Thương hoài tiếng nẫu

Thương hoài tiếng nẫu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Tôi nhớ tiếng nẫu, cũng như người Việt mình nhớ điệu quan họ, như người Nghệ nhớ câu ví dặm và cũng như chính người xứ nẫu yêu điệu bài chòi.

Cần nói ngay, tôi vốn chẳng phải người xứ nẫu. Nói vậy từ đầu để bạn khỏi trách tôi cứ đi "ca" tiếng nói của quê mình. ấy, ngày mới đến đất này, nghe tiếng nẫu, chẳng phải tôi cứ dỏng tai lên nghe, tròn xoe cả mắt để nhìn miệng đến mỏi. Vậy rồi, qua năm qua tháng, nay thì tiếng nẫu đã thật quen, một ngày đi đâu xa không nghe là thấy nhơ nhớ.

Tiếng nẫu nghe thật trìu mến, nó khác với tiếng Huế ngọt ngào, tiếng Bắc lịch lãm, tiếng Nghệ thân thương. Này là một người vợ gọi chồng: "Anh ơi! Dìa ăn cum". Này là tiếng người mẹ dặn với: "Túi thui túi thít, đi đứng cẩn thận nghen con!". Này là lời bà ru cháu: "Ai dìa ai ở mặc ai/ Bậu thì ở lợi sáng mơi hãy dìa". Ai người xứ nẫu nghe mà không thấy mát lòng, như giữa trưa bức mà có ngọn gió từ ngoài đồng thổi qua, nghe thơm thảo như bát cơm gạo tám xới giữa ngày đông lạnh giá.

Tiếng nẫu ra đời bởi đâu? Chẳng rành về lịch sử ngôn ngữ lắm nên mạo muội tạm lý giải thế này: Từ năm 1470 trở đi, cấu trúc xã hội trên vùng đất mới có sự xáo trộn đáng kể. Bên người Chiêm ở lại, còn có người Việt vào khai hoang lập ấp. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được cho kiêm lãnh cả trấn Quảng Nam, "chính sự khoan hòa, việc gì cũng làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ" làm cho vùng đất đàng trong nhanh chóng trở thành nơi an cư lạc nghiệp cho những người di dân vào cuối thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII. Rồi người Minh Hương phản Thanh phục Minh bỏ xứ di cư sang, hay người Hoa đi giao thương buôn bán trên vùng đất mới của người Việt, một số đã dừng chân lập nghiệp trên mảnh đất này.

Xã hội - Thương hoài tiếng nẫu

Sự tụ cư của những dòng người ấy trên một mảnh đất với những điều kiện địa - sinh thái có nhiều điểm khác biệt với quê hương họ, đã tạo thành một cuộc hợp lưu về văn hóa, từ nết ăn, nếp mặc, sinh hoạt hàng ngày đến các nghi lễ thờ cúng và hẳn nhiên, trong đó có cả tiếng nói.

Cần nhớ là trong những cuộc chuyển cư, di cư của người Việt, cư dân phần nhiều là dân Thanh - Nghệ. Mà tiếng Nghệ, theo các nhà ngôn ngữ học, vốn mang nhiều sắc thái tiếng Việt cổ. Khi vào cộng cư trên đất này, tiếng ấy hợp với tiếng cư dân bản địa tạo thành một phương ngữ riêng, ấy là tiếng xứ nẫu.

ở hoài xứ nẫu, đâm ra tôi cũng dần biết nói tiếng nẫu, mến người xứ nẫu. Người xứ nẫu ăn cục nói hòn, nhưng chắc thiệt: "Yêu hổng yêu thì thâu, nói dứt phát" (Yêu không yêu thì thôi, nói dứt khoát). Cái khí chất ăn sóng, nói gió của những cư dân đất này cũng góp vào tiếng nẫu cái mạnh mẽ trong sắc thái ngôn ngữ, cái độ nồng như mang theo cả gió biển và cát nóng.

Người Bình Định xa quê, nghe tiếng nẫu là nhớ đến quê nhà. Nhà thơ Xuân Diệu những ngày trên đất Bắc, nhớ về vạn Gò Bồi là nhớ những câu ca dao xứ nẫu má ru, bà ru thuở nhỏ, để thấy thương mến những cây xoài Bình Định, những cột đình làng Luật Bình, bãi biển Quy Nhơn, dưa hấu Phương Mai, những thuyền mắm ở Vạn Gò Bồi, cái thành Bình Định cũ buồn như quá khứ... để rồi mang ơn, từ câu hát ru thuở nhỏ, đến hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi, chắt chiu lại trong một người thơ: "Trong hơi thở chót dâng trời đất/ Tôi vẫn si tình đến ngất ngây".

Tôi viết bài này khi đang đọc "Tìm hiểu con người xứ Quảng" (Nguyên Ngọc chủ biên). Lạ vậy, đọc những dòng chữ viết về vùng đất khác mà lại nghĩ đến đất này - một vùng đất từng một thời chỉ là viễn châu, một thời là kinh thành, đến những con người chỉ chân chất, mộc mạc mà ân cần, hồn hậu nhưng cũng lắm khí phách, ngang tàng, dám sống hết mình. Rồi mong, có ai tâm huyết bỏ lòng nghiên cứu tiếng nẫu, con người xứ nẫu thì hẳn sẽ gặt hái bao điều thú vị.

Khải Nhân