"Vua" qua đời, thi thể được chôn cất cùng châu báu?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Thi thể "vua" được chôn cất ở một trong hàng nghìn ngôi mộ được đắp lên để tránh bị đào trộm.

Khi chúng tôi hỏi chuyện về cuộc sống về "vua" của người La Chí thì được những cụ cao niên xã Bản Phùng kể lại nhiều câu chuyện ly kỳ: Sau khi đánh đuổi giặc cướp, các bản người La Chí được phồn thịnh, "vua" một mình cai quản cả một vùng đất rộng lớn, cuộc sống của người dân cũng khấm khá hơn. Lúc đó, người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào trồng lúa nước trên ruộng bậc thang, săn bắt thú hoang trong rừng về thuần dưỡng để phục vụ cho đời sống và sản xuất.

Xã hội - 'Vua' qua đời, thi thể được chôn cất cùng châu báu?

Một ngôi mộ đã bị mưa lũ xói mòn nhưng không có dấu vết xây đắp

Cụ Vàng Văn Quảng, một già làng Bản Phùng (Hoàng Su Phì - Hà Giang) kể lại: Sau khi xây dựng nhà trên đỉnh núi Gia Long, "vua" đã cho quân lính trồng rất nhiều loài cây ăn quả, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc... tạo nên một vùng đất sơn thủy hữu tình, lại trên đỉnh núi cao là nơi giao thoa giữa trời và đất.

Còn chuyện về vợ con của "vua" thì có người nói, "vua" không lấy vợ và không có con. Không ít người lại nói, "vua" có rất nhiều vợ và nhiều con nhưng không sống chung một nhà. Mỗi bà vợ đều được "vua" giao cai quản một vùng đất nhỏ có người La Chí sinh sống, còn "vua" sống cùng với một bà vợ trên đỉnh núi Gia Long. Nhưng cho đến nay, cũng không có cơ sở chính xác nào cho biết, "vua" của người La Chí có bao nhiêu vợ, bao nhiêu con.

Ngay cả chuyện "vua" mất trong hoàn cảnh nào, thọ bao nhiêu tuổi thì những người La Chí cao tuổi như cụ Dể, cụ Quảng cũng không biết. Bởi người ta chỉ nghe kể "vua" của người La Chí là một thanh niên khỏe mạnh, cường tráng như cây trai, cây nghiến trong rừng già. Chỉ có một câu chuyện kể về cái chết của "vua" được cán bộ xã Bản Phùng và nhiều người dân La Chí khác xác thực với chúng tôi là "vua" mất khi lâm bệnh nặng, và được chôn ở đâu đó trong hàng nghìn ngôi mộ kia.

Còn những người con của "vua" sau khi cha mất đã tiến hành chôn cất và cho quân lính tạo mộ giả. Chính vì thế cho đến thời điểm này "vua" của người La Chí được chôn cất ở ngôi mộ nào trong hàng nghìn ngôi mộ trên vùng đất mênh mông trùng điệp đó vẫn là điều vô cùng bí ẩn.

Nhiều nhà văn hóa cũng đã từng nghiên cứu về dãy mộ khổng lồ quanh núi Gia Long và đặt ra câu hỏi rằng: Nếu vị "vua" đó không có thực thì tại sao lại có nhiều câu chuyện liên quan đến thế? Tại sao lại có nhiều ngôi mộ khổng lồ đến vậy và chính trên đỉnh núi Gia Long vẫn còn lưu lại nhiều miếu thờ. Rất nhiều câu chuyện kỳ bí đã ăn sâu vào tiềm thức của người La Chí. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống mà người dân tộc La Chí vẫn tôn thờ và gìn giữ.

Ông Long Đức Cương, Phó bí thư xã Bản Phùng cho biết: Để tưởng nhớ những công lao to lớn của "vua" của người La Chí, vào tháng 3 hàng năm, người La Chí sinh sống quanh đỉnh núi Gia Long lại kéo nhau lên đỉnh núi làm lễ tạ ơn công lao của "vua". Nhiều bản làng khác có người La Chí sinh sống cũng lập miếu thờ vị "vua" này.

Nhật Tân