Xiết nợ dân nghèo bằng… một cửa

Xiết nợ dân nghèo bằng… một cửa

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Người dân xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An) rất bức xúc trước cách làm việc của các “quan xã”. Theo đó, những khi có việc cần xác nhận, công chứng các giấy tờ, thủ tục thì người dân phải thanh toán các “địa tô” rồi mới được… đóng dấu.

Loạn thu lệ phí

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/2007/CT - TTg ngày 01/11/2007 nêu rõ: “Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện…, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới”. Chỉ thị là thế, nhưng trong mấy năm gần đây, UBND xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vẫn ra văn bản hướng dẫn, giao chỉ tiêu thu các loại quỹ tự nguyện.

Anh Nguyễn Kim Dũng và người mẹ nghèo

Hùng Tiến là địa phương mà người dân sống chủ yếu dựa vào nghề nông, số lượng hộ nghèo vẫn còn khá lớn, số tiền đóng góp các loại quỹ như hướng dẫn của UBND xã đưa ra cũng là cả một vấn đề đầy nan giải đối với người dân.

Mặt khác, tại Chỉ thị số 24, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc bãi bỏ những khoản thu phí, lệ phí không có tên trong danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định 24/2006/NĐ-CP của Chính phủ”.

Theo đó, 6 loại quỹ mà UBND xã Hùng Tiến đưa ra trong văn bản Hướng dẫn số 01/2011/HD - UBND ngày 27/2/2011 là chưa đúng với tinh thần với quy định của Thủ tướng. Cụ thể, UBND xã Hùng Tiến đã giao định mức và đối tượng thu cho 6 loại quỹ đó là: Quỹ phòng chống thiên tai (thu 5.500đồng/người/năm), quỹ bảo trợ trẻ em (2000đ/người/năm), quỹ đền ơn đáp nghĩa (10.000đồng/người/năm); quỹ an ninh - quốc phòng (10.000đồng/người/năm), quỹ xây dựng đường cứng (50.000đồng/người/năm) quỹ y tế - dân số KHHGĐ (5.000đồng/người/năm).

Tất cả những loại quỹ trên theo quy định đều có nguồn thu từ sự đóng góp tự nguyện của người dân, các cơ quan, đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội... trên địa bàn. Việc UBND xã Hùng Tiến giao định mức về độ tuổi cũng như số tiền đóng góp là đang “phớt lờ” Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Anh Nguyễn Kim Dũng ở thôn Xuân Lâm (xã Hùng Tiến) bức xúc cho biết: “Các khoản quỹ nói trên xã đã thu từ mấy năm nay rồi. Tất cả đều có văn bản hướng dẫn, giao định mức cho các thôn, việc vận động tinh thần tự nguyện dường như không thực hiện.

Nhiều hộ nông dân vì không biết nên vẫn đóng góp đầy đủ hàng năm, những hộ không nộp hoặc chưa có tiền thì xã chuyển thành các khoản nợ, đến khi đi xác nhận giấy tờ thì yêu cầu trả nợ luôn”. Được biết, anh Dũng là người không bị thiệt thòi gì trong quyền lợi của mình nhưng anh vẫn rất tích cực đấu tranh tìm lẽ phải cho nhân dân trong vùng.

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2007, khi đã có Nghị định 154 của Chính phủ về việc miễn phí thủy lợi nhưng chính quyền địa phương này vẫn tiếp tục thu. Cụ thể là HTX Nam Hùng thu 29.000đồng/sào/năm, HTX Nam Tiến thu 26.000đ/sào/năm.

Dịp gần Tết Nguyên đán Tân Mão (tháng 01/2011), sau hai trận lũ lịch sử, bà con trong xã được các nhà hảo tâm ủng hộ gạo ăn Tết. Đó là việc làm nhân đạo rất đỗi cao cả thế, nhưng chẳng hiểu vì sao mỗi hộ dân lại phải nộp lại từ 3 – 5 ngàn đồng rồi mới được nhận gạo. Một vị lãnh đạo xã cho hay, đó là tiền để Ban chỉ huy xóm thuê người bốc vác, vận chuyển gạo?

Phiếu thu tiền…xiết nợ

Văn phòng một cửa thành nơi... xiết nợ

Văn phòng một cửa được hiểu nôm na là nơi mà người dân, các tổ chức kinh tế - xã hội có thể gặp tất cả các bộ phận để thực hiện các thủ tục hành chính nào đó, chức năng của nó là giúp đơn giản thủ tục cho người dân, tiết kiệm thời gian và từ đó mang lại các hiệu quả về kinh tế, xã hội. Nhưng ở xã Hùng Tiến nó lại có thêm một chức năng rất đặc biệt là…thu hồi nợ. Chuyện người dân xã Hùng Tiến khi đến cơ quan một cửa của địa phương để làm thủ tục hành chính bị “xiết nợ” đã trở thành thói quen.

Sau khi giá điện tăng lên, ngành Điện lực có chính sách giảm 30.000đ/tháng cho mỗi hộ nghèo dùng điện. Chị Nguyễn Thị Viện, con dâu ông Nguyễn Văn Tuân, một hộ nghèo ở thôn Xuân Lâm muốn được hưởng ưu đãi này nên đã lên Trụ sở UBND xã làm thủ tục xác nhận hộ nghèo. Ngỡ là đơn giản, nhưng chị đã bị cán bộ ở bộ phận một cửa từ chối vì lý do chưa trả xong “nợ” thì không giải quyết.

Chị Nguyễn Thị Viện kể lại: “Ngày 25/3/2011, khi chị đi làm thủ tục công chứng hộ nghèo cho ông Tuân thì bị xã yêu cầu nộp 305.000 đồng rồi mới công chứng cho. Đây là các khoản phí tự nguyện do UBND xã quy định mà gia đình chưa có nộp”(!?).

Em Nguyễn Thị Thúy (SN 1993) ở thôn Bình Sơn vừa khóc nức nở vừa kể lại sự bất bình: “Năm nay, em hết cấp 3, đang làm thủ tục để thi Tốt nghiệp THPT vào tháng 6 tới. Em đã lên xã để xác nhận một số giấy tờ. Ngày 26/3, em lên công chứng Chứng minh thư nhân dân và bằng Tốt nghiệp THCS để làm hồ sơ thi Tốt nghiệp THPT nhưng một cán bộ ở bộ phận một cửa nói rằng, gia đình đang có nợ, phải nộp tiền mới công chứng cho, nếu chưa có tiền thì không giải quyết”.

Em Thúy đã trở về và nhờ ông bác ruột là cán bộ về hưu lên can thiệp nhưng cũng không có kết quả. Cuối cùng ông bác của Thúy đã phải chạy đi vay 200.000 đồng trả nợ rồi mới được công chứng giấy tờ. Không dừng lại ở đó, ngoài những cách “đòi nợ” ngược đời, UBND xã Hùng Tiến còn dùng “chiêu” phê vào sơ yếu lý lịch của công dân mình những câu mà không ai muốn có trong các loại giấy tờ nhân thân.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1990) ở thôn Bình Sơn là một điển hình. Ngày 6/4/2011, chị Thủy làm hồ sơ xin đi làm ở một doanh nghiệp tại TP Vinh (Nghệ An). Lãnh đạo xã đã từ chối việc xác nhận lý lịch cho chị Thủy vì gia đình còn… mắc nợ. Sau một hồi chị Thủy hạ giọng, năn nỉ, ông Chủ tịch UBND xã mới “thương cảm” chịu phê bút: “Lời khai của chị Nguyễn Thị Thủy là đúng sự thật. Gia đình chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước”. Theo chị Thủy, lời phê này còn cay nghiệt hơn cả việc từ chối xác nhận lý lịch cho chị.

Lý lịch của chị Thủy bị phê

Nhận được đơn thư tố cáo của người dân, PV Nguoiduatin.vn tại miền Trung đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND xã Hùng Tiến về những tồn tại kéo dài này. Ông Bùi Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến cho biết: “Các khoản thu mà các anh (phóng viên) đề cập, chúng tôi đều thực hiện theo pháp lệnh của Nhà nước, xã không dám làm sai. Tiền thủy lợi phí là thu để chi trả cho cán bộ thủy nông các xóm. Còn về văn phòng giao dịch một cửa, chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp các đoàn thể giao cho cơ quan này vận động người dân…trả nợ. Nếu hoàn cảnh khó khăn quá thì xã vẫn giải quyết mà”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra một số trường hợp cụ thể thì ông Thông lại cho rằng, UBND xã chỉ muốn răn đe những trường hợp không chịu trả nợ mà thôi”(!?).

Chúng tôi không biết UBND xã Hùng Tiến dựa vào những văn bản pháp quy nào để bắt buộc người dân phải nộp các khoản phí tự nguyện trên và ra một quy định thu nợ dân nghèo như vậy. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Chỉ thị 24/CT – TTg và Nghị định 24/NĐ – CP là không cho phép đặt ra những khoản thu bắt buộc này. Đề nghị UBND huyện Nam Đàn và tỉnh Nghệ An khẩn trương ngăn chặn, xử lý nghiêm những việc làm sai trái của UBND xã Hùng Tiến.

Hồ Ngọc – Phong Hàn