Sính ngoại sẽ nguy hại cho văn hóa thế hệ trẻ

Sính ngoại sẽ nguy hại cho văn hóa thế hệ trẻ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Chỉ là chuyện cái tên gọi và chắc hẳn không ít người cho đó là chuyện nhỏ nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý sính ngoại của trẻ

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Bảo Sinh (một giảng viên đại học, nhà thơ, nhạc sĩ) nêu quan điểm, việc đặt tên cho trẻ bằng tiếng Tây là tự đánh mất mình. Hiện nay, tình trạng này chưa nhiều nhưng khoảng 10 - 20 năm nữa sẽ tràn lan. Về lâu dài, hiện tượng này sẽ ảnh hưởng lớn đến lối sống và sẽ trở thành một vấn nạn kiểu “sống thì như Tây, nghĩ thì như Ta”. Chỉ một tên gọi, không có ý nghĩ gì lớn mà cũng học theo Tây, sau này, chuyện ăn mặc, đối xử cũng Tây nốt thì là vấn đề đáng bàn.

Xã hội - Sính ngoại sẽ nguy hại cho văn hóa thế hệ trẻ

Ông Nguyễn Bảo Sinh

“Tôi từng đi rất nhiều nước. Ở Trung Quốc, các cửa hàng gần như không bao giờ để tên Tây. Ở Việt Nam, thì sao? Nếu ai để ý kỹ sẽ thấy số cửa hàng lấy tên Tây tràn lan. Nhìn rộng ra một chút, tôi thấy rất đáng buồn khi ở TP.HCM, 70% cao ốc mang tên ngoại. Đành rằng trong thời kỳ hội nhập, chúng ta không thể nằm ngoài quy luật nhưng nếu Tây hóa đến mức thái quá thì nguy hiểm lắm. Từ việc nhỏ là đặt tên cho con sẽ ẩn chứa hiểm họa lớn về việc trẻ bị Tây hóa. Các bậc phụ huynh hãy cẩn trọng và đừng tìm những tên Tây đặt cho con, phải đề cao vấn đề dân tộc”, ông Bảo Sinh nói.

PGS.TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình cho biết, ngày xưa, các cụ thường đặt tên Nôm, tên dân dã cho trẻ như Hĩn, Bưởi, Cò, Ốc… Hiện nay, đặt tên nước ngoài để lạ hóa là xu hướng mà cuộc sống hiện đại đang hướng tới. Đặt tên là sở thích, những gia đình đô thị thường hướng đến tên tiếng Anh đặt cho con, ở nông thôn cũng có hiện tượng này nhưng ít. Tuy nhiên, việc đặt tên Tây cho trẻ lại liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa đặt tên. Vô hình trung, việc sính ngoại này lại làm mất đi cái hay, cái trong sáng của tiếng Việt.

Cũng theo PGS.TS.Phạm Văn Tình, hiện nay, tình trạng Tây hóa đang xâm nhập vào từ tất cả mọi khía cạnh nên ta phải chấp nhận. Tây hóa từ trang phục đến trang thiết bị trong gia đình, đến cách nói, viết. Tên riêng có liên quan tới cách ứng xử nói chung đối với tiếng mẹ đẻ của mình, tốt nhất không nên chen ngang quá nhiều những cái ko cần thiết.

“Nhiều trung tâm dạy tiếng Anh và nhiều công ty của nước ngoài chủ động đặt tên tiếng Anh cho nhân viên người Việt, đó là quyền của họ. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của người làm văn hóa và ngôn ngữ, tôi ko tán đồng. Tên tiếng Việt hoàn toàn có thể giữ nguyên và không ảnh hưởng đến giao tiếp, trừ trường hợp nickname đặt theo ký hiệu ở cơ quan để tiện cho việc tra cứu, nhập dữ liệu để quản lý. Văn minh phương Tây vào Việt Nam làm thay đổi nhận thức, thẩm mỹ của người dân. Một số đồ dùng của phương Tây là phù hợp và chấp nhận được, chẳng hạn váy thì phù hợp công sở, còn áo dài bất tiện hơn. Áo tứ thân và một số đồ của các cụ xưa không phù hợp nữa, chỉ dùng được trong một số dịp cụ thể. Song, ngôn ngữ vẫn phải là tiếng Việt, không thể lai căng với bất cứ tiếng nào. Một số gia đình đặt tên con theo kiểu nửa Việt, nửa Tây, tôi nghe rất lạ. Hàng xóm nhà tôi cũng có rất nhiều gia đình gọi con với cái tên Tây như Anna, Jim, Jenny”, PGS Phạm Văn Tình nói.

Độc giả Nguyễn Mạnh Hà (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) bức xúc: “Tôi chỉ tiếc thay cho những bạn trẻ ở Việt Nam bây giờ, chẳng có lý do gì mà cũng lấy tên Anh và chêm từ tiếng Anh khi nói chuyện với bạn bè người Việt ở Việt Nam, dù rằng tiếng Anh của họ rất hạn chế. Một số người muốn chứng tỏ cho người khác biết rằng mình đã từng hay đang sống tại bên Tây nên có những hành vi, cử chỉ phải Tây. Điều này thật buồn cười. Tôi cũng đã có dịp đi nhiều nước và tôi thấy mình càng cố làm cho ra Tây thì càng làm cho mình “lộ” cái trò hề của mình thôi.”.

Hiện nay, có rất nhiều cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt. Tuy nhiên, từ cái tên lúc nhỏ trẻ đã sính ngoại thì chuyện dùng hàng Việt về sau dần trở lên xa vời. Có những sản phẩm như hàng may mặc dù may ẩu, được gắn mác ngoại vào mà người tiêu dùng cứ tưởng là hàng ngoại thật nên cũng mua. Trong khi đó, nếu chúng ta đến Mỹ hay các nước châu Âu, có thể thấy rất nhiều hàng dệt may của Việt Nam.

Khánh Duy