Độc đáo câu hát lượn chỉ dành cho khách lạ

Độc đáo câu hát lượn chỉ dành cho khách lạ

Thứ 2, 04/02/2013 | 13:58
0
Những ngày này, đến thăm các bản làng thuộc phía Đông tỉnh Cao Bằng mọi người sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi được tham gia những buổi hát lượn hát then của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đây là loại hình dân ca của dân tộc Tày phổ biến nhất ở các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa, Hòa An, Thạch An, trong đó có những làn điệu chỉ khách lạ mới được nghe.

Điệu hát đặc biệt cho khách lạ

Để hiểu hơn về điệu hát độc đáo này, chúng tôi đã tìm gặp bà Nông Thị Vẻ (SN 1952, sống tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh). Bà Vẻ là chủ tịch Hội phụ nữ xã Đàm Thủy, từng tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ của thôn bản nên rất am hiểu về làn điệu dân ca của người Tày. Theo chân anh Nông Văn Chưởng, Chủ tịch xã Đàm Thủy, chúng tôi tìm đến nhà bà Vẻ. Vừa thấy bóng khách, bà nở nụ cười tươi và cất lên một vài câu hát tiếng Tày chào mời. Vị chủ tịch xã đi cùng giải thích đó chính là điệu hát lượn mời bày tỏ sự mừng vui khi có khách đến nhà. Năm nay dù đã 61 tuổi nhưng giọng hát của bà Vẻ vẫn còn khá trong trẻo và giàu cảm xúc.

Quây quần bên bếp lửa ấm áp, bà Vẻ bắt đầu giới thiệu cho chúng tôi về điệu hát này. Theo bà Vẻ, giống như những điệu hát cổ truyền của các dân tộc khác, hát lượn then của dân tộc Tày đã ra đời từ rất lâu. Nam thanh, nữ tú Tày dùng câu hát lượn, hát then để vui chơi, giải trí, giao duyên tỏ tình vào những dịp hội hè, lễ tết, chợ phiên hoặc khi có khách phương xa đến nghỉ tại bản mình. Nội dung của những câu hát không chỉ nói về tình yêu đôi lứa mà còn ca ngợi quê hương, ca ngợi tình người cảnh đẹp thiên nhiên và thể hiện niềm mong ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Xã hội - Độc đáo câu hát lượn chỉ dành cho khách lạ

Bà Nông Thị Vẻ trong trang phục truyền thống của người Tày

Mỗi câu hát thường có 7 chữ theo quy luật chữ cuối của câu trước phải vần với chữ thứ 5-6 của câu thứ hai. Mỗi câu hát là những sáng tác dày công, con người ở hoàn cảnh, địa phương nào thì có nội dung câu hát riêng, phù hợp với hoàn cảnh đó. Tham gia tốp hát thường có từ 5 đến 7 người. Mỗi người thường trao nhau những câu hát thay lời trò chuyện. Lời hát có thể học từ trước hoặc tự sáng tác ngay tại buổi hát tùy theo hoàn cảnh. Hát lượn trong nhà thường diễn ra khi có con trai, con gái làng khác đến nghỉ trọ. Chỉ cần biết hôm đó nhà nào trong bản có khách tới chơi là các nam nữ thanh niên trong làng rủ nhau đến xin được hát lượn. Họ chủ động cất tiếng hát. Những câu hát đầu tiên thường là hát mời, hát chào, có thể bằng tiếng phổ thông hoặc tiếng Tày: "Người đồn khách lạ vào làng - Em đây xin bắc cầu vàng sang  chơi". Nếu không biết hát, hoặc không muốn hát, khách có thể hát lời từ chối, cũng bằng những câu lượn: "Sloong rà nhằng lạ páy quen - Lươn then páy đảy khửn heng lắc pày - Hử pỉ đảy nòn dải là đây - Sle vằn piuc pỉ tàng quây mừa rườn”. Đoạn hát ấy có nghĩa là: "Hai ta còn lạ chưa quen - Lượn then chưa cất tiếng lên bao giờ - Để anh được nghỉ em ơi - Ngày mai trời sáng anh thời còn đi". Sau khi hát then khoảng năm bảy câu bằng tiếng phổ thông, người hát chuyển sang phần lượn bằng tiếng Tày. Cuộc hát có thể kéo dài từ mấy tiếng tới cả đêm. Sau mỗi cuộc hát ấy, không ít đôi nam nữ đã trở nên thân quen và nảy nở tình yêu.

Không chỉ khi có khách lạ đến làng chơi người Tày mới hát điệu hát này, các nhóm trai gái người Tày còn có thể tập hợp thành từng nhóm và chủ động đi sang các làng khác để hát lượn mời kết duyên tìm bạn. Các tốp nam nữ đi đến đâu sẽ lôi kéo theo nhiều người tham gia hát. Khi đã tìm được các cặp hát, họ có thể ngồi lại một nhà nào đó, cùng uống nước, ăn ngô, khoai và hát cả đêm. Đặc biệt vào dịp lễ, các đám hát còn được thưởng thức những món ăn ngày lễ như thịt gà, bánh gai, bánh chưng, xôi ngũ sắc...

Khi chúng tôi ngỏ lời muốn được nghe một đoạn hát đối đáp giao duyên, bà Vẻ ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi cất điệu hát. Lời của người nữ rằng: "Trời thổi gió sợ cây không đung đưa - Đường không làm thì sao có đường qua - Nước suối có lũ sợ nước sông không có lũ - Anh dối em đi bắt cá ở trên cây - Để sọt ở trên cây khi nào mới có cá?". Lời của người nam: "Có gió thổi thì cây sẽ rung - Anh làm đường sẽ có đường qua - Nước suối về nước sông cũng về - Anh cho em cái sọt để trên ngọn cây - Để lâu ngày sẽ được cá tôm".

Lắng nghe bà Vẻ hát, chúng tôi mới thực sự cảm thấy được sự tài tình của những người tham gia hát đối. Chỉ trong khuôn khổ của một cuộc hát mà mỗi người có thể tùy ứng sáng tác nên những câu hát vừa thay lời trò chuyện vừa ẩn chứa nhiều hình ảnh ví von thú vị mà giàu ý nghĩa.

Xã hội - Độc đáo câu hát lượn chỉ dành cho khách lạ (Hình 2).

Vùng đất Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng là nơi có nhiều cảnh đẹp và  nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Nên duyên từ câu hát

Điệu hát này được đông đảo người biết đến và đặc biệt yêu thích vào những năm 60 thế kỷ trước. Thời ấy, khi bà Vẻ đi học tại huyện Hạ Lang, một vùng được coi là tập trung nhiều người hát lượn then hay ở phía Đông tỉnh Cao Bằng, bà đã từng tham gia không ít đám hát lớn nhỏ. Về làng, bà được mệnh danh là người hát hay có tiếng và được không ít các chàng trai ở bản khác đến hát lượn làm quen. Và thế là trong một lần đối đáp hát giao duyên, bà đã tìm thấy hạnh phúc của đời mình và nên duyên từ đó.

Bà còn nhớ như in lần đầu tiên gặp chồng mình. Mùa xuân năm ấy, trong đám các chàng trai kéo từ bản bên sang, duy chỉ có chồng bà là cứ ngồi khép nép, kiệm lời, chẳng tham gia hát chỉ thi thoảng ngợi khen mấy câu. Thấy chàng trai hiền lành, có điệu cười duyên, bà cất lên mấy điệu lượn mời để rủ chàng tham gia đám hát. Chàng trai bỗng đỏ bừng mặt rồi cứ huých tay nhờ người kế bên hát giúp. Dù người bạn  đã hát thay chàng trai đó nhưng bà Vẻ vẫn không chịu mà chuyển sang chê trách: "Không biết lượn thì chớ vào làng - Giẫm bờ ruộng em gẫy, giẫm đàn gà con". Câu hát có ý chê trách chàng trai kém cỏi, không xứng làm khách ấy không ngờ lại là động lực để chàng trai về nhà quyết học hát lượn để ít lâu sau quay lại giao duyên cùng cô gái.

Sau này khi đã yêu và lấy nhau, chồng bà Vẻ mới tâm sự, lần ấy về, ông cảm thấy ấm ức lắm. Trước đó, vốn đã nghe tiếng bà Vẻ từ lâu, thường ngày lại thấy cô giáo Vẻ đạp xe đi dạy học qua nhà nên không biết từ bao giờ ông đã cảm mến cô gái đẹp người, đẹp nết lại hay hát ấy. Đám trai làng biết ông có tình cảm như thế nên đã rủ ông sang bản bên để hát giao duyên. Dù không biết hát nhưng vì muốn được gặp mặt bà Vẻ nên ông vẫn mạnh dạn đi theo. Đến nơi ông chẳng ngờ bị chê trách cay đắng như vậy. Thế rồi, ông về nhà, quyết học hát cho kỳ được. Không có khiếu sáng tác, ông chép lại những lời hát hay từ bạn bè. Gần hai tháng sau, ông cùng các chàng trong bản quay lại nhà bà Vẻ. Bà vẫn nhận ra người thanh niên không chịu hát đáp lời cách đây ít lâu. Lần ấy, bà Vẻ vô cùng bất ngờ về sự thay đổi của ông. Cuộc hát dần lôi cuốn hơn khi có những ánh nhìn ấm áp trao nhau. Và từ hôm đó, hai người đã đến với nhau, cùng chung xây hạnh phúc. Hai ông bà sinh được ba người con. Cả ba đều được nuôi dạy trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định.

Kể xong chuyện tình của mình, ánh mắt bà Vẻ vẫn lấp lánh niềm hạnh phúc. Quá khứ về những ngày tháng thanh xuân được ngao du khắp nơi hát lượn then như ùa về trong bà. Bà nói, ngày ấy, con trai con gái mà không biết hát lượn then thì khó mà tìm được bạn đời. Cách đây mấy chục năm, không có thư từ, không có điện thoại, trai gái người Tày kết hôn được chủ yếu là nhờ tham gia các buổi hát giao duyên, hát then hát lượn như vậy. Ai không biết hát mà muốn "cưa đổ" bạn đời thì cũng phải tìm cách học hát như chồng bà. Đôi nào mà nên duyên nhờ hát lượn then thì mới được coi là tình yêu đẹp, là tình nghĩa vợ chồng thắm thiết bền lâu.

Nhớ lại thời kỳ huy hoàng của hát lượn then, bà Vẻ cũng không khỏi nuối tiếc khi thấy ngày nay, điệu hát truyền thống của dân tộc mình dường như đang mai một dần. Những câu hát lượn then thi thoảng chỉ còn được cất lên trong những ngày lễ hội, những phiên chợ xuân hay những buổi giao lưu văn nghệ. Tiễn chân chúng tôi ra về, bà Vẻ không quên hát tặng chúng tôi đôi câu hát tạm biệt. Lời hát da diết chan chứa của người chủ nhà quả thực khiến lòng khách phương xa bịn rịn không rời...                        

Phạm Hạnh

Lạ kỳ tục rước dâu vào nửa đêm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Bao đời nay, người dân tộc Thái ở một số nơi của huyện Con Cuông (Nghệ An) đã tồn tại một tục lệ rất đặc biệt, đó là trong ngày đám cưới, chú rể chỉ được rước cô dâu về nhà đúng vào thời khắc giao thoa giữa ngày cũ và ngày mới.

Lạ kỳ vũng “nước tiên” làm đẹp thiếu nữ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Dù phải lao động vất vả, dầm mưa dãi nắng, con gái nơi bản Bắc Sơn này có nước da mịn màng, trắng trẻo và xinh như hoa rừng.

Lạ kỳ "Ảo ảnh ma quái" của chiến tướng sa mạc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Theo tích xưa của Lybia kể lại “Nàng Morgan thích trêu ghẹo những khách bộ hành mỏi mệt, chỉ cho họ thấy trên sa mạc những ốc đảo nở hoa, những hồ đầy ắp nước, những đô thị trù phú có những tháp giáo đường Hồi giáo với những vườn cây treo lơ lửng trên không trung. Nàng cho họ thấy chỉ để cám dỗ họ đi chệch đường. Sau đó, khi ảo ảnh đã tan ra trong không khí, nàng sẽ cười nhạo nỗi thất vọng của đám lữ khách ấy”.

Chiêm ngưỡng bộ móng tay lạ kỳ nhất thế giới

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Chris Walton nữ ca sỹ 45 tuổi sống ở thành phố Las Vegas của Mỹ đã ghi danh vào Sách Kỷ lục Guinness với thành tích là người phụ nữ có bộ móng tay dài nhất thế giới, tổng cộng tới 6 mét.