"Uống nước sông đa tình nên lòng cũng đa tình lây..."

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Ông không muốn làm đĩa nhạc tập hợp những đại mỹ nhân trong cuộc đời vì không muốn thêm một cô thì thừa, bớt một cô thì thiếu.

Tình ca mặt trời vốn là một bài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. An Thuyên nhớ lại: "Lần đầu tiên đọc bài thơ trên báo, tôi đã thốt lên: "Thôi chết rồi, thơ này đọc lên là có nhạc rồi”. Rồi không dám đọc tiếp nữa, vì lúc ấy đang ở ngoài đường, sợ nhạc ra rồi mà không có gì ghi lại thì quên mất. Thế là tức tốc đạp xe về trường, ngồi một mình trong phòng làm việc và viết liền mạch xong trọn bài hát”.

Xã hội - 'Uống nước sông đa tình nên lòng cũng đa tình lây...'

Nhạc sĩ An Thuyên luôn mê đắm với những âm thanh từ mỗi chiếc đàn dân tộc

Tình ca mặt trời cũng là bài thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tặng vợ ông, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Bà vốn là một nhà thơ nữ nổi tiếng xinh đẹp, là tác giả của những vần thơ nổi tiếng như: Khoảng trời và hố bom, Truyện cổ nước mình. An Thuyên kể, sau khi phổ nhạc bài thơ, ông vào Huế gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường và nghe được nhiều giai thoại về cuộc đời của cặp đôi nổi tiếng trong làng thơ Việt Nam này.

Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ vốn cảm mến tài năng mà đến với nhau rồi thành vợ, thành chồng. Ban đầu cuộc hôn nhân của họ không có tình yêu. Và với cuộc sống chung, khi cái tôi nghệ sĩ của mỗi người quá lớn, họ đã thiếu sự thông cảm cho nhau. Cuộc hôn nhân của họ vì thế sớm rơi vào bi kịch. Lâm Thị Mỹ Dạ là một cô gái xinh đẹp, tài năng, lại con nhà có học nhưng ngược lại bà không biết đến bếp núc là gì. Cuộc sống vốn quen sự chiều chuộng của bố mẹ nên đến lúc có gia đình, bà vẫn chưa thể quen với việc làm vợ, làm mẹ. Cho đến một ngày, cơn bạo bệnh của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã biến Lâm Thị Mỹ Dạ trở thành một con người hoàn toàn khác. Dường như chỉ đến lúc đó, họ mới thực sự yêu và hiểu nhau hơn.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết Tình ca mặt trời trong những ngày ông nằm liệt giường, bên sự chăm sóc và lo lắng của vợ. Ông tự ví mình với Lâm Thị Mỹ Dạ giống như mặt trăng và mặt trời, đối xứng nhau, mâu thuẫn nhau nhưng lại không thể thiếu nhau trong cuộc đời.

Âm nhạc của An Thuyên là vậy. Chúng không phản ánh chính xác diện mạo của ông nhưng lại luôn trữ tình và sâu lắng người nghe. Bởi âm nhạc là tâm hồn, là góc khuất sâu kín mà người nghe chỉ có thể cảm nhận chứ không thể cầm nắm, nhìn ngắm. Ngoài tài viết nhạc, nhạc sĩ An Thuyên còn là một tay máy cừ khôi. Ông có nhiều giải thưởng về triển lãm ảnh. An Thuyên còn vẽ cả tranh. Những bức họa không chỉ có màu sắc mà còn mang dáng dấp của âm nhạc. An Thuyên sinh ra ở xứ Nghệ, một vùng quê nghèo đói nhưng dòng sông nào cũng nổi tiếng nên thơ, hữu tình. Có lẽ vì thế mà âm nhạc của ông đã chất đầy những cảm xúc, ngọt ngào, lãng mạn và day dứt về tình yêu, cuộc đời.

An Thuyên vốn kiệm lời khi ai đó hỏi ông về những bóng hồng từng chắp cánh cho tâm hồn ông, để từ đó mà dệt nên biết bao giai điệu của câu đợi, câu chờ. Bởi với ông, đó vốn dĩ là một góc tâm hồn sâu kín, một khoảng trời riêng của mỗi một người nghệ sĩ. Và họ có quyền cất giữ cho riêng mình.

Lí giải cho sự nhạy cảm của tâm hồn mình, ông nói: "Cũng bởi được sinh ra ở nơi có dòng sông đa tình, uống dòng nước đa tình mà lòng mình cũng đa tình lây thôi"!. An Thuyên viết Đôi bờ sông quê nhân một chuyến về quê, đi thuyền trên sông Lam, dòng sông "đa tình" như cách nói của ông. Con sông chở nặng phù sa, dữ dội đó mà thanh thoát, lãng mạn. Đó cũng là cái nôi của cảm xúc, của tâm hồn, để mỗi lần trở về, người nghệ sĩ ấy luôn được đắm mình trong những giai điệu đẹp nhất. Một đời xa quê, phiêu dạt mưu sinh nơi đất khách, thăm thẳm trong trái tim ông, tâm hồn ông luôn là nỗi nhớ quê đầy day dứt. Ông viết nhiều về dòng sông quê hương. Dường như con sông quê luôn chảy tràn trong những cảm xúc da diết, nhớ thương của ông.

Nhạc sĩ An Thuyên kể: Đã có người bạn mách nhỏ với ông về một đĩa nhạc tập hợp những đại mỹ nhân trong cuộc đời làm nghệ thuật của An Thuyên. Nhưng rồi, lần giở lại kí ức, đong đếm từng nụ cười, ánh mắt, khóe môi, chợt thấy nhiều quá. Phải đến vài chục cô, thêm một người thì thừa, bớt một người thì thiếu nên cuối cùng đành thôi.

Đ.B