Ước mơ cháy bỏng của ông chủ bảo tàng nông nghiệp

Ước mơ cháy bỏng của ông chủ bảo tàng nông nghiệp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Gần 30 năm tìm kiếm, sưu tầm các đồ vật dùng trong lao động và sinh hoạt của người nông dân, đến nay ông sở hữu hơn 500 hiện vật quý giá. Thế nhưng trong thâm tâm, ông luôn mong có một bảo tàng nông nghiệp quốc gia để ông có thể hiến toàn bộ hiện của mình vào đó.

Bén duyên với bảo tàng từ lần đi ăn cỗ

Dù đang nằm viện điều trị nhưng khi biết PV Người đưa tin có mong muốn tìm hiểu về bảo tàng nông nghiệp do mình làm chủ, ông Trần Phú Sơn (nhà số 3, ngõ 49, phố Vân Hồ 2, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn đồng ý và nhiệt tình tiếp chuyện.

Đối với ông, bảo tàng về đồ dùng sản xuất và sinh hoạt của nông thôn đồng bằng Bắc bộ chính là đứa con tinh thần kể từ ngày ông nghỉ hưu. Thế nên, mỗi khi có người hỏi, ông luôn tự hào khoe với mọi người về đứa con đó.

Bằng giọng vui vẻ, ông kể cho chúng tôi nghe cái duyên đưa ông đến với đứa con tinh thần ấy. Cách đây gần 30 năm (năm 1985), khi về quê ngoại (Bắc Ninh) ăn cỗ, ông thấy vị chủ nhà đang lớn tiếng hô hào đám thanh niên khiêng chiếc cối đá xay lúa vứt ra vườn.

Sự kiện - Ước mơ cháy bỏng của ông chủ bảo tàng nông nghiệp

Ông Trần Phú Sơn bên chiếc cối xay thóc bằng tre thời xưa

Một ý nghĩ lóe nên trong đầu, thôi thúc ông hành động. Thế nên, sau đám cỗ, ông xin ông chủ chiếc cối đá ấy về nhà, thi thoảng lại mang ra ngắm. Đây cũng là hiện vật đầu tiên trong hơn 500 hiện vật trong bộ sưu tập của ông.

Kể đến đây, ông cười bảo: "Từ hôm mang chiếc cối ấy về, mỗi tối đi ngủ, tôi phải chạy xuống ngắm chiếc cối một lát rồi mới ngủ được. Mỗi lần ngắm chiếc cối ấy xong, tôi lại băn khoăn nghĩ tới việc nếu người nông dân mình cái gì cũ, hỏng cũng vứt đi thì sau này hậu thế sẽ hiểu và biết về lịch sử nền nông nghiệp nước ta ra sao. Thế nên, sau bao đêm trằn trọc, tôi nhận thấy mình phải đi sưu tầm, lưu giữ những nét hồn quê ấy cho hậu thế".

Vì không phải nông dân, ông Sơn không biết mình phải sưu tầm và tìm kiếm những đồ vật hay nông cụ gì. May mắn, người hàng xóm cạnh nhà lại là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp trước kia đã giúp ông rất nhiều trong việc tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người nông dân. Đây cũng là người có công rất lớn giúp ông tìm kiếm, sưu tầm một số hiện vật quý hiếm.

Đối với ông, nếu không nhanh chóng thu thập, sưu tầm thì chẳng mấy chốc, các đồ vật ấy biến mất, khó có thể tìm được nữa. Bởi với người nông dân, đồ hỏng thì giữ lại làm gì, bán hoặc vứt đi cho rộng nhà, rộng cửa. Thế nên, ý định vừa hoàn thành, ông bắt tay ngay vào việc sưu tầm. Ngôi nhà hai tầng rộng vài trăm mét vuông vốn rộng rãi bỗng chốc trở nên chật chội vì hiện vật khiến vợ ông không hài lòng. Nhiều lần bà toan vứt đi cho rộng nhà làm ông phải thuyết phục mãi để bà hiểu đây là những đồ vật có ý nghĩa, cần được lưu giữ.

Bảo tàng của ông còn là nơi duy nhất lưu giữ lịch sử cày của dân tộc Việt Nam với 4 loại cày đại diện cho 4 giai đoạn, đó là cày chìa vôi, cày chìa vôi cải tiến, cày cải tiến 51 (sản xuất năm 1951) và cày cải tiến 58 (sản xuất năm 1958). Ngoài ra, tất cả những đồ nhà quê đều hội tụ đủ như cày, cuốc, nong, nia, giần, sàng, giường, chõng tre, điếu cày, dao thớt, bát đĩa; các dụng cụ dùng để đánh bắt cá ở đồng ruộng như nơm, giỏ tre, đăng, đó, quạt mo cau và võng dây gai; chiếc gàu vảy…

Suốt buổi trò chuyện, ông cứ mãi nhắc lại việc đi ăn cỗ và cơ duyên đến với bảo tàng. Trong hai lần đi ăn cỗ ở huyện Yên Dũng và Hiệp Hòa (Bắc Giang), ông Sơn đã sưu tầm thêm được chiếc đấu cổ bằng gỗ đựng thóc và chiếc chạn bát vừa bị người ta đem vứt bỏ. Chiếc ống đũa sưu tầm trước đó ở Nam Định khi kết hợp với chạn bát mang về từ Bắc Giang thì vừa đẹp đôi.

"Sự vô tình có được hiện vật đối với người sưu tầm chẳng khác gì đứa con tinh thần, quý giá lắm", ông Trần Phú Sơn nói.

Nông dân cũng thích bảo tàng

Đã là người sưu tầm, điều cốt lõi phải sưu tầm được đúng hiện vật gốc, những hiện vật phục chế hoàn toàn không có giá trị. Ông Sơn không ngần ngại mất công, mất của để có được những hiện vật gốc. Đối với ông, mong muốn lớn nhất chính là có thể bảo tồn, giữ gìn lại được những giá trị văn hóa của cha ông để lại đã chìm sâu vào dòng chảy của cuộc sống hiện đại.

Có thể nói, những hiện vật ông Trần Phú Sơn đang lưu giữ trong bảo tàng nông nghiệp của mình chính là cái nhìn toàn cảnh về đời sống sinh hoạt và sản xuất của nông dân đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Từ khi khánh thành đến nay, bảo tàng của ông Sơn thu hút được khá nhiều khách trong và ngoài nước. Không những vậy, bảo tàng của ông còn thu hút được thêm hai đối tượng khá đặc biệt là giới họa sỹ và người nông dân.

Đối với giới họa sỹ, đây là địa chỉ thường xuyên họ lui tới án ngữ để xin ký họa những gì thuộc về nông dân xưa. Bởi có những cái thuộc về nông thôn nhưng giờ tìm mỏi mắt cũng không thấy, chỉ thấy trong bảo tàng của ông mà thôi. Bảo tàng của ông mới hội tụ cả những chiếc cày bừa cổ, bình vôi cổ, chiếc cối giã gạo, cối xay lúa làm từ tre và đất nện dùng để tách vỏ trấu, chiếc gàu sòng dùng tát nước xưa.

Với người nông dân, khi được chiêm ngưỡng bảo tàng, họ khá ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng lại những thứ vốn thân thuộc nay đã không còn. Hướng đôi mắt ra xa, ông nhớ lại những giọt nước mắt xúc động của khách thăm quan là những người nông dân, cựu chiến binh dành cho mình: "Đã lâu lắm rồi tôi mới được thấy lại những vật này. Giờ tìm mỏi mắt cũng không thấy đâu nữa. Cảm ơn ông đã cho tôi nhớ về một thời kỳ làm nông nghiệp vất vả trước kia của mình, của cha ông mình".

Không những vậy, theo ghi nhận của PV, bảo tàng của ông còn thu hút khá nhiều em thiếu nhi và những vị khách ngoại quốc. Bởi bảo tàng của ông khiến người ta hiểu toàn cảnh bức tranh lao động, sinh hoạt của người Việt trước đây.

Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông Trần Phú Sơn vẫn đau đáu về tâm nguyện tìm được những hiện vật cổ xưa như chiếc cuốc bằng gộc tre, bộ xà tích bạc và cái têm trầu vôi bằng đồng của các cụ già. Cùng với đó là bộ y phục nam, nữ cùng thời với nhà thơ Nguyễn Bính, nữ thì có khăn vấn mỏ quạ, áo mớ ba mớ bảy, váy đen, nam thì đóng khố. Đây là những đồ vật mà gần 30 năm nay ông chưa tìm được.

Ông tâm sự: "Biết mình có tâm nguyện ấy, khá nhiều bạn bè mách nước nơi này, nơi kia có mấy món đồ ấy. Chẳng ngại đường xa, tôi tức tốc lên đường tìm. Đến nơi, thì nhận được câu trả lời ông đến muộn quá, con tôi nó bán mất rồi (những đồ vật này bằng bạc, có giá trị kinh tế). Nghe những lời ấy tôi buồn lắm. Buồn vì mình chưa có duyên với nó, nhưng càng buồn, càng khát khao phải tìm được. Bao nhiêu năm qua, cái khát khao ấy chưa bao giờ tắt".

Theo nhận xét của GS.TS. nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, bảo tàng nông nghiệp của Trần Phú Sơn đã đưa người xem về với không gian cội nguồn dân tộc. Đây là một điều vô cùng đáng quý mà ít người có thể làm được.

Bảo vật vô giá

Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về những đứa con tinh thần ấy. Cổ nhất trong các hiện vật ông đang có là chiếc bát đời Lý (thế kỷ 11) đã được bảo tàng Lịch sử giám định, chiếc bát cổ thời Lý - Trần (thế kỷ 13-14), bát cổ thời Mạc (thế kỷ 16). Ngoài ra còn có rất nhiều đồ đồng (mâm đồng, chậu đồng, nồi đồng, sanh đồng thuộc thế kỷ 17-18). Các hiện vật được ông phân thành hai khu đó là khu sản xuất và khu sinh hoạt một cách tỉ mỉ. Mỗi một hiện vật đều tái hiện sinh động cuộc sống của nông dân đồng bằng Bắc Bộ xưa kia.

Dương Yến - Hồng Mây