Hiệu quả việc cấp mã số định danh cho mỗi công dân Việt

Hiệu quả việc cấp mã số định danh cho mỗi công dân Việt

Thứ 6, 22/03/2013 | 16:07
0
Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, bộ Tư pháp đưa ra dự thảo đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư, trong đó có một điểm mới là cấp mã số định danh cho mỗi công dân Việt Nam.

Cấp mã số định danh cho công dân Việt Nam

Theo bộ Tư pháp, trong điều kiện phát triển của kỹ thuật số hóa như hiện nay, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, dự thảo Luật Hộ tịch quy định về việc cấp số định danh cho công dân cần phải được áp dụng. Để hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ quan xây dựng đề án xác định, trước mắt cần quy định về số định danh cá nhân trong dự án Luật Hộ tịch.

Cụ thể, số định danh gồm 12 chữ số, chứa tất cả thông tin tổng hợp của công dân như: Ảnh, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, nhóm máu, họ tên cha mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ/chồng, con cái... Số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và không thay đổi trong suốt cuộc đời công dân. Ngay cả khi công dân thôi/bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu trở lại/nhập lại quốc tịch Việt Nam, số định danh cá nhân cũng không thay đổi. Số định danh cá nhân không lặp lại ở người khác. Số định danh cá nhân là số gốc để truy nguyên chính xác về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Luật sư Phạm Văn Phúc, Văn phòng tư vấn Luật Phúc & Đồng sự cho biết: "Về giá trị pháp lý, số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân khi đăng ký khai sinh kể từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực. Đối với công dân đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực, số định danh cá nhân được cấp khi thực hiện thủ tục cấp mới, đổi, thay thế chứng minh nhân dân hoặc đăng ký thường trú. Số định danh cá nhân được ghi trên giấy khai sinh và chứng minh thư nhân dân. Các ngành, lĩnh vực thực hiện quản lý cơ sở dữ liệu ngành thông qua số định danh cá nhân để kết nối, khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm thống nhất thông tin".

Xã hội - Hiệu quả việc cấp mã số định danh cho mỗi công dân Việt

Nhiều chục triệu dân Việt Nam sẽ được cấp mã số định danh trong tương lai không xa

Luật sư Phạm Văn Phúc cho biết thêm, công an cấp huyện, cấp tỉnh có thẩm quyền cấp mã số định danh đối với công dân đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực khi công dân thực hiện đăng ký thường trú hoặc cấp mới, đổi, thay thế chứng minh nhân dân. UBND cấp xã cấp số định danh cá nhân cho công dân mới sinh khi đăng ký khai sinh kể từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành. Khi đăng ký khai sinh trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mã số định danh công dân mới sẽ hình thành để cán bộ hộ tịch lấy số định danh đó ghi trên giấy khai sinh cho công dân.

Dữ liệu về số định danh này là thông tin gốc để xác định, liên kết các thông tin khác về công dân. Còn việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu tập trung thông tin cơ bản về công dân, được sử dụng để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay cho việc xuất trình các giấy tờ công dân khi thực hiện giao dịch hành chính với các cơ quan hành chính Nhà nước. Cơ sở dữ liệu này sẽ đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin cơ bản về công dân cho các cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu khai thác, sử dụng nhưng phải bảo đảm quy định về bí mật đời tư của công dân.

Theo bộ Tư pháp, việc quản lý dân cư hiện còn nhiều bất cập. Với quy mô dân số lên tới gần 90 triệu, số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện hàng năm trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Phần lớn thủ tục hành chính đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao, trong khi mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu...), đã tạo nên chi phí hành chính lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Để khắc phục tình trạng trên, bộ Tư pháp khẳng định, việc lập mã số định danh cho công dân là cần thiết và cấp thiết.

Số phận người dân gắn với 12 con s

Một số chuyên gia quản lý Nhà nước tại TP.HCM cho hay, việc cấp cho mỗi công dân Việt Nam một mã số định danh là một điểm mới trong dự thảo đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư của bộ Tư pháp đang sắp được trình Quốc hội và các cơ quan chức năng lấy ý kiến. Mặc dù chưa đi vào áp dụng, nhưng dự thảo cũng đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi từ phía người dân. Hầu hết đều đồng tình với dự thảo này và cho rằng đây là một bước đi đúng đắn của bộ Tư pháp. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tình khả thi của nó. Và nếu không có một giải pháp tổng thể, đồng bộ thì không những việc cấp mã số định danh không mang lại hiệu quả mà còn làm rườm rà thêm thủ tục hành chính.

Ông Đào Trọng Nguyên (67 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) cho biết: "Việc cấp mã số định danh sẽ giúp công dân ít mất thời gian và tốn kém trong các thủ tục hành chính, giúp các cơ quan thực thi pháp luật dễ quản lý công dân, đặc biệt là tội phạm. Từ trước đến nay có không ít trường hợp tội phạm có nhiều giấy khai sinh, mỗi giấy là một ngày tháng khác nhau nên rất dễ trốn tội. Bên cạnh đó, trong điều kiện khoa học công nghệ pháy triển như hiện nay, mã số định danh sẽ giúp truy nguyên danh tính công dân nhanh chóng, chính xác".

Đồng quan điểm trên, ông Tạ Đình Hùng (37 tuổi, giám đốc Công Ty TNHH MTV H.C.) cho hay: "Từ trước đến nay, việc làm ăn của các công ty trong nước với các đối tác nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Không ít trường hợp đã không hợp tác bởi thủ tục hành chính quá rườm rà, làm thất bại nhiều hợp đồng kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân trong nước và nước ngoài hợp tác với nhau, nhưng đối tác bạn thiếu tin tưởng do có nhiều loại giấy tờ nhưng thông tin không đồng nhất, nên họ sợ bị lừa. Việc triển khai cấp cho mỗi người một mã số định danh từ lúc khai sinh sẽ giúp truy nguyên cá nhân một cách chính xác, và là cơ sở để tạo lòng tin. Điều này rất thuận lợi cho các hợp đồng kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như cá nhân trong nước".

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không tán thành việc cấp mã số định danh, họ lo ngại sẽ có sự trùng lặp khi cấp mã số định danh như cấp số chứng minh nhân dân. Anh Trần Minh Hoàng (40 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết: "Cần tính toán kỹ xem một mã số định danh sẽ thay thế được mấy loại giấy tờ và có tính khả thi hay không? Mỗi mã số cá nhân sẽ có những thông tin cơ bản (họ tên, ngày tháng năm sinh, nhóm máu, họ tên cha, mẹ…) nhưng nếu có sự thay đổi trong cuộc đời thì bổ sung ra sao? Ví dụ như họ tên vợ (chồng), con cái… Để cập nhật liên tục và nhanh chóng những nội dung đó vào rất khó khăn trong một đất nước có gần 90 triệu dân. Không những thế, thực tiễn ở Việt Nam còn khó để áp dụng đồng bộ do hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay chưa thể bảo đảm cho việc tích hợp và ứng dụng từ các thông tin hộ tịch của cá nhân".                   

Tiết kiệm tối thiểu 2.500 tỷ đồng?

Theo tính toán sơ bộ của bộ Tư pháp, việc cung cấp số định danh cá nhân thay cho việc phải khai các thông tin cá nhân, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian điền thông tin, ước tính khoảng trên 461 tỷ đồng/năm. Nếu trừ đi các khoản chi phí tại 4 cấp chính quyền trong các giao dịch hành chính thì mới có thể tiết kiệm được tối thiểu là gần 2.500 tỷ đồng.

Theo dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các Cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư đang được bộ Tư pháp lấy ý kiến, số định danh cá nhân sẽ gồm 12 chữ số, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được ghi trên giấy khai sinh, chứng minh thư. Bộ Tư pháp dự kiến việc cấp mã số định danh cá nhân sẽ được triển khai từ tháng 6/2013. 

Công Thư

Công dân Việt Nam sắp có mã số định danh cá nhân

Thứ 2, 18/03/2013 | 21:59
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về việc cấp mã số định danh cá nhân trong việc quản lý dân cư.

Gương mặt 'chuẩn mực' của công dân các nước như thế nào?

Thứ 2, 25/02/2013 | 22:01
Một dự án có tên gọi là Khuôn mặt của Tương lai đã chụp những bức ảnh chân dung công dân của các quốc gia sau đó kết hợp chúng lại với nhau để tạo ra một khuôn mặt "chuẩn mực".

Quyền con người không còn 'nằm' trong quyền công dân

Thứ 6, 25/01/2013 | 14:19
Theo thông tin của Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là việc đưa 16 Điều về quyền con người vào trong Hiếp pháp. Đặc biệt quyền con người được ghi nhận cho tất cả mọi người sống trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả người nước ngoài và không có quốc tịch Việt Nam.

Tâm sự với những công dân hạng 3

Thứ 3, 15/01/2013 | 14:49
Đã gần kết thúc một năm âm lịch. Mọi ngã đường, góc chợ tập nập và vội vã hơn những ngày thường. Khi mùi hương trầm phảng phất đâu đó, tôi nhớ đến các bạn – những công dân hạng 3.