Vẫn loay hoay thắt chặt quản lý thực phẩm bẩn

Vẫn loay hoay thắt chặt quản lý thực phẩm bẩn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Trên thực tế, việc thắt chặt quản lý thực phảm bẩn vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”, thực phẩm bẩn vẫn tuồn vào thị trường.

Mỗi bữa cơm lại... thêm nỗi lo

Chưa bao giờ người tiêu dùng hết lo về thực phẩm, nhưng có lẽ những chiêu tẩy trắng, biến thịt thối thành đặc sản gần đây khiến người dân khiếp sợ. Gần đây, số lượng thực phẩm không nguồn gốc, hư hỏng mang đi tiêu thụ bị các cơ quan chức năng bắt giữ có chiều hướng tăng lên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng bị phát hiện và thu giữ, tiêu hủy không đáng kể so với số lượng đã tiêu thụ trót lọt. Và thực tế, những thực phẩm bẩn vẫn tràn lan ngoài thị trường như thịt cua bể giá 15 ngàn đồng/kg, nho gắn mác nhập khẩu từ Mỹ giá 30 ngàn đồng/kg, thịt gà 15 ngàn đồng/kg và tôm hùm 100 ngàn đồng/kg.

Có điều những sản phẩm này vẫn bán, có người vẫn mua mặc dù đã có cảnh báo về chất lượng không đảm bảo. Tuy nhiên, động thái thu giữ, không cho bán thực phẩm kém chất lượng thì chưa thấy cơ quan nào thực thi?

Xã hội - Vẫn loay hoay thắt chặt quản lý thực phẩm bẩn

"Nho Mỹ" thực chất là nho Trung Quốc được bày bán nhiều trên thị trường

TS Nguyễn Văn Quang (Viện hóa công nghiệp) cho rằng, nếu dùng hóa chất để biến thực phẩm ôi thối thành tươi ngon cũng không khó khăn gì. Bởi hóa chất có tính khử, tẩy, tạo sự đàn hồi cho thực phẩm kể cả đang trong quá trình phân hủy.

Ông Quang ví dụ đơn giản, người ta có thể dùng ôxy già, có người còn sử dụng các loại phân bón dùng cho cây trồng như: NPK, SA, DAP, thuốc tẩy... để làm phụ gia tẩy trắng, gián đoạn quá trình phân hủy của thực phẩm.

“Đây là những hóa chất độc hại, nếu đưa vào thực phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Nó có thể làm mất cân bằng về vi chất, chất sinh hóa trong cơ thể con người”, ông Quang nói.

Đối với hoa quả, việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật để bảo quản, giữ tươi lâu cũng khiến nhiều người lo ngại. Có thời gian, người tiêu dùng hoang mang khi nghe tin cải thảo, táo đỏ ướp phormandehyt (chất ướp xác chết) có khả năng gây ung thư.

Vẫn biết thực phẩm không an toàn, nhưng không thể không ăn được, đó là tâm lý chung của nhiều người. Ngay GS. Nguyễn Lân Dũng cũng khẳng định: Nếu dùng máy để phân tích, xét nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau của quả là khó. Bởi lẽ, dù máy có hiện đại cũng chỉ phân tích được vài mẫu, trong khi thuốc bảo vệ thực vật lại có nhiều chủng loại khác nhau.

Hơn nữa, những gì người ta cấm thì mình lại dùng nên việc xét nghiệm rất khó khăn. Thêm vào đó, hoa quả chỉ giữ tươi trong thời gian vài ngày, nếu làm xét nghiệm lâu cũng không ổn.

Hiện nay, ôxy già đang được lạm dụng nhiều để “biến” thực phẩm ôi thiu thành tươi ngon. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, ôxy già không được phép cho vào thực phẩm.

Ôxy già dùng trong y tế là dung dịch hydro peroxyd, chỉ dùng ngoài (không được uống), với nồng độ 3% dùng để rửa vết thương ngoài da hoặc súc miệng. Điều cần đặc biệt lưu ý là nước ôxy già dùng trong y tế phải đạt các tiêu chuẩn dược dụng, tức phải tinh khiết.

Còn ôxy già dùng tẩy trắng thực phẩm thường không tinh khiết vì được điều chế từ hóa chất công nghiệp cho rẻ. Các loại này chứa nhiều tạp chất, độc chất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.

Xã hội - Vẫn loay hoay thắt chặt quản lý thực phẩm bẩn (Hình 2).

Một lô hàng nội tạng bốc mùi nhập lậu từ biên giới bị bắt

Đa số thực phẩm kiểm tra đều... vẫn an toàn!?

Mỗi khi có thông tin rộ lên về sự không an toàn của thực phẩm, Bộ NN-PTNT đều vào cuộc, nhằm giúp người dân yên tâm tin tưởng hơn về vai trò kiểm soát của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo một thị trường nông sản sạch.

Song điều khó hiểu là sau mỗi lần thu thập mẫu để kiểm tra, phân tích chỉ tiêu các hóa chất độc hại thì kết luận của phía cơ quan chức năng lại đều... vẫn đảm bảo an toàn. Điều đó làm người tiêu dùng không khỏi hồ nghi về độ chính xác của các kết luận.

Xung quanh câu chuyện quản lý trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: “Các đoàn thanh tra chỉ hạn chế đến mức thấp nhất các thực phẩm "bẩn" trên thị trường còn để nó biến mất hoàn toàn là một bài toán cực kỳ nan giải. Việc xử lý triệt để các mặt hàng này không thể trong một sớm một chiều được.

Đa số người tiêu dùng không biết và cũng không cần biết đến nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm mình mua. Người tiêu dùng phó thác niềm tin cho người bán hàng, thậm chí, dù biết là thực phẩm ôi, thiu nhưng có nhiều người ham đồ rẻ vẫn mua. Họ cứ nghĩ là với tài xử lý và chế biến của mình, thực phẩm này sẽ không còn độc hại nữa.

Tuy nhiên, có những loại thực phẩm bẩn được ngâm hóa chất thì dù có đun sôi hàng trăm độ vẫn không thể loại bỏ được. Và chất độc sẽ từ từ mỗi ngày một ít, ngấm vào cơ thể, gây ra những hậu quả khôn lường”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Hồng Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục BVTV phụ trách kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nguồn gốc thực vật, tức những loại rau, quả… từ nước ngoài nhập vào Việt Nam. Nông sản của Việt Nam xuất sang nước họ thế nào thì chúng ta cũng có hình thức kiểm tra như vậy.

Trên cơ sở quy định đó, nếu họ vi phạm, chúng ta sẽ dừng hoặc không cho họ xuất khẩu nữa. Việt Nam đang là thành viên của WTO, hàng nông sản chúng ta sang các nước nhiều hơn họ sang mình. Không thể nói cấm là cấm hoàn toàn hàng nông sản từ Trung Quốc được.

Theo Cục trưởng Cục BVTV, năm nhóm hàng nông sản Trung Quốc vào nước ta lớn nhất là táo, lê, cam quýt, dưa vàng và nho. Hầu hết đều qua con đường chính ngạch. “Khi lượng hàng vào nhiều, mối nguy cơ sẽ cao hơn.

Vì thế, phải tăng cường kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Hàng vào bao nhiêu, chúng tôi sẽ lấy mẫu, phân tích theo quy định. Nếu vi phạm, sẽ tăng tần suất kiểm tra, tiếp tục vi phạm sẽ đuổi hàng về, thậm chí, dùng biện pháp tạm dừng”, ông Hồng nói.

Trước sự việc thực phẩm Trung Quốc vào nước ta ngày càng nhiều tiềm ẩn những nguy hại khó lường, đại diện Cục BVTV thông tin: Việt Nam đã nâng kiểm soát từ 25 lên gần 30 hoạt chất có nguy cơ trên hàng nông sản từ Trung Quốc để kiểm tra. Còn hàng từ các nước phát triển, qua kiểm tra thực tế không có vi phạm thì lượng hoạt chất kiểm soát sẽ ít đi, chẳng hạn hàng của Mỹ, New Zealand, Úc khoảng 15 hoạt chất; còn các nước châu Phi, xuất sang là 20 hoạt chất.

Liên quan đến thông tin nho Trung Quốc “đội lốt” nho Mỹ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 3 – 5 lần mức cho phép đang “tác oai tác quái” trên thị trường Việt Nam, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng khẳng định, nho là một trong năm loại trái cây Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất.

Trong bảy tháng đầu năm nay, chỉ riêng cửa khẩu Lạng Sơn đã nhập khẩu trên 160 nghìn tấn trái cây tươi từ Trung Quốc, trong đó riêng nho trên 10 nghìn tấn. Do phát hiện những vi phạm nên chúng tôi đã cảnh báo họ. Trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung kiểm soát các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) băn khoăn: Nói là nhập khẩu theo con đường chính ngạch nhưng thực chất lượng nông sản Trung Quốc nói riêng và hàng hóa nói chung vào theo con đường tiểu ngạch khá nhiều. Nếu cứ tiếp tục theo đường này sẽ không thể quản lý được. Chúng ta phải truy xét nguồn gốc của thực phẩm, quản lý từ khâu sản xuất chứ không thể làm theo kiểu phát hiện rồi kiểm tra từng mẫu một. Làm như thế sẽ không đủ kinh phí. Rau quả Trung Quốc nhập vào nước ta, chờ lấy mẫu kiểm định xong chắc cũng hỏng hết.

Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, vừa qua, ở Trung Quốc xuất hiện một số sự cố về an toàn thực phẩm như trong sữa có melamine, cải thảo có formaldehyde, táo có chứa chất arsen và thiram. Việc lo ngại của người tiêu dùng, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước khác là điều dễ hiểu.

Theo đó, chúng ta nên lưu ý cảnh giác. Khi kiểm tra an toàn thực phẩm từ các nguồn hàng khác nhau, cần phân tích nguy cơ, nguồn nào có nguy cơ cao, cơ quan chức năng sẽ tăng cường tần suất lấy mẫu hơn, kiểm soát hoạt chất của nó nhiều hơn.

Chỉ giải quyết phần ngọn, sẽ không bao giờ ngăn chặn được hàng “bẩn”

Ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) bày tỏ ý kiến, khi nhập nông sản của Trung Quốc, họ phải xuất trình những giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, nếu vi phạm họ sẽ phải chịu trách nhiệm. “Theo tôi, quan trọng nhất để giải quyết vấn đề không phải là kiểm soát tại cửa khẩu, phải nâng thành hiệp định quốc gia. Nếu cứ giải quyết phần ngọn, sẽ không bao giờ ngăn chặn được hàng “bẩn”, phát hiện được lô này, lô khác lại “tuồn” vào ngay sau đó thì cũng bằng nhau”, ông Bộ nói.

Minh Khánh- Anh Đức


Tag: Oxy Già