Phận người và những tiếng rao

Phận người và những tiếng rao

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Đêm Hà Nội đã nuốt chửng những lời rao vào cái cổ họng to tướng, lập lòe ánh điện của các vũ trường đêm. Họa hoằn lắm vào những đêm mưa phùn, gió bấc, bão chết cò, mặt đường, mặt ngõ vắng tanh, tiếng rao mới nổi lên, phảng phất màu sắc, âm điệu của tiếng rao xưa...

Không biết từ bao giờ, những tiếng rao đêm đã bám chặt vào ký ức của người Hà Nội, dù đi đâu và xa cách bao lâu, không thể nào cọ rửa nổi, làm nên một phần hồn của đêm Hà Nội, nhất là những người sống trong khu vực phố cổ... hẳn không ai quên được những tiếng rao độc đáo mang màu sắc riêng của người Hà Nội.

Chỉ vừa sầm trời, sập tối khi âm thanh nhộn nhịp của ban ngày lắng xuống là lúc bắt đầu nhịp điệu chậm rãi trong tĩnh lặng của buổi đêm, người dân lại nghe tiếng rao kéo dài. Đêm càng khuya tiếng rao càng vang xa, ngân dài từ đầu phố đến cuối phố, nhẫn nại và chậm chạp. Tiếng rao nối những con phố dài, vắng lặng, hun hút với những ánh đèn vàng vọt, leo lét lọt qua khe cửa khiến đêm càng sâu hơn.

Xã hội - Phận người và những tiếng rao

Giữa không gian tĩnh lặng, đông đặc tưởng có thể dùng dao mà cắt thành hình, thành khối được, bỗng vang lên tiếng gậy khươ lộc cộc của mấy ông già tẩm quất... ai hay đau lưng mỏi gối, chỉ chờ nghe tiếng “tầm quéc! tầm quéc đi” là vội vàng nhỏm dạy, khươ khoắng đôi guốc dưới chân, loẹt quẹt chạy ra... Khi bước chân của người tầm quéc xa dần là giấc ngủ của người được tẩm quất cũng đến gần. Hà Nội chìm sâu vào giấc ngủ đêm: tĩnh lặng, dịu dàng và đằm sâu, mướt mát của đủ các loại hoa và sương đêm: Dạ hương, hoa sữa, mộc lan, nhài v.v.

Bình minh thực sự bắt đầu với tiếng chổi tre quét đường xào xạc của những chị lao công hăm hở... Hà Nội bắt đầu trong gió sớm ban mai, trong bộn bề cảm xúc... Tiếng rao càng trở nên nhộn nhịp hơn khi đội quân bán bánh mỳ, ngô rang, hạt dẻ tiến vào từng ngõ phố tạo nên bức tranh riêng: xôn xao và ồn ã. Ít ai còn nằm rốn trên giường được nữa khi tiếng rao lọt vào tận khe cửa, qua chăn ấm, đệm êm, khoan sâu vào màng nhĩ và ánh nắng hỗn hào của buổi sớm lọt vào nhà như chọc tức, trêu ngươi... Khi ấy, ba mươi sáu phố phường Hà Nội càng mặn mà, duyên dáng thêm bởi những bước chân mềm mại của người đi làm, ăn nhịp với giọng rao ngọt ngào của các cô hàng bánh, hàng quà trên đất Hà thành.

Cái thời mơ mộng ấy, qua mãi rồi người ơi... Câu hát của người Hà Nội hôm nay như chấm dứt bản hòa tấu của những tiếng rao đêm. Hà Nội vào thời mở cửa, tiếng rao cả ngày cũng như đêm trở nên chát chúa, nhức nhối, mệt mỏi hơn. Đêm tối bắt đầu bằng tiếng rao của bầy trẻ nhỏ, ăn vận tồi tàn, những tiếng rao vội vàng, gấp gáp: Kết quả đây! kết quả đây! Tiếng rao cất lên ngay sau khi các hàng xổ số, lô đề dừng lại và vô tuyến truyền hình Trung Ương cùng đài phát thanh Hà Nội truyền đi thông tin về kết quả “xổ số kiến thiết Thủ đô”. Cả nghìn người tụ tập quanh nơi mở thưởng - nơi ngành xổ số đang làm ăn phát đạt trên lưng hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu con bạc khát nước.

Vào những thời khắc tiếp theo, thay thế cho tiếng rao của người Hoa Kiều là tiếng rao của các bà, các cô từ thôn quê, tứ chiếng tụ dồn về thành thị kiếm sống. Ban ngày gom đồng nát, sách báo, sắt vụn, mong kiếm được đồng lành nuôi con, ban đêm thì bánh mỳ, ngô nướng, sắn luộc, khoai lùi, những món nông sản phụ rẻ tiền mà họ có thể tiêu thụ được vào đêm hôm khuya khoắt cho những con bạc tỉ thí qua đêm hoặc sinh viên nghèo thức khuya học bài. Bước chân mệt mỏi, giọng rao năn nỉ mời chào cất lên.

- Bánh mì lóng đơi, ai ngô nướng, sắn luộc, khoai lùi nào.

Sáng ra, thay vì tiếng tàu điện, chổi tre, tiếng chào mời ngọt ngào của các hàng quà sáng là những tiếng rao đã được cơ giới hóa, điện tử hóa, từ bán báo, bán bánh mì cho đến thuốc dạo, xe buýt v.v. Những cái đài nhỏ được vặn hết vô-lum, chạy bằng ắc quy, hoặc cả dàn tăng âm với loa thùng, loa nén lưu động:

- Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột, thơm bơ, ăn vô là nhớ... ơ... ơ...

- Thuốc diệt chuột đặc biệt đây. Chuột lớn, chuột con, chuột cha, chuột chú, chuột chù, chuột nhắt, chuột Pháp, chuột Mỹ, chuột Tuy-ni-di... chuột gỉ gì gi, chuột gì cũng chết, mua đi kẻo hết…

Và:

- Báo mới đây, con rể ngủ với mẹ vợ. Con tôi, cháu bà, cảnh nhà ù xọe, mua nhanh kẻo tiếc, chỉ cần liếc mắt, đã đáng đồng tiền, báo đây, báo đây...

Thời buổi công nghiệp hóa, ai cũng cố tỏ ra năng động. Mọi người vội vàng lên xuống nhanh như ma đuổi, quỷ hối... Một ngày mới bắt đầu ồn ào và rệu rã như thế, chỉ muốn nói thêm rằng, trong nền kinh tế thị trường, những tiếng rao đêm của những người lao động lam lũ - góp phần làm nên diện mạo của một Hà Nội xưa đã bị chìm sâu vào mọi tiếng động ồn ào, hỗn tạp và mỗi ngày một lùi thêm vào dĩ vãng.

Đêm Hà Nội đã nuốt chửng những lời rao vào cái cổ họng to tướng, lập lòe ánh điện, của các vũ trường đêm. Họa hoằn lắm - vào những đêm mưa phùn, gió bấc, bão chết cò, mặt đường, mặt ngõ vắng tanh, tiếng rao mới nổi lên, phảng phất màu sắc, âm điệu của tiếng rao xưa, văng vẳng từ ngoài mặt đường vào trong chăn ấm, từ mặt đất tối thẫm, ướt rượt lên lưng chừng trời - nơi những căn nhà chung cư mới dựng, đem đến cho người dân chút cảm thông, ấm áp, khiến người dân ngỡ ngàng nhận ra một Hà Nội yên tĩnh, sâu lắng sau cái phần ngày ồn ào, náo nhiệt, gấp gáp, quay cuồng, hưởng lạc kia.

Tiếc nuối, bâng khuâng...

Tuệ Anh

Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog

Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng