Sĩ tử rời kinh, giao thông tắc nghẽn

Sĩ tử rời kinh, giao thông tắc nghẽn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Sau buổi thi cuối cùng của đợt 1, cảnh sát giao thông hỗn loạn diễn ra khi các thí sinh thi xong đổ về quê, trong khi sĩ tử đợt 2 lại ùa lên thành phố...

Sáng 5/7, môn thi cuối cùng của đợt thi thứ nhất kết thúc, trận mưa rào bất ngờ khiến sĩ tử cùng người nhà phải đội mưa về quê. Trời mưa to cùng với số đông phụ huynh và thí sinh cùng về quê đã tạo nên cảnh tượng ùn ứ, chen chúc tại các điểm nóng giao thông Hà Nội cũng như tại bến xe. Tại TP.HCM, cảnh tượng diễn ra cũng nhốn nháo, lộn xộn…

Xã hội - Sĩ tử rời kinh, giao thông tắc nghẽn

Giao thông hỗn loạn khi thí sinh túa về quê

Giao thông tắc nghẽn

Theo ghi nhận của PV Người đưa tin, tại cổng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, sau 9h sáng, khi môn thi cuối cùng kết thúc (Hóa và Anh Văn), hàng ngàn thí sinh ùa ra khỏi cổng trường, dáo dác tìm người thân để cùng chuẩn bị về quê. Ở bên ngoài, nhiều bậc phụ huynh đã tay xác nách mang hành lý cồng kềnh để đợi con thi xong là ra thẳng bến xe. Tuyến đường Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Giải Phóng…, ùn tắc kéo dài, người nhà cùng sĩ tử đội mưa về quê.

Bác Nguyễn Nhật Minh (Vũ Thư – Thái Bình) vừa xách hai chiếc ba lô to đùng vừa đứng chờ con trước cổng trường Đại học Bách Khoa cho biết: “Con trai tôi thi ngành cơ điện ở đây. Tuy nhiên, để chắc ăn cháu còn đăng ký thi thêm trường Đại học Y Thái Nguyên nên thi xong môn Hóa là hai bố con lại bắt xe ngược lên Thái Nguyên để kịp nghỉ ngơi và chuẩn bị thi đợt 2. Hôm nay trời lại mưa, vất vả thật”.

Tại các điểm nút giao thông, mặc dù có đèn đỏ và cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, tuy nhiên do lượng người tham gia quá đông, các phương tiện đua nhau đã tạo nên cảnh tượng hỗn loạn. Nhiều sĩ tử và người thân đứa tràn xuống lòng đường. Tấp xe vào lề đường, anh Quang (Nam Định) dắt cô con gái vào quán nước, nhìn dòng người ùn ứ giữa đường, anh Quang ngán ngẩm kể, hai bố con đã chuẩn bị gói ghém đồ đạc từ tối qua để sau khi thi xong là về quê, nhằm đỡ tốn kém. Sau khi thi xong dù đã cố gắng đi nhanh về điểm “tập kết” với bố, nhưng hai bố con anh Quang vẫn không thể thoát khỏi dòng phương tiện đang ùn ứ khắp các ngả đường. “Tình hình này không biết có về quê kịp trong ngày hôm nay không, về sớm để con gái còn nghỉ ngơi thi đợt 2 nữa”. Anh Quang thở dài cho biết.

Gần trưa, chúng tôi có mặt tại bến xe Mỹ Đình, dòng người ùn ùn đổ về đây đã làm cho đoạn đường từ cầu vượt Mai Dịch đến cổng bến xe Mỹ Đình đông nghẹt, lúc này trời đã nắng to làm cho khuôn mặt của thí sinh càng trở nên mệt mỏi hơn. Hàng trăm chiếc xe khách nườm nượp vào ra bến mang theo hàng nghìn sĩ tử và người thân.

Trao đổi nhanh với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Mạnh Tiến, giám đốc bến xe khách Mỹ Đình cho biết: “Mấy ngày hôm nay số lượng sĩ tử và người thân đến Hà Nội dự thi rất đông, cho nên bến xe luôn trong tình trạng quá tải. Đặc biệt hôm 5/7, thí sinh kết thúc thi đợt 1 vội vã ra bến xe để đến nơi khác thi tiếp đợt 2 hoặc về quê. Cùng với đó là hàng nghìn thí sinh các nơi lại đổ về để tiếp dự thi đợt 2, nên bến xe càng quá tải hơn. Chúng tôi đã tăng cường lực lượng kiểm soát, bảo vệ trật tự ở bến xe để hạn chế tình trạng chèo kéo, bắt chẹt hành khách”.

Tại TP.HCM, sáng 5/7, thời tiết mát mẻ hiếm thấy, trên những con đường lớn của thành phố dòng xe cộ đông đúc hơn ngày thường. Các điểm nút giao thông trên các tuyến đường ra ngoại ô như Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức bị ùn tắc nặng. Các chiến sĩ tình nguyện phối hợp cùng lực lượng chức năng có mặt tại các điểm nóng để điều tiết giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho sĩ tử và người thân về quê an toàn sau kì thi căng thẳng. Tuy nhiên, do nhu cầu di chuyển lớn của hành khách, các bến xe dịp này xảy ra tình trạng quá tải.

Tại bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, bến xe An Sương…, nhóm phóng viên chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm sĩ tử và người nhà tay xách nách mang, vội vã đổ về bến xe bắt xe về quê ngay sau đợt 1 kỳ thi đại học kết thúc. Theo ghi nhận của chúng tôi, càng gần trưa, số lượng sĩ tử và người nhà đổ đến các bến xe ngày càng đông. Tuy thời tiết tương đối mát mẻ nhưng không khí vẫn ngột ngạt, ồn ồn vì lượng hành khách tập trung dày đặc. Các cò xe lăng xăng hỏi thăm sĩ tử và đề nghị không cần mua vé mà thêm tiền để khỏi phải xếp hàng mua vé.

Trưa 5/7, bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đông nghịt sĩ tử và người thân đón xe về nhà sau 3 ngày “Nam chinh”. Trước cổng 1 và cổng 2 của bến xe, lượng xe và người quá đông nên đường ra lối vào gần như kẹt kín, rất khó di chuyển. Đa số các thí sinh ở các tỉnh Tây Nguyên hoặc lân cận TP.HCM chọn phương án về nhà “xả hơi” hay đón xe đi nơi khác tiếp tục thi đợt 2. Nhiều người chưa mua được vé chấp nhận ngồi nghỉ ở nhà chờ, xung quanh đông đúc những mái đầu xanh.

Xã hội - Sĩ tử rời kinh, giao thông tắc nghẽn (Hình 2).

Sĩ tử mệt mỏi đợi mua vé về quê

Giá vé xe khách tăng mạnh

Không được bố mẹ đích thân đưa đi thi như nhiều sĩ tử khác, em Đinh Lê Tuấn (Hương Khê - Hà Tĩnh) một mình lai kinh ứng thí, sau khi dự thi đợt 1 tại trường Học viện Kỹ thuật Quân sự, Tuấn vội vã thuê xe ôm chở ra bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) để kịp bắt chuyến xe về Vinh để tiếp tục tham gia đợt 2 vào trường Đại học Vinh. Tuấn cho biết, trước khi ra đây dự thi, nghe các anh chị đi trước bảo giá vé xe từ Hà Tĩnh ra Hà Nội là 200.000 đồng, nhưng khi lên xe thì phụ xe thu 300.000 đồng/người/lượt. Đúng lúc trời đổ mưa tầm tã, Linh một tay xách ba lô một tay che tạm chiếc áo mưa vừa chạy tìm xe ôm trông đến tội nghiệp.

Do bến xe quá đông không mua được vé, nên Võ Yên Phi (Nam Đàn – Nghệ An) cùng với bạn là Nguyễn Viết Đức ngồi thất thần trước cổng bến xe Mỹ Đình. Tiếp chuyện với chúng tôi em Phi cho biết hai người dự thi vào trường Học viện Phòng không Không quân (Sơn Tây – Hà Nội). Đây là lần đầu tiên ra Hà Nội, nên hai đứa bị lạc đường mấy lần mới tìm được đến trường, sáng nay thi xong môn Hóa, Phi cùng bạn vội vàng bắt xe bus xuống bến xe Mỹ Đình. Nhưng khi xuống đến nơi thì không còn vé xe về Vinh nữa, hai đứa đành ngồi vật vờ với hi vọng chiều sẽ có xe tăng cường của các nhà xe. Hai đứa vừa ngồi gặm bánh mỳ vừa lo lắng không đủ tiền xe về nhà, Đức cho biết, trong túi hai đứa chỉ còn hơn 500.000 đồng, mà nghe nói giá vé bây giờ đã tăng lên 300.000 đồng/người. “Bình thường giá vé từ Vinh đi Hà Nội chỉ khoảng 180 – 200 nghìn/vé, hôm bọn em đi đã 250 nghìn rồi, giờ lại tăng lên 300 nghìn thì gần gấp đôi ngày thường anh ạ”. Đức ngán ngẩm cho biết.

Một phụ xe chạy tuyến Vinh – Mỹ Đình cho biết, “số lượng khách trong những ngày này tăng lên đột biến, có lúc tăng lên 300%, chúng tôi không đủ xe để phục vụ”.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết: “Lượng khách tăng tới 200 – 250% so với ngày thường. Cũng giống như mọi năm, khi thi xong là thời điểm khách đổ xô ra các bến xe để về quê. Mặt khác, kết thúc đợt 1 cũng là thời điểm cận kề của đợt 2 cho nên có nhiều thí sinh thi đợt 2 nhưng cũng “hăm hở” về Hà Nội trước mấy ngày. Do đó, vốn đã đông nay càng đông hơn”. Nói về việc các nhà xe tự động tăng giá, ông Tiến chia sẻ: “Chúng tôi đã quán triệt vấn đề không được tăng giá vé tới các chủ xe, tuy nhiên diễn biến thật ở bên ngoài nhiều khi chúng tôi không kiểm soát được hết. Vấn đề này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Ban quản lý bến xe cùng với công an và lực lượng thanh tra giao thông”.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các chuyến xe chạy về tuyến huyện đều chật kín như nêm, sĩ tử sau mấy ngày vật lộn với thi cử nay lại phải “chiến đấu” để dành một chỗ đứng về quê.

Trong khi các sĩ tử thi ĐH đợt 1 chen chúc nhau ra về thì thí sinh dự thi ĐH đợt 2 cũng bắt đầu đổ về đông. Đây là dịp “làm ăn” của các tay cò xe ôm và phòng trọ. Các chiến sĩ tình nguyện tại đây luôn phải làm việc hết công suất để hướng dẫn sĩ tử và người thân khi lần đầu tiên đặt chân tới Sài Gòn. Trong khi sĩ tử mệt mỏi khi về quê thì những sĩ tử mới tới lại bỡ ngỡ, lo lắng khi đến vùng đất mới.

Các bến xe tại Hà Nội và TP.HCM bị cô lập như một trận đồ, bên ngoài bị kẹt xe nặng do dòng người không ngừng ăng thêm. Trước cửa các quầy bán vé, từng đoàn người rồng rắn xếp hàng dài chờ tới lượt. Các nhân viên bán vé phải vất vả, tất bật xé vé cho khách. Trong bến xe các bác tài dục khách nhanh chóng lên xe, xắp xếp ổn định chỗ ngồi.

Nhóm P.V