Đua xe trái phép: Vì cuộc đời không giống như phim

Đua xe trái phép: Vì cuộc đời không giống như phim

Thứ 4, 03/05/2017 | 15:51
0
Hàng trăm xe máy tụ tập tại quốc lộ 51 đoạn giáp ranh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai trong kỳ nghỉ dài vừa qua muốn chứng tỏ điều gì?

Những hình ảnh đáng sợ trong clip đua xe có tổ chức lên tới gần nghìn người tại quốc lộ 51 đoạn giáp ranh giữa Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai trong kỳ nghỉ dài vừa qua lại khiến người xem ngán ngẩm. Hàng trăm xe máy mang biển số các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM nẹt pô, rú ga ầm ĩ trên đường, chặn cả các xe tải, ô tô và làm người đi đường hoảng loạn.

Xi nhan Trái Phải - Đua xe trái phép: Vì cuộc đời không giống như phim

 Một phần quang cảnh của cuộc đua. (Ảnh: Zing)

Những thanh niên ấy tuổi đời còn rất trẻ, chỉ khoảng 18-24 tuổi, cả nam lẫn nữ phóng như bay trên đường để “tranh tài”. Tiếng hò hét lẫn với tiếng động cơ gây đinh tai nhức óc người xem clip và ám ảnh người tham gia giao thông tại thời điểm đó.

Lạ một chỗ, những hình ảnh ấy còn được quay bằng điện thoại để đăng trực tiếp lên facebook (livestream) và nhận được lượt thích, nút thả tim và những bình luận “hóm hỉnh” như: Hùng dũng như đàn “sói đêm” trong phim Chạng Vạng; hoan hô cúp bàn thờ mở rộng hay tranh giải “bát hương vàng”... Điều đó chứng tỏ còn rất nhiều người ủng hộ những hành động sai trái này.

Nó làm tôi nhớ đến cậu hàng xóm vừa bị ngã xe phải cấp cứu, không cần hỏi lý do cũng biết tại sao. Hôm qua vẫn còn “hùng hồn” gọi hội, lập “tổ bay” với mấy cô cậu choai choai tóc xanh, tóc đỏ, xăm kín người trông rất “hổ báo”, hò hét nhau inh ỏi cả một khu phố, thế mà giờ đã nằm im lìm trong bệnh viện. Mấy cô cậu kia không biết tình hình có khả quan hơn không. Nhưng tin rằng, nếu cứ đà này, không sớm thì muộn họ sẽ có “cơ hội” yên vị trong đồn cảnh sát lúc nửa đêm.

Đua xe không phải là chuyện hiếm khi xảy ra trên đường phố (nếu không muốn nói là thường xuyên). Dường như hình phạt hay hậu quả gây ra chưa đủ sức nặng để khiến các thanh thiếu niên phải dè chừng, lo ngại. Nhưng đó cũng chỉ là yếu tố khách quan tác động đến các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Trước tiên, phải kể đến nguyên nhân chủ quan: Do nhận thức của bản thân và sự giáo dục từ phía nhà trường, gia đình. Nhưng đó lại là vấn đề “biết rồi, khổ lắm nói mãi”.

Một khi họ đã coi thường tính mạng của bản thân thì không có lý do gì lại tôn trọng sự an toàn của người khác. Để lý giải cho những hành động này không nằm ngoài các lý do như: Sự bốc đồng, nông nổi của tuổi trẻ; tâm lý thích thể hiện; muốn chứng tỏ mình trưởng thành, bản lĩnh và có thể là cá độ hơn thua… Nhưng để những suy nghĩ ấy thể hiện ra bằng hành động mà không có sự can thiệp nào, không những gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân mà còn làm liên lụy đến người khác thì trách nhiệm lại … không của riêng ai.

Góp phần không nhỏ trong những lý do kể trên không thể thiếu các hình ảnh trong những bộ phim về đua xe được chiếu trên truyền hình lẫn ngoài rạp. Những chiếc xe đẹp bóng loáng, dàn diễn viên trẻ, đẹp, thể hiện sự phong độ trong các cuộc đua đầy cam go, quyết liệt đã vẽ nên một bức tranh sống động mà các bạn trẻ mơ ước. Tất nhiên, các tư liệu ấy không có lỗi, lỗi nằm ở tư duy con người.

Giá mà các bạn trẻ ấy ý thức được rằng không phải cái gì cũng có thể bắt chước. Vì diễn viên thì nay “chết”, mai lại đóng phim khác nhưng cuộc đời thực lại không giống như phim.

Thảo Nguyên

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cùng chuyên mục

Vinh của Vinh

Thứ 4, 31/01/2024 | 07:00
Có thể hơi chơi chữ chút, nhưng nó là như thế này, tôi muốn nói về cuốn “Vinh phố của tôi” của Phạm Thùy Vinh.

Trước tiền…

Thứ 2, 09/10/2023 | 07:00
Từ năm 1998, pháp lệnh chống tham nhũng đã được ban hành, và về danh nghĩa nó phải được thực hiện nghiêm túc từ hồi ấy.

Chơi mạng xã hội

Thứ 2, 25/09/2023 | 07:00
Vụ án bà Phương Hằng vừa chấm dứt với bà, còn một số người liên quan vẫn đang... chờ.

Quân hồi vô phèng

Thứ 4, 20/09/2023 | 07:37
Thú thực, cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ lắm cái câu mà ngày xưa tôi thấy mẹ tôi hay dùng để mắng chúng tôi khi chúng tôi làm gì đấy mà cụ cho rằng vô tổ chức, vô kỷ luật, trên dưới lộn tùng phèo...

Lại nói về văn học trong nhà trường phổ thông

Thứ 7, 09/09/2023 | 07:07
Văn chương khi được đưa vào nhà trường phổ thông, buộc phải qua một quá trình lựa chọn vô cùng khắt khe...
     
Nổi bật trong ngày

Có về đây sống được không?...

Thứ 5, 25/04/2024 | 07:00
Trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa rồi, tôi có cùng vợ về quê. Vợ tôi là người Nùng, quê Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Một huyện giáp biên giới Trung Quốc, nơi có Thác Bản Giốc nổi tiếng.

Chuyện bảo tồn văn hóa và du lịch

Thứ 6, 26/04/2024 | 07:00
Thay vì nhà nước bỏ tiền ra để “giữ gìn, phát huy bản sắc” thì doanh nghiệp làm và người dân được thể hiện chính mình.