Bảo hiểm y tế 'vẫn bỏ tiền túi nhưng rất phiền hà'

Bảo hiểm y tế 'vẫn bỏ tiền túi nhưng rất phiền hà'

Thứ 2, 20/05/2013 | 10:53
0
“Nhiều người nói bảo hiểm y tế như bùa hộ mệnh, nhưng hiện nay chỉ khi nào ốm người dân mới tự nguyện mua....”.

Đó là ý kiến của bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chương trình “Dân hỏi - bộ trưởng trả lời” phát sóng trên VTV1, tối 19/5 về  chính sách bảo hiểm y tế toàn dân.

Vẫn bỏ tiền túi nhưng rất phiền hà

Tại chương trình “Dân hỏi - bộ trưởng trả lời”, có một người dân chia sẻ với bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hàng tháng tôi phải đóng bảo hiểm y tế 1,5% lương. Nhưng khi đi khám bệnh, nếu không phải điều trị tốn phí nhiều thì chúng tôi bảo nhau là cứ đi khám bình thường cho nhanh, không bị rắc rối, nhiêu khê. Chưa kể đến chất lượng khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế mà thái độ của những bác sĩ ở đây cũng đáng phải bàn.

Trước vấn đề này, nữ bộ trưởng cho biết, bà rất chia sẻ với những người dân khi đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian vừa qua. Bởi lẽ do quá tải cho nên thời gian phải chờ đợi rất lâu cộng thêm thủ tục phiền hà. Khi đã tham gia đóng bảo hiểm y tế thì không phải đóng thêm nhiều tiền nữa cho nên có thêm nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, thái độ của một số cán bộ y tế cũng chưa thật tận tình hướng dẫn.

“Một thực tế nữa là giá dịch vụ y tế trước đây chi trả cho bảo hiểm y tế quá thấp, nên người dân phải mua thêm nhiều thuốc và các dụng cụ. Nói chung là người dân vẫn phải bỏ tiền túi nhưng lại rất phiền hà”, bộ trưởng nói.

Xã hội - Bảo hiểm y tế 'vẫn bỏ tiền túi nhưng rất phiền hà'

Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: nld)

Ví dụ, cắt amidan trước thì bảo hiểm y tế chỉ chi trả 40 nghìn đồng nhưng thực chất chi phí phải đến 450 – 600 nghìn đồng. Phần chênh lệch đó bệnh viện lại phải ghi đơn để bệnh nhân đi mua thêm.

Bà Tiến cho rằng, đó là những bất cập mà người dân gặp phải. Ngành Y tế đang cố gắng nỗ lực một loạt các giải pháp khắc phục.

Cải cách các thủ tục khám, chữa bệnh

Theo nữ bộ trưởng, trước mắt ngành y tế sẽ tập trung thực hiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Đó là cải cách các thủ tục khám, chữa bệnh ở khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4 đến 7 tiếng đồng hồ trước đây xuống trung bình khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ, tùy theo loại khám thông thường hoặc khám có thêm các xét nghiệm chức năng.

Giảm bớt số chữ ký mà bảo hiểm xã hội quy định trước đây thay vì phải có 6 chữ ký, thậm chí có nơi 7 chữ ký mới được khám xong thì hiện nay rút xuống còn 4 chữ ký.

Bên cạnh cải cách thủ tục khám là việc điều chỉnh giá dịch vụ. Theo đó, yêu cầu các bênh viện phải mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh. Có thêm nhiều bàn chỉ dẫn, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng với nơi khám bệnh để bệnh nhân không mất nhiều thời gian đi lại.

Bộ trưởng Tiến cho biết: “Bộ Y tế cũng ban hành chỉ thị về nâng cao quy tắc ứng xử. Khoa khám bệnh là bộ mặt bệnh viện nên sẽ phải từng bước cải thiện để giảm bớt phiền hà khi tham gia bảo hiểm y tế”.

Hiện nay, một số nơi đã làm như Khoa khám bệnh của bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện nhân dân Gia Định-TP HCM, bệnh viện Trưng Vương TP HCM, bệnh viện đa khoa Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình…

Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020. Nội dung chính của Đề án là tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm toàn dân. Làm sao càng nhiều nhiều người tham gia bảo hiểm càng tốt, đây là quyền lợi không phải nghĩa vụ. Nhiều người nói bảo hiểm y tế như bùa hộ mệnh, nhưng hiện nay chỉ khi nào ốm người dân mới tự nguyện mua. Bởi vì họ không biết đó là quyền lợi.

Tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020 nhằm mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm y tế về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế.

Cùng với đó, Đề án được phê duyệt còn nhằm mục tiêu tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững

Về những chỉ tiêu cụ thể, Đề án xác định tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 100%; mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế; từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, bảo đảm cân đối thu – chi quỹ bảo hiểm y tế, phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020;…

Một trong những nhóm giải pháp chính thực hiện Đề án là sự cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia của hệ thống chính trị bởi thực hiện lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân trong chính sách “bảo đảm an sinh xã hội” là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tham gia bảo hiểm y tế là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân, đồng thời là trách nhiệm của nhà nước và toàn xã hội.

Ngoài ra, cần chú trọng đến nhóm giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế. Trong đó, đối với các nhóm đối tượng đã đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% thì tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ và các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

Đối với một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp, cùng với giải pháp chung như tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế chính, vận động tham gia, tăng cường tính hấp dẫn của bảo hiểm y tế, tổ chức các đại lý bảo hiểm y tế bảo đảm người có nhu cầu được tiếp cận với thông tin về bảo hiểm y tế và thuận lợi cho việc tham gia bảo hiểm y tế với những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng (như nhóm người lao động trong các doanh nghiệp; người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; nhóm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế; nhóm trẻ em dưới 6 tuổi;…).

Đề án được phê duyệt cũng đề cập đến các nhóm giải pháp khác như: xây dựng và hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm y tế; đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;…

Theo Đề án, nguồn kinh phí từ ngân sách từ ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ một phần mức đóng cho các nhóm đối tượng. Cụ thể:

Giai đoạn 2012 – 2015, dự kiến tỷ lệ ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế so với tổng thu quỹ bảo hiểm y tế khoảng từ 40,6 – 45,5%. Dự toán ngân sách nhà nước tăng thêm theo các năm như sau: năm 2013, khoảng 4.817 tỷ đồng; năm 2014, khoảng 6.448 tỷ đồng và năm 2015, khoảng 8.034 tỷ đồng để hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong điều kiện mức đóng bảo hiểm y tế không thay đổi.

Giai đoạn từ 2016 – 2020, ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bảo hiểm y tế.

Kinh phí để thực hiện các nội dung Đề án được lấy từ nguồn ngân sách chi thường xuyên và các nguồn huy động hợp pháp khác cho các hoạt động chủ yếu sau: Tuyên truyền; quản lý, lập danh sách và phát hành thẻ bảo hiểm y tế tới các đối tượng; kiểm tra, giám sát; nghiên cứu, đánh giá; hội thảo, hội nghị, tập huấn; đào tạo, nâng cao năng lực./.

Phú Sang (t/h)

Thai nhi tử vong chỉ vì có... thẻ bảo hiểm y tế?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Sau vụ việc một thai nhi bị chết đột ngột sau khi phẫu thuật tại bệnh viện Nam Thăng Long, Hà Nội, BGĐ bệnh viện khẳng định, do thai sản chỉ siêu âm đen trắng nên không thể phát hiện được hiện tượng rau quấn cổ?

Sửa Luật Bảo hiểm y tế, cứu sinh người nghèo

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Người nghèo không có tiền đóng viện phí, họ xoay xở mọi cách bám trụ ở thành phố kiếm tiền. Thế nhưng, khi tiền kiếm ra chỉ ba cọc ba đồng, họ chẳng biết bấu víu vào đâu. Cuộc sống của họ được kéo dài thêm bởi những đồng tiền chạy vạy, vay mượn hay sự cưu mang của cộng đồng.

Tuyên bố gây 'sốc' của Bộ trưởng Bộ Y tế

Thứ 3, 23/04/2013 | 08:22
Ngày 18/4 vừa qua, tại phiên họp toàn thể thứ 5 Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tuyên bố “Tôi đâu có cho phép nhận phong bì sau điều trị” đã gây “sốc” cho dư luận.

Sáng nay, bộ trưởng Bộ NN&PTNT đối thoại trực tuyến với dân

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
– Chỉ ít phút nữa vào 9h sáng nay 22/3, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ đối thoại trực tuyến với nhân dân cả nước tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.