Nốt trầm ca sĩ hát show lửa trại

Nốt trầm ca sĩ hát show lửa trại

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Lâu nay, ca sĩ hát phòng trà, sân khấu thậm chí quán nhậu không còn xa lạ. Tuy nhiên tại các khu du lịch hiện nay lại xuất hiện những ca sĩ chuyên đi hát cho những đêm lửa trại. Bên cạnh những ca sỹ chấp nhận thù lao bèo để theo đam mê thì cũng không ít người đã đánh mất mình.

Tìm kiếm đam mê

Vừa trình bày xong ca khúc Tóc gió thôi bay (sáng tác Trần Tiến), Mỹ Nhật được yêu cầu hát thêm hai ca khúc nữa, nhưng để thay đổi không khí, mọi người yêu cầu cô hát ca khúc vui nhộn hơn. Kết thúc ba ca khúc Mỹ Nhật sửa soạn lại trang phục rồi leo lên xe máy của một người đàn ông chờ sẵn để đi đến điểm lửa trại thứ hai là khu liên hợp khách sạn Morin cũng nằm trong quần thể khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng).

Xã hội - Nốt trầm ca sĩ hát show lửa trại

Ca sĩ Mỹ Nhật đang trình diễn trong một show lửa trại tại khu khách sạn Bà Nà By Night cho tập thể nhân viên một công ty

Mỹ Nhật, cô gái chuyên đi hát cho các đêm lửa trại tại khu Du lịch Bà Nà - Suối Mơ nhẩm tính thấm thoát đến nay đã được hơn một năm. Cô tâm sự: "Em tốt nghiệp khoa thanh nhạc trường Cao đẳng nghệ thuật Đà Nẵng. Trước khi theo ban nhạc và đi hát cho các đêm lửa trại, em cũng có xin đi hát vài nơi trong thành phố nhưng thật tình mà nói thì những tụ điểm hay phòng trà lớn, em với tay không tới nên đành biểu diễn tại các quán nhậu. Mà quán nhậu, nhà hàng thì anh biết rồi đó, nên em đành theo ban nhạc và đi hát ở những đêm lửa trại như thế này".

Mỹ Nhật cho biêt: "Hát show lửa trại thì thù lao thấp nhưng được cái là tự do, thoải mái, không bị lôi cuốn rồi chìm đắm trong môi trường bia rượu. Bên cạnh đó, hát ở lửa trại thì tụi em không phải đầu tư nhiều về trang phục và phấn son nên cũng đỡ được phần kinh phí. Hơn nữa hát show lửa trại vừa thỏa mãn được niềm đam mê ca hát và được sống thật với nghề".

Trên thực tế, các nhóm bạn bè khi đi dã ngoại lửa trại thường hát với nhau nghe hoặc tự thực hiện chương trình văn nghệ bằng đàn ghita, cây nhà lá vườn. Tuy nhiên, với một tổ chức hay một tập thể đông người (một công ty tổ chức cho nhân viên di dã ngoại chẳng hạn), họ cần không gian rộng hơn, có cả sân khấu hẳn hoi và đây là đất sống của những ca sĩ chuyên hát show lửa trại.

Một cuộc dã ngoại lửa trại có thêm ca sĩ bên ngoài xen vào chương trình văn nghệ của tập thể sẽ làm cho không khí sống động hơn. Đôi lúc chính ca sĩ là người mở màn để khuấy động phong trào vì trong một tập thể cũng có rất nhiều người ngại ngùng khi cầm micro hát trước đám đông. Bên cạnh đó, ca sĩ chính là người lấp khoảng trống cho ban nhạc khỏi phải hòa tấu đi hòa tấu lại mỗi khi trong tập thể đám đông đó không có người lên hát. Tất cả chỉ để cho không khí buổi lửa trại sôi động và ý nghĩa hơn mà thôi.

Ca sĩ hát show lửa trại, theo tìm hiểu của chúng tôi thì thường có ba dạng: Một là sinh viên khoa thanh nhạc các trường nghệ thuật, kế đến là những cô gái lâu nay chuyên hát tại các quán nhậu, nhà hàng đã lỡ mang cái nghiệp cầm ca, đam mê nó và cuối cùng là số ít những người tay ngang nhưng thích ca hát và phiêu du nên theo ban nhạc làm một chuyến cho vui. Dù là thuộc dạng nào đi chăng nữa thì họ cũng phải là người hát hay và đam mê ca hát.

Với những sinh viên khoa thanh nhạc, họ lấy việc đi hát vừa để kiếm tiền trang trải cuộc sống đồng thời những đêm diễn như vậy cũng chính là dịp họ rèn luyện mình, làm bước đệm tiến tới những sân khấu lớn hơn sau này. Còn đối với những người đã lâu năm đứng trên sân khấu nhà hàng hay quán nhậu thì những lúc đi show lửa trại là những lúc họ cảm thấy mình được hát thật sự, hát với cả một nỗi niềm.

Linh Trang, một ca sĩ chuyên hát tại phòng trà Aloha (đường Ngô Gia Tự, quận Hải Châu, Đà Nẵng) nay chuyển sang hát show lửa trại cho biết: "Hát show lửa trại có cái thú nhất là được trải lòng mình trong mỗi ca khúc và khán giả bên dưới rất chăm chú và dường như cũng đồng cảm với mình. Những ngày em còn đi hát nhà hàng và quán nhậu, khi đứng trên sân khấu, người hát cứ hát, người đàn cứ đàn bên dưới thì bát nháo. Nếu những ai yêu nghệ thuật, hết lòng vì nghiệp ca mà đi hát ở những nơi lộn xộn như vậy tủi thân lắm anh ơi".

Những nốt trầm

Trên thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, thù lao cho một show hát lửa trại của những ca sĩ bán chuyên nghiệp như trên là rất thấp. Thông thường, một nhóm đông người hay một công ty tổ chức cho nhân viên một chuyến dã ngoại có đêm lửa trại thì thù lao cho cả ban nhạc là từ bảy trăm đến một triệu đồng. Nhưng ban nhạc ít nhất cũng phải có 3 người gồm: Một tay đàn organ, một chỉnh âm thanh và một ca sĩ. Như thế thì số tiền trên được chia ba xẻ bảy, mỗi người cũng không nhận được là bao. Nên ban đêm làm ca sĩ hát lửa trại, ban ngày nhiều cô kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch cho du khách.

Xã hội - Nốt trầm ca sĩ hát show lửa trại (Hình 2).

Nhảy múa và trình diễn thời trang đêm lửa trại. Ảnh minh họa

Tuy nhiên trong giới ca sĩ hát show lửa trại, không phải ai cũng có quan niện đứng đắn về nghề nghiệp và sống hết mình để phục vụ nghệ thuật chân chính. Chính vì quan niệm sai lệch về nghề cùng lối sống thực dụng đã đẩy nhiều cô gái mới vào nghề đã đánh mất chính mình. Sau một chầu lai rai tại quán nhậu Ba Cây Bàng trên đường Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng nhóm bạn của Cường quyết định làm tăng hai để thay đổi không khí. Theo kế hoạch đã được vạch ra từ quán nhậu, nhóm của Cường sẽ làm một chuyến picnic lửa trại tại khu du lịch bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Trong kế hoạch đã sắp xếp thêm phần văn nghệ nhưng không chỉ cây nhà lá vườn mà nhóm này còn yêu cầu phải có thêm "trái ngoài chợ" nữa.

Chiều hôm ấy, sẵn có tay chơi ghita tên H. tại quán nhậu nên Cường nhờ H. đệm đàn và gọi thêm hai nữ ca sĩ để cho buổi lửa trại thêm phần sôi động. Đối với tay ghita H. thì việc điều động ca sĩ để đi show bên ngoài dễ như lấy vật trong túi nên chỉ sau một cuộc điện thoại khoảng 30 phút, hai cô gái xuất hiện. Để thử giọng, đồng thời cũng thử luôn độ chịu chơi của hai cô gái, nhóm của Cường mời mỗi cô uống cạn 3 chai bia và hát thử hai ca khúc. Sau khi hai cô gái kết thúc phần trình diễn của mình tại quán nhậu, Cường gật đầu cái rụp và tính tiền để thẳng tiến đến khu du lịch bán đảo Sơn Trà.

Khi cả nhóm đến nơi cũng là lúc mặt trời đã nấp bóng tự lúc nào. Những túp lều bằng vải được nhân viên khu du lịch nhanh chóng dựng lên và đồng thời những thanh củi cũng được chất cao và châm lửa. Bên ánh lửa bập bùng soi mờ những gương mặt đỏ gay vì lửa và vì rượu. Hai cô ca sĩ bắt đầu cất giọng cùng với tay ghita H., để mua vui cho những ông khách lắm tiền và chịu chơi của nhóm Cường.

Đêm về khuya, bán đảo Sơn Trà sương xuống mờ nhạt nhưng dường như liveshow bên ánh lửa bập bùng của nhóm Cường vẫn còn xung sức lắm. Hết "trái ngoài chợ" rồi đến cây nhà lá vườn thay phiên nhau hát. Đầm ấm hơn là khi không hát, hai cô gái ngồi tiếp rượu và cũng là tay vịn rất thoải mái cho các anh. Kinh hoàng hơn, sau màn hát múa là những show ngủ tập thể cùng nhau trong những túp lều ven biển.

Mỹ Nhật cho biết: "Đường vào nghề ca có trăm lần vui có vạn lần sầu". Trong cuộc mưu sinh giữa đời thường nghề nào cũng có những thăng trầm của nó và đừng vì những ảo vọng, phù phiếm mà đánh mất chính mình.

Trần Đình