Thái Lan lập trại lính rèn học sinh hư

Thái Lan lập trại lính rèn học sinh hư

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Mồ hôi đổ ròng ròng xuống từ vùng trán, khi các chàng trai hoàn tất một buổi chống đẩy mệt nhọc. Nhưng đây không phải buổi tập thể lực bình thường, mà là hoạt động huấn luyện và cải tạo dành cho các học sinh ngỗ ngược ở trên, vì những màn bạo loạn chết người mà chúng đã gây ra.

Đau đầu bạo lực học đường

Ở Thái Lan, các màn đánh lộn của giới học sinh là một vấn đề lớn. Cuộc chiến của chúng, vốn diễn ra từ khi năm học mới bắt đầu hồi tháng 5, đã khiến vài thiếu niên bị bắn chết và khiến nhà chức trách đau đầu tìm giải pháp đối phó. 150 học sinh hư kể trên hiện đang trải qua hoạt động tập luyện tại một trại lính ở phía Bắc thủ đô và chúng tới từ nhiều trường hướng nghiệp khác nhau, vốn nổi tiếng vì thường cho ra đời những băng tội phạm trường học, có thể sẵn sàng đổ máu vì bị kẻ khác chê bai hoặc nhục mạ mình.

Xã hội - Thái Lan lập trại lính rèn học sinh hư

Các học sinh hư trong trại huấn luyện cải tạo theo mô hình quân đội của nhà chức trách Thái Lan.

"Tôi đã đâm một học sinh vào đầu" - Pond, biệt danh của một học sinh 18 tuổi đã may mắn không bị khởi tố vì vụ tấn công, kể lại với AFP - "Đôi khi tôi thấy việc này rất tệ, nhưng đó là chuyện diễn ra ở đây. Chúng tôi đánh nhau vì niềm kiêu hãnh".

Các vụ đánh nhau thường diễn ra vào mọi buổi khai giảng năm học mới, khiến người Thái Lan luôn sởn tóc gáy mỗi khi thấy học sinh tụ tập đông ở nơi công cộng, bởi các vụ xô xát của chúng hãy dẫn tới thảm kịch. Súng, mã tấu và thậm chí là lựu đạn tự chế đã được bổ sung vào kho đạn mới bị cảnh sát thu giữ trong một cuộc tấn áp các băng tội phạm trường học diễn ra gần đây. Nhưng con số người chết đã tăng lên đều đặn với ít nhất 3 học sinh nữa mới bị giết và vài người bị thương kể từ tháng 6. Cảnh sát BangKok đã ghi nhận hơn 1.000 trường học họ sinh đánh nhau từ tháng 1 - tháng 7 năm nay và con số vụ đánh nhau trên toàn quốc của giới học trò còn có thể cao hơn nhiều.

Kết quả bất ngờ

Trong nỗ lực tuyệt vọng tìm giải pháp, nhà chức trách Thái đã lập ra một trại lính, nơi những kẻ vi phạm nặng nề nhất sẽ bị tống vào đây, sau khi người ta đã tư vấn trường học và cha mẹ chúng. Một khi tới đây, các học sinh hư sẽ phải nghe lệnh từ các huấn luyện viên hết sức cứng rắn của quân đội và sẽ phải sống chung với kẻ thù.

Mặc quần áo màu xanh và đi giầy vải cao su rẻ tiền, Pond nói rằng cậu đã bị trường mình đưa vào danh sách đen do thường xuyên đánh nhau và được gửi tới trại để cải tạo. Cậu kể rằng việc bình thường phải dậy từ 5 giờ sáng, ăn các bữa ăn điều độ và thường xuyên tập thể lực đã mang lại chút kỷ luật cho cuộc sống hỗn loạn của bản thân. Tuy nhiên, cậu khá thẳng thắn khi nói về khả năng thay đổi lối sống trước đây: "Hiện tôi chẳng đánh ai cả. Nhưng khi trở lại ngoài kia, tôi sẽ tự vệ".

Với một thiếu niên hư khác có biệt danh Zoom, chiến đấu vì danh dự của trường mang tới cảm giác quyền lực, thuộc về số đông và được đàn em nể trọng. Cậu nói rằng chỉ những lời xúc phạm bình thường từ học sinh trường khác cũng đủ để châm ngòi cho một cuộc đánh lộn. Cậu cũng kể lại một cuộc chiến đẫm máu hồi năm ngoái, vốn bắt đầu khi vài đối thủ đi xe máy ngang qua và quẳng lại một câu chửi. Hậu quả là Zoom rút dao và chém vào đầu một kẻ vừa chửi thề.

Các "phạm nhân" khác của trại, một số có vài vết sẹo kinh khủng từ các màn đấu dao, cho biết chúng thèm thuốc, đồ ăn vặt và nhớ nhà. Tuy nhiên chúng có vẻ như đã sẵn sàng hợp tác với các kẻ thù trong việc hoàn tất những công việc như vượt chướng ngại vật khi tập luyện, hoặc nấu nướng.

Các huấn luyện viên chỉ có 10 tuần để khiến những đứa trẻ hư này kết thúc mối hiềm khích với nhau và hy vọng việc cùng nhau tập thể lực, việc chuyện trò theo nhóm, sẽ giúp xây đắp tình bạn của chúng. Nhưng sau hàng thập kỷ đánh lộn giữa các trường hướng nghiệp, các giáo viên nay đã trở nên hết sức thực tế.

"10% các học sinh không ngoan khi chúng tới trại, chúng không chấp nhận hệ thống. Nhưng với 90% còn lại, trại đã có tác động tới chúng, dù rằng tác động có thể chỉ là khiến chúng ngập ngừng hơn trước khi đấu đá nhau. Dù sao, ít nhất trại này đã khiến chúng sử dụng cái đầu để suy nghĩ, trước khi lao vào đấm đá nhau", thiếu tá Wanchana Sawasdeem, phát ngôn viên quân đội nói

Thảo Nguyên (Theo AFP)