Số phận nghiệt ngã của thiếu nữ 25 tuổi xin được hiến tạng cho y học

Số phận nghiệt ngã của thiếu nữ 25 tuổi xin được hiến tạng cho y học

Thứ 3, 13/06/2017 | 14:15
0
Nghĩ rằng kiếp này mình không làm được gì nữa, Thanh đã quyết định thực hiện một việc cuối cùng để cuộc đời này không uổng phí, đó là được hiến tạng cho y học.

Trong một buổi trưa nắng nóng đến quắt người, chúng tôi vượt hơn 100km đến nhà Nguyễn Thị Thanh (SN 1992), trú xóm Nam Đàn, xã Tân An, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, nhìn người con gái gầy gò, ốm yếu đang ngồi hóng mát ở dưới bóng cây cạnh nhà, chúng tôi cảm thấy những cơn gió Lào đang thổi đến rát mặt kia, cũng không khắc nghiệt bằng cuộc đời Thanh.

Nở nụ cười nhẹ, Thanh mời khách ngồi rồi dần dần kể về mình. Sinh ra trong một gia đình có 4 chị em gái, là người con út nhưng chỉ một mình Thanh mắc bệnh. Ở đầu ngón tay bắt đầu xuất hiện những nốt lạ, cơ thể yếu hơn so với những bé sơ sinh, mặc dù biết Thanh có những đặc điểm khác thường, nhưng do gia đình quá nghèo nên bố mẹ Thanh không đưa con đi bệnh viện.

Xã hội - Số phận nghiệt ngã của thiếu nữ 25 tuổi xin được hiến tạng cho y học

 Căn bệnh biến chứng khiến Thanh không thể đi lại được

“Sau khi khám ở tuyến huyện Tân Kỳ thì tôi được chuyển xuống bệnh viện tỉnh, rồi tiếp tục ra bệnh viện K (Hà Nội). Tại đây các bác sỹ nói tôi bị u nhú lan rộng cẳng chân, dẫn đến việc chân nổi u. Các bác sỹ bảo bệnh này phải chữa lâu dài, rồi phát thuốc uống và cho về. Nhưng đến giờ thì tôi đau lắm, không thể đi lại được nữa. Thậm chí việc vệ sinh cũng phải nhờ mẹ giúp đỡ, suốt ngày chỉ có thể ngồi rồi lại nằm, chứ không thể di chuyển được đâu nữa”, Thanh gạt đi những dòng nước mắt lăn dài trên má.

Ở độ tuổi 25, nếu như là người con gái bình thường thì Thanh đã tốt nghiệp Đại học, có một công việc ổn định và thậm chí có thể chuẩn bị tổ chức đám cưới người yêu thương. Nhưng giờ đây, ngay cả nguyện vọng đi lại, giúp đỡ mẹ công việc trong nhà cũng đã rất khó, thì những điều trên chỉ là ước mơ viển vông.

“Rất nhiều lần tôi nghĩ hay là chết đi cho xong, nhưng mỗi lần nghĩ vậy thì tôi lại thấy hình ảnh người mẹ già tần tảo, chạy vạy khắp nơi tìm cách chữa bệnh là tôi lại không thể làm gì được”, Thanh nói.

Thanh biết căn bệnh này không thể nào chữa khỏi được, Thanh cũng không có cơ hội để khỏe mạnh được như xưa, nhưng ước mơ được cống hiến cho cuộc đời vẫn cháy bỏng trong tâm hồn của người thiếu nữ trẻ.

Thanh không muốn bỏ phí cuộc đời này khi vẫn còn sống, Thanh muốn làm một điều gì đó để khi chết đi vẫn là người có ích. Sau nhiều lần lên mạng tìm hiểu thông tin, Thanh quyết định hiến tạng cho y học.

“Đây là việc tôi đã suy nghĩ rất nhiều rồi chứ không phải bỗng nhiên mới quyết định. Tôi cũng đã tìm hiểu thông tin, thủ tục hiến xác và nội tạng khá đơn giản, chỉ cần điền vào mẫu văn bản tình nguyện hiến tặng thân xác.

Xã hội - Số phận nghiệt ngã của thiếu nữ 25 tuổi xin được hiến tạng cho y học (Hình 3).

 Thanh muốn làm một điều gì đó có ích cho cuộc đời trước khi chết.

Hiện nay, ở Việt Nam hiện vẫn còn hàng nghìn người bệnh đang mòn mỏi chờ ghép tạng. Những bệnh nhân này đang hàng ngày, hàng giờ phải đấu tranh với bệnh tật, nhưng rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến quá khan hiếm. Tôi muốn làm được một điều gì để có thể viết tiếp sự sống”, Thanh chia sẻ.

Theo Thanh, căn bệnh này không phải bệnh nan y, vì vậy chắc chắn gan hoặc thận vẫn còn khỏe. Kiếp này Thanh chưa làm được việc gì có ích, vì vậy sự hi sinh của Thanh chắc chắn sẽ cứu chữa những số phận kém may mắn khác.

Mặc dù đã có ý nguyện như vậy, nhưng Nguyễn Thị Thanh vẫn chưa dám nói với mẹ: “Việc hiến nội tạng là tự nguyện nên tôi sẽ không yêu cầu có chế độ bồi dưỡng nào. Nhưng trước khi điền vào mẫu đăng ký thì phải báo cho gia đình hoặc người thân để đảm bảo quá trình hiến xác không gặp phải cản trở, đây là điều tôi lo lắng, vì tôi chưa báo cho mẹ.

Giờ đây chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau để sống, mẹ luôn muốn tôi tiếp tục cố gắng chữa trị để tiếp tục sống tiếp, nếu mẹ biết việc này quá đột ngột chắc chắn sẽ không đồng ý. Vì thế tôi muốn dần dần nói chuyện và giải thích cho mẹ hiểu, đến khi mẹ hoàn toàn chấp nhận thì tôi sẽ làm các thủ tục để hiến”, Thanh giải thích trước khi chia tay.

Ông Cao Tiến Thìn, Chủ tịch xã Tân An, huyện Tân Kỳ xác nhận chị Nguyễn Thị Thanh đang hưởng chế độ người tàn tật: "Chị Thanh bị đau yếu từ nhỏ, hưởng chế độ ở mức cao nhất. Thời gian gần đây bệnh nặng thêm nên không thể di chuyển được, đành nhờ người mẹ già chăm sóc".

Còn việc Thanh hiến tạng cho y học, ông Thìn cho biết mình chưa nghe thông tin này, nhưng nếu đúng thì UBND xã sẽ tạo điều kiện cho Thanh thực hiện ý nguyện của mình. "Đây là hành động nhân đạo và ý nghĩa để cứu người, rất hiếm thanh niên có thể làm được như chị Thanh nên chúng tôi luôn ủng hộ", ông Thìn nói.

Anh Ngọc

Cùng tác giả

Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp xanh thân thiện với môi trường

Thứ 4, 01/05/2024 | 14:00
Nghệ An xác định chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp là yếu tố để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Cao tốc Bắc – Nam: “Cánh cửa” thu hút đầu tư, phát triển kinh tế

Thứ 4, 01/05/2024 | 11:40
Việc đưa vào khai thác cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã rút ngắn thời gian kết nối Nghệ An với các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội.

Nghệ An: Dự án nghìn tỷ “mở cửa” phát triển kinh tế về phía biển

Thứ 3, 30/04/2024 | 08:02
Đại lộ Vinh - Cửa Lò sẽ trở thành tuyến đường “huyết mạch” khi Tp. Vinh chính thức được mở rộng về phía biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An.

Cao tốc Bắc – Nam: Hình thành trục xương sống kết nối khu vực kinh tế

Thứ 2, 29/04/2024 | 19:17
Tuyến đường đi vào khai thác góp phần hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc, hình thành trục giao thông huyết mạch, kết nối vùng miền, phát triển kinh tế - xã hội.

“Vượt nắng, thắng mưa”, đẩy nhanh làm đường dây 500kV mạch 3

Thứ 4, 24/04/2024 | 21:14
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và người dân, dự án đường dây 500kV mạch 3 qua Nghệ An đang được đẩy nhanh tiến độ.