Ông lão kỳ lạ chấp nhận làm osin cho bệnh nhân AIDS

Ông lão kỳ lạ chấp nhận làm osin cho bệnh nhân AIDS

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Những con người mang trong mình căn bệnh thế kỷ (AIDS) xem ông như là ân nhân cứu mạng bởi ông đã giúp họ từ bỏ ý định tự tử để trở lại với cuộc sống bình thường.

Ông là Thượng Văn Chiêu (60 tuổi, ngụ tại khu phố Thạnh Hòa B, phường An Thạnh, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương).

"Họ đã tin thì tôi phải có nghĩa vụ lo cho họ"

Vừa đến cổng nhà ông Chiêu, chúng tôi gặp một thanh niên ngoài 30, tên T. đang cẩn thận chăm sóc những chậu kiểng ngay trước sân. Sau khi trò chuyện, T. cởi mở cho biết, T. chỉ là người dưng được ông Chiêu cưu mang. T. đã đến ở cùng gia đình ông Chiêu từ năm 2010.

"Hơn chục năm nghiện ngập, rồi mắc bệnh AIDS, bị cha mẹ, vợ con từ bỏ, tôi đã rơi xuống tận đáy xã hội với đủ trò trộm cắp, ngủ ngoài nghĩa trang... Rồi may mắn, tôi được gặp ông Chiêu. Ông là người đã giúp tôi cai nghiện. Những ngày ở với gia đình ông Chiêu là những ngày ấm áp nhất đời tôi...", T. bày tỏ.

Nhớ về những chuỗi ngày vật lộn với ma túy, ánh mắt T. nhìn xa xăm, giọng trầm hẳn: "Cách đây một năm tôi tái nghiện trở lại, ông Chiêu bực lắm.

Trong lúc nóng giận, ông Chiêu đã đuổi tôi ra khỏi nhà, nhưng chỉ được vài ngày là ông lại lặn lội đi tìm. Cảm động trước tấm lòng của ông Chiêu, tôi trở về cai nghiện.

Ngày ngày tôi xuống ruộng bắt cào cào về cho mấy chú chim để quên đi cơn khát thuốc. Nhìn vườn kiểng trước sân nhà ông Chiêu, tôi dự tính sau khi đỡ bệnh, sẽ sửa lại vườn kiểng khang trang hơn và theo ông giúp những người chung cảnh ngộ để trả ơn ông" .

Mãi đến gần 12h trưa, ông Chiêu mới về tới nhà trên chiếc xe Honda 81 cũ kỹ. Có lẽ đây là phương tiện đã cùng ông đến với những mảnh đời bất hạnh.

Ông Chiêu cho biết: "Tôi vừa đưa một bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối đến Trung tâm Mai Hòa ở Củ Chi, TP.HCM về. Xã hội, người thân kỳ thị đối với họ, nên họ kỳ thị lại. Còn tôi xin nói thẳng tôi chỉ có 54kg thịt, tôi tặng hết cho họ".

Bắt đầu từ công việc chăm sóc, tắm rửa cho bệnh nhân AIDS mà không cần công cụ bảo hộ như găng tay, khẩu trang... trước sự ngỡ ngàng của mọi người, ông đã cảm hóa được những bệnh nhân AIDS, giúp họ tự tin hơn khi gần gũi với ông. Ông Chiêu giải thích: "Không phải tôi liều mạng, mà do tôi biết chắc rằng tay tôi không bị vết thương hở thì chắc chắn sẽ không bị lây nhiễm…

Ông Chiêu cười hóm hỉnh mà rằng: "Cả nước có trên 80 triệu người, sao họ không kêu ai mà cứ gọi đúng tên tôi? Họ đã tin thì tôi phải có nghĩa vụ lo cho họ!...".

Xã hội - Ông lão kỳ lạ chấp nhận làm osin cho bệnh nhân AIDS

Ông Thượng Văn Chiêu nguyện gắn cuộc đời mình để chăm sóc những mảnh đời bất hạnh.

Chấp nhận làm osin cho bệnh nhân AIDS

Ông Chiêu bắt đầu gắn với những mảnh đời bất hạnh từ năm 1992. Đó là lúc mẹ ông bị bệnh nặng, phải nhập viện và nằm ở khoa Nhiễm bệnh viện đa khoa Bình Dương, khoa chuyên dung nạp những bệnh nhân nặng và có tính lây nhiễm cao (lao và các bệnh về phổi).

Cám cảnh trước những hoàn cảnh bệnh nhân không có người thân hoặc bị người thân xa lánh hắt hủi, ông đã không ngần ngại giúp đỡ họ từ việc mua cơm, tự tay cho người bệnh ăn, đến tắm rửa, giặt quần áo, giúp họ đi vệ sinh…

Đến năm 1993, khoa Nhiễm bệnh viện đa khoa Bình Dương có ca bệnh AIDS đầu tiên.

"Tôi không thể tả hết sự hoảng loạn của gia đình bệnh nhân và cả đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng nơi đây khi có sự hiện diện của bệnh nhân này", ông Chiêu kể.

Thấy mọi người kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân AIDS, nhiều đêm ông Chiêu trằn trọc không ngủ vì suy nghĩ.

Ông Chiêu buồn rầu nói: "Người bệnh sẽ không chết vì bệnh mà sẽ chết vì sự kỳ thị của mọi người. Mình làm gì để giúp họ vượt qua sự mặc cảm?...". "Và rồi tôi mạnh dạn tìm cách tiếp cận, gần gũi bệnh nhân AIDS", ông Chiêu kể tiếp. Những ngày sau đó, khoa Nhiễm ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân AIDS mắc các bệnh cơ hội như lao, ghẻ lở... cần nhiều người giúp đỡ nên việc làm của những người như ông Chiêu được khuyến khích.

Ông Chiêu quan niệm, đối với bệnh nhân AIDS còn sống thì cần một bàn tay chăm sóc, đến lúc trút hơi thở cuối cùng thì cần một cỗ quan tài. Nghĩa cử cao đẹp của người đàn ông này đã làm rung động trái tim bà con xóm giềng.

Bà Nguyễn Kim Tuyết (vợ ông Chiêu) công tác tại khoa Nhiễm bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương tâm sự: "Thấy anh Chiêu tốt bụng, tuy không họ hàng ruột thịt gì với bệnh nhân mà thương yêu, chăm lo cho bệnh nhân chu đáo, tôi thấy quý, rồi thương ảnh. Tôi nghĩ đối với người dưng mà anh còn thương như vậy, chắc làm vợ ảnh còn thương nhiều hơn...". Họ kết hôn năm 1997.

Từ đó, ông Chiêu có thêm một trợ thủ đắc lực trong việc chăm sóc bệnh nhân bất hạnh. Bà Tuyết làm tại khoa Nhiễm, nơi đầu sóng, ngọn gió của bệnh viện tỉnh, nên có ai cần giúp đỡ là bà nhắn chồng mình đến ngay.

Đầu năm 2002, ông Chiêu che thêm mái nhà, đặt thêm chiếc giường và bắt đầu đem người bệnh về nhà trông nom. Hầu hết bệnh nhân đều là những người bị người thân ruồng bỏ.

Ông Chiêu cho biết: "Những người mắc căn bệnh thế kỷ bị gia đình bỏ bê và cộng đồng kỳ thị thì nếu 10 người mắc bệnh họ đều muốn tự tử cả. Tôi đưa họ về nhà, khơi lại tình cảm bằng chính sự quan tâm chăm sóc, để họ định tâm trở lại, chấp nhận sống chung với bệnh tật và sống có ích". Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ mọi miền đất nước đã tìm đến gặp ông, nhờ ông giúp đỡ. Mái nhà làm thêm 2 giường khi có 2 người bệnh đến với ông.

Tính từ khi tiếp cận ca bệnh nhân đầu tiên đến nay, ông Chiêu đã đưa được 10 bệnh nhân AIDS nặng về quê. Chăm sóc, nuôi dưỡng cho khoảng 50 bệnh nhân và đến các bệnh viện chăm lo cho hàng trăm bệnh nhân khác.

Bỏ ngoài tai những lời chửi rủa

Ông Chiêu còn tự nguyện làm trạm trung chuyển, đưa các bệnh nhân trở về với gia đình hoặc đưa đi điều trị tại các trung tâm dành cho bệnh nhân AIDS. Đây là công việc vất vả, nhưng trong nhiều trường hợp ông không được gia đình người bệnh cảm ơn mà còn nhận lấy sự tủi nhục.

Điển hình như trường hợp Nguyễn T., bệnh rất nặng có nguyện vọng được đưa về đoàn tụ với gia đình ở phường Phú Cát (TP.Huế). Để thỏa mãn ước nguyện của T., ông Chiêu phải bán chiếc xe gắn máy, mượn thêm tiền của vợ, hợp đồng xe cấp cứu giá 11 triệu đồng để đưa T. về với gia đình. Về đến nơi, em của T. không những không cảm ơn mà còn hỏi: "Anh tôi đi làm bao nhiêu năm nay tài sản của anh tôi đâu hết rồi?".

Còn trường hợp của Y., ông Chiêu phải dùng số tiền dành dụm mấy tháng trời hơn 3 triệu đồng đưa về Nam Định. Vừa tới nhà Y., ông Chiêu bị bố Y. mắng té tát: "Mày đưa con tao đi làm gì bao nhiêu năm nay, đến khi nó thân tàn ma dại mày mới đưa nó về?".

Không chỉ mắng mỏ, bố Y. còn dùng gậy đánh ông Chiêu gục ngã giữa sân. Chỉ khi công an đến, rồi Y. giải thích, bố Y. mới hiểu. Do bị đánh, 3 ngày sau ông Chiêu vẫn còn khạc ra máu tươi. Những lúc làm ơn, mắc oán như vậy, chính vợ ông đã động viên giúp ông lấy lại sự cân bằng.

Bao năm ông Chiêu "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", không làm ra tiền để phụ giúp gia đình, nhưng khi được hỏi về chồng, bà Tuyết nói: "Chồng mình làm phước là để tích đức cho con cháu, chứ có sinh tật nhậu nhẹt, gái gú đâu mà mình rầy la".

Bằng tình thương, ông Chiêu đã giúp cho nhiều bệnh nhân AIDS bình tâm, trở về với với gia đình, với cuộc đời. Và cũng bằng cái tình của mình, ông đã làm thay đổi thành kiến của thân nhân người bệnh đối với con em họ nói riêng và căn bệnh thế kỷ nói chung. Với những hành động cụ thể của mình, ông đã làm cho họ phải suy nghĩ lại về sự vô trách nhiệm của mình đối với người thân khi bị bệnh AIDS.

Cũng từ thực tế gần 10 năm trực tiếp chăm sóc, tắm rửa cho người bệnh mà không bị lây nhiễm, ông Chiêu đã khiến người khác phải thay đổi cách nghĩ, bệnh AIDS không dễ lây lan và cũng không quá kinh khủng! Quan trọng hơn là bằng tấm chân tình, ông Chiêu đã thay đổi được định kiến của cộng đồng với bệnh nhân AIDS.

Gia đình phải sống trong cảnh bị cô lập

Ông Thượng Văn Chiêu tâm sự: "Những ngày đầu, khi hàng xóm biết ông Chiêu đưa bệnh nhân AIDS về nhà bà con đều kỳ thị, xa lánh không chỉ với bệnh nhân mà cả với gia đình tôi. Sau một thời gian thấy gia đình sống chung với bệnh nhân AIDS mà không ai bị làm sao thì họ đã dần dần thay đổi định kiến.

Hiện nay, những người hàng xóm rất quan tâm đến người nhiễm HIV/AIDS. Những khi gia đình đi vắng, có món ngon họ sẵn sàng mang đến cho bệnh nhân. Thậm chí có gia đình tổ chức đám tiệc còn mời cả bệnh nhân đến uống vài lon bia. Thấy mọi người quan tâm đến người bệnh tôi vui lắm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho việc làm của tôi và gia đình".

Quyên Triệu