Đến cao nguyên Bắc Hà đi chợ 'mua niềm vui, bán nụ cười'

Đến cao nguyên Bắc Hà đi chợ 'mua niềm vui, bán nụ cười'

Thứ 5, 25/07/2013 | 13:22
0
Chợ phiên chỉ họp ngày thứ Bảy và Chủ Nhật trong tuần. Người ta mang đến chợ tất cả những gì có thể, làm hàng hóa trao đổi: Từ con chim nhỏ xinh mới bắt được chiều hôm trước khi đi rừng, đến con gà mái trắng thả rông trên quả đồi trước nhà; những con trâu, lợn, bò, ngựa hay là ti tỉ thứ vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Nhưng hơn hết, họ mang đến chợ nụ cười và mong mua được niềm vui khi trở về. Một ngày cuối tuần, lang thang chơi chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai), tôi càng hiểu, vì sao với người vùng cao, chợ phiên lại quan trọng đến thế!

Tây cũng mê chợ phiên

Tôi đã có dịp hòa vào nhịp sống của người vùng cao qua nhiều buổi chợ phiên. Nhưng khi đến với chợ phiên Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), tôi vẫn tìm được những điều thú vị rất riêng ở nơi mà người ta gọi nôm na là đi "mua niềm vui, bán nụ cười" này. Muốn đến chợ đúng ngày, chúng ta có thể đi ô tô, hoặc tàu hỏa từ tối thứ sáu, cũng có những người trẻ ưa phiêu lưu mạo hiểm, thích chọn phương tiện là xe máy. Ngược đường tới Bắc Hà, Si Ma Cai có rất nhiều cảnh sắc đẹp của núi non hùng vĩ, những khúc cua tay áo làm đắm say lòng người.

Người bản đến chợ phiên ở vùng cao đa số là đi bộ, nhàn hơn thì đi ngựa, hoặc sang trọng hơn nữa thì đi bằng xe máy. Một lượng lớn người đến chợ là khách du lịch dưới xuôi. Có lẽ, họ cũng như tôi, bị mê hoặc bởi chiếc váy xòe sặc sỡ của người phụ nữ Mông hay cái ý nhị nhẹ nhàng thể hiện qua những trang phục bó sát của người Mán mà mặn với chợ đến cả vài chục lần.

Lang thang ở dãy hàng thổ cẩm với muôn kiểu túi xách được người dân tộc kết khéo léo tinh tế bằng từng đường kim mũi chỉ, tôi gặp đôi ba đoàn người Anh, Pháp vừa kịp đỗ chuyến xe xuống chợ vào lúc đầu giờ sáng. Họ "xí xố xì xồ" với nhau nhiều câu nói quá nhanh khiến tôi cũng không bắt kịp để hiểu.

Bằng vốn tiếng Anh khiêm tốn của mình, tôi bắt chuyện và được biết người đàn ông mặc quần soóc trắng, áo phông màu cam, bụng béo phệ, đeo kính, tay ôm ipad đang chỉ trỏ và nói liên tục trong đoàn, tên là Michael Paul (58 tuổi), người Bắc Ireland. Ông đã đến Lào Cai tổng cộng là 18 lần trong vòng 10 năm liên tiếp. Hễ đến Lào Cai là ông giành ngày thứ bảy để đi chợ Bắc Hà, ngày chủ nhật qua Sa Pa chơi, đến thứ hai mới về Hà Nội. Ông sang Việt Nam sống cùng vợ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vì vợ ông là phụ nữ gốc Việt, buôn bán nhỏ ngay chính giữa phố cổ. Sự hoang sơ của vùng cao Việt Nam đã "hút" bước chân ông ngay từ những ngày đầu theo vợ về Việt Nam.

Lạ & Cười - Đến cao nguyên Bắc Hà đi chợ 'mua niềm vui, bán nụ cười'

Một góc bán chó, mèo tại chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai)

Ông Michael  Paul cho biết: "Cách đây khoảng 12 năm, tình cờ tôi có chuyến du lịch cùng vợ lên Đồng Văn, Hà Giang. Sức hút của núi đá tai mèo xám xịt nơi đó đã khiến tôi bị mê hoặc. Cũng từ đó, tôi thường xuyên cùng vợ "phượt" xe máy đi vùng cao. Trung bình cứ mỗi năm vợ chồng tôi đi hai lần vào mùa đông và mùa hè để thấm cái lạnh tê tái và hưởng cái mát mẻ khi Hà Nội vào mùa nóng nực. Mấy năm gần đây, do sức khỏe yếu, tôi và vợ vẫn dành thời gian đi vùng cao đều đặn hai lần trong năm nhưng đa số là đi bằng ô tô hoặc tàu hỏa và chỉ đi nhiều ở mạn Lào Cai với mảnh đất được ví như "Đà Lạt của miền Bắc Việt Nam". Vậy là, tôi nghiễm nhiên trở thành hướng dẫn viên miễn phí của bạn bè, người thân nước mình mỗi khi họ sang Việt Nam du lịch. Riêng với chợ phiên Bắc Hà và Sa Pa, tôi có thể biết tường tận và hướng dẫn tỉ mỉ cho đoàn của mình. Tôi chỉ cho họ biết, những chiếc túi thổ cẩm được người Mán khâu như thế nào, chiếc váy xòe trị giá vài triệu đồng thôi nhưng người Mông phải mất mấy năm trời để hoàn thành nó một cách cầu kỳ ra sao...".

Đến chợ chỉ thích "đọ" trâu, "khoe" lợn

Tôi không làm mất nhiều thời gian của ông Michael Paul vì trước khi đến với chợ phiên, tôi đã tự nhẩm riêng cho mình một hành trình. Tôi đi len qua khu hàng thổ cẩm, qua một dãy hàng hoa quả với đủ thứ sản vật của vùng cao, đặc trưng là những quả dưa chuột to bằng cổ chân người lớn, hay những quả cà dái dê tím bầm một góc chợ. Tôi đã nghe người ta nói nhiều đến món măng đắng, lợn cắp nách, thắng cố ngựa, rượu ngô bản Phố. Nhưng quả thật, cái sầm uất của chợ phiên vùng cao thì đâu đâu cũng thế, vì chợ thường chỉ họp vào hai ngày cuối tuần. Điểm đặc sắc và riêng biệt đến từ tâm hồn và tính cách của người bản địa mỗi vùng.

Ở Bắc Hà, phần lớn dân số là dân tộc Mông, còn lại một số lượng nhỏ là người Mán, gốc Dao sinh sống. Có ngủ đêm ở một bản xa trung tâm thị trấn mới nghe rõ tiếng vó ngựa gõ nhịp đều đều trên đường từ mãi đầu giờ sáng. Người bản háo hức với chợ phiên đến mức, có khi chỉ một cây măng đắng nhỏ bằng nắm tay, họ cũng có thể lặn lội cuốc bộ cả mấy chục cây số đường rừng mang đến chợ phiên giao lưu. Hay người ta có một con chó con, một con gà mái trắng cũng đi cả đêm mang đến chợ với tâm lý chẳng muốn ai hỏi mua, cứ dùng dằng mặc cả lên xuống để cuối buổi chợ lại mang về, làm cái cớ cho chợ phiên sau lại đến.

Một trong những khu vực sầm uất nhất của chợ phiên Bắc Hà là góc của chợ trâu, chợ ngựa. Người mang ngựa đến chợ đa số là đàn ông lớn tuổi và thanh niên. Họ buộc ngựa, buộc trâu ở đó làm hàng như vậy rồi đi chơi chợ cả ngày. Hỏi ra mới lại càng hay, cái thú mang ngựa, mang trâu đến chợ chỉ là để "đọ" sức xem trâu ai to hơn, khỏe hơn, ngựa ai được giá hơn, vó ngựa sắc hơn để người tinh mắt tuyển lựa cho mùa đua ngựa năm sau.

Phần vì bất đồng ngôn ngữ, phần vì chính chủ ngựa không có mặt ở chợ, nên phải mất khá nhiều công sức, tôi mới có thể hỏi dò về một con trâu trước mặt mình. Người đàn ông trạc 50 tuổi, trọ trẹ tiếng Kinh, mặc bộ quần áo đen truyền thống của người Dao nói với tôi: "Đó là con trâu của nhà thằng Sình đấy. Nó đi chơi chim bên kia rồi, có khi nó ham vui đi nhậu say đến chiều mới quay lại cưỡi trâu về. Trâu nó bán 40 triệu đồng đấy. Mày muốn mua thì phải đợi nó về".

Hầu hết những con trâu được thách giá rất cao, con rẻ thì 20 - 30 triệu đồng. Con to khỏe hơn thì 40 - 60 triệu đồng. Cũng có con trâu được chủ hét giá đến cả trăm triệu đồng. Trâu to, khỏe, sừng đẹp, lông mượt, béo, nhưng có lẽ cái giá một trăm triệu đồng chẵn được ai đó phát ngôn cũng chỉ là cái cớ để không bán mà mang trâu đi chợ "khoe" để giải quyết khâu "oai" mà thôi.       

Hàng hóa nhiều khi chỉ là cái cớ để gặp nhau

Chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1986), một người họ hàng của tôi, bán hoa quả đã lâu ở chợ phiên Bắc Hà chia sẻ: "Chợ phiên chỉ là nơi "mua niềm vui, bán nụ cười" mà thôi. Hàng hóa nhiều khi chỉ là cái cớ để người ta gặp nhau, trò chuyện cùng nhau. Nếu đi chợ bình thường như dưới xuôi, người ta dễ bắt gặp thái độ niềm nở chào mời của chủ cửa hàng. Nhưng ở chợ phiên vùng cao, đặc biệt ở Bắc Hà lại rất khác. Ai mua cũng được, xem chán rồi qua hàng khác cũng không sao. Người bán luôn giữ một thái độ dửng dưng và ít khi kỳ kèo chuyện giá cả".     

Dương Thu

Một ngày khám phá chợ phiên Bắc Hà

Thứ 7, 08/06/2013 | 20:44
Du khách đến Sa Pa hẳn không thể bỏ qua tour du lịch thú vị, đó là đi chợ Bắc Hà, một chợ vùng cao nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc.

Đi chợ phiên Hải Phòng, tìm... đủ thứ

Thứ 3, 19/02/2013 | 10:27
Ngày còn nhỏ, bà nội kể cho tôi nghe rất nhiều về các phiên chợ vùng Kinh Bắc, Kinh Kỳ và phố Hiến. Trong tâm thức của tôi, chợ phiên huyền ảo, lung linh trong đêm đen tuyền với đủ thứ mà chợ thường ngày không có.

Chợ phiên - niềm vui và nỗi nhớ

Thứ 5, 10/01/2013 | 15:36
Mỗi lần đi là một lần thêm nhớ. Cái nhớ, từ màu sắc quần áo của bà con mỗi dân tộc đến vị chén rượu ngô cay nồng, mùi khói mờ mịt của chảo thắng cố lẫn màu sương trong ngày đông lạnh sắt. Có lẽ nên gọi chợ phiên ở miền cao nguyên đá này là những phiên chợ của niềm vui và nỗi nhớ?

Chợ Phiên- "đặc sản" văn hóa vùng ven sông Đà

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Mỗi người đến chợ phiên nơi đây, ngoài mục đích mưu sinh còn có chung một sở thích, đó là được giao lưu, được chia sẻ.