Thu phí đường bộ: Chính quyền địa phương loay hoay thế khó

Thu phí đường bộ: Chính quyền địa phương loay hoay thế khó

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Liên bộ Tài chính và Giao thông vận tải (GTVT) vừa đưa ra phương án thu phí bảo trì đường bộ để lấy ý kiến chuyên gia, bộ ngành và địa phương, tuy nhiên, lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh từ chính quyền địa phương.

Một số lãnh đạo địa phương lo ngại khi phải đảm nhiệm việc "thu phí" đối với xe máy, đây được ví như trách nhiệm "không tưởng" với cấp quản lý này khi khả năng, lực lượng có hạn.

Nhịp sống - Thu phí đường bộ: Chính quyền địa phương loay hoay thế khóẢnh minh họa.

Loay hoay vì... quá sức

Thông tin được đưa ra mới đây, trong cuộc họp giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT về việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 18/2012/NĐ-CP về việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ.

Theo đó, hai Bộ này đều có chung quan điểm theo dự thảo đã được Bộ GTVT xây dựng, với mức thu thấp nhất đối với ô tô là 180.000 đồng /xe/tháng cùng mức kịch khung với loại phương tiện này là 1, 44 triệu đồng/xe/tháng.

Cách thức thu tại một đầu mối là các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới dựa trên nguyên tắc chỉ cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường cho chủ phương tiện đã nộp đủ phí.

Đối với xe máy, dự thảo cũng đưa ra 4 nhóm với các mức thu nằm trong khung từ 80.000 đồng đến 180.000 đồng /xe/năm. Cách thu với phương tiện xe máy sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định để phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Điều đáng nói, theo tinh thần dự thảo thông tư của Bộ GTVT về phương án thu phí bảo trì đường bộ, nhiều khả năng, đảm nhiệm việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ được giao cho chính quyền phường xã thực hiện.

Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn về vấn đề nêu trên, lãnh đạo thuộc một số phường, quận ở Hà Nội đã phản ứng khác nhau. Bà Hoàng Thúy Lan, phó chủ tịch UBND phường Cát Linh (Q. Đống Đa) băn khoăn: "Chúng tôi lo ngại sẽ không đảm đương được vì nhân lực thì quá ít, trong khi đó công việc lại rất nhiều, làm không hết việc.

Hiện tại còn phải thu thuế đất, thuế đất thì do phường nghiệm thu và đảm nhiệm, đây đã là việc khó khăn rồi. Vấn đề thu phí xe máy quan trọng nhất là chế tài xử phạt, còn nếu không thì lại làm khó địa phương.

Ví dụ, nếu như chúng tôi đi thu mà không thu được thì có chế tài nào để xử lý những đối tượng không nộp? Ngay cả như thuế đất, pháp lệnh rõ ràng như vậy, nhưng có nhà họ vẫn không chịu nộp, chính quyền cũng chỉ có thể lập biên bản và xử phạt.

Bây giờ thu phí bảo trì đường bộ tôi nghĩ là lại càng khó, sẽ có rất nhiều nhà không chấp hành khi không có chế tài xử phạt cụ thể. Trên địa bàn của một phường thì có biết bao nhiêu cái xe máy, lấy người đâu ra mà đi thu".

Đồng quan điểm với bà Lan, bà Nguyễn Thị Thu Hà, chủ tịch UBND phường Nhân Chính (Q. Thanh Xuân) cho hay: "Hiện chúng tôi chưa nhận được thông tin nào về việc này. Nhưng nếu giao cho địa phương thu thì quả thực là khó khăn đối với chúng tôi, vì thực tế lực lượng ở phường chúng tôi chỉ có hơn hai chục người không đủ để làm hết những việc này được.

Trong khi đó, cũng cần đặt ra việc sử dụng nguồn tài chính ra sao cho đội ngũ thực hiện công việc này".

Lãnh đạo một quận thuộc trung tâm TP. Hà Nội (xin được giấu tên -PV) đưa ra nhận định, nếu được trích lại 1-2% nguồn thu thì mỗi năm một phường cũng chỉ có khoảng 25-30 triệu đồng.

Với khoản kinh phí đó, chỉ tính riêng chi phục vụ cho việc đi thu phí đã không đủ, chứ chưa nói đến việc tạo ra một khoản dư để tạo quỹ duy tu đường cho địa phương.

Đáng nói, cán bộ phường có dám đảm đương công việc này hay không, bởi chắc chắn sẽ gặp phải những người có nhận thức kém, sẵn sàng chây ỳ hay tìm mọi thủ đoạn đối phó để tránh bị truy thu phí.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế Hà Nội) nói: "Địa phương họ kêu khó là đúng, vì ngay như thu thuế nhà đã khó lắm rồi, huống chi là xe máy, thu thuế của một nhà đã là khó đối với phường, giờ bắt họ thu thêm mỗi nhà mấy cái xe máy nữa thì quá sức đối với họ. Giao cho địa phương thu phí theo cách "ép" phải làm thì rồi cũng thu được của dân, tuy nhiên tính hiệu quả của nó tôi dám chắc là sẽ không cao.

Hay nói cách khác, địa phương thu phí thì chỉ khả thi một phần nào đó thôi còn khả thi theo kiểu hiệu quả cao sẽ không đạt được, quan trọng nhất vẫn là cơ sở pháp lý và tính hiệu quả của nó vẫn không ổn".

Nguy cơ nảy sinh tiêu cực?

Đưa cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này, trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, TS. Khuất Việt Hùng, chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT (ĐHGTVT) "Theo tôi, giao thêm việc thu phí xe máy cho địa phương thực hiện không có gì là làm khó địa phương cả. Vấn đề là tùy cách thức tổ chức thực hiện của từng địa phương ra sao thôi, có nơi sẽ kêu khó và có nơi sẽ làm tốt.

Không phù hợp với nguyên tắc thuế

Nhịp sống - Thu phí đường bộ: Chính quyền địa phương loay hoay thế khó (Hình 2).

"Trước hết, theo tôi việc đẩy cho địa phương thu phí xe máy là một hoạt động không phù hợp với nguyên tắc thuế, vì thuế phải do người của cơ quan thuế thu, còn giao cho địa phương là sai chức năng và không đúng với luật quản lý ngân sách. Mặt khác, Tất cả các hoạt động thu thuế ngân sách Nhà nước thì phải tuân theo Luật Ngân sách.

Do đó, chuyện Bộ GTVT hay Bộ Tài chính lại ủy nhiệm cho địa phương thu thuế, phí bảo trì đường bộ là không đúng, Bộ không có quyền ủy nhiệm việc đó, mà phải là cơ quan thuế. Một là sai về Luật Quản lý ngân sách, hai nữa là không hiệu quả và thứ ba là gây ra những lỗ hổng tiêu cực".

(TS. Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Hà Nội)

Nếu địa phương nào "khôn" sẽ đưa lực lượng ở cục thuế địa phương đó làm việc này, còn không giao cho phường nào thu phường đó, xã nào thu xã đó... miễn sao đúng quy định.

Tất nhiên là phát sinh thêm việc mới thì phải có thêm chi phí và nhân sự, chi phí có thể trích từ tiền thu phí. Chính phủ đã thống nhất làm thì địa phương phải tổ chức thực hiện, khó khăn cũng phải cố gắng sắp xếp để hoàn thành, chứ không thể kêu khó để tránh việc.

Khi tổ chức thực hiện, tôi nghĩ cái khó ló cái khôn, và các địa phương sẽ tìm cho mình cách thực hiện tốt nhất. Thêm việc nhưng tăng thu nhập cho họ cũng là điều tốt chứ sao".

"Tôi thấy giao cho địa phương thu cũng là điều hợp lý, vì xã có đường xã, huyện có đường huyện và đường đó cũng cần tiền để bảo trì, để duy tu. Khi địa phương thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ, họ sẽ được trích tiền từ phí đó để bảo trì đường ở địa phương mình", TS. Hùng khẳng định.

Thế nhưng, chính TS. Khuất Việt Hùng không khỏi lo ngại: "Việc tiêu cực trong chuyện đi thu phí là điều khó tránh khỏi, nhưng trách nhiệm chống tiêu cực, chống tham nhũng là của toàn xã hội, không phải là của Bộ Tài chính hay Bộ GTVT. Do đó, chính quyền địa phương phải tự giám sát, tự chịu trách nhiệm đối với việc thu cho đúng, đủ và không phát sinh tiêu cực.

Ở các địa phương họ nắm rõ số xe trên địa bàn là bao nhiêu nên dễ dàng đối chiếu với tổng lượng thu phí được bao nhiêu. Đó cũng là cách để lãnh đạo địa phương kiểm soát việc thu phí của địa phương mình".

TS. Nguyễn Minh Phong lại đưa ra nhận định: "Bản thân địa phương họ cũng phải làm rất nhiều việc, trong khi đó nhân lực của họ không đủ, không phải cơ quan chuyên sâu, như vậy chả khác gì làm khó địa phương. Thậm chí, nó còn dễ gây ra những tiêu cực, như việc móc ngoặc, thỏa thuận giữa người thu và người nộp, vô tình lại tạo kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng".

Quốc Triều - Vương Trần