NSND Chu Văn Thức: Ký ức không quên với

NSND Chu Văn Thức: Ký ức không quên với

Thứ 4, 02/01/2013 | 09:19
0
Đến với chèo hoàn toàn vì nhiệm vụ, chàng diễn viên trẻ Chu Văn Thức của đoàn kịch được điều chuyển sang chèo. Mới đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng dần dần những câu hát, ca từ của chèo đã ngấm vào ông từ lúc nào không hay, như cái "duyên nợ không thể chạy". Là thế hệ "vàng" trong làng chèo, nhưng khi đến với "điện ảnh thứ 7", NSND Chu Văn Thức cũng có một số vai diễn được nhiều khán giả mến mộ và yêu thích như vai "ông Bằng" trong phim "Mùa lá rụng".

Nặng lòng với chèo cổ

Sống tại khu tập thể nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Chu Văn Thức từng được phân nhà riêng, nhưng ông không đi mà ở lại. Với người nghệ sĩ già, ở lại khu tập thể này còn được nghe tiếng trống, tiếng phách, tiếng hát, hơn nữa còn là chỗ lui tới của diễn viên trẻ mỗi khi cần hỏi thầy. Trước thực trạng sân khấu chèo ngày một khó khăn và ảm đạm, người nghệ sĩ cả đời đắm đuối và nặng lòng với nghệ thuật chèo không tránh khỏi những suy tư và trăn trở: "Khán giả thì quay lưng, người sáng tác chèo cũng không mấy mặn mà, thậm chí còn chuyển nghề. Không giống như kịch hay phim lựa chọn ngôn ngữ rất đời thường, chèo phải là ngôn ngữ thơ văn mới có thể hát được. Lời chèo phải thành câu thành điệu, có những câu dùng thơ đường, thơ song thất lục bát, bát ngôn tứ tuyệt, thất ngôn tứ tuyệt, ca dao, hò vè, lục bát... Người sáng tác chèo phải biết làm thơ, biết tuyển chọn tính cốt truyện, bố cục chặt chẽ, rồi biến ngôn ngữ đó ra thơ, mà có thơ mới có nhạc. Kịch làm một bước, còn chèo phải làm mấy bước, để viết được một vở chèo rất vất vả. Trong khi đó, tiền tác giả không hơn so với kịch là mấy, thế thì ai muốn viết chèo", nghệ sĩ Chu Văn Thức chia sẻ.

Thực tế theo người nghệ sĩ thuộc thế hệ "vàng" của chèo thì không chỉ có chèo, nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác hiện cũng rất khó tuyển được diễn viên, những người thực sự đam mê, dám dấn thân với nghề rất hiếm. Ngày trước, có hàng trăm người dự tuyển mới lấy một người. Trong khi đó, tỷ lệ đó bây giờ thấp đi nhiều, chỉ khoảng 20 người tham gia. Hơn nữa, nhiều bạn trẻ bây giờ không mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống, mà chạy theo các ngành nghệ thuật đắt khách khác. Họ học thanh nhạc để làm ca sĩ, hay diễn viên điện ảnh, bởi ra trường có thể "mỳ ăn liền" kiếm tiềm được ngay.

NSND Chu Văn Thức: Ký ức không quên với

NSND Chu Văn Thức luôn trăn trở với sự tồn vong của nghệ thuật chèo nước nhà.

 Trước khi đến với chèo, NSND Chu Văn Thức từng là diễn viên của tổ kịch trong đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Ông cho rằng mình chuyển sang chèo là cái duyên, nghiệp chọn người, chứ bản thân không nghĩ đến: "Sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, để phát triển nghệ thuật truyền thống hơn nữa, đoàn đã tách thành ba đoàn riêng biệt: Chèo, ca múa và kịch. Tôi ở đoàn kịch, nhưng vì bên chèo thiếu đảng viên nên tôi được điều sang để thành lập chi bộ Đảng".

Chèo ngấm vào lúc nào không hay

22 tuổi, ông bắt đầu học từ đầu, học từng câu hát một. "Mới đầu tôi được chuyển sang đoàn Chèo, nhưng lúc đó chưa thích vì phải bắt đầu lại từ đầu. Hơn nữa, chèo khác kịch nhiều lắm, học sẽ mất nhiều thời gian. Mới đầu cũng nản, nhưng đần dần, tôi bắt đầu học và yêu thích chèo lúc nào không biết, ngấm vào lúc nào không hay. Có lẽ bởi những câu hát, ca từ, điệu nhạc của chèo rất trữ tình mà sâu sắc. Những câu ca dao, tục ngữ, dân ca chất chứa trong chèo mà sau này mình cứ mê đi, đúng như bị bỏ bùa. Ngồi nghe các cụ hát trên sân khấu, phía dưới tôi ngồi nghe và  hát theo mà nước mắt cứ chảy ra, thế mới lạ chứ", nghệ sĩ Chu Văn Thức chia sẻ.

Không nói ngoa rằng chèo đến với NSND Chu Văn Thức rất tự nhiên, nhẹ nhàng, không hề chọn trước, mà như ông nói đó là cái "duyên nợ không thể chạy được". Khi đã mê chèo rồi, chàng trai trẻ Chu Văn Thức dành hết thời gian để tập luyện và tự nhủ với bản thân mình phải phấn đấu, thật cố gắng. Ông thật sự dấn thân vào chèo, ngày ngày nghe những câu hát, làn điệu đã khiến ông mê mẩn tối ngày, chèo như có một sức hút lạ kỳ mà chính bản thân ông cũng không thể giải thích được.

Hai năm sau khi tách khỏi đoàn văn công Trung ương, NSND Chu Văn Thức và đoàn rong ruổi lưu diễn tại các vùng sau lưng địch. Địch rút đến đâu, đoàn đến biểu diễn đến đó để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, mới  "chân ướt chân ráo" sang chèo nên ông chưa hát được. Vì thế mà hầu hết các vai ông được giao ít khi phải hát mà chỉ độc thoại như một diễn viên kịch. Vai ông đảm nhận thường là vai phụ, quần chúng và ít cảnh quay. Sau mấy năm tập luyện và đi diễn liên tục, dần dần, ông cũng được phân vai chính. Nhân dịp, có đoàn chuyên gia của Liên Xô sang đào tạo đạo diễn, lúc này trong đoàn chèo chỉ có ông là diễn viên nam trẻ hơn cả nên được cử đi học. Kết thúc khóa học 4 năm, ông trở thành đạo diễn chèo và kiêm luôn các vai diễn chính của đoàn. Thời gian sau, ông lại được cấp trên tín nhiệm cử sang Rumani với vai trò thực tập sinh khoa học về đạo diễn.

NSND Chu Văn Thức được biết đến là một "nghệ sĩ gạo cội" và rất nặng lòng với chèo. Thời gian ông gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này cũng ngót nghét gần nửa đời người. Dáng đi nhẹ nhàng và đôi mắt còn khá tinh tường, tiếng cười sảng khoái, tuổi 81, ông vẫn tham gia các buổi hội thảo, tham luận và nghiên cứu về bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo. Vừa kể chuyện về những lần đi hội thảo, ông lần dở cho tôi xem hai tập tài liệu nghiên cứu về chèo cổ luôn được đặt sãn trên bàn, lúc rảnh mang ra đọc.

Tiếp chuyện tôi dưới tán khế xanh mướt trong khoảng sân vườn nhỏ trước nhà, ông bảo tuổi cũng cao rồi, ở nhà thỉnh thoảng đi dự hội thảo, tham luận hay đọc tài liệu và lúc rảnh có đạo diễn mời đóng phim mà vai diễn phù hợp thì tham gia. Từ khi bước chân vào nghệ thuật thứ 7, NSND Chu Văn Thức đóng cũng khá nhiều phim, nhưng phần lớn là vai phụ và không mấy ấn tượng. Sau 13 tập phim "Mùa lá rụng" của đạo diễn Quốc Trọng được phát sóng trên truyền hình, nhân vật ông Bằng do ông đóng khán giả mới biết đến ông nhiều hơn và để lại ấn tượng với khả năng diễn xuất. Cho đến nay đã hơn 10 năm, nhiều khán giả chưa quên hình ảnh ông bố sống trong một nếp nhà cổ Hà Nội có 5 người con trai, giữa lúc giao thời nếp sống cũ và mới với tâm trạng đầy suy tư và trăn trở.

Vốn xuất thân từ một diễn viên kịch trước khi đến với chèo, bởi vậy  NSND Chu Văn Thức không khó khăn khi đến với điện ảnh. Theo ông, hiện thực tâm lý trong kịch rất quan trọng, còn đối với chèo là nghệ thuật tả ý. Khác nhau căn bản, bởi vậy gần như diễn viên chèo ít khi lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh. Còn bản thân ông có lẽ may mắn khi mình từ kịch chuyển sang chèo. Về vai diễn ông Bằng, Nghệ sĩ chèo chia sẻ: "Trước khi mời tôi tham gia vai ông Bằng, Đạo diễn Quốc Trọng đã tuyển trước đó 4 người, nhưng chưa ai phù hợp. Tôi nhận kịch bản về đọc thật kỹ, rồi đề nghị với đạo diễn cho diễn thử đoạn nào khó nhất, nếu được sẽ nhận lời tham gia. Đoạn tôi diễn thử, không có lời thoại nên rất khó diễn, phải thể hiện được những suy nghĩ và nội tâm giằng xé của nhân vật qua nét mặt, ánh mắt và cử chỉ. Khi tôi diễn thử đạo diễn mừng quá kêu lên "ông ơi không còn gì hay hơn, ông cứ diễn thế cho con".

 "Tôi còn nhớ trong một vở chèo "Mối thù này phải trả" phục vụ cho chiến dịch Điện Biên, cũng vào thời giảm tô, cải cách ruộng đất. Vở này nói về mâu thuẫn gay gắt và mối thâm thù giữa địa chủ và nông dân. Tôi đóng vai một tay sai của địa chủ. Vai diễn có đoạn tôi túm cổ một anh nông dân quay một vòng rồi vật xuống sàn đất, sau đó dẫm chân lên cổ anh này. Khán giả phía dưới nhìn thấy cảnh đó rất căm phẫn, thế là bao nhiêu bó đuốc cầm trên tay "vút" hết lên sân khấu. Diễn viên chúng tôi vừa sợ vừa buồn cười, chạy nháo nhào hết cả. Đoàn biểu diễn phải nhờ bộ đội giữ trật tự và giải thích với khán giả. Dù sau đó, đã ổn định lại sân khấu, nhưng chúng tôi không dám ra nữa. Sáng hôm sau, mọi người ra suối đánh răng rửa mặt, nhưng chúng tôi đóng vài địa chủ và tay sai tối hôm trước tuyệt nhiên không dám ra chỉ sợ nông dân tưởng ngoài đời thật. Đến lúc đi ăn, một bác nông dân phục vụ trong nhà ăn, thấy tôi bà ấy chỉ mặt "cái thằng này hôm qua mày ác thế, hôm nay thì nhịn nhé", NSND Chu Văn Thức kể.

Thiên Vũ