Cận cảnh buôn lậu ở Móng Cái thời 'hậu Phương Ninh Hột' (3)

Cận cảnh buôn lậu ở Móng Cái thời 'hậu Phương Ninh Hột' (3)

Thứ 4, 12/06/2013 | 07:33
0
Là một trong những điểm nóng về tội phạm buôn lậu của cả nước, Móng Cái cũng là nơi tập trung và tiêu thụ một khối lượng hàng lậu lớn mỗi ngày. Với chủng loại hàng phong phú, dễ dàng thỏa thuận giá cả, Móng Cái là vùng đất làm ăn màu mỡ có sức hút mạnh mẽ với dân buôn. Song phía bên kia hào quang luôn là... bóng tối.

Phi buôn lậu, bất thành...triệu phú?

Tuy là một thành phố vùng biên viễn, nhưng với những người chưa từng đặt chân đến Móng Cái sẽ khó có thể hình dung được sự giàu có ở nơi này. Chẳng cần đến những số liệu thống kê cụ thể, chỉ cần đi dọc các con phố, cũng thấy có đủ bóng dáng của các dòng xe siêu sang như BMW, May Bach, Ferrari, Porsche...

Một anh bạn, người đồng hương của tôi là Nguyễn Văn Tiến hiện đang sinh sống ở Móng Cái cho biết: "Ở đây, trừ những người lao động sống bằng nghề cửu vạn, làm thuê, làm mướn, rất nhiều hộ dân trong thành phố đều có ô tô riêng".

Xã hội - Cận cảnh buôn lậu ở Móng Cái thời 'hậu Phương Ninh Hột' (3)

Quầy hàng điện tử nhập lậu ở Móng Cái luôn tấp nập người mua kẻ bán.

Đối với dân làm ăn, buôn bán, Móng Cái chẳng khác gì "thánh địa Las Vegas", nơi họ có thể đặt cược cả cuộc đời vào những ván bài lớn theo kiểu "được ăn cả, ngã về không" cho "sự nghiệp" buôn hàng lậu. Từ lâu, Móng Cái đã nổi tiếng là mảnh đất dễ làm ăn, nơi người dân tứ xứ thay nhau đổ về với khát vọng làm giàu cháy bỏng. Chính trên mảnh đất này, nhiều kẻ tay trắng có gan làm giàu, giỏi mánh khóe, sau vài chuyến buôn trót lọt đã đổi đời với tiền tỷ trong tay.

Ở đây, vốn liếng ban đầu chưa hẳn đã là điều quan trọng bởi người ta có thể dấn thân vào con đường buôn lậu bằng những mối hàng nhỏ, có giá trị thấp, quan trọng là bản lĩnh và sự gan lỳ. Ngược lại, nếu bị cơ quan chức năng bắt giữ, chủ hàng không những bị mất trắng cả chì lẫn chài mà còn bị truy cứu trước pháp luật.

Theo lời kể của Tiến, một khi nhắc đến dân buôn lậu ở Móng Cái người ta có thể liên tưởng ngay đến hình ảnh so sánh "đông như quân Nguyên". Đặt chân đến Móng Cái, chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của hàng loạt "giang hồ vặt" và "trưởng giả nít", mấy ai là người có thể cầm lòng trước những món lợi khổng lồ và ước mơ trở thành tỷ phú chỉ trong chớp mắt. Bởi vậy, dù có thể mất trắng, có thể vào tù, người ta vẫn thi nhau lao vào những chuyến hàng lậu như thiêu thân.

Tiến cũng không nằm ngoài số đó. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Lý Nhân (Hà Nam), Tiến sớm phải bỏ học theo chú bác đi làm ăn xa kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau 5 năm làm cửu vạn kiêm lái đò thuê trên sông Ka Long, Tiến cũng dành dụm được chút vốn đủ để mở một cửa hàng quần áo nhỏ ở quê nhà cho mẹ trông coi.

Nhờ tài tháo vát lại khéo léo trong giao tiếp, Tiến chung tiền với một tay buôn lậu vào loại "cứng" ở Móng Cái, tổ chức những chuyến buôn lớn từ Trung Quốc về Việt Nam qua các bến "ma" dọc vành đai biên giới. Tuy thỉnh thoảng cũng "dính phốt" bị mất trắng cả chuyến hàng nhưng thiệt hại chẳng đáng là bao so với số tiền lời thu về từ những chuyến hàng trót lọt.

Sau khi nhận hàng từ bên kia biên giới chuyển về, Tiến cho cửu vạn xé lẻ hàng thành các mô nhỏ, bí mật chở về bến xe để chuyển về bán ở Hà Nam và một số điểm tiêu thụ khác. Chỉ sau hơn chục phi vụ như vậy, từ một chàng nông dân thất học nghèo khó, không có nghề nghiệp, Tiến đã trở thành một trong những người giàu có nhất làng, xây nhà lầu, tậu xe hơi, làm ăn ngày càng lớn. Ở Móng Cái, Tiến cũng có nhà riêng cùng một số cửa hàng nhỏ trong các khu chợ để thuận tiện cho việc buôn bán.

Xã hội - Cận cảnh buôn lậu ở Móng Cái thời 'hậu Phương Ninh Hột' (3) (Hình 2).

Điện thoại thời trang 400 nghìn đồng, bảo hành 1 tháng.

Thiên đường và... ngục tối

Để minh chứng cho lời nói của mình, Tiến nhìn quanh nhà hàng nơi chúng tôi đang ngồi ăn hải sản, "đá mắt" về phía gã đàn ông nhỏ thó, da đen nhẻm, có một vết sẹo dài trên má trái đang loay hoay tìm chỗ ngồi: "Buôn lậu đấy!". Trong vòng chưa đầy 1 phút, Tiến đã ra hiệu cho tôi biết thêm hơn chục buôn lậu đang ngồi ăn trong nhà hàng. Trước khi lên xe về nhà, Tiến không quên chỉ cho tôi thấy hơn chục siêu xe xếp hàng dài trước cửa nhà hàng như đang ở trong một cuộc triển lãm đầy danh giá.

Đã đến Móng Cái, dù có tiền hay không và có phải là người thích mua sắm hay không, người ta vẫn khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn ở các trung tâm thương mại cùng hệ thống chợ trung tâm, chợ 2, chợ 3, chợ 4, trung tâm thương mại Vinh Cơ tràn ngập hàng hóa đủ chủng loại. Dạo một vòng qua các chợ, dù đã cố tình mang theo thật ít tiền để tránh việc mua sắm quá đà, tôi vẫn tiêu hết số tiền trong túi cho một số quần áo, giày dép, đồ điện tử. Trên sản phẩm không hề có tem hay bất cứ thông tin gì về nơi sản xuất nhưng hình thức bắt mắt cùng giá cả rẻ đến bất ngờ của chúng khiến tôi không thể nào từ chối.

Lạc giữa khu bán đồ điện tử, điện thoại, điện dân dụng tôi gần như bị hoa mắt trước hàng trăm quầy hàng san sát nhau ở bốn phía với hàng nghìn sản phẩm mẫu mã vô cùng đa dạng. Chọn đại một quầy hàng có vẻ lớn nhất trong số đó, tôi bắt đầu hỏi xem một vài chiếc điện thoại kiểu dáng lạ mắt, khác hẳn những chiếc điện thoại thông thường. Cô gái bán hàng nhiệt tình giới thiệu cho tôi về tính năng của từng chiếc. Hầu hết điện thoại có trong cửa hàng đều có đủ các tính năng hiện đại như quay phim, chụp ảnh, ghi âm, phát nhạc... nhưng giá cả chỉ dao động từ 300 - 500 nghìn đồng.

Sau một vài thao tác thử máy, tôi cảm thấy rất hài lòng về hoạt động của chúng nhưng khi hỏi về chế độ bảo hành, tôi hoàn toàn thất vọng khi người bán hàng thỏ thẻ: "Nếu chị mua, em sẽ viết giấy bảo hành 1 tháng cho chị". Ngoài các sản phẩm điện thoại thời trang quay phim, chụp ảnh, bảo hành 1 tháng, trong quầy hàng còn có nhiều điện thoại có thương hiệu như Iphone 4, Iphone 5, Samsung Galaxy... Nếu không để ý kỹ thì những chiếc Iphone, Samsung, Nokia... này không có gì khác biệt so với hàng thật nhưng chỉ có giá khá bèo và cũng bảo hành 1 tháng, thậm chí không có bảo hành. Khi tôi hỏi có hàng xịn không, người bán hàng vừa vội vàng lôi từ đáy tủ ra mấy gói hàng khác vừa giới thiệu: "Ở đây cái gì cũng có, chị cứ thoải mái xem hàng, ưng thì mua cho em, em sẽ giảm giá".

Ngoài các mặt hàng điện tử, điện dân dụng, đồ dùng gia đình, đồ may mặc, các loại máy móc, xe cộ, các mặt hàng thực phẩm, bia rượu, thuốc lá, mỹ phẩm in chữ Trung Quốc trên bao bì cũng có mặt rộng khắp trên thị trường Móng Cái. Có thể nói, ở thành phố vùng biên này không thiếu bất cứ một mặt hàng nào từ các loại hàng hóa bình dân đến các mặt hàng cao cấp. Tất nhiên, phần lớn trong số đó là hàng giả, hàng lậu được tuồn về một cách trái phép từ bên kia biên giới. Song như một lẽ đương nhiên, nhiều kẻ cũng khuynh gia, bại sản, thậm chí còn đi tù vì buôn lậu. Đó là điều tất yếu, cuộc chơi nào chả có giá của nó...

Chóng mặt lạc vào “chợ thập cẩm”

Sau một hồi xoay như chong chóng hết khu hàng này đến khu hàng khác, tôi nhận thấy hầu khắp các chợ ở đây đều bán tràn lan các thiết bị điện tử phục vụ cho việc theo dõi, nghe lén, quay phim chụp ảnh mini. Một chiếc bút máy dùng để quay phim, chụp ảnh có thể gài theo người một cách tiện lợi chỉ có giá từ 200 - 300 nghìn đồng. Tuy chưa sử dụng nhưng dựa vào giá cả cùng thời gian bảo hành của những thiết bị không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ này cũng đủ biết chất lượng của chúng. Biết là hàng giả, hàng lậu nhưng nhiều người vì tham rẻ vẫn tung tiền mua cả lốc hàng để rồi chẳng dùng được vào việc gì.

Phóng sự của Dương Dung

Cận cảnh buôn lậu ở Móng Cái thời 'hậu Phương Ninh Hột'

Thứ 3, 11/06/2013 | 11:15
Thủ đoạn của bọn buôn lậu thời "hậu Phương Ninh Hột" ngày càng tinh vi, chúng còn thiết lập cả một hàng rào bảo kê, cảnh giới nghiêm ngặt trong từng chuyến hàng. Do vậy, việc thâm nhập để có một cái nhìn cận cảnh về hoạt động buôn lậu ở nơi này không phải là việc dễ dàng.

Cận cảnh buôn lậu ở Móng Cái thời 'hậu Phương Ninh hột' (Kỳ 2)

Thứ 3, 11/06/2013 | 11:16
Nổi tiếng là mảnh đất dễ làm ăn, Móng Cái khiến các thế lực ngầm không thể cầm lòng trước miếng mồi béo bở.

Nạn buôn lậu chó từ Thái Lan sang Việt Nam

Thứ 4, 05/06/2013 | 10:55
Mỗi năm có hàng nghìn con chó bị bắt và trải qua hành trình dài dặc từ Thái Lan sang Việt Nam. Chúng sẽ chết, hoặc vì khát và ngạt thở trên đường đi, hoặc bị đánh đập rồi kết thúc cuộc đời trên bàn nhậu.

Bắt trùm buôn lậu vùng biên Dũng 'mặt sắt'

Thứ 4, 08/05/2013 | 09:48
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Hà Tuấn Dũng (GĐ Công ty Tuấn Đông) để điều tra về hành vi buôn lậu xe ô tô du lịch tạm nhập tái xuất qua biên giới.

Luật ngầm trong guồng quay của 'cỗ máy buôn lậu'

Chủ nhật, 17/03/2013 | 08:40
Để có một một bao hàng từ đất Trung Quốc, rồi tuồn lậu trót lọt về Việt Nam là cả một chuỗi dài các công đoạn tách biệt, với sự góp sức của nhiều thành phần. Tôi gọi tổ hợp các thành phần ấy trong một danh từ chung: "Cỗ máy buôn lậu".

Tiếng thở dài lao động vùng biên ải

Thứ 3, 19/02/2013 | 14:32
Hơn một nghìn lái đò chuyên chở hàng hóa, bốc vác ở dọc tuyến sông Ka Long, bến Lục Lầm, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh rơi vào cảnh thất nghiệp đã 6 tháng nay và kéo dài sang năm mới, số ít bám trụ được đến bây giờ thì gần như bị chậm lương. Hàng hóa tạm nhập tái xuất ở Móng Cái giảm mạnh so với những năm trước đã kéo theo nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản, dẫn đến hàng nghìn lao động mất việc làm.

Cuối năm lên vùng biên 'xem' hàng lậu

Thứ 5, 03/01/2013 | 10:44
Đến Lạng Sơn những ngày cuối năm này, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy từng đoàn cửu vạn mang vác hàng đi lại trên sườn đồi, qua những lối mòn mà người ta quen gọi là đường tiểu ngạch. Đó là những con đường đưa hàng lậu vào Việt Nam. Hàng vào đến khu kinh tế mở Tân Thanh (Lạng Sơn) được gom trong những kho hàng ngay giáp chợ, và từ kho ra đến chợ rồi "tiến" sâu vào nội địa không còn là chuyện khó.