đồng đã phải dọn vào để chạy chợ. Toàn tiêu tiền người ta, nợ vẫn hoàn nợ nhiều khi bán không đủ trả tiền đóng hàng nên họ còn không cho mình đóng chịu.

Ai cũng biết những cái cực, cái khổ của cảnh chợ đường sông chạy như ma đuổi, chạy như ăn cướp, rồi ăn hang ở hố,... nhưng hầu hết họ đều không xác định được ngày dừng đi chợ. Bác Sang theo chợ từ năm 1990 đến nay nói rằng: "Bác cứ đi được đến bao giờ không đi được nữa thì thôi. Bác lại đang bị bệnh đau khớp, phải sắc thuốc uống vậy mà một ngày phải chạy hai, ba chợ, leo dốc cao, vác hàng nặng”. Nhưng để xua đi mệt mỏi sau những lúc chạy chợ, họ lại trêu nhau và cười khiến những vất vả chạy chợ chẳng thấm vào đâu.  

Mệt như... chợ chạy

Thời gian của họ tính bằng các phiên chợ: Bắc Ngà, Là Giòn, Chiềng Hoa... Đó là những cái chợ mà họ nói là chạy như ăn cướp. Chợ họp nháo nhào một, hai tiếng đồng hồ rồi lại dọn để chạy đi chợ khác theo đúng lịch đã hẹn với các bản. Mọi hàng hóa họ xếp hết vào thùng sắt, bao bì lớn, làn sọt... Hàng nặng thì thuê vác, còn hàng nhẹ thì tự mang. Cô Vị bán hàng vặt, 50 tuổi, dáng người nhỏ bé nhưng cũng theo chợ hơn 10 năm, cô chia sẻ: "Bán hàng vặt thì nhiều đồ lắm, để mang được hết hàng lên tàu xuống chợ cũng phải đến chục vòng. Hôm nào không bán được thì chẳng dám thuê vì thuê nhiều thì hết lãi. Nhưng lúc chạy chợ vội, vác mệt rồi thì cũng phải thuê. Chợ trên này phải leo cao, nhiều khi chùng hết chân mà vẫn phải cố để chạy cho kịp".    

Như Thảo

Đội dân phòng cơ động toàn các bóng hồng

Thứ 5, 03/01/2013 | 16:19
Từ trước đến nay, nhắc đến đội dân phòng cơ động, người ta thường nghĩ ngay đến công việc dành cho nam giới. Thế nhưng ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) lại có một đội dân phòng cơ động là các cô gái dân tộc thiểu số.

Những bóng hồng trong làng bói toán Sài Gòn xưa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Trong làng bói toán xưa, rất nhiều bóng hồng đã trở thành "thầy bói", được tin cẩn và được nhiều chàng trai "trồng cây si".

Góc khuất chưa biết về những bóng hồng "lơ xe" bus

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Mỗi ngày, họ phải thức dậy từ lúc 5h sáng đến nhận xe vào ca sáng, 11h 12h đêm mới từ bến trở về nhà. Điều đó đã trở thành thông lệ với những người phụ nữ làm nghề phụ xe trên xe bus