Thảm kịch mua danh của “thủ lĩnh” đa cấp

Thảm kịch mua danh của “thủ lĩnh” đa cấp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Tiếp sau quần áo, tiệc tùng là các buổi hội thảo, khóa đào tạo (mà không ít được tổ chức ở nước ngoài) cũng lấy đi kha khá số tiền vợ chồng Ngọc tích cóp. Tôi nhớ có lần, lúc hãy còn đang ở đỉnh cao danh vọng ở công ty đa cấp K, Ngọc gọi điện hào hứng khoe với tôi cô sắp được công ty cử đi đào tạo ở... Bắc Cực.

Ở buổi đào tạo đó, một thủ lĩnh cấp cực cao người Trung Quốc sẽ rèn luyện các thủ lĩnh Việt Nam các kỹ năng chống chọi sự khắc nghiệt của thời tiết. Thông qua việc này, ông hi vọng sẽ truyền tải được cho “đồ đệ” những triết lý sâu xa của cuộc sống, cho thấy cái sự giàu nó quan trọng đến nhường nào. Tuy nhiên, cho đến lúc Ngọc đã là “người cũ” của công ty K. tôi vẫn chưa thấy Ngọc nhắc lại chuyện ấy một lần nữa.

Thế nhưng tất thảy những chi phí đó chẳng thấm vào đâu so với một khoản chi phí khổng lồ khác, mà hầu hết không ai tránh được khi đã tham gia vào ngành kinh doanh đầy tranh cãi này. Cái đó dân trong ngành gọi là “ôm hàng”.

“Ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các công ty kinh doanh đa cấp (hoặc bảo hiểm) đều tính mức độ lên cấp thông qua số lượng hàng “đại lý” đó và hệ thống của “đại lý” (những người được “đại lý” đó tuyển vào – PV) nhập vào trong một tháng. Công ty chỉ tính đến số tiền mình bỏ ra để mua hàng, không quan tâm đến việc mình có bán được hay không. Chính vì lẽ đó, triền miên các trường hợp “ôm hàng” xảy đa, đa phần do sự “kích động” của thủ lĩnh phía trên” – Ngọc giải thích.

Xã hội - Thảm kịch mua danh của “thủ lĩnh” đa cấpẢnh: Doanh nhân Sài Gòn

Ngọc cho hay, khi được thăng cấp đồng nghĩa với thu nhập của đại lý cao hơn và được nể trọng hơn. Thêm nữa, các công ty rất khéo léo gợi lòng tham của người tham gia bằng cách đưa hàng loạt các chương trình như thưởng nhà, thưởng xe, du lịch cho những người đạt thành tích nhất định. Vì lẽ đó, trong cả hệ thống đang sôi sục vì tham ấy, ai cũng quyết tâm cố gắng một tí, mua thêm hàng để đạt chỉ tiêu dù thừa hiểu không thể bán hết được. “Có những người tham chuyến du lịch trị giá chưa đến 10 triệu đồng mà bỏ đến mấy chục triệu “ôm hàng”, Ngọc chua chát nói.

Sau đó, tôi được Ngọc cho xem “kho hàng” của cô – người có thời lên đến thủ lĩnh cấp cao của công ty đa cấp K. Cả trăm triệu đồng tiền hàng với đủloại chai lọ, máy móc lăn lóc trong phòng ngủ và không thể bán được. Thậm chí cho cũng ít người dám lấy vì nghi ngại chất lượng “trời ơi” và chưa được kiểm chứng, đa phần đều chỉ biết qua sự “nổ” quá đà của người bán.

Nhìn đống hàng vừa xót ruột, vừa ngao ngán, Ngọc cho tôi biết có những người còn cầm cố cả nhà cửa để tham gia kinh doanh, thậm chí bỏ cả bố mẹ, vợ con vì không ai chịu hiểu cho “lý tưởng” của họ. Nực cười ở chỗ, những người ấy chẳng những bị phê phán, lên án mà sau đó lại trở thành biểu tượng của công ty đa cấp, một tấm gương sáng luôn được ca tụng vì lòng quả cảm và quyết tâm với nghề!?”. (Còn tiếp)

Kỳ cuối: Bí mật đằng sau những “con hổ giấy”

Dã Liên