Tàn sát rừng vì kỳ nam: Cuộc chiến của những tin đồn

Tàn sát rừng vì kỳ nam: Cuộc chiến của những tin đồn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Người dân lúc lén lút, khi công khai vào rừng già tìm trầm với hy vọng vận may sẽ mỉm cười. Cơ quan chức năng thì loay hoay đề ra giải pháp, xử lý tình huống, vừa tốn công vừa tốn của.

Hàng trăm, thậm chí gần hàng ngàn người đổ xô tới thung lũng Ô Kha giáp rừng già Gộp Ngà (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), lật tung khu thung lũng và các địa điểm tiếp giáp với hy vọng mong manh tìm được "kho báu Kỳ nam". Nhưng đã nhiều ngày qua, những tay địu (người đi tìm trầm - PV) chuyên nghiệp này đành hậm hực quay về sau thời gian dài tuyệt vọng.

Xã hội - Tàn sát rừng vì kỳ nam: Cuộc chiến của những tin đồn

Nhiều người phải bỏ về vì không tìm được Kỳ nam

Cơn lốc Kỳ nam và hậu quả nhãn tiền

Đùng một cái! một số thông tin về mấy anh nông dân trở thành tỷ phú sau khi trúng mấy chục tỷ đồng vì đào được kỳ nam đã khiến cả một huyện nghèo Khánh Sơn trở nên sôi động. Ấy vậy mà, qua hơn 4 tháng truy tìm kho báu kỳ nam, kẻ mừng thì ít, người lo lại càng nhiều theo cấp số nhân.

Chuyện kể rằng, đầu năm 2012, có 4 người dân nghèo chuyên săn trầm ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đến khu vực thung lũng Ô Kha (xã Sơn Trung) để tìm Kỳ nam. Sở dĩ, họ vào vùng rừng thiêng, nước độc này tìm trầm là do có sự chỉ điểm của một bậc tiền bối nhiều kinh nghiệm trong nghề đi địu. Sau nhiều ngày tìm kiếm, giấc mơ Kỳ nam vẫn bặt vô âm tín.

Nhằm có thêm manh mối, các tay địu Quảng Nam nhập thêm một tốp địu khác của huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vào hội để săn tìm. 4 tháng rong ruổi nếm mật nằm gai, quần nát cả thung lũng Ô Kha, giấc mộng kỳ nam của nhóm vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Không đủ kiên nhẫn, nhóm người Khánh Hòa tách tốp về xuôi, để nhóm người Quảng Nam ở lại ăn rừng, ngủ suối tìm trầm. Đến tháng 9, nhóm này đã tìm được kỳ nam ở Gộp Ngà. Khối kỳ nam này dài tới 1,5m, nặng 7kg. Mấy ngày sau, nhóm này còn đào thêm được mấy chục kg nữa.

Sức mạnh của tin đồn trúng Kỳ nam lan tỏa đến chóng mặt khi hàng trăm người dân từ các vùng quê khác nhau, rồng rắn tới xã Sơn Trung tìm vận đỏ. Chẳng biết thực hư về số kỳ nam mà mấy tay địu đào được như thế nào, nhưng hậu quả nhãn tiền trước mắt đó là hầu hết khu thung lũng Ô Kha bị cày xới, rừng già Gộp Ngà đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng, môi trường sinh thái bị đảo lộn bởi bàn tay con người.

Và tất nhiên, chính quyền huyện Khánh Sơn không dễ gì bỏ qua tình trạng này và thế là lại tái diễn cảnh: Người dân lúc lén lút, khi công khai vào rừng già tìm trầm với hy vọng vận may sẽ mỉm cười. Cơ quan chức năng thì loay hoay đề ra giải pháp, xử lý tình huống, vừa tốn công vừa tốn của.

Qua tìm hiểu, được biết những người đi địu đều thuộc diện nghèo khó, khi nghe thông tin ở Khánh Hòa có kỳ nam, họ tất tả lên đường. Trong lúc mùa màng bận rộn, con cái không có tiền đến trường, họ vẫn liều vay nóng với lãi suất cao để sắm sửa tư trang cho chuyến đi tìm giấc mộng tỷ phú.

Vậy nhưng, kỳ nam tìm đâu chưa thấy chỉ thấy lũ lượt từng nhóm người thất thểu từ trên núi xuống, khuôn mặt đen sạm vì thiếu ngủ, vì ăn rừng ở suối. Hỏi ai cũng gặp phải cái lắc đầu ngán ngẩm.

Anh Đinh Văn Chuyên - một trong tốp 12 người từ Quảng Nam lắc đầu chua chát: "Nghe tin có kỳ nam quý hiếm, gia đình tôi đi vay lãi ngày để sắm dụng cụ đi tìm Kỳ nam, nhưng cả tháng nay đào xới cũng chẳng thấy gì cả. Tin đồn trúng mấy chục ký kỳ nam chắc chỉ là tin đồn mà thôi, không biết mấy chục triệu tiền vay lãi giờ lấy đâu ra mà trả".

Cùng nhóm anh Chuyên, cũng có tới hàng trăm người dân khác thuộc tỉnh Đà Nẵng, Phú Yên kéo nhau xuống núi vì không tìm được kỳ nam. Ông Nguyễn Văn Mùi, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa mếu máo: "Người trúng kỳ nam chẳng thấy đâu, chỉ thấy toàn người trắng tay lặng lẽ xuôi về. Ở đây, giá cả thức ăn chặt chém. Ngày ngày, nhóm chúng tôi ăn cơm với nước mắm, gặm mì tôm khô, uống nước mắt (rượu trắng) suông với hy vọng vận may còn ở phía trước...".

Nguy hiểm hơn, qua tìm hiểu thực tế ngay cả khu Suối Chè kéo dài gần 2 km, thuộc tiểu khu 277 giáp rừng Gộp Ngà cũng đang bị đào xới. Đây là vùng căn cứ cách mạng thời chiến tranh với nhiều bom, mìn còn sót lại trong lòng đất. Thật nguy hiểm khi dân tranh nhau đào bới, moi móc rừng để mót kỳ nam có nguy cơ gặp phải mìn nổ tung bất cứ lúc nào.

Lại tái diễn "đá đỏ Quỳ Châu"!?

Trước thực tế, hàng trăm người dân đổ xô về khu rừng già Gộp Ngà và các khu vực lân cận để đào bới, mót kỳ nam, chính quyền địa phương đã khẩn trương vào cuộc, nhưng thực tế chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa. Cứ đuổi được tốp này thì tốp khác lại xuất hiện. Đuổi ban ngày thì ban đêm dân lại lén lút vào rừng.

Chắc hẳn đến tận bây giờ, mọi người vẫn còn nhắc tới sự kiện "đá đỏ Quỳ Châu" (Nghệ An). Nơi đó trong những năm 90 cũng có hàng trăm người tìm vào miền đất hứa để mong đổi đời. Nhưng họ chẳng được gì nhiều ngoài tấm thân tàn tạ, những căn bệnh hiểm nghèo. Gia đình tan nát bởi nợ nần. Những người được lợi vẫn là những thương lái, những kẻ đứng ra bao đầu các dịch vụ ăn theo. Và tất nhiên, các tệ nạn xã hội cũng theo đó mà phất cờ nổi dậy.

Hiện tình trạng tăng biến đột ngột về số lượng người tại một huyện miền núi Khánh Sơn đã đẩy tình hình an ninh trật tự theo chiều hướng xấu. Rất nhiều nông dân sau khi không tìm được kỳ nam cũng không còn đủ tiền để về quê, nhiều người khác lại lo thêm nỗi lo của món nợ hàng chục triệu đồng vay lãi.

Theo diễn biến của sự việc, mới đây, ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, sau khi địa phương bố trí lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ tại các tuyến đường dẫn lên xã Sơn Trung, riêng tại khu vực rừng Gộp Ngà, có 20 công an, kiểm lâm, dân quân túc trực, số lượng người vào rừng tìm trầm đã giảm hẳn.

Những ngày cao điểm, có đến 400 - 500 người vào rừng. Hiện chỉ còn gần 100 người vẫn lén lút đào xới tìm trầm. Lực lượng chức năng vẫn đang vận động, ngăn chặn người dân vào khu vực rừng Gộp Ngà. Địa phương quyết tâm trong tuần này sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng người dân vào rừng tìm trầm, ông Dũng nói.

Câu chuyện về truy tìm kỳ nam tại huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, đang trở thành một vấn đề nóng. Nếu như các cơ quan chức năng Khánh Hòa không nhanh chóng có phương án xử lý dứt điểm, thì rất có thể, một Rubi đá đỏ Quỳ Châu thứ 2 lại tiếp tục ra đời? Trao đổi với phóng viên Người đưa tin, thượng tá Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng Công an huyện Khánh Sơn cho biết, trong mấy ngày qua, có hàng trăm người đến từ: Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa... đổ xô vào Gộp Ngà (xã Sơn Trung) để tìm kỳ nam.

Thực trạng này đã dấy lên những lo ngại về tình hình an ninh trật tự và nạn phá rừng tại địa phương. Lực lượng chức năng huyện phải tăng cường nhằm đảm bảo an ninh trật tự và ngăn cản không cho người dân tiếp tục lên rừng tìm kỳ nam.

Phạm Dương