Thú chơi xe của Sài thành

Thú chơi xe của Sài thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Bất chợt bắt gặp một chiếc xe máy cổ lướt qua ta có cảm giác như thời gian trôi chậm lại.

Ngắm những bức ảnh về một Sài Gòn xưa, không khó gì để bắt gặp đâu đó cái “chất Sài Gòn” ngay trên những con đường. Nhiều người từng so sánh rằng, ở Sài Gòn có thể thấy những chiếc xe máy cũ rích, cà tàng chạy ro ro ngoài phố, những thứ mà Hà Nội không hề có. Bởi người Hà Nội lúc nào cũng chỉn chu, đẹp đẽ, ngay từ cái phương tiện đi lại. Nhưng thực ra không hẳn là như vậy.

Ô tô-Xe máy - Thú chơi xe của Sài thành

Một góc Sài Gòn trưa

Trước 1975, phương tiện đi lại chủ yếu của người Sài Gòn là xe đạp và xe máy. Mỗi một dòng xe đều mang một phong cách khác nhau. Chỉ cần thông qua nó, là có thể đoán biết được tính cách, sở thích của người chủ sở hữu ra sao. Nói đến xe gắn máy nhiều người sống tại miền Nam trước đây đều biết đến xe Mobylette. Xe Mobylette ở Việt Nam có loại vàng và xanh. Cả hai đều dùng động cơ 49, 99cc nên được xếp vào loại xe không cần bằng lái. Mobylette vàng nhỏ, chỉ có ống nhún phía trước, trong khi Mobylette xanh thì lớn, nặng hơn có ống nhún ở cả bánh trước lẫn bánh sau nên đi êm hơn và đương nhiên giá cũng đắt hơn.

Xe không cần sang số mà dùng dây ga tự động, vặn ga lớn thì xe chạy nhanh, vặn ga nhỏ lại thì xe chạy chậm và đứng lại. Khi muốn nổ máy thì chỉ cần đạp cho nhanh là xe nổ máy. Đạp mãi không nổ thì chỉ gần gạt cái chốt ở đĩa có dây cu-roa ăn vào động cơ để tách rời động cơ và bánh sau thì có thể đạp bộ về nhà.

Xe Vélosolex là một chiếc xe đạp có gắn động cơ lên bánh trước. Động cơ này làm lăn một cục đá tròn phía dưới. Khi người lái kéo cái cần trước mặt thì cục đá nâng lên khỏi bánh trước và có thể đạp như xe đạp. Khi đạp đến một tốc độ nào đó, hạ cần xuống thì tốc độ của xe làm cho động cơ nổ máy và động cơ kéo chiếc xe đi bằng bánh trước. Vì sự giản dị, trọng lượng nhẹ nhàng nên các xe Mobylette, Vélosolex thông dụng trong giới sinh viên, học sinh và phái nữ.

Nếu những chiếc xe Mobylette, Vélosolex có nét duyên dáng, lịch lãm đến từ Pháp, thì những chiếc Vespa, Lambretta lại mang đậm chất lãng tử của Ý. Người sử dụng loại xe này phải trên 18 tuổi và phải có bằng lái. Vì thế, những người đi xe Vespa, Lambretta thường là ở tuổi trung niên và có kinh tế tương đối khá. Đây là những dòng xe có thiết kế vừa thanh nhã, lại vừa có nét phóng khoáng, lãng mạn, cộng thêm sự điệu đà, bóng bẩy rất nghệ sĩ.

Từ cuối thập niên 1950, miền Nam cũng nhập các xe gắn máy Đức như Goebel, Sachs, Puch. Các xe này đều có chung đặc điểm là có bình xăng đặt trước người lái, sang số bằng tay, có ống nhún cả trước lẫn sau, và máy đều là loại 50cc, không cần bằng lái. Đây là dòng xe có kiểu dáng mạnh mẽ, nam tính đến từ Đức.

Ngoài những dòng xe trên, Sài Gòn thời ấy còn là thiên đường của xe Honda và xe Cub. Biệt danh “Cánh én trong thành phố” từ phim trường Biệt động Sài Gòn đã được gắn mác cho Honda 67. Nếu Honda mang lại cho người dùng cảm giác của sự phong trần, bụi bặm kiểu cao bồi thì xe Cub lại mang đến sự nhẹ nhàng và nữ tính, thích hợp để loanh quanh trong thành phố hơn là đi xa.

Những tưởng các loại xe xuất hiện trên đường phố Sài Gòn từ những năm trước 1975 thì giờ sẽ biến mất. Nhưng hoàn toàn ngược lại, Sài Gòn hiện nay được mệnh danh là “thành phố của các loại xe máy cổ”. Bởi không đâu lại có nhiều xe máy cổ như đường phố Sài Gòn. Người Sài Gòn săn xe máy cổ như một thú chơi tao nhã nhưng sành điệu. Những dòng xe máy cổ này biến nhiều người trở thành một tín đồ chơi xe cổ. Họ tập hợp nhau lại thành những câu lạc bộ xe cổ như: Câu lạc bộ xe cổ Hồng Cường, CLB Honda 67, CLB Cub Sài Gòn v.v

Một ngày đang đi trên đường ta bất chợt bắt gặp một chiếc xe máy cổ lướt qua. Tôi có cảm giác như thời gian đang trôi chậm lại. Và đường phố Sài Gòn bỗng bớt bộn bề hơn. Ngỡ như một thoáng Sài Gòn xưa còn ẩn hiện trong lòng một Sài Gòn hiện đại, năng động hôm nay.

Hương Lam