“Thế giới ngầm” sau hành trình “băm nát” vỉa hè

“Thế giới ngầm” sau hành trình “băm nát” vỉa hè

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Vài đường vôi, tấm biển chỉ dẫn, một khoảng đất trống hay một hai chục mét dọc theo lòng đường ắt thành máy "đếm tiền tự động". Công nghệ đến thô sơ nhưng lợi nhuận thì không tưởng, đang đưa các ông "thầu" vào cuộc đua giành giật từng mét vuông lòng đường, hè phố... của Hà Nội.

Điểm mặt chỉ tên

Phố Thái Hà (Hà Nội), vốn bấy lâu được nhắc đến như một điểm "đen" về vấn nạn ùn tắc giao thông mỗi giờ tan tầm, nay được người dân nơi đây đặt cho một cái tên mới: "Phố trông xe". Câu chuyện về việc người dân nơi đây sống quanh năm với ô tô quả không ngoa chút nào. Theo tìm hiểu của PV Nguoiduatin.vn, từ nhiều năm nay, điểm trông giữ xe trên phố Thái Hà với toàn bộ phần vỉa hè (phía dọc bờ sông, bên phải hướng đi từ Chùa Bộc - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng) bị chiếm dụng hết cả phần vỉa hè đi lại của người dân tham gia giao thông.

Xã hội - “Thế giới ngầm” sau hành trình “băm nát” vỉa hè

Người đi bộ trên tuyến phố Thái Hà (Hà Nội) phải chấp nhận đi bộ dưới lòng đường đầy nguy hiểm

Đó còn chưa kể tới việc xe cộ từ bãi giữ xe này ra vào bất ngờ dẫn tới việc va chạm, gây ùn tắc giao thông trên tuyến phố diễn ra như... "cơm bữa". Tiếp đến các xe tải, xe ô tô có tải trọng lớn ra vào, lên xuống liên tục đang ngày đêm "cày" nát bét vỉa hè, khiến cho chỗ lồi, chỗ lõm gây mất cảnh quan đô thị, làm thiệt hại tiền của của nhà nước.

Chẳng thế mà, khi được cánh phóng viên chúng tôi hỏi thăm, người dân trong khu vực này đều lắc đầu ngao ngán. Bác N.V.T, trú tại phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Từ năm 2008, nơi đây đã được phê duyệt thực hiện cống hóa mương làm bãi đỗ xe. Thế nhưng đến nay, chẳng thấy cống hóa đâu, mà chỉ thấy ô tô san sát đậu chiếm hết vỉa hè của người đi bộ".

Anh N.H.K, người thường qua lại khu phố này bức xúc: "Kể cũng lạ, với một tuyến phố có mật độ phương tiện qua lại đã đông lại tồn tại điểm giữ xe như vậy thì tình trạng ùn tắc giao thông là điều khó tránh. Muốn đi người dân phải đi bộ xuống lòng đường, thành thử nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông rất lớn".

Tiếp bước đến một con phố khác, khi biết chúng tôi là nhà báo, nhiều người dân ở phường Trung Hòa thi nhau "tố" các điểm trông giữ xe nơi đây đang "hành" dân. Bác L.H.H, trú tại tổ 17, phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) nói: "Trên trục đường Nguyễn Khang, đoạn từ đầu cầu Trung Hòa đễn ngã ba Trung Yên chỉ có gần 100m nhưng lại có bãi giữ xe trên đường thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Mặc dù người dân đã phản ánh tới các cấp chính quyền nhưng chẳng hiểu sao đến nay điểm trông giữ xe vẫn tồn tại?! Cá biệt, có hôm ùn tắc, khách đi đường tranh giành phần đường của nhau đã dẫn đến xô sát, đánh chửi nhau gây mất an ninh trật tự khu vực".

Thử một lần ngồi trên ô tô, dạo quanh một số tuyến phố trọng điểm của TP. Hà Nội như: Thái Hà, Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Giảng Võ, Kim Mã, Liễu Giai (quận Ba Đình), Nguyễn Khang, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Thị Thập, Hàm Nghi (quận Cầu Giấy), khu đô thị Định Công, khu vực dọc bờ sông Tô Lịch thuộc địa bàn phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo (quận Hai Bà Trưng)... mới thấy hết cái muôn mầu phức tạp ở các điểm trông giữ xe. Hình ảnh mà cánh phóng viên chúng tôi ghi lại được là các điểm trông giữ xe mọc lên như nấm, gây lộn xộn, mất an toàn giao thông, đặc biệt là sự xuống cấp của hạ tầng cơ sở tại những điểm này ngày càng nghiêm trọng.

Chạm vạch... móc túi trả tiền

Theo thống kê của Công an TP. Hà Nội, riêng 10 quận nội thành hiện có tới gần 1.100 điểm trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp thường xuyên hoạt động. Trong đó có hơn 740 điểm có phép và hơn 300 điểm tự phát, không có phép. Hầu hết các điểm trông giữ xe đều có các vi phạm như: Thu tiền không có vé, hóa đơn, biên lai, thu tiền cao hơn mức quy định, tổ chức trông giữ xe không đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, phòng cháy chữa cháy; không kê khai nộp thuế... Những vi phạm này làm thất thu cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng mỗi năm.

Sau một buổi chiêm ngưỡng sự "muôn hình vạn trạng" của các điểm trông giữ xe, chúng tôi quay lại với khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi vẫn tự hào là văn minh nhất nhì thành phố, với trên 1 vạn 2 ngàn cư dân cũng phải oằn mình đối mặt với tình trạng hỗn độn từ chính việc cấp phép đỗ xe tràn lan. Thực trạng hiện nay ở phố Hoàng Đạo Thúy, nối từ trục Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương và các đường ngang nội đô như phố Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Thập đều được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép cho nhà thầu căng dây, kẻ sơn làm chỗ đỗ xe ô tô và thu tiền theo ngày đêm. Mỗi lề đường bị chiếm dụng từ 2,5 đến trên 3m ở cả hai bên, khiến phần đường còn lại cho các xe lưu thông rất khó khăn.

Theo ghi nhận của PV, không những khoảng khuôn viên, diện tích lòng đường bị chiếm dụng mà ngay trên phần hè đường cũng được tận dụng căng dây, kẻ vạch thành ô vuông làm nơi trông giữ xe. Bác L.K.G, ở phòng 602, tòa nhà 17T1 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính bức xúc: "Chính vì bị chiếm hết hè đường khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường gây nhiều hệ lụy dẫn đến tai nạn giao thông. Ở trước cửa các tòa nhà đều có lối ra vào riêng cũng đều bị họ lấn chiếm, ngay phần diện tích dành cho người đi bộ không có để đi chứ chưa nói đến diện tích dành cho xe cộ của dân lên xuống".

Cũng theo phản ánh của nhiều người dân trong khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, việc cấp phép đỗ xe tràn lan đã giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có cơ hội lấn chiếm hết các lối lưu thông nội bộ. Đáng nói, ngay trước cửa tòa nhà 34T có họng nước cứu hỏa hoặc đường ra vào cho xe chuyên dùng cứu hỏa, cứu thương cũng bị "hóa phép" thành bãi đỗ xe, ảnh hưởng đến dân sinh.

Điều nguy hại hơn, chính vì được cấp phép, kẻ vạch mà mọi người dân sinh sống trong khu vực này có việc về nhà một lát rồi cần đi ngay để xe dưới hè, lòng đường, trong phạm vi kẻ vạch đều bị nhân viên trông giữ xe ra thu tiền với mức giá 10.000 đồng/lượt đỗ xe gây ra nhiều lần tranh cãi giữa chủ xe và nhân viên trông giữ xe. Hay như các bậc cha me phụ huynh học sinh trường mầm non, trường tiểu học Lý Thái Tổ nằm trên khu vực phố Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập... khi tới đón con em mình cũng đều bị nhân viên bãi trông giữ xe truy tiền vì lỡ... đỗ vào vạch sơn đã kẻ.

Lằng nhằng trách nhiệm

Đem tâm sự của người dân lên chính quyền, chúng tôi được ông Nguyễn Hải Đăng, phó chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho hay: Hiện trên địa bàn phường Trung Hòa có 16/28 điểm trông giữ xe có phép. Trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, phường đã phối hợp với các lực lượng chức năng của quận Cầu Giấy ra quân kiểm tra, xử lý kiên quyết các điểm trông giữ xe vi phạm. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 6 trường hợp vi phạm, đề nghị xử phạt hành chính trên 70 triệu đồng. Đã xóa bỏ được 7 điểm trông giữ xe máy tự phát.

Tuy nhiên ông Đăng cũng cho biết thêm: Việc quản lý các bãi, điểm trông giữ xe gặp rất nhiều khó khăn một mặt do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp giấy phép nhiều điểm bất hợp lý, không phù hợp với thực tế. Điểm tiếp theo đó là do các điểm bãi trông giữ xe thường biến tướng, cố tình vi phạm, muốn phát hiện xử lý nghiêm cần phải cài người bắt quả tang và cần có các trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ để xử lý các xe ô tô, điểm trông giữ xe vi phạm.

Qua việc phản ánh bức xúc của người dân về những điểm trông giữ xe bất hợp lý, thường xuyên gây ùn tắc, tai nạn giao thông phường cũng đã kiểm tra thực tế, có báo cáo với UBND quận Cầu Giấy và đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ngừng gia hạn giấy phép đối với 2 điểm trông giữ xe tại phố Hoàng Ngân và Nguyễn Thị Định nhưng đến nay Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vẫn cho hoạt động và gia hạn giấy phép.

Như một chiếc "bánh" béo bở, vỉa hè, lòng đường đang bị tranh giành, vơ vét đến những mảnh vụn cuối cùng. Không ai khẳng định nổi nguồn thu tài chính khổng lồ từ những điểm trông giữ xe đang "rót" về túi các ông chủ, bởi phía sau sự phô diễn: Gây lộn xộn, ách tắc giao thông, mất cảnh quan đô thị, là một "thế giới ngầm" được "bảo kê" từ chân lên... cổ". Trong khi đó các cơ quan quản lý cứ tha hồ thí điểm hết phương án này đến phương án khác mà đường tắc vẫn cứ tắc.

Quỳnh Chi - Vương Trần

Bài 2: Lợi nhuận "kếch xù" chảy vào túi ai?