Thành Long: Thành tài nhờ... không sợ “chết”

Thành Long: Thành tài nhờ... không sợ “chết”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Đến tận bây giờ vẫn chẳng ai ngờ được một chàng trai cao hơn 1m6, người nhỏ “như cái kẹo”, mắt híp, mũi to như Thành Long lại có thành ngôi sao điện ảnh nổi tiếng trên thế giới.

Cái tên Jackie Chan đến với Thành Long như một định mệnh. Từ sau khi đổi tên ngoại quốc, sự nghiệp điện ảnh của anh lên như diều gặp gió. Từ một anh chàng người Hoa, dáng người khiêm tốn, thường phải đứng sau những “cây cao bóng cả”, Thành Long đã lọt vào mắt xanh của những đạo diễn lừng danh. Chẳng mấy chốc, anh trở thành tài tử của điện ảnh Hoa ngữ và kinh đô Hoolywood. Trong những bộ phim võ thuật, đánh nhau chát chúa… nhưng Thành Long đã biết thổi vào đó chất hài hước, đem đến làn gió mới cho người xem.

Sự kiện - Thành Long: Thành tài nhờ... không sợ “chết”

Tài tử điện ảnh Thành Long

Vào ngày 7/4/1954 tại núi Thái Bình (Hồng Kông) một bé trai bụ bẫm nặng gần 3 kg đã ra đời, được đặt tên là Trần Cảng Sinh. Ít ai biết rằng, do nghèo khó, cha mẹ anh đã phải cắn răng mượn tiền để cậu bé được cất tiếng khóc chào đời. Cậu bé lớn lên rất khỏe mạnh, được người cha vốn là một cao nhân ẩn danh dạy cho môn võ Hồng quyền, một hệ phái của võ Thiếu Lâm, chủ về cương ngạnh, cận chiến và bám tấn.

Do cha mẹ làm việc cho Lãnh sự quán Pháp tại Hồng Kông, cậu bé đã trải qua thời ấu thơ tại khu vực của lãnh sự quán ở quận Núi Thái Bình. Thủa thiếu thời, sáng nào cậu bé Thành Long cũng được cha đánh thức dậy từ tờ mờ để luyện tập Kungfu với niềm tin Kungfu sẽ xây dựng nên tính cách con người: kiên nhẫn, mạnh mẽ và can đảm.

Lớn thêm được mấy tuổi, Thành Long tỏ ra cá tính hơn người, và đặc biệt cực kỳ gan lỳ, thích lăn lộn chơi những trò mạo hiểm. Thành Long theo học tại trường Tiểu học Nah-Hwa ở đảo Hồng Kông nhưng năm học đầu tiên đã bị ở lại lớp, rồi bỏ học do cha mẹ rút tên khỏi trường. Vào năm 1960, cha Thành Long nhập cư vào Canberra (Úc) để làm bếp trưởng cho đại sứ quán Hoa Kỳ, Thành Long được gửi tới học tại Học viện Hý kịch Trung Quốc, một ngôi trường do sư phụ Vu Chiêm Nguyên điều hành.

Vốn tính ương ngạnh, chỉ hai tháng sau, Thành Long đã muốn thôi học. Bố cậu là một người Sơn Đông mạnh mẽ và nghiêm khắc nên nhất quyết buộc con trai phải theo ý mình. Thành Long buộc phải ở lại trường và trải qua quá trình huấn luyện khắt khe trong thời gian dài, đặc biệt là về võ thuật và nhào lộn. Nửa năm sau, với vở kịch Đại tiểu Hoàng Thiên Bá, Thành Long lần đầu tiên được tham gia diễn. Trong khóa học của cậu, có rất nhiều bạn đồng môn vì không chịu được cực khổ đã phải bỏ học. Kết thúc khóa học mười năm chỉ còn lại duy nhất một mình Thành Long.

Trong thời gian khổ luyện tại trường, Thành Long gia nhập nhóm Thất Tiểu Phúc, quy tụ những học sinh xuất sắc nhất của trường được chọn đi đóng phim, và lấy nghệ danh là Nguyên Lâu để tỏ lòng kính trọng sư phụ. Thành Long trở nên thân thiết với các thành viên trong nhóm như Hồng Kim Bảo và Nguyên Bưu. Năm 15 tuổi, Thành Long làm thêm công việc hướng dẫn võ thuật. Mẹ cậu đã nhiều lần khuyên Long không nên tiếp tục theo nghề đóng kịch nhưng cậu vẫn kiên trì theo con đường mình đã chọn.

Vào thời điểm ấy, kinh kịch Trung Quốc mất dần thế độc tôn nên Thành Long không thể sống được với loại hình nghệ thuật này. Để mưu sinh, Thành Long phải làm không ít việc tay chân như phụ hồ, khuân vác, đặc biệt là đóng thế vai trong những cảnh nguy hiểm. Anh dần nổi tiếng vì… không sợ “chết”.

Không lâu sau, một số đạo diễn phát hiện ra tài năng của Thành Long và mời anh vào công việc trợ lý chỉ đạo võ thuật. Trong một lần hợp tác làm ăn, anh gặp Tần Tường Lâm và kết làm bạn hữu, đồng thời quen với anh em Trần Tự Cường. Khi trở thành diễn viên chính, anh đổi tên thành Trần Nguyên Long. Năm 17 tuổi, Nguyên Long nhận được vai phụ trong các cảnh võ thuật của Tân tinh võ môn và Long tranh hổ đấu do Lý Tiểu Long thủ vai chính. Chẳng ai ngờ, chàng trai cao trên 1m6; thân hình nhỏ thó với đôi mắt nhỏ và cái mũi to lại gây ấn tượng như vậy.

Nuối tiếc vì không học hành tử tế

Thành Long luôn mong muốn trở thành một hình mẫu cho trẻ em noi theo, được trẻ em yêu thích vì phong cách hành động vì nghĩa. Anh đã từ chối đóng các vai phản diện và không bao giờ dùng chữ “fuck” trong phim của mình. Nuối tiếc lớn nhất trong cuộc đời của Thành Long là không có được sự học hành tử tế. Anh cũng là người phát ngôn của chính quyền Hồng Kông, xuất hiện trong những tuyên bố chính thức. Tại Hoa Kỳ, Thành Long xuất hiện bên cạnh Arnold Schwarzenegger trong một đoạn quảng cáo của chính quyền để đấu tranh chống lại nạn vi phạm bản quyền và đọc lời phát ngôn công chúng cùng với Cảnh sát trưởng Hạt Los Angeles Lee Baca để khích lệ mọi người, đặc biệt người châu Á, tham gia Sở Cảnh sát Hạt Los Angeles.

Đức Xuân