Tuyệt kỹ tạo

Tuyệt kỹ tạo "mâm ngũ quả" độc đáo trên cây

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Ông Lê Đức Giáp (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là một trong mười Công dân Thủ đô ưu tú. Qua bàn tay của ông, cây cam hay cây bưởi sẽ lúc lỉu một "mâm ngũ quả".

Tuyệt kỹ trồng cam trĩu quả

Lâu nay, khắp các vùng trồng cây ăn quả (nhất là những vùng chuyên canh cam) không ai không biết đến kỹ thuật trồng cam đạt hiệu quả cao của ông Lê Đức Giáp. Khắp các nơi trong cả nước, người ta tìm về tham quan, tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật trồng cam của ông. Các tỉnh lân cận thường xuyên cử đoàn cán bộ xuống tham quan học tập hay mời ông đến giảng dạy kĩ thuật nhằm phát triển kinh tế địa phương.

Ông Giáp cho hay, nghề trồng cam đòi hỏi công phu, từ các khâu chuẩn bị cho đến khi cây ra hoa kết trái. Nếu không chuyên tâm và chịu khó học hỏi, người trồng sẽ không có ngày hái quả. Theo ông Giáp, trung bình một cây cam sau bốn năm chăm bón sẽ cho lứa quả đầu tiên. Nhưng bằng kĩ thuật đặc biệt của mình, vườn cam nhà ông chỉ sau một năm đã cho trái rất sai.

Xã hội - Tuyệt kỹ tạo 'mâm ngũ quả' độc đáo trên cây

Ông Lê Đức Giáp trong buổi vinh danh công dân Thủ đô ưu tú

Theo ông Giáp, ông dùng dao tiện vào thân cây với độ sâu hợp lý, khiến cho việc trao đổi chất của cây bị đảo lộn, khác với quá trình phát triển tự nhiên. Lúc đó, cây sẽ bị "chột" và sẽ ra hoa theo ý muốn của người trồng cây.

Thông thường, người ta chỉ tiện cây một lần để cho cây ra hoa và quả luôn nhưng làm như thế thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Ông Giáp đã dùng một kĩ thuật mới. Quá trình tiện cây của ông được chia làm hai hoặc ba lần. Mỗi lần tiện chỉ để cây bị héo đi, chứ không để cây rụng lá.

Ông Giáp tâm sự: "Làm như vậy, mình vừa điều chỉnh được việc ra hoa, vừa không làm cho cây bị rụng lá. Vì cây nào rụng nhiều lá thì sau này sẽ cho rất ít quả". Sau khi tiện khoảng hai tháng, cây sẽ ra hoa, kết trái con. Lúc này, cây sẽ trải qua quá trình tiện giai đoạn hai. Mục đích là làm cho cây không thể phát lộc. Điều đó sẽ giúp quả non không bị rụng.

Xã hội - Tuyệt kỹ tạo 'mâm ngũ quả' độc đáo trên cây (Hình 2).

Ông Lê Đức Giáp và bằng khen công dân ưu tú của Thủ đô

Đến kỹ nghệ làm "mâm ngũ quả"trên cây

Khi thành công trong việc sản xuất cam thương phẩm, ông Giáp kết hợp cả việc sản xuất cây giống lẫn sản xuất cây cảnh để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân. Trong lĩnh vực sản xuất cam cảnh, ông Giáp cũng có sự sáng tạo kĩ thuật độc đáo. Đó là ghép nhiều loại quả trên cùng một cây.

Từ năm 2007, gia đình ông làm thêm cam cảnh nghệ thuật. Xuất phát từ ý tưởng mâm ngũ quả ngày Tết, ông muốn tạo một mâm ngũ quả trên cùng một cây. Điều đó, xưa nay chưa thấy ai làm được.

Sau hai năm tìm tòi với nhiều lần thất bại, cuối cùng ông cũng thành công. Thay vì lấy cây cam làm trụ, ông thay thế bằng cây bưởi cho cứng cáp. Các loại quả được chọn ghép sẽ không được đưa lên cây cùng một lúc như trước mà tùy từng đặc tính của loại quả mà được ghép theo thời kỳ. Theo ông Giáp, khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm, ông sẽ bắt đầu lai ghép quả bưởi lên cây. Đến giữa tháng 5, đầu tháng 6, sẽ đưa cam và quýt lên tiếp.

Cuối cùng, vào tháng 8, ông sẽ đưa quất và Phật thủ lên. Như vậy, các loại quả sẽ chín đều và một cây sẽ đủ năm loại quả trong ngày Tết một "mâm ngũ quả" độc đáo. Sắp tới, ông có dự định sẽ tăng thêm chín loại quả trên một cây, với ý nghĩa là đủ đầy, thịnh vượng.

Mô hình độc đáo của ông hiện đã được nhận rộng ra toàn xã và nhiều nơi khác, giúp ích không nhỏ cho bà con nông dân. Rất nhiều địa phương cử người đến xin học tập kĩ thuật. Các triển lãm nông nghiệp đều mời ông tham gia với mong muốn kĩ thuật của ông sẽ được nhân rộng ra toàn quốc, tiến tới có thể tạo thương hiệu riêng.

Người không sợ... mất nghề

Trong thời buổi kinh tế thị trường, ai nắm giữ bí quyết thì nó sẽ trở thành vũ khí kinh doanh hiệu quả. Nhưng với ông Lê Đức Giáp, điều đó dường như ngược lại. Mỗi khi áp dụng thành công kĩ thuật mới, ông không giấu cho riêng mình mà sẵn sàng truyền giảng cho bất cứ ai có nhu cầu thực sự.

Ông tâm sự: "Mình cùng là nông dân, hiểu được cái khốn khó, vất vả của nghề quanh năm đầu tắt mặt tối. Mình chỉ mong giúp người nông dân khấm khá lên". Bởi vậy, hễ ai đến nhờ, ông cũng giúp, từ con giống đến tiền phân bón, từ kĩ thuật trồng cho đến kĩ thuật chữa bệnh cho cây.

Nhiều trường hợp khó khăn được ông cho nợ tiền mua cây giống tới vài ba năm. Khi được hỏi nếu truyền nghề như vậy, ông có lo mất nghề không? Ông cười giản dị: "Không lo mất nghề, chỉ lo dân làm không được như mình".

Nguyện vọng lớn nhất của ông là tạo được một mạng lưới sản xuất và phân phối cam mang thương hiệu Việt, vừa ngon, vừa hợp túi tiền người dân và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu làm được như thế thì người trồng cam vừa ổn định cuộc sống, người tiêu dùng lại được dùng hàng chất lượng cao của chính mình.

Ông cho biết thêm, hiện tại nhu cầu tiêu dùng cam trong nước rất lớn. Bởi vậy, những người trồng cam không sợ thiếu thị trường mà chỉ sợ không đủ ý chí cũng như niềm tin vào nghề. Nếu chịu khó học hỏi, nhất định sẽ thành công.

Vào nghề từ năm 2001, sau rất nhiều cố gắng, ông Lê Đức Giáp đã nhân rộng được mô hình của mình ra khắp xã, huyện và các tỉnh khác như khu Tam Hưng (huyện Thanh Oai), khu Trần Phú (huyện Chương Mỹ), khu Cao Phong, Chi Lê (Hòa Bình), rồi lan ra các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên....

Từ năm 2007 đến năm 2009, ông liên tục được Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen vì có thành tích thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Đặc biệt, vừa qua, ông được vinh danh là một trong mười Công dân ưu tú của Thủ đô. Với ông, đây không chỉ là một vinh dự cá nhân mà là niềm tự hào của gia đình và địa phương.

Phạm Thiệu