Sản xuất gạo giả dễ nhưng đắt

Sản xuất gạo giả dễ nhưng đắt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
"Theo suy nghĩ của tôi, gạo nilon đắt gấp mấy lần gạo thật, thời buổi kinh tế thị trường lấy lợi nhuận đặt lên hàng đầu chẳng có lý nào họ làm giả để bán", PGS. TS Nguyễn Trường Luyện, Viện Vật lý Kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định.

Như đã đưa tin, loại gạo này có hình dạng dài và to hơn các loại gạo bình thường. Gạo có màu trắng đục và bề ngoài bóng bắt mắt. Được biết, khi nấu, hạt cơm không nở như các loại gạo bình thường và rời rạc bất thường. Đặc biệt, thay vì mùi thơm của cơm, thì cả nồi nồng nặc mùi nilon, xen kẽ mùi nhựa tổng hợp khó ngửi.

Xã hội - Sản xuất gạo giả dễ nhưng đắt

Gạo được cho là giả ở Hà Nội

Sau khi nhận được thông tin về loại gạo này, Đội Quản lý Thị trường số 15 (Chi Cục quản lý Thị trường Hà Nội) đã lập tức ra quân "điều tra". Cơ quan liên ngành đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh gạo tại địa chỉ 32/88 phố Giáp Nhị (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) được cho là "mầm mống" xuất hiện gạo giả.

Sản xuất gạo giả không khó nhưng tốn kém

Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS. TS Nguyễn Trường Luyện, Viện Vật lý Kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định: Các vật liệu như nilon, nhựa hoàn toàn có thể làm được gạo giả. Theo vị PGS này, về nguyên tắc, chỉ cần một chiếc máy ép dẻo và chiếc khuôn đúc nhỏ có thể sản xuất hàng loạt "gạo nhựa" giống gạo thật gần 100%. PGS.TS Luyện giải thích về công nghệ sản xuất gạo giả: "Đầu tiên người ta đưa nhựa hoặc nilon vào trong máy ép, cho máy xay đến khi nhựa thật nhuyễn rồi đổ thẳng vào lò nung. Nung đến khi nào nhựa dẻo lại tiếp tục đổ vào khuôn đúc, đợi đến một thời gian nhất định gạo sẽ cứng lại giống như gạo thật".

Theo PGS.TS Luyện, việc mua khuôn và nhựa, nilon để sản xuất gạo giả rất tốn kém và cần kỹ thuật cao. Nếu chỉ sản xuất số lượng ít thì chắc chắn sẽ lỗ vốn. Vấn đề là người ta phải sản xuất hàng loạt bằng nhựa loại rẻ tiền thì mới có lãi và lãi rất lớn. PGS.TS Nguyễn Trường Luyện cũng cho biết, việc phân biệt gạo thật và giả bằng mắt thường là rất khó. Bởi vì, gạo giả cũng có màu sắc trong và hình dáng tương tự gạo thường. Tuy nhiên, có một điều mà gạo giả không thể làm được đó là nhân trắng bên trong hạt gạo. Một hạt gạo bình thường khi bẻ đôi ra sẽ có nhân màu trắng còn với gạo giả sẽ chỉ có một màu. Hơn nữa, mùi vị cũng là cách mà người dân có thể sử dụng để phân biệt gạo thật và gạo nilon.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Đắc Lộc, chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Chi cục QLTT đã xuống địa bàn quận Hoàng Mai, Thanh Trì để tìm hiểu, xác minh. Theo kết quả kiểm tra ban đầu, không thấy gạo giả như thông tin đã phản ánh. Tổ kiểm tra đã tiến hành lập biên bản có sự có mặt của chủ hộ kinh doanh là ông Đinh Văn Thiện, thường trú tại địa chỉ trên; anh Nguyễn Duy Mạnh, người cung cấp thông tin cho báo chí. Tại buổi làm việc, Mạnh đã không đưa ra được những bằng chứng để chứng minh anh đã mua "gạo giả" tại cửa hàng của ông Thiện. Anh Mạnh cho biết, gạo là do bạn ở cùng mua và hiện nay đã đem vứt đi hết.

TS. Nguyễn Trí Hoàn, viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, thực tế mỗi kg gạo giá cũng chỉ trên dưới 10.000 đồng nên việc "chế tạo" gạo giả cũng chẳng mang lại lợi nhuận gì hoặc lỗ vốn; thậm chí có những hành vi sẽ bị xem xét xử lý hình sự. "Có thể đây là những loại gạo được trộn các chất giữ ẩm nên có thay đổi về chất lượng khác thường", TS Hoàn nói.

Cùng quan điểm, ông Phùng Hữu Hào, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Việc xét nghiệm mẫu gạo khá đơn giản bởi nếu là gạo thật thì thành phần chủ yếu là tinh bột và protein, còn gạo polymer sẽ có các hạt nhựa. Chúng tôi đang chờ lấy mẫu xét nghiệm để đưa ra kết luận cụ thể". Ông Hào nghi ngờ loại gạo đó có khả năng là gạo đó, chứ không phải gạo polymer. Được biết, gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước. Sau đó, gạo được phơi khô rồi mới gia công chế biến qua các công đoạn xay, xát, đánh bóng. Trong gạo đôỡ̀, tinh bột đã được gelatin hóa làm cho hạt gạo cứng hơn và bóng hơn gạo trắng. Nấu cơm gạo đồ cần thời gian lâu hơn, cơm cứng và ít dính hơn.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và thủy sản, đầu năm 2011 sau khi có thông tin xuất hiện gạo giả nghi làm từ polymer, Cục đã chỉ đạo các Trung tâm chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc hệ thống vùng đi lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa phát hiện được mẫu gạo giả nào. "Nếu phát hiện được gạo giả, chúng tôi sẽ cho tiến hành truy xuất nguồn gốc và xử lý theo đúng quy định của pháp luật", ông Hào nói.

Có thể là gạo bọc nilon

Xã hội - Sản xuất gạo giả dễ nhưng đắt (Hình 2).

Trao đổi với chúng tôi, Ths. Trần Văn Chín, phó viện trưởng Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: "Chúng tôi chưa có được mẫu gạo để phân tích, xét nghiệm nên chưa thể khẳng định chính xác đó có phải gạo làm bằng nilon hay không. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, gạo nilon đắt gấp mấy lần gạo thật, thời buổi kinh tế thị trường lấy lợi nhuận đặt lên hàng đầu chẳng có lý nào họ làm giả để bán".

Theo Ths. Chín, ở Trung Quốc từng xuất hiện "công nghệ" làm gạo giả. Một số người hay đi mua gạo mốc ở các nơi về, sau đó đánh bóng, tái chế lại. Để tránh cho gạo bị mốc tiếp, họ ngâm vào hóa chất khiến hạt gạo được phủ bằng một lớp nilon bên ngoài. Không hiểu loại gạo nghi giả ở Việt Nam có phải làm theo "công nghệ" đó không?" Tuy nhiên số gạo này có đặc điểm nấu lên mới phát hiện mùi nilon nên có thể nó lẫn nilon chứ không phải sản xuất bằng nilon. Cũng có thể người bán sử dụng lớp bọc bên ngoài bằng nilon để bảo quản.

Anh - Văn


Tag: lỗ vốn