Phụ huynh ngơ ngác trước những chiêu lừa bịp mùa thi

Phụ huynh ngơ ngác trước những chiêu lừa bịp mùa thi

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
– Lợi dụng sự chân chất, thật thà của những người dân ngoại tỉnh đưa con lên thi, nhiều kẻ gian, quán cóc tự phát đã tranh thủ thời cơ “chặt chém” và tung ra những chiêu lừa gạt không thương tiếc.

Bức xúc vì gặp phải … hàng giả

Tại điểm thi trường Đại học Sư phạm I (Hà Nội), nhiều phụ huynh đã bị một số thanh niên dụ dỗ và mua phải đáp án giả môn thi Toán.

Bác Nguyễn Thế Tân (Đan Phượng, Hà Nội) bức xúc: “Thấy người bán là cậu thanh niên trông rất nho nhã. Tôi tưởng đó là sinh viên nên cũng tin tưởng mua một tờ cho con. Nhìn toàn số với chữ tôi đâu có biết đó là giả hay thật, mãi đến lúc có một cậu là giáo viên, cũng đưa em đi thi xem qua bảo đó là đáp án của năm 2010, tôi mới té ngửa là mình đã mất tiền oan. Dù giá của bản đáp án đó chỉ có 5.000 đồng nhưng tôi thấy bực mình bực mình vì chúng không ngần ngại đi lừa tiền của nhiều người khốn khó”.

Đáp án (năm 2011 của Bachkhoa - Aptech, trái) và đáp án giả (năm 2010, phải)

Anh Trần Văn Tiện, giáo viên dạy Hóa của một trường THPT ở Văn Lâm (Hưng Yên) đứng chờ em trước cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Những kẻ bán đáp án giả đó chỉ dám nhằm vào những bác phụ huynh trung niên, dáng vẻ hiền lành ở quê ra… để dụ dỗ, mời gọi. Còn khi thấy những người nhà là thanh niên hoặc sinh viên thì chúng lại “kiềng” mặt vì sợ bị lật tẩy chiêu lừa bịp”.

Cũng trước cổng trường Đại học Sư phạm thông thường cứ cách một khoảng thời gian lại xuất hiện một số người phụ nữ tự nhận là thành viên của tổ chức nhân đạo, đi bán tăm để giúp đỡ người khuyết tật. Tranh thủ thời điểm béo bở này, các thị cũng không lỡ bỏ qua cơ hội.

Theo phản ánh của một số phụ huynh, nhiều người thấy gói tăm có ghi “Tăm nhân đạo”, lại nghe thêm được những lời “vận động” làm việc thiện, “lá lành đùm lá rách” của các những kẻ giả danh nên đã nhẹ dạ rút tiền biếu không chúng.

Tiếp chuyện với bác Vương Hoàng Hà (Nam Định) tại địa điểm thi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – một địa điểm thường xuyên xuất hiện những kẻ giả danh người làm từ thiện, PV Nguoiduatin.vn được biết: “Trước khi đưa con lên Hà Nội thi, tôi đã được mấy đứa cháu sinh viên dặn trước nên có gặp tôi cũng không dại gì mà rút tiền ra biếu vào chỗ lừa lọc. Tại địa điểm thi này, từ sáng tôi đã thấy có sự xuất hiện của các lực lượng công an, chắc có lẽ vì thế mà mấy thị bán tăm không hoạt động được. Ở đâu cũng như thế này thì chắc nhiều phụ huynh không phải chịu nỗi bức xúc vì mất tiền oan”.

Nước uống đắt ngang…. thuốc bắc

Tranh thủ thời tiết nắng nóng cùng tâm lý sốt ruột, lo lắng ở lại chờ con ngay trước cổng trường thi mà các quán nước tự phát mọc lên dày kín ken các khuôn viên và vỉa hè.

Tại trường Đại học Thương mại, khi rút ví để trả tiền một cốc trà đá chú Lâm (Thái Bình) sửng sốt khi bà chủ hét giá 7.000 đồng một cốc. Thắc mắc tại sao cốc nước lại đắt thế thì chú được bà chủ giải thích: đâu chỉ có tiền nước uống, tiền đó còn bao gồm cả tiền chỗ ngồi, tiền thuê ghế… Biết là mình bị ép giá nhưng chú đành ngậm ngùi trả tiền vì đằng nào nước cũng đã uống, ghế cũng đã ngồi.

Trả xong tiền, chú Lâm chỉ biết lắc đầu quầy quậy vì nước uống ở đây đắt hơn cả thuốc!?.

Quán trà đá mọc la liệt trước cổng trường Đại học Thủy lợi

Sau khi kết thúc thi môn Toán, hai bố con bác Khoái (Hải Phòng) đến một quán bia gần trường Đại học Thủy lợi để giải khát. Bác uống mấy cốc bia, còn cậu con trai uống một chai nước ngọt và “nhắm” với một gói lạc rang. Khi thanh toán ông chủ tính “tổng thiệt hại” bữa nhậu của bố con bác giá 180.000. Hỏi lại chủ hàng về mức giá cắt cổ, ông chủ gằn giọng: “Ở Hà Nội nó đắt vậy!”.

Tờ rơi rải như nêm

Thi đại học cũng là đợt để nhiều cơ sở buôn bán, dịch vụ tung ra đợt quảng cáo, tiếp thị hàng loạt sản phẩm. Có lẽ, khó mà tìm được một địa điểm thi nào mà lại không có bóng dáng của các nhân viên tiếp thị, phát tờ rơi.

Tờ rơi chất đốc trước cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội

Các loại tờ rơi thì đủ các thể loại như: nhiều nhất là dịch vụ tra cứu điểm thi, tuyển sinh vào các trường trung cấp, các trường dân lập; rồi đến tìm người giúp việc, quảng cáo sản phẩm điện tử, điện lạnh…

Một phụ huynh đến từ Cao Bằng chia sẻ với PV tại địa điểm thi trường Đại học Xây dựng: “Tôi thấy người ta phát tờ quảng cáo nhiều quá, lúc đầu còn xem qua, sau thấy nhiều cái giống nhau, chả biết cái nào thật, cái nào giả, cái nào tốt, cái nào không vì ai cũng tự nhận mình là tốt nhất”.

Tờ rơi là dùng để kê những chỗ ngồi lý tưởng

“Nhiều quá chả biết làm gì, tôi đành đề kê chỗ ngồi hoặc che nắng”. – phụ huynh vui vẻ chia sẻ với PV.

Phạm Hạnh