Nỗi niềm vị ni sư nuôi khỉ trên núi Nhẫm

Nỗi niềm vị ni sư nuôi khỉ trên núi Nhẫm

Thứ 6, 22/03/2013 | 16:31
0
Trong khi có những kẻ tàn ác bắt voọc, giết khỉ, tàn sát những động vật hoang dã để phục vụ cho mục đích cá nhân thì sư cô Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương) lại dành nhiều tâm huyết để mua lại, nuôi và chăm sóc những con khỉ bị người ta bắt từ rừng về.

Đẫm nước mắt nhìn khỉ con mất m

Chúng tôi đến thăm chùa Nhẫm Dương (người dân địa phương thường gọi là chùa Nhẫm) vào một buổi chiều tháng 3 khi cơn mưa bất chợt của mùa xuân vừa tạnh. Chùa nằm yên bình, thanh tịnh dưới chân núi Nhẫm, bao phủ xung quanh là màu xanh dịu dàng của cây cối, đâu đó tiếng chim hót vẳng từ trên núi xuống nghe rất vui tai. Tiếp đón chúng tôi là sư cô Thích Diệu Mơ - trụ trì chùa Nhẫm Dương, đồng thời là Trưởng ban đại diện Giáo hội Phật giáo huyện Kinh Môn. Trong không khí thanh tịnh và yên bình chốn cửa Phật, sư cô đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện không chỉ là của nhà Phật.

Xã hội - Nỗi niềm vị ni sư nuôi khỉ trên núi Nhẫm

Sư cô Diệu Mơ đang chơi với chú khỉ con hiếm hoi còn sót lại

Sư cô Diệu Mơ sinh năm 1963, là người xã Duy Tân, nên ngay từ lúc bốn tuổi, sư cô đã theo bà nội ra chùa Nhẫm lễ Phật. Ngày đó, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng sư cô đã rất yêu thích không khí chốn cửa thiền, nhất là không khí thanh tịnh của ngôi chùa nằm dưới chân núi lúc đó, cách xa khu dân cư, bốn bề là rừng xanh với tiếng chim kêu, vượn hót suốt ngày. Mặc dù muốn lên ở chùa ngay từ lúc bốn tuổi nhưng phải mãi đến năm 1980, sư cô mới đạt được ước nguyện vì gia đình không muốn sư cô theo nghiệp tu hành. Chỉ đến khi thấy lòng con gái đã quá cương quyết hướng về cửa Phật, bố mẹ sư cô mới đồng ý cho sư cô khăn gói lên chùa.

Những năm sư cô Diệu Mơ bắt đầu tới ở chùa Nhẫm Dương là những năm núi Nhẫm vẫn còn ít nhiều sự nguyên sơ, chưa chịu sự khai thác của con người. Cây cối, chim muông và đặc biệt là loài khỉ vàng còn rất nhiều. Sư cô trầm ngâm nhớ lại: "Tôi rất thích cây rừng và muốn trồng thật nhiều cây xanh xung quanh chùa. Vì vậy, ngày mới lên chùa ở, tôi thường lên núi đào những cây rừng về trồng. Lúc đấy, loài khỉ vàng ở đây vẫn còn rất nhiều. Chúng thường đánh đu từng hàng dài trên những cây bồng bồng già. Khi tôi xới đất trồng cây, trồng khoai sắn quanh chùa, chúng vẫn thường xuống trêu đùa. Dường như lúc ấy chỉ có tôi với bầy khỉ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh lúc trêu lại con khỉ vàng nhỏ đang đu trên cây, nó vội lấy tay che mặt biểu hiện sự xấu hổ. Nhìn nó rất đáng yêu. Vậy mà, loại khỉ đó bây giờ ở đây gần như đã diệt vong.

Sau khi đất nước thống nhất, tập trung vào làm kinh tế cũng là lúc người dân nơi đây tìm lên rừng để kiếm cái ăn và loài khỉ vàng lọt vào tầm ngắm của con người từ đó. Đầu tiên, người ta dùng bẫy kiềng để bắt khỉ, sau thì dùng súng bắn. Bao nhiêu đàn khỉ cứ thế dần bị tiêu diệt, khu rừng núi bao quanh ngôi chùa Nhẫm Dương ngày càng vắng tiếng cười đùa của lũ khỉ. "Tôi không thể nào quên được hình ảnh những con khỉ con hàng ngày ngồi trên mỏm núi đá sau chùa ngóng mẹ, mắt chúng buồn rười rượi dõi theo hướng người ta mang mẹ nó đi.

Con khỉ mẹ đó bị một người dân trong làng bắt sau khi dính bẫy. Cùng dính bẫy với nó còn có một con khỉ khác, nhưng đã được bầy đàn giải cứu. Chúng lao vào cấu xé người đặt bẫy. Ông ta phải cầm chiếc bẫy có con khỉ cái kia quay xung quanh dần xuống núi thì mới thoát được sự tấn công của bầy khỉ. Hai con khỉ con ấy trong suốt mấy tháng ngày nào cũng ngồi trên mỏm đá đó từ sáng đến tối. Nhìn chúng rất tội nghiệp. Mỗi lần hình dung lại cảnh tượng ấy tôi đều thấy rất buồn", sư cô Diệu Mơ nhớ lại hình ảnh đáng thương của hai con khỉ mất mẹ năm xưa mà mắt nhòe nước từ lúc nào.

Xã hội - Nỗi niềm vị ni sư nuôi khỉ trên núi Nhẫm (Hình 2).

Sư cô Thích Diệu Mơ.

Ước mơ gây dựng lại đàn kh

Cũng chính vì niềm cảm thương và từng trực tiếp chứng kiến cảnh người ta hắt nước sôi vào lột da khỉ mà sư cô Diệu Mơ muốn bảo vệ những con khỉ ít ỏi còn lại trên rừng. Tuy nhiên, một mình sự nhân từ của sư cô không thể thắng nổi sự tàn bạo của bao nhiêu người đang nhăm nhe vào những con khỉ tội nghiệp kia. Họ vẫn lẻn vào rừng những lúc sư cô đi vắng và săn bắt khỉ.

Đến nay, trên núi Nhẫm chỉ còn duy nhất một con khỉ vàng hoang dã, nó cũng đã cảnh giác hơn rất nhiều với con người, chỉ thỉnh thoảng người nhà chùa mới nhìn thấy thoáng qua trên núi đá. Sư cô Diệu Mơ bắt đầu việc gây dựng lại đàn khỉ bằng cách mua lại những con khỉ người ta đem bán, dù giá có cao bao nhiêu. Sư cô còn dặn mọi người đến chùa ai có khỉ mà không nuôi được thì chuyển lên chùa hoặc ai thấy người ta bán khỉ ở đâu thì giới thiệu cho nhà chùa để sư có thể kịp thời cứu chúng nếu chẳng may gặp tai hoạ. Sau khi mua khỉ về, sư cô nhốt vài tuần để khỉ quen nơi ở và chăm sóc cho chúng lại sức vì hầu hết chúng đều gầy còm, nhiều con bị bỏ đói đến nỗi ăn đuôi lẫn nhau, nhìn vào đuôi chỉ thấy còn trơ xương.

Mỗi con khỉ đều được sư cô đặt cho một cái tên rất dễ thương: Lu Lu, Mi Mi, Ngộ Không, Ngố, Chố, Vâu, Râu mặt đỏ… Sư cô còn nhớ cả tính cách của từng con một. Nhắc tới những “đứa con” đặc biệt của mình, sư cô vô cùng say sưa:  "Chúng thực sự rất thông minh, mỗi con một tính giống như con người vậy. Tôi đặt cho mỗi con một cái tên để khi gọi là chúng sẽ về ngay. Con Vâu vì nó hơi vẩu nên đặt tên như vậy. Con Râu mặt đỏ vì nó là khỉ mặt đỏ lại có râu tóc rất giống ông già. Nghịch ngợm nhất là con Ngộ Không nên vẫn phải nhốt nó suốt, nó rất láu cá, cướp đồ rất nhanh. Trong số những con khỉ tôi đã nuôi thì con Chồn là con thông minh nhất. Nó đi trên dây thép rất giỏi và còn có thể lặn dưới ao rất lâu mà chân không chạm bùn. Tối nào, nó cũng bắt tôi bế mấy vòng quanh sân chùa mới chịu đi ngủ. Tối nó ngồi ngoài cửa gọi tôi ra bế mà không ra nhanh là nó dỗi ngay. Phải dỗ dành mãi nó mới chịu hòa. Tiếc là nó ăn nhầm keo dán khi người thợ sửa chùa tới làm nên đã bị chết", nói đến đây, nước mắt sư cô lại trào ra.

Dự định của sư cô Diệu Mơ là mua được con khỉ nào sẽ chăm sóc cho nó khỏe mạnh và quen nơi chốn rồi thả lên núi Nhẫm để nó trở về với thiên nhiên. Từ ngày nuôi khỉ, sư cô đã thả khoảng hơn chục con lên núi. Thường thì những con khỉ ấy đã quen với sự chăm sóc của sư cô, với nhà chùa nên chúng coi chùa như là nhà mình. Ban ngày thì chúng lên núi leo trèo, chơi đùa, tối đến khi nghe tiếng sư cô gọi lại về chùa trèo lên cây thị cổ thụ ở góc sân ngủ cùng nhau. Thế nhưng, ước mơ gây dựng lại bầy khỉ trên núi của sư cô Diệu Mơ quả là không dễ dàng khi ngày ngày vẫn có những kẻ rình rập để đánh bẫy những con khỉ tội nghiệp. Khỉ nuôi lại rất dễ gần nên chỉ cần có đồ ăn là có thể đánh bẫy được chúng. Chính vì vậy, những con khỉ sư cô thả lên núi Nhẫm lại dần dần mất đi, cho đến một ngày, sư cô gọi mãi mà không còn con khỉ nào trở về. "Cứ nghĩ đến những con khỉ nuôi thả lên núi rồi bị bắt hết là tôi lại hình dung ra cảnh người ta giết khỉ, thật đáng sợ. Bây giờ, tôi đành tạm nhốt những con khỉ còn lại để bảo vệ chúng, đợi khi nào có điều kiện thuê bảo vệ trông nom hàng ngày sẽ lại thả chúng về với thiên nhiên", sư cô Diệu Mơ chia sẻ.

Thả về rừng cũng không cứu được kh

"Tôi muốn nuôi thật nhiều khỉ thả lên núi, muốn nhìn thấy hàng đàn khỉ nối đuôi nhau trên các cành cây như trước kia. Nhưng núi rộng, đâu cũng có đường lên nên có thả lên cũng không thể bảo vệ được chúng. Rồi chúng lại bị người ta bắt đi, lột da, xẻ thịt tội nghiệp lắm", sư cô Diệu Mơ chia sẻ.

Loan Thanh

Nỗi niềm nàng dâu "múa" dao lam

Chủ nhật, 10/02/2013 | 14:48
Liên quan đến vụ án của Tuyết, hiếm có phiên tòa nào mà nhiều người, nhất là giới truyền thông lại dành cho bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích như Tuyết sự quan tâm, cảm thông đặc biệt đến vậy!

Nỗi niềm ít biết của những cán bộ điều tra hiện trường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Ít ai biết, sau mỗi vụ án được phá thành công, các cán bộ, chiến sĩ khám nghiệm, điều tra hiện trường đóng một vai trò rất lớn trong quá trình thu thập các chứng cứ. Họ âm thầm lặng lẽ cóp nhặt những manh mối nhỏ nhặt nhất, để giúp phá từng vụ án một cách ngoạn mục.

Nỗi niềm gia sư “ba trong một” cho trẻ tự kỷ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Ngay lần đầu gặp, thay vì được giới thiệu tên học trò thì cô giáo phải đi tìm học trò. Đó là gia sư của trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ thấy người lạ thường chui dưới gầm bàn, trùm chăn hoặc tự lấy tay đập đầu, khóc thét...

Nỗi niềm của “đại gia cò” miền Tây

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Sở hữu khu vườn rộng 22.500m2 cùng hơn 10 vạn con cò với gần 20 loài khác nhau ông được người dân địa phương gọi thân thương là "ông Cò".