Tiếng gọi nức nở của người Việt tại Nga

Tiếng gọi nức nở của người Việt tại Nga

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
– “Mẹ ơi, con sắp làm được tiền gửi rồi”. Nói vậy chứ em hiểu rõ, với sức mình, với giá tiền trả công rẻ hơn cả ở Việt Nam, em phải mất 23 năm nữa may ra mới trả hết nợ, đủ tiền mua vé máy bay, và xếp hàng chờ đợi đến phiên chủ cho phép em trở về quê hương.

Tiếng chuông điện thoại bỗng vang lên dồn dập, ngóng chờ...Đầu dây là giọng nói của một cô gái run rẩy, ngập ngừng...Có ai đó đã cho em số điện thoại của tôi. Em vớ lấy như vớ một mảnh gỗ mỏng manh giữa dòng nước xoáy. Tôi chợt nhớ lại hồi nhỏ tôi từng thoát chết nhờ khúc gỗ mục trôi sông.

Tiếng nói ngắt quãng, nghẹn ngào khiến tôi kiên nhẫn lắng nghe. Chuyện của em buồn miên man.

... Em là con lớn trong một gia đình công giáo nghèo đông con ở miền Nam. Em quyết định ra đi, thử kiếm tiền ở xứ lạ quê người vì mong muốn giúp cha mẹ chu cấp cho những đứa em ăn học thành tài. Lúc ở Việt nam, em đang có công việc ổn định, tuy lương không nhiều nhưng đủ giúp mẹ mua áo mới, sắm tập vở cho đàn em nhỏ. Một công ty môi giới đưa em sang đây với lời hứa hẹn sắp xếp cho em một chân quản lý ở xưởng, như công việc em vẫn thường làm lúc ở Việt nam.

Chuyến bay cuối năm 2010 đã đưa em đến nước Nga, với tấm biên nhận đã chồng đủ chi phí 27 triệu đồng cho chuyến đi. Ánh mắt dõi theo của cha mẹ già và đám em nhỏ qua lớp kính phòng chờ ở sân bay càng làm em tự tin, rảo bước…Một xưởng may cùng giường ngủ bị cháy làm 5 người thiệt mạng.

Người ta đưa em về một khu xưởng xa mà em cũng không rõ địa chỉ, em không nhớ lối ra, chỉ nhớ khu rừng rậm rạp quanh xưởng tối om… Cuộc sống học việc của em bắt đầu từ đó, khi chẳng ai cần người quản lý, mà em lại không biết nghề may. Gần 80 con người chen chúc trong một khu vừa là xưởng vừa là nhà ở. Hai người ở chung một hộc được đóng bằng gỗ tạp: Cao 1,2 m, rộng 1,5 m, dài 2m, hệt như những chiếc hòm gỗ chồng lên nhau, đóng chặt những kiếp người? Ai không thích đi làm, chủ xưởng vẫn cho ăn, vẫn có chỗ ngủ với cái giá đồng đều: 4 nghìn rúp mỗi tháng.

Tiền nợ ăn ở ghi chồng lên nhau qua năm tháng, cộng thêm số tiền 1 nghìn đôla mà ông chủ đã bỏ ra “mua” em từ tay người môi giới tại Nga. Chị bạn cạnh bên may mắn hơn vì người ta “mua” chị rẻ hơn, với giá 800 đôla. Và cứ thế, chúng em như những con trâu kéo cày trả nợ, ai trả hết nợ, xếp hàng đến lượt chủ duyệt cho phép về, ai muốn ở lại kiếm thêm cũng không ai cấm.

Tiếng em kể như gió thoảng… Những bóng người không giấy tờ, không một xu dính túi, không biết nói tiếng Nga và lối ra khỏi xưởng, thì còn biết đi đâu về đâu ngoài việc tuân theo con đường chủ vạch sẵn. Cũng có nhiều người bỏ trốn, nhưng em sợ, sợ bị phạt đứng ngoài tuyết lạnh, sợ bị đánh, sợ cả bóng tối bủa vây trong khu rừng. Ai đó kể rằng có chị đã từng bị làm nhục lúc trốn đi...

3 tháng đầu em xin học việc với một cặp vợ chồng. Ở đây người ta không làm theo dây chuyền theo cách ở Việt Nam. Cứ một nhóm 2 đến 3 người cùng làm và được trả công theo sản phẩm. Những người may giỏi tự nhận thợ học việc theo ý thích. Họ tùy ý truyền nghề hay trả công cho đám học việc. Muốn mau chóng biết may, để tự làm ra sản phẩm, trả hết nợ cho chủ, có điều kiện để thoát khỏi nơi này thì đám người không tay nghề phải nhẫn nhịn với "thầy".

Ba tháng xỏ kim, cắt chỉ mỗi ngày 12 tiếng, em không nhận được một đồng rúp nào. Bốn tháng kế tiếp em xin đổi “thầy”, đôi công nhân trẻ chỉ bảo công việc, em bắt đầu chần bông, may lớp lót. Trước khi rời xưởng, họ trả cho em 5 nghìn rúp tiền công phụ, món tiền đầu tiên làm ra được ở xứ người khiến em rơi nước mắt.

Em cứ mò mẫm, học việc từng chút, đến cuối cùng sau 9 tháng em và chị bạn cùng quê đã có thể tự ghép được con áo kurka (áo phao mùa đông) với cái giá 130 rúp cho một chiếc áo thành phẩm. Lúc này số nợ tiền ăn ở của em đã lên đến gần 40 nghìn rúp, trừ tiền công phụ việc 5 nghìn vẫn còn lại con số ngót nghét hơn 30 nghìn rúp, cộng thêm số tiền 1 nghìn đôla chủ “mua” em, vị chi em vẫn phải gánh hơn 2 nghìn đôla tiền nợ sau 10 tháng lao động cật lực.

Mỗi ngày 2 đứa em ráng làm hết số sản phẩm được khoán, không kể ngày đêm . Có lúc ít việc phải năn nỉ, chen nhau để được giao nhiều hàng. Ai cũng muốn làm ra nhiều tiền. Chẳng ai muốn phải ở đây lâu với cơm canh lõng bõng ngày 2 bữa, phần cơm sạch của người ăn trước còn thừa lại, được đổ vào nồi cho người kế tiếp ăn sau!

Lúc có việc ai nấy cắm đầu vào máy, lúc không việc mỗi người mỗi kiểu, có người xoay đâu ra rượu, uống vào đánh nhau vỡ đầu mẻ trán, sống dở chết dở, nằm rên hừ hừ trong góc tối; có cặp tranh thủ quấn lấy nhau sau bức rèm mỏng, có đám chị em cao giọng mắng nhau vì vài điều vớ vẩn. Cuộc sống nặng như đám mây ám khí vây quanh. Em thường ngồi bó gối trong đêm, nhìn quãng đường xa hun hút để đến được ngày về mà khóc thầm.

Pháp luật - Tiếng gọi nức nở của người Việt tại Nga

Cũng có nhiều người bỏ trốn, nhưng em sợ, sợ bị phạt đứng ngoài tuyết lạnh

(Ảnh minh họa)

Thi thoảng em gọi về cho mẹ, cố nuốt nước mắt mà cười: “Mẹ ơi, con sắp làm được tiền gửi về cho ba mẹ với mấy em”. Nói vậy chứ em hiểu rõ, với sức mình, với giá tiền trả công may rẻ hơn cả ở Việt Nam, em phải mất 2 đến 3 năm nữa may ra mới trả hết nợ, đủ tiền mua vé máy bay, và xếp hàng chờ đợi đến phiên chủ cho phép em trở về quê hương…Nơi đây đã có nhiều anh chị phải ở đằng đẵng 4, 5 năm rồi vẫn không thấy ngày về…

Tiếng em nhỏ dần trong tiếng nấc. Tôi cũng rưng rưng. Em xin tôi tìm xem có cách nào giúp em chuyển đến xưởng khác với mức thu nhập khá hơn để em có thể mau về với mẹ. Tôi chỉ còn biết hứa với em là tôi sẽ cố gắng hỏi thăm . Lời hứa như một phép nhiệm màu làm giọng em vui hẳn. Em tíu tít kể tôi nghe về ngày Giáng sinh ở quê em, khi cả làng đi lễ trong cơn gió se lạnh hiếm hoi của miền Nam.

Tạm biệt và hẹn gọi em lần nữa, tôi như thấy mình vác tảng đá nặng. Tôi biết làm gì đây khi tôi chẳng tìm thấy lối thoát nào cho em. Có hàng nghìn con người cùng số phận như em đang ở đâu đó giữa nước Nga giá lạnh. Nhiều tiếng kêu cứu đã được gửi đi. Em vẫn còn may mắn khi không bị đánh đập và bỏ đói, không bị lạm dụng, chủ em vẫn tính tiền cho mỗi chiếc áo em làm ra. Ai có thể bỏ tiền chuộc em theo “định giá” của chủ khi hàng nghìn người khác cũng mang số nợ như vậy? Ai dám nhận em về khi các xưởng đều nằm trong những mối quan hệ "đen"? Ai dám lên tiếng nói rõ về từng kiếp người đang chôn vùi tuổi xuân sau hàng rào cao của từng khu xưởng? Ai dám mạnh mẽ cảnh báo về những chiếc bẫy tinh vi, vô hình đang được giăng ra, chờ sẵn những người dân Việt nam nhẹ dạ, cả tin, đơn độc dấn bước sang Nga chỉ vì nghèo?

Tôi phải làm gì đây với lời hứa của mình khi tất cả mọi người đều tìm lí do chính đáng để né tránh những điều "rắc rối" cho bản thân? Tôi không trách ai, không lên án điều gì, chỉ xin được hỏi: Nếu cô gái ấy là em, là cháu hay là con gái của các bạn, các bạn sẽ ra sao? Lúc đó, bạn có thể ngủ ngon khi nghe câu chuyện vừa kể, sau khi thốt ra vài lời thương cảm hay nhỏ vài giọt nước mắt như khi xem qua một cảnh phim Hàn quốc? Liệu các bạn có thể đành lòng nhìn người thân tơi tả thể xác, tâm hồn giữa cuộc sống chẳng giống dành cho con người?

Tôi nghĩ lẩn thẩn: giá mình bị điếc, bị mất trí nhớ để có thể quên đi giọng em thì thào nức nở qua điện thoại. Hay mình bị câm để không nói ra lời hứa suông làm cho em hy vọng mà rốt cuộc tôi chẳng thể làm gì.

Tôi ước mình có một chiếc loa thật to để có thể đánh thức trái tim của từng người. Tôi ước mình có chiếc đũa nhiệm màu để biến những người đang làm giàu trên nỗi đau của người nghèo, tự dưng thấy chán tiền và trở nên thánh thiện!

Mong sao các bạn đang đọc qua những dòng này, cũng như tôi, sẽ trằn trọc hơn giữa đêm khuya vì chuyện của em, một người đồng hương xa lạ...

Trần Vũ (LB Nga - Vietinfo)


Cùng chuyên mục

Cụ bà U70 mất 15 tỷ đồng sau khi nghe cuộc gọi mạo danh công an

Thứ 4, 08/05/2024 | 07:00
Thủ đoạn giả danh cơ quan công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy của các đối tượng.

Bắt "yêu râu xanh" xâm hại cháu bé 8 tuổi

Thứ 3, 07/05/2024 | 21:31
Tại cơ quan công an, Thật đã thừa nhận hành vi phạm tội và khai trước đó đã 3 lần xâm hại cháu M.

Bình Thuận: Bắt nữ giúp việc trộm tài sản chỉ sau 2 giờ truy xét

Thứ 3, 07/05/2024 | 20:01
Do biết được vị trí chủ nhà cất giấu tài sản, nữ giúp việc đã lấy trộm rồi bán mang đi trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Bình Thuận: Điều tra vụ một thuyền viên bị rớt xuống biển tử vong

Thứ 3, 07/05/2024 | 17:11
Ngày 7/5, Công an thị xã La Gi đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vụ việc một thuyền viên tử vong.

Xác minh thanh niên cầm vật giống súng ẩu đả trước quán bar ở Huế

Thứ 3, 07/05/2024 | 17:03
Cơ quan Công an TP.Huế đang khẩn trương làm rõ một vụ ẩu đả xảy ra trên địa bàn, trong đó có một người cầm vật giống súng.