Quán trà mang phong cách dị biệt đất Hà thành

Quán trà mang phong cách dị biệt đất Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Ngoài việc được thưởng trà Ngũ hương, chủ nhật tại quán còn có bình thơ, ngâm thơ và giải câu đối...

Một ông giáo nghỉ hưu say mê trà đạo thích được trò chuyện với mọi người đã nảy ra ý định mở quán nước trà. Chỉ với dăm bộ bàn ghế gỗ mộc mạc, vài bộ ấm chén, đôi ba chiếc chiếu đơn nho nhỏ, quán nước trà tưởng chừng rất đỗi giản đơn giống như sự chân phương, giản dị của chính chủ nhân của nó lại là điểm hẹn quen thuộc hàng ngày của hàng trăm lượt ẩm khách.

Xã hội - Quán trà mang phong cách dị biệt đất Hà thành

Lư Trà Quán trở thành nơi hội ngộ của những người thưởng lãm trà

Để thay đổi khẩu vị uống trà hàng ngày, tránh cho khách không bị nhàm chán, ông Lư đã nghĩ ra cách xếp lịch uống trà cụ thể cho từng ngày: Thứ 2 trà Mộc Tân Cương, thứ 3 trà Sen, thứ 4 trà Nhài, thứ 5 trà Cúc, thứ 6 trà Thanh hương, thứ 7 trà Hồng đào. Riêng ngày chủ nhật, ông dành cho trà Ngũ hương - loại trà do chính ông pha chế. Là sự tổng hòa của 5 hương vị (sen, nhài, cúc và 2 loại hương vị khác). Ngoài việc được thưởng trà Ngũ hương, chủ nhật tại quán còn có bình thơ, ngâm thơ và giải câu đối do chính chủ quán làm chủ tọa.

Quán nước nhỏ ấy nằm dưới chân cầu thang nhà B6 - khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân - Hà Nội) rộng chưa đầy 7m2. Xung quanh đầy những bức thư pháp do khách hàng đề tặng. Chính giữa quán, ông chủ đề 4 chữ lớn Hòa - Kính - Thanh - Tĩnh. Bên trái là ba chữ Hoa - Tuyết - Nguyệt. Bên phải là Chân - Thiện - Mỹ. Đó là những chữ vàng do chính chủ quán, một nhà giáo nghỉ hưu nghĩ ra.

Ông Lư tâm sự: "Cũng giống như người học Thiền hay tập dưỡng sinh, khi uống trà, tâm hồn cần tách "rời khỏi thể xác". Phải loại bỏ hết tham, sân, si, diệt hết tà tâm, hết mọi thù hằn, ghen ghét. Như thế mới thực sự đạt đến tầm của hòa, kính, thanh, tĩnh. Hoa, tuyết, nguyệt là ba vẻ đẹp thanh khiết nhất của tạo hóa, là ba vẻ đẹp trong trắng, đẹp đẽ nhất của thiên nhiên. Uống trà chính là thưởng thức ba vẻ đẹp ấy. Còn chân, thiện, mĩ là cái đích cuối cùng mà con người sống trên đời này luôn vươn tới. Uống trà cũng là một cách để con người rèn luyện và hướng về ba giá trị cao đẹp đó".

Thời gian đầu, khách hàng của Lư Trà Quán chủ yếu là người cao tuổi, các cụ tụ tập nhau, vừa thưởng trà, vừa kể chuyện. Những mẩu chuyện vui, những kỉ niệm đáng nhớ cộng thêm chén trà làm đầu câu chuyện, người ta được xích lại gần nhau hơn. Dần dà, lượng khách tìm đến càng đông. Thành phần và lứa tuổi cũng trở nên phong phú, đa dạng. Không ít khách hàng, là học sinh, sinh viên cũng tìm đến với trà quán. Có hôm đông khách, nhiều người phải xếp hàng chờ hàng tiếng đồng hồ để được xếp chỗ.

Ngoài Lư Trà Quán tại phố Nguyễn Quý Đức, ông Kiều Văn Lư còn có một Lư trà quán mang tên Vô thường tịnh cốc tại 456 Hoàng Hoa Thám do con trai ông tên Kiều Quốc Khánh điều hành. Đây là một khu vườn rộng khoảng trên 400 mét vuông và rất đông khách. Tuy nhiên, theo ông Lư, khách nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng là họ phải biết thưởng trà và nhớ về bản sắc văn hóa Việt. Chẳng thế mà, khi gặp những vị khách tâm đắc, tâm giao về trà, về thi ca, thư pháp, ông Lư không bao giờ lấy tiền trà. Được biết, năm nay ông Lư đã ngoại "bát tuần", ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông sẵn sàng ngồi cả ngày để đàm thưởng trà đàm đạo về văn chương, về trà, về thi ca với những người tâm huyết.

Cứ thế, đã hơn 10 năm nay, góc bình yên nhỏ bé ấy đã trở thành địa chỉ quen thuộc của biết bao người Thủ đô. Thưởng trà cũng đã được nâng lên thành nghệ thuật. Không phải ai cũng biết những bước cơ bản để có thể pha một ấm trà ngon và thưởng thức đủ hương vị trà. Một ấm trà có ngon hay không ngoài hương vị trà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: ấm trà làm từ đất nung, chén trà tráng qua nước nóng, trà phải pha ở nhiệt độ 70C... Khi rót trà phải chú ý xếp chén thành vòng tròn, rót đều qua mỗi chén sao cho ai cũng được thưởng thức hương vị trà đậm đà như nhau. Khi mới uống trà có vị hơi chát nhưng sau đó người uống sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh mát dìu dịu lắng dần từ đầu lưỡi xuống cổ họng.

Quý Chương