Sự thật về một

Sự thật về một "thần y" ở Hà Nội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Gần đây, người dân làng Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội xôn xao về một vị "thần y" chỉ cần hỏi thăm vài câu rồi sờ nắn và lấy thuốc của nhà tự chế bảo người bệnh về uống xong sẽ khỏi.

Đặc trị bằng... sờ, nắn

Trong vai người bệnh, chúng tôi tìm tới cơ sở khám chữa bệnh của bà Kiệm (BS Yên) có địa chỉ tại Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Gần tới địa chỉ, một người dân trong làng hồ hởi cho biết: "Nhà bác sĩ Yên ở ngay giữa ngõ, cậu cứ đi thẳng, thấy nhà nào to nhất đó là nhà của bác sĩ Yên".

Như để quảng cáo, người dân này nhấn mạnh, có nhiều người tìm đến khám chữa bệnh tại cơ sở này lắm. Bản thân bác sĩ Yên cũng làm ở một bệnh viện có tiếng cho nên người bệnh tìm đến khám điều trị ngày một đông.

Quả đúng như những gì người dân quảng cáo, nhà bác sĩ Yên trông khá bề thế, khang trang. Khi đặt chân vào khu vực sân của ngôi nhà, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông cao khoảng hơn 1,6m, ước chừng 45-46 tuổi, đậm người đang lúi húi nấu ăn trong bếp.

Xã hội - Sự thật về một 'thần y' ở Hà NộiCơ sở khám chữa bệnh chui tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì.

Khoảng vài phút sau người đàn ông này ra tiếp khách và bắt đầu tìm hiểu thông tin về người bệnh. Không giới thiệu gì về mình mà người đàn ông này chỉ nhìn trước, ngó sau rồi hỏi ai bị đau, định khám gì (tôi vội lấy lý do mình bị đau cột sống đã chữa nhiều nơi không khỏi - PV) rồi quay ra bảo người bệnh đi theo mình vào phòng trong để khám.

Theo quan sát, căn phòng ước chừng 7-8m2, được bài trí khá ngăn nắp với những tủ đựng thuốc bày la liệt những loại thuốc tây và một vài loại thuốc đông y.

Điều đặc biệt, trong căn phòng không có bất kì chiếc áo blu trắng nào hay biển hiệu gì để chứng minh tên tuổi của vị bác sĩ khám bệnh cũng như thông báo về giá cả các gói dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định của ngành y tế.

Đang quan sát căn phòng, tôi bỗng giật mình khi được người đàn ông này yêu cầu nằm xuống giường để "thầy" khám. Y lệnh, tôi vội nằm lên giường làm theo những gì được yêu cầu, hướng dẫn.

Sau khi người bệnh đã nằm yên vị trên giường khám, người đàn ông này bắt đầu dùng đôi bàn tay ấn mạnh vào đốt cột sống lưng rồi lần mò hết chỗ này đến chỗ khác (dọc xương sống lưng - PV).

Càng lạ hơn, người đàn ông này cũng không nói năng gì hay hỏi người bệnh có đau chỗ này, chỗ kia không mà chỉ có mỗi một thao tác đó là day day, ấn ấn. Để đóng tròn vai người bệnh tôi cố tỏ vẻ đau đớn, rồi cho biết chỗ này khi ấn thấy đau kinh khủng, chỗ kia ít hơn...

Sau khoảng 1 phút sờ, nắn người đàn ông này bắt đầu quay ra bật một chiếc đèn bàn (có công suất cao) để bên cạnh chiếu thẳng vào phần lưng của người bệnh. Trước câu hỏi, sao phải dùng đèn làm gì thì người này giải thích: đó là chiếu để làm cho mềm da mới chữa được bệnh.

Mặc dù bị nóng nhưng tôi vẫn phải chịu đựng để được "thưởng thức" khâu chữa bệnh kì quái này. Cứ như vậy, vừa đèn nóng rọi vào lưng cùng đôi bàn tay ấn ấn, day day "thầy" bắt đầu bật mí: "Mình làm ở khoa Đông y của bệnh viện Nông nghiệp 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Do chán cơ chế nên mình làm kiểu bán thời gian.

Một tuần 2 lần đến bệnh viện vào thứ 2 và thứ 6 để họp giao ban, xong rồi thì lại về nhà khám bệnh cho người dân. Lương mình chỉ hưởng 50%, số còn lại khoa để làm quỹ nhằm tránh dị nghị".

Khi tôi đặt câu hỏi, trước "thầy" học đông y và về bệnh viện làm việc bao lâu rồi thì "thầy" lập lờ: "Mình học đông y, về làm ở bệnh viện cũng lâu rồi".

Tôi hỏi tiếp: "Khoa đông y của bệnh viện chắc ít bệnh nhân?” - "Thầy" trả lời: “Đông chứ, làm không hết việc?! ". Chỉ kịp hỏi đến đó, "thầy" bỗng nói: "Xong rồi đấy, cậu xuống dưới đứng thẳng lên rồi cúi xuống sẽ thấy khỏi rồi".

Tôi giả bộ làm theo và cho biết: Quả thật hết rồi, lúc nãy thấy đau bây giờ lại không thấy thì "thầy" chỉ mỉm cười một cách thần bí!

Sau tiết mục chữa bệnh, "thầy" ngồi vào bàn ghi lại tên tuổi, địa chỉ của bệnh nhân rồi đưa ra 2 gói thuốc bảo bệnh nhân lấy về uống bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.

Cầm gói thuốc trên tay không thấy bất kì thông tin chứng minh gì về nguồn gốc xuất xứ, cũng như thành phần, liều lượng của thuốc, tôi tỏ ý phân vân, "thầy" bỗng nhấn mạnh: "Yên tâm thuốc do nhà làm ra, đây là vị thuốc đông tây y kết hợp rất có lợi cho điều trị bệnh. Cứ lấy về uống, có gì lại đến đây"?!

Chân dung "thần y"

Đem theo những thắc mắc và nghi ngờ về công thức chữa bệnh tại đây, đặc biệt là những lời bật mí của vị “thần y" này chúng tôi tìm hiểu thông tin từ những người dân địa phương được biết người đeo mác bác sĩ Yên để khám chữa bệnh theo kiểu đông y thực chất là anh Lã Quyết Thắng (người địa phương) và là chồng của bác sĩ Cao Thị Yên hiện đang công tác tại bệnh viện Nông nghiệp 1.

Thực chất anh Thắng không học qua bất kì một trường lớp nào được đào tạo cơ bản của nhà nước về chuyên ngành đông y thế nhưng hàng ngày vẫn tham gia khám chữa bệnh cho người dân.

Bà N.T.M, người dân thôn 4, (Vạn Phúc, huyện Thanh Trì) cho biết: "Trước đây bà Kiệm (mẹ anh Thắng) bị bệnh đau xương, đau khớp và được bên thông gia có người làm về đông y đã thường qua lại khám, bấm huyệt điều trị cho bà Kiệm.

Về sau do đường sá xa xôi nên bên thông gia có truyền lại cách thức chữa trị để anh Thắng tiện chăm sóc, chữa bệnh cho mẹ mình. Chính vì thế mà một số người dân, đặc biệt là những cụ già hay bị đau xương, khớp có đến nhờ anh Thắng bấm huyệt.

Sau này dần dần người dân trong làng, trong khu vực hễ có bệnh gì đều đến khám, nhờ bấm huyệt điều trị. Trên thực tế có người khỏi, người không nhưng để mua thuốc về uống thì người dân chúng tôi rất ít mua mà chỉ đến nhờ khám, bấm huyệt một cách thông thường và mới đầu anh Thắng làm cũng chỉ là giúp bà con trong làng, trong xã chứ không lấy tiền công.

Còn bây giờ không hiểu thế nào mà người dân ở các xã lân cận, thậm chí là ở các tỉnh trên toàn quốc thường hay đến khám, mua thuốc về điều trị.

Lượng bệnh nhân đến không cố định, hôm đông hôm vắng nhưng có khách đến anh Thắng đều bấm huyệt, chữa bệnh cho bệnh nhân".

Bà T.T.H - người dân trong làng cho biết thêm: "Người dân chúng tôi thường đến nhờ anh Thắng bấm huyệt, tiêm thuốc còn những loại bệnh nan y, bệnh khó điều trị phải đến các bệnh viện, cơ sở có uy tín để khám chữa bệnh. Tuy nhiên, không hiểu vì sao người dân ở các nơi lại thi nhau đổ về để khám, điều trị những căn bệnh khó.

Trong khi đó anh Thắng có được đào tạo gì về ngành y đâu mà họ lại tin đến vậy?

Đồng thời bà H cũng nhấn mạnh, trên thực tế anh Thắng chỉ có thể bấm huyệt, điều trị một số loại bệnh về xương khớp, không chữa được những bệnh khác.

Cũng theo bà N.T.M, bài thuốc mà người bệnh đến mua nghe đâu do bên nhà thông gia của gia đình anh Thắng cung cấp?. "Bản thân tôi cũng đến nhờ anh Thắng khám, bấm huyệt giúp nhưng không mua thuốc nên không biết thực hư ra sao mà mọi thông tin đều do người bệnh ở các nơi khác đến khám, điều trị cung cấp".

Hoàng Văn

(Còn nữa)