"Phạm" ca từ Phạm Duy, Thái Thanh trở thành “duyên lạ”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Trong những cuốn cassette giới thiệu nhạc của Phạm Duy, ông cũng đôi lần lưu ý với thính giả là Thái Thanh hát sai lời nhạc của mình. Nhưng rồi cũng chính Phạm Duy đã từng thừa nhận những từ Thái Thanh "lỡ miệng" hát sai đôi khi trở nên "duyên lạ".

Như nhạc phẩm "Cho nhau" Phạm Duy viết: "Cho nhau ngòi bút cùn trơ - Cho nhau, cho những câu thơ tàn mùa - Cho nốt đêm mơ về già". Thái Thanh lại hát thành "Cho nhau ngòi bút còn lưa ...". "Lưa" là một từ cổ, có nghĩa là còn sót lại, nhưng mang một âm thanh u hoài, luyến lưu tiếc nuối. Như trong ca dao Bình Trị Thiên vẫn có câu hát đẫm buồn: "Trăm năm dù lỗi hẹn hò - Cây đa bến - Cô con đò vắng đưa - Cây đa bến Cô còn lưa - Con đò đã khác năm xưa tê rồi". Nên từ "còn lưa" đã đẩy ca khúc cho nhau về một cõi xa xưa đầy u hoài, luyến tiếc, để lại một dư âm da diết trong cảm nhận về ngôn từ trong lòng thính giả.

Xã hội - 'Phạm' ca từ Phạm Duy, Thái Thanh trở thành “duyên lạ”

Bộ ba Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh

Nhờ thế mà chữ tình trong "Cho nhau" trở nên lai láng, mơ hồ về quá vãng, còn day dứt mãi trong lòng tình nhân chứ không còn xao xác, tận cùng như "ngòi bút cùn trơ". Nên dù vậy, Phạm Duy lưu ý không chỉ nhắc nhớ một câu chuyện thú vị trong bài hát chứ chưa hề trách cô em vợ một tiếng nào. Mà vì tình "còn lưa" nên Thái Thanh lại hát câu "Cho nốt đêm mơ về già" thành "Cho nối đêm mơ về già", sâu nặng và thủy chung. Như nối tiếp một giấc mơ còn dang dở ở thời thanh tân bề bộn, giờ luống tuổi về chiều xin cho em được mơ tiếp hình anh. Và cho nhau "nối đêm mơ về già" như cứu rỗi hai linh hồn chưa bao giờ an lạc vì trót nhớ thương tình lỡ.

Phạm Duy viết "Cho nhau thù oán hờn ghen - Cho nhau cho cõi âm ty một miền", Thái Thanh lại hát thành "Cho nhau cho nỗi âm ty một miền". Vô tình mà như hữu ý, vì từ "cõi" như là một ý niệm hiện hữu về không gian, như xa anh em về cõi chết, tưởng như "cõi âm ty" rất bao la nhưng thật ra chết là hết có còn vấn vương gì. Cho em "nỗi âm ty", từ "nỗi" dùng để diễn tả tâm trạng con người, con người tưởng như không thể sánh được với cả một "cõi" không gian nhưng nỗi lòng người lại bao la đến vô hình. "Nỗi âm ty" là sự chết đang tồn tại trong thực thể còn đang sống.

Một số người cho rằng: "Chỉ có Thái Thanh mới đủ khả năng nâng bổng nhạc của Phạm Duy và chỉ có nhạc của Phạm Duy mới đáng để Thái Thanh hát. Và nhiều ca khúc của Phạm Duy được Thái Thanh thể hiện đúng chất và đúng tầm hơn những ca sĩ khác cùng thời".

Nói như vậy, hoàn toàn không có ý khuyến khích ca nhân tự ý thay lời tâm huyết của nhạc sĩ. Chỉ như một câu chuyện để nhớ rằng Thái Thanh hát bằng chính trái tim, nên ngôn từ cũng bật ra từ chính tâm hồn nhạy cảm của bà.

Thời ly loạn hoang tàn, giọng ca Thái Thanh vút cao hồn dân tộc trên những đổ nát, ly tan do chiến tranh bom đạn, tô thêm sự hùng tráng cho những phút giây rơi lệ vì nỗi sinh tử cách ngăn. Tiếng hát của bà len lỏi vào những góc khuất của Sài Thành phồn hoa nhưng thật sự chỉ che đậy cái gọi là khủng hoảng tâm lý của tri thức đương thời. Thế nên, bà được mệnh danh là "giọng hát vượt thời gian".

Thái Thanh thành hôn với diễn viên điện ảnh Lê Quỳnh vào năm 1955. Bà có 5 người con là Ý Lan, Lê Việt, Quỳnh Dao tức Quỳnh Hương , Thanh Loan và Lê Đại. Năm 1965, bà và Lê Quỳnh chia tay, một mình bà nuôi dạy con cái. Sau này Ý Lan và Quỳnh Hương trở thành ca sĩ nổi tiếng ở Hải ngoại. Nhưng hạnh phúc ở đời thường không tròn vẹn. Thái Thanh có 2 người con mắc bệnh hiểm nghèo. Và chính tấm lòng hồn hậu, yêu thương con mãnh liệt đã giúp Thái Thanh có đủ nghị lực để cùng 2 con vượt qua nỗi đau bệnh tật để vươn tới thành công. Hiện nay, người con ấy là quản lý công nghệ của một trường đại học ở Long Beach (Mỹ), sống tự túc trong một căn hộ riêng gần trường. Dù vậy, mỗi cuối tuần Thái Thanh vẫn tới thăm nom, mang theo vài món ăn Việt do chính tay bà nấu. Người con gái áp út của bà bị chứng bệnh depression không thể học hành bình thường như các anh chị em được. Bà đã cật lực chữa trị cho con gái bằng tất cả tình yêu. Sau hơn mười năm chữa trị, cô con gái này vượt qua được căn bệnh, hòa nhập cộng đồng.

Vân Thân