Thợ cắt tóc dạo nữ ở vùng biên

Thợ cắt tóc dạo nữ ở vùng biên

Chủ nhật, 23/06/2013 | 21:56
0
Với một chiếc gương lớn cùng vài thứ đồ nghề đơn giản, hình ảnh những người thợ cắt tóc dạo trên vỉa hè đã không còn xa lạ với bất kỳ ai. Theo thường lệ từ trước đến nay, người ta chỉ thấy hầu hết nam giới làm công việc này. Bởi vậy, hình ảnh những nữ cắt tóc dạo lang thang trên phố đã trở thành một nét riêng của thành phố vùng biên Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh này.

Những cô thợ cắt tóc "ninja"

Bằng cách treo một chiếc gương nhỏ lên một bức tường hoặc một thân cây nào đó để tận dụng luôn cả bóng mát của nó, những người thợ cắt tóc có thể hoàn thành công việc của mình không mấy khó khăn. Có lẽ vì toàn bộ thời gian làm việc đều diễn ra ngoài mặt phố cho nên hiếm khi người ta có cơ hội được chiêm ngưỡng dung nhan của những người thợ cắt tóc này ẩn phía sau những chiếc khẩu trang kín mít như ninja. Mặc dù vậy, bản thân khách hàng của họ cũng cảm thấy thoải mái và hài lòng. Bởi vì không phải ai cũng thích đặt chân vào một hiệu cắt tóc sang trọng, đầy đủ tiện nghi với những chiếc gương lớn, những chiếc ghế salon dài và những cô thợ cắt tóc duyên dáng, trẻ đẹp khéo tô son điểm phấn. Hay nói đúng hơn, họ không đủ tiền để vào những chỗ sang trọng như vậy, bởi hầu hết khách hàng của những nữ cắt tóc dạo đều là những người lao động nghèo, giản dị, chân chất như chính cuộc sống của họ. Họ vui khi vừa được ngồi cắt tóc dưới bóng mát thiên nhiên của một cây cổ thụ, vừa được thoải mái trò chuyện cùng bạn bè lại qua, vừa phải trả một khoản tiền rất nhỏ cho việc "làm đẹp" chính đáng của mình.

Một sáng thứ bảy đẹp trời ở Móng Cái, trong lúc đang tản bộ thăm thú thành phố vùng biên này, tôi tình cờ lạc bước đến một con phố nhỏ sát cổng chợ số 4, nơi tập trung khá đông các nữ cắt tóc dạo đang chăm chú vẽ những đường kéo mềm mại trên những kiểu tóc khác nhau. Cảm thấy tò mò và thích thú, mặc dù không có nhu cầu sửa sang lại "góc con người" nhưng tôi vẫn tìm một chỗ nghỉ chân trong quán nước bên cạnh. Nói là quán nước, nhưng thực ra nó chỉ là một gánh nước nhỏ của một bà cụ chừng 70 tuổi với ấm trà xanh cùng dăm ba gói kẹo, vài hộp thuốc lá để phục vụ những người đi chợ.

Qua ngôn ngữ của những vị khách đang cắt tóc, tôi mới biết họ là người Trung Quốc. Thoạt nhìn, hình dáng cùng cách ăn mặc, không ai nghĩ họ không phải là người Việt Nam. Tôi lấy làm ngạc nhiên không hiểu vì sao những người khách Trung Quốc này lại chọn một quán vỉa hè để cắt tóc thay vì những cửa hiệu có đủ điều kiện để phục vụ tốt hơn. Nhưng dường như họ tỏ ra rất thoải mái và hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề của những người thợ mà mình đã "chọn mặt gửi vàng".

Xã hội - Thợ cắt tóc dạo nữ ở vùng biên
Những nữ cắt tóc dạo vùng biên

Những thợ cắt tóc dạo ở khu phố này thường rất đông khách vào những ngày cuối tuần nắng ráo. Vào những ngày mưa ở Móng Cái, công việc của những người thợ cắt tóc dạo khá thất thường. Bởi vậy, ngoài công việc cắt tóc, họ cũng tranh thủ làm thêm các công việc khác khi thời tiết không ủng hộ. Những khách hàng có ý định sửa sang đầu tóc vì thế cũng tranh thủ những buổi sáng đẹp trời, ra đường ngó nghiêng chờ bóng dáng quen thuộc của những cô thợ cắt tóc ninja cùng cốc nước chè xanh xôn xao hè phố.

"Bán lưng cho phố, bán mặt cho tường"

Khách Trung Quốc cũng chuộng

Theo lời kể của bà cụ bán hàng nước thì thi thoảng vẫn có một vài ông khách Trung Quốc đến đây cắt tóc, lấy ráy tai. Họ có vẻ rất thích kiểu cắt tóc này ở Việt Nam mặc dù các cô thợ luôn trong tình trạng trùm khăn kín mít từ đầu đến chân, chỉ để hở hai con mắt.   

Đó là câu nói đùa của chị em cắt tóc dạo ở Móng Cái về công việc vất vả của mình. Nhân lúc vắng khách, tôi mời mấy chị cắt tóc dạo ngồi uống nước cùng, tranh thủ hỏi han câu chuyện. Trong số những người thợ cùng ngồi với tôi hôm ấy, có Phạm Thu Lan là nhỏ tuổi nhất. Lan sinh năm 1990, quê ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Cách đây một năm, Lan có quen một người bạn gái khi cô đang làm công nhân cho một công ty may ở Hà Nội. Theo lời rủ rê, Lan theo người bạn đó lên Móng Cái với niềm tin cô ta sẽ tìm cho mình một công việc tốt, nhàn nhã, thu nhập cao. Không ngờ đó chỉ là một cái bẫy và Lan đã bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm.

Nhờ may mắn cùng một chút sức khỏe do ngày bé có rèn luyện võ thuật, sau một tháng bị giam cầm trong nhà chứa, Lan đã trốn được ra ngoài qua lối cửa sổ trong phòng vệ sinh. Vì không biết đường đi lối lại nên khi chạy đến biên giới Việt - Trung, Lan bị lạc trong rừng rồi ngất đi vì đói, mệt. May nhờ một người đàn ông Việt, trên đường vào rừng tìm cây thuốc tình cờ phát hiện Lan trong tình trạng mê man, bất tỉnh đã nhiệt tình cứu giúp nên cô mới may mắn thoát chết. Mặc dù so với Lan, người đàn ông kia già hơn cô gần 15 tuổi nhưng sau vài lần tiếp xúc, hai người đã nảy sinh tình cảm và quyết định chung sống với nhau. Vì trước đây đã từng có thời gian học việc trong một hiệu làm đầu ở Hà Nội, lại có chút năng khiếu với cây kéo nên Lan đã gia nhập đội ngũ những nữ cắt tóc dạo ở thành phố vùng biên này.

Lan tâm sự: "Tuy công việc có vất vả, suốt ngày phải phơi mặt ngoài đường xá, tiền công chẳng đáng là bao nhưng nó cũng cho mình một cái nghề và một khoản thu nhập nhỏ để thêm thắt vào cuộc sống !".

Qua câu chuyện thân tình của những người thợ cắt tóc dạo ở góc phố nhỏ gần chợ số 4, tôi hiểu tất cả trong số họ đều ao ước có được một hiệu làm đầu khang trang của riêng mình. Nhưng vì không có điều kiện mở cửa hiệu lớn, hơn nữa khả năng thành công cũng chưa biết thế nào trong khi phí đầu tư quá lớn, cho nên đối với những người phụ nữ yêu nghề này, cắt tóc dạo là phương pháp an toàn, hiệu quả nhất. Vì Móng Cái là nơi tập trung đông đảo những người lao động nghèo, đặc biệt là dân cửu vạn cho nên nhu cầu cắt tóc giá rẻ ở thành phố vùng biên này khá lớn và nghề cắt tóc dạo nhờ thế cũng rất phổ biến.

Một chị tên Khánh lạc quan: "Gì chứ, cắt tóc dạo ở đây không lo thiếu đất sống. Người nào có duyên, có nghề làm không hết việc. Tiền công chỉ 15 nghìn đồng/đầu, 5 nghìn đồng/lần lấy ráy tai nhưng mỗi ngày mà được hơn chục đầu với vài lần lấy ráy tai mà không ấm bụng sao?". Nói vậy, nhưng không ai là không biết sự thất thường của cái nghề ít nhiều may rủi này. Có ngày khách đông, chị em làm không hết việc nhưng cũng có ngày chơi dài, mong đợi mãi cũng không thấy bóng dáng khách nào gọi. Đấy là chưa kể thời tiết nắng mưa thất thường, nhiều khi chạy không kịp.

Rời khỏi góc phố nhỏ nơi những nữ cắt tóc dạo ninja vui tính đang miệt mài với cây kéo của mình, lòng tôi phảng phất một nỗi buồn man mác khi nghĩ đến những phận người bé nhỏ trên mảnh đất vùng biên…                          

Trớ trêu khi trời bỗng đổ mưa

Chị Thu bật cười khi nhớ lại câu chuyện cách đó không lâu, khi chị đang cắt tóc cho một ông khách quen, trời bỗng đổ mưa như trút, khiến cả thợ lẫn khách không kịp trở tay. Ông khách cứ thế chạy đi tìm chỗ trú với cái đầu nham nhở vì đang cắt dở, còn chị thì ướt như chuột lột khi cố gắng thu dọn mớ đồ nghề. Mãi đến sáng hôm sau, ông khách mới quay lại để chị cắt nốt nửa đầu còn lại.

Dương Dung

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

'Đời kẹo kéo hát rong' mưu sinh chốn phồn hoa

Thứ 2, 10/06/2013 | 19:42
Khoảng 2h sáng, mấy chiếc xe bán kẹo kéo rong lại lục đục tìm về xóm trọ nghèo. Những gương mặt phờ phạc, giọng khàn đặc quây quần bên nhau dưới mái nhà trọ lụp xụp, kể vội cho nhau nghe vài mẩu chuyện vui buồn trên đường mưu sinh.

Về chợ Bà Rén xem chị em 'bồng heo' mưu sinh

Thứ 4, 05/06/2013 | 19:31
Nằm giữa quốc lộ chằng chịt người xe qua lại, dưới cái nắng như thiêu như đốt của ngày hè, thế nhưng vẫn có không ít chị em phụ nữ không quản nắng mưa, mệt nhọc "chạy" theo cái nghề kỳ lạ có một không hai này.

Cơ cực mưu sinh giữa tiết trời đổ lửa

Thứ 4, 29/05/2013 | 08:22
Giữa cái nắng đến cháy da, cháy thịt, trên nhiều nẻo phố trên Hà Nội không hiếm gặp những người lao động nghèo vẫn miệt mài làm việc.

Người phụ nữ bị ung thư mưu sinh trên bãi rác

Thứ 3, 21/05/2013 | 15:21
Ở bãi rác xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) hễ ai có chuyện oan trái, bức xúc, đau khổ đều tìm đến chị. Gặp người nào chị cũng giúp đỡ một cách chân thành

Chị họ dìu em tật nguyền bán vé số mưu sinh

Chủ nhật, 12/05/2013 | 19:49
Căn bệnh quái ác đã khiến cơ thể chị bị biến dạng và không thể đi đứng được. Mỗi lần di chuyển, chị phải dùng tay để chống rồi lết đi từng chút khó nhọc. Dù vậy, người phụ nữ này lại không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình, nên chị đã bỏ xứ vào TP.HCM tìm việc làm. Thấy đứa em một mình ra đi với thân thể bị dị tật, người chị họ (con dì) đã hy sinh cuộc sống riêng, chấp nhận bỏ lại chồng con để đi theo chăm sóc cho đứa em tội nghiệp.