Vượt vũ môn, liệu cá chép có hóa rồng?

Vượt vũ môn, liệu cá chép có hóa rồng?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Kỳ thi tú tài chốt lại với con số "đẹp" như mơ: 95,72% thí sinh thi đậu. Các sĩ tử lại lao vào kỳ thi "quyết định", mức độ cạnh tranh rất quyết liệt: hơn 1 triệu thí sinh dự thi và thường chỉ có 1/3 trong số đó vượt Vũ Môn.

Cửa ải "sinh tử"

Những ngày này TPHCM đón hàng vạn phụ huynh và thí sinh tập trung về đây dự kỳ thi đại học. Có những ông bố bà mẹ suốt đời lam lũ, những cô tú cậu tú chưa một lần rời xa lũy tre làng nhưng đằng sau sự bỡ ngỡ, ngập ngừng là cả một niềm tin, một hi vọng, một ước mơ.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Bố con bác Mạnh vừa xuống xe ở bến xe Miền Đông. Con gái bác, em Hà Thị Loan, bị say xe dựa hẳn người vào gốc cau ở cửa bến. Bác hồ hởi: "Chúng tôi từ Quảng vào, em nó thi Đại học Y Dược trong này". Tôi hỏi: "Sao em không thi Đại học Y của Huế cho gần?", bác cười: "Nó không thi trong này thì cả đời tôi chẳng biết đến TPHCM. Nói vui thế chứ, tôi nghĩ ở thành phố lớn vẫn có điều kiện hơn, không đi xa được thì thôi chứ nếu đi được là cứ lên đi cô ạ".

Nhìn sang hành lý của 2 bố con, chỉ có một ba lô đựng quần áo và một túi nặng đựng toàn sách tôi hỏi: "Mai kia là thi rồi, em mang nhiều sách thế này sao học hết được?". Dường như Loan đã hoàn hồn sau chuyến đi dài đầu tiên trong đời, em nói: "Em cũng biết mang nhiều thế này chẳng học được hết, nhưng không mang lại lo, thôi cứ mang cả, gần thi rồi căng thẳng lắm, nhiều khi học chỗ này mới được vài dòng lại sực nhớ chỗ kia học chưa kỹ lại lật sách đọc chỗ kia. Mỗi khi nhắm mắt ngủ lại nghĩ tới còn đoạn này chưa chắc, ngủ không được!". Bác Mạnh ái ngại: "Đi xe say thế, mà lúc nào tỉnh là nó bỏ sách ra đọc, thương lắm nhưng thôi thì cũng phải ráng học để mai này đỡ khổ".

Tôi đến một phòng trọ chưa đầy 10m2 trên đường Bùi Đình Túy (Bình Thạnh). Chị Thoa từ Thanh Hóa, còn chị Quyên từ Hà Tĩnh vào cùng có 2 con thi Đại học Ngân hàng. Chị Quyên chỉ vào cửa phòng đang khép hờ: "Chúng nó học suốt đêm qua, nên giờ vẫn còn ngủ". Chị Hoa thêm vào: "ở quê thì cũng là học sinh giỏi đó, nhưng cả nước vào đây thi nên cũng chẳng biết thế nào".

Tôi hỏi: "Nhà các chị có mấy cháu, đã có ai học đại học chưa?". Chị Quyên nhanh nhảu: "Nhà tôi có 3 cháu, 2 đứa kia đều học ở Hà Nội, đứa đầu mới ra trường. Không mong chúng nó giàu có, chỉ mong thoát cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau là được rồi". Thoáng trong đôi mắt là sự tự hào của người mẹ. Chị Hoa giãi bày: "Cả nhà có nó là học giỏi nhất, chứ anh chị nó không đậu đại học là nghỉ ở nhà đi làm công nhân, khuyên bảo thi nữa cũng không thi. Học được thì ấm vào thân thôi cô ạ, giờ không bằng cấp cả đời không ngẩng mặt lên được".

Trong cái nắng nóng, bụi bặm, ồn ào của TPHCM đằng sau hàng vạn sĩ tử đang sẵn sàng "lâm trận" là hàng triệu người thân của các em đang lo lắng, ngóng trông...

Đại học không phải con đường độc đạo

Ở Việt Nam, với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo từ ngàn xưa, có một suất trong giảng đường đại học vẫn là điều đáng để mơ ước đối với bất cứ một người nào. Đó là một ước mơ chính đáng. Tuy nhiên đại học không là bảo hiểm của sự thành công, đổi đời. Một ông bố nông dân nói với con gái mình: "Mày không cần làm gì hết, chỉ tập trung vào học, học giỏi ít nữa khắc có người hầu". Thực tế cho thấy, Đại học chỉ là con đường ngắn nhất chứ không phải con đường duy nhất.

Năm ngoái, có tờ báo mạng đưa tin, một cử nhân bằng khá của một đại học danh tiếng không xin được việc làm chấp nhận đi quét rác hằng đêm gây xôn xao dư luận. Người lên án thực trạng giáo dục nước nhà, kẻ trách cứ "cử nhân" thiếu chí tiến thủ, người đồng cảm, xót xa cho 4 năm tuổi trẻ miệt mài học tập, mồ hôi và hi vọng của bố mẹ... Những người có phản ứng gay gắt như vậy có thể không biết ở thành phố này có hàng nghìn cử nhân, kỹ sư ra trường không xin được việc làm, hoặc xin được việc mà trái nghề. Nhiều người sau đó cố bám trụ lại thành phố, làm đủ thứ việc mong sao đủ tiền thuê nhà trọ, sống tằn tiện qua ngày.

Gặp Thành - Cựu cử nhân Đại học Luật, ra trường đã 2 năm ở bến xe Miền Đông anh tâm sự: "Mình chạy xe ôm được 1 năm rồi, vất vả nhưng dù sao cũng không bị... đói. Từ hồi ra trường đến giờ mình nộp dễ đến 50 hồ sơ rồi. Cũng có chỗ gọi đi làm nhưng chỗ thì trả lương không đủ sống, hơn nữa chẳng liên quan đến ngành mình học. Vật vã hơn 1 năm giờ mình được nhận tập sự ở một văn phòng tư vấn luật 1 năm không lương. Nản quá, nhưng thôi coi như hy sinh "lấy ngắn nuôi dài", công việc chẳng đâu vào đâu, hai năm ra trường chưa dám về nhà".

Trong khi nhiều tân cử nhân nghèo phó mặc cho dòng đời xô đẩy, mưu sinh bằng mọi nghề thì cũng có không ít sinh viên mới ra trường chưa xin được việc làm chọn con đường yên bình hơn: thi cao học hoặc học văn bằng 2. Lý do họ đưa ra nghe cũng rất hợp lý, tuổi trẻ tranh thủ học, hi sinh thêm vài năm ra đi làm một thể. Tốt nghiệp Toán - Tin (ĐH Quốc gia) Linh không may mắn tìm được một công việc phù hợp.

Sức ép tâm lý lúc nào cũng đè nặng, bạn bè cùng trang lứa đã hầu hết tìm được việc làm, mỗi lần điện thoại hay chat chit, câu hỏi thường xuyên dành cho Linh là "đi làm chưa". Linh không chịu nổi, cô tạo lá chắn cho mình bằng cách đăng ký học bằng hai tiếng Trung mặc dù mặc dù chưa xác định được việc học này sẽ giúp gì cho công việc tương lai.

Nói như thế không có nghĩa là không cần trình độ Đại học, mà hơn bao giờ hết, học đại học là thực sự cần thiết và không thể thiếu trong một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, không phải là hình thức duy nhất để khẳng định giá trị, càng không phải là mục tiêu duy nhất của con người. Cuộc sống rất đa dạng, luôn có rất nhiều sự lựa chọn chỉ có điều chúng ta có dám dũng cảm từ bỏ "lối mòn" chọn riêng cho mình con đường hay không. "Một người thợ giỏi bao giờ cũng giá trị hơn một kỹ sư tồi".

Gia Hoàng