Lão nông tuổi 60 đạt danh hiệu á khoa đại học

Lão nông tuổi 60 đạt danh hiệu á khoa đại học

Thứ 2, 18/03/2013 | 10:48
0
Sắp bước vào cái tuổi đã có thể nghỉ ngơi, ông Nguyễn Văn Biểu (SN 1944, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) mới nhận tấm bằng cử nhân của trường đại học Nông lâm TP.HCM sau nhiều năm kiên trì với sự nghiệp học hành.

Sinh viên U60

Sinh ra trong một gia đình nông dân, cha mất sớm ông Biểu không có nhiều điều kiện học hành như chúng bạn, nên năm 21 tuổi ông mới tốt nghiệp tú tài (hệ THPT bây giờ). Không được tiếp tục học lên cao nữa, năm 1966 ông Nguyễn Văn Biểu xin đi học tại trường sư phạm cộng đồng ở Long An. Năm 1968, ông ra trường được phân đi dạy tại trường tiểu học ở Bến Tre. Khi đất nước bắt đầu giải phóng, ông Biểu về dạy trường THCS tại địa phương công tác và giữ chức Phó hiệu trưởng của trường.

Xã hội - Lão nông tuổi 60 đạt danh hiệu á khoa đại học

Ngày tốt nghiệp, ông Biểu vinh dự lọt vào tốp Á khoa.

Năm 1989, ông nghỉ mất sức và trở lại với ruộng đồng, cây lúa. Dù là nông dân, nhưng ông luôn đi đầu trong việc áp dụng những loại giống lúa mới, cho năng suất cao vào trồng trọt. Ngay từ những năm 1990, ông đã kết hợp cùng với một số công ty nông nghiệp của tỉnh Long An nhân giống lúa đặc sản chứ không chỉ trồng những giống lúa từ hàng bao lâu nay mọi người vẫn trồng. Khi đã có kinh nghiệm, ông tự mình tìm tòi, nghiên cứu thêm thông tin từ những cuốn sách nông nghiệp, trở thành người đầu tiên nhân giống lúa Nhật và trồng thành công tại địa phương trong suốt 10 năm liền.

Cũng trong khoảng thời gian này, dù bận rộn với công việc đồng áng và vướng bận gia đình, ông Nguyễn Văn Biểu vẫn miệt mài với sách vở và trường học. Năm 1991, ông theo học trường Trung cấp Nông nghiệp bảo vệ thực vật của tỉnh An Giang. Sau đó, công việc đồng áng, rồi chuyện gia đình cứ cuốn ông đi khiến ông chưa có cơ hội để tiếp tục học lên nữa. Đến năm 2007, sau khi con cái đã ra trường và có công ăn việc làm, ổn định, chỉ còn người con trai út học đại học, ông tiếp tục thi vào trường Cao đẳng Nông nghiệp Tiền Giang. Ông tâm sự: "Những năm đó có lẽ không có gia đình nào ở Long An này như gia đình tôi. Cả cha và con đều trở thành sinh viên của những trường cao đẳng, đại học. Sáu chục tuổi đầu nhưng nghĩ đến việc học tôi không hề nản mà còn rất háo hức. Mỗi ngày đến trường, lại nhận về biết bao nhiêu kiến thức mới mà trước nay mình chưa hề biết, dù đã gắn bó với nghề nông cũng khá lâu rồi".

Có được tấm bằng cao đẳng, ông Biểu vẫn chưa muốn kết thúc sự nghiệp học hành của mình. Năm 2010, khi trường ĐH Nông lâm TP.HCM kết hợp với trường Trung cấp dạy nghề NN & PTNT Nam bộ mở lớp đại học liên thông vừa học, vừa làm, ông Biểu quyết định đăng ký thi và đậu vào ngành Nông học của trường. Vậy là gần 70 tuổi, ông lại ngày ngày mang sách đến giảng đường, ngồi lẫn cùng những mái đầu xanh, chăm chú nghe thầy giảng bài. Sinh ra và lớn lên gắn bó cùng nông nghiệp, ngành học này với ông vừa gần gũi lại vừa mới mẻ. Những kinh nghiệm mà ông có, những kiến thức mà ông lĩnh hội được bổ trợ rất nhiều và cần thiết cho những người làm nghề nông như ông.

Xã hội - Lão nông tuổi 60 đạt danh hiệu á khoa đại học (Hình 2).

Ông Nguyễn Văn Biểu bên tấm bằng đại học.

Bí quyết học tập của lão nông Á khoa

Trong vùng, không ai là không biết đến ông Biểu "đại học" theo cách gọi đầy trìu mến. Chúng tôi đến xã Hòa Phú hỏi thăm nhà ông Nguyễn Văn Biểu, đúng lúc ông Biểu đang ra quán tạp hóa mua đồ, thấy vậy cô chủ quán tạp hóa ở khu chợ chỉ ra phía ngoài sân nói: “Đấy. Ông Biểu kia kìa”. Nhìn qua, ông Biểu tóc đã điểm bạc, với nước da đen đầy nắng, gió. Vừa dừng trước cửa quán tạp hóa, khi biết phóng viên ghé thăm, ông Biểu vui vẻ dẫn chúng tôi về nhà và cho biết, mình chuẩn bị ra đồng, nơi có hơn mẫu thanh long mới trồng. Năm nay, ông không trồng lúa mà chuyển sang trồng thanh long. Vì là lần đầu trồng loại cây mới nên nó "ngốn" của ông khá nhiều thời gian và tâm sức để tìm ra cách chăm sóc sẽ cho năng suất tốt nhất.

Chúng tôi hỏi ông về bí quyết học tập ở trường đại học, ông chỉ tóm gọn trong hai từ: Kiên nhẫn. Hai năm học đại học, ông chỉ nghỉ học một lần duy nhất đó vào ngày đám hỏi của cậu con trai út. Quãng đường 70 cây số từ nhà lên TP.HCM không là gì so với vòng xe của ông già gần hơn 60 tuổi. Có những ngày mưa, ông cũng khoác áo mưa ra đường bắt hai chặng xe bus tới trường.

Ở trường, ông chăm chú nghe những bài giảng của thầy, về nhà, hễ ra đồng thì thôi, còn ở nhà, dù làm việc gì ông cũng không rời những tập tài liệu thầy giáo phát. Nghiên cứu có chỗ nào không hiểu ông đánh dấu lại, tới ngày lên lớp  tranh thủ hỏi thầy. Càng học, ông càng vỡ ra cả một chân trời kiến thức mới mà trước nay ông chưa hề biết, ông lại càng mê say tìm hiểu.

Ông tâm sự: "Tôi đi học cũng là để cho con cháu noi gương, luôn luôn chịu khó học hành chứ không được dừng lại, và tự bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Nếu sức khỏe còn cho phép, tôi sẽ vẫn tiếp tục học lên nữa".

Cuối năm 2012, ông Biểu hoàn thành khóa học bằng luận văn tốt nghiệp "Ảnh hưởng của 5 loại phân bón lá đến năng suất, hiệu quả trên dưa hấu". Những ngày làm luận văn tốt nghiệp, ông phải tự trồng cây dưa hấu ở tận một trung tâm giống cây trồng tại Tiền Giang, rồi theo dõi, nghiên cứu sự phát triển của nó để hoàn thành luận văn. Kết quả là ông đã bảo vệ xuất sắc khóa luận, được hội đồng chấm điểm 9. Ngoài ra, ông còn đạt danh hiệu Á khoa toàn khóa học.

Bà La Thị Kim, vợ ông nãy giờ bận rộn với công việc bán hàng vật tư nông nghiệp tại nhà cả ngày. Phút thảnh thơi, bà ngồi lại trò chuyện cùng chúng tôi. Với bà, việc đi học đại học của ông Biểu cũng bình thường như hai chục năm nay ông vẫn miệt mài với sách vở vậy. Ông đi học, bà vui vì các cháu nội ngoại trong gia đình có thể nhìn vào ông như một tấm gương để phấn đấu chăm chỉ học hành. Ông đi học, bà vui vì những câu chuyện về trường lớp ông mang về nhà kể cùng bà. Sự ủng hộ, động viên của cả nhà cũng là động lực để ông Biểu hoàn thành xuất sắc công cuộc chinh phục tấm bằng đại học, khi sắp bước vào tuổi 70 của mình.

Cứ nhìn ông, chúng tôi lại nhớ tới câu thơ của một ai đó đã viết: "Bảy mươi tuổi trọn cũng không già..." . Với những người như ông, tuổi già chỉ là vấn đề của những con số, không ảnh hưởng gì đến những mục tiêu phấn đấu của đời mình. Nếu sức khỏe còn cho phép ông Biểu vẫn tiếp tục sự nghiệp học hành ở những bậc cao hơn. Viết về ông, chúng tôi cũng không khỏi thầm tâm phục, khẩu phục, bởi ông xứng đáng là một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học đến phi thường.

Nhiều người gặp ông đi học thường đùa "gần đất xa trời rồi còn học chi lắm". Ông Biểu chia sẻ: "Bể học mênh mông, mình học vừa để mở mang kiến thức, vừa ứng dụng vào thực tế công việc của mình. Thời hiện đại bây giờ, làm nông cũng cần học tập và tìm hiểu liên tục, nếu không sẽ bị lạc hậu ngay vì mọi thứ cứ biến đổi từng ngày. Hơn nữa, tuổi có thể nhiều thêm chứ tôi không muốn để bộ não mình cũng bị lão hóa một cách nhanh chóng vì không chịu vận động".

Sở GD-ĐT sẽ hỗ trợ nếu hai ông lão học tiếp lên cao

Sở GD-ĐT Long An cho biết, nếu ông Nguyễn Văn Biểu và Lê Văn Xê có ý định học tiếp lên cao, Sở sẽ chỉ đạo hội khuyến học tỉnh Long An hỗ trợ học phí và xem xét các yếu tố để cấp bằng khen. Đây là những tấm gương mà ngành giáo luôn quan tâm và khuyến khích để làm đông lực cho con cháu, thế hệ trẻ noi theo.

Hương Lam - Quyên Triệu

Lão nông tri điền có tuyệt kỹ may complet ở Hà thành

Thứ 3, 05/03/2013 | 08:15
Không an phận với nghiệp nông gia, cụ Đào Văn Dự (thôn Từ Thuận, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) quyết định lăn lộn để học nghề may. Cụ là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên phát triển nghề may complet, một thứ trang phục thời thượng ngay giữa lòng quê nghèo.

'Mâm ngũ quả' trên cây của lão nông thích khoa học

Thứ 2, 28/01/2013 | 10:21
Ngây ngất và chóang ngợp - đó là những cảm xúc của du khách khi lạc vào khu vườn có cây ngũ quả của lão nông Lê Đức Giáp ở thôn Bãi (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Lão nông “hô biến” gốc cây thành tác phẩm nghệ thuật

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Những khúc gỗ, rễ cây xù xì, không hình dạng, vô hồn được ông gọt giũa tỉ mỉ, cẩn thận để rồi hóa thành những tác phẩm có giá trị trước sự ngưỡng mộ của nhiều người. Đó chính là biệt tài của lão nông dân Nguyễn Quang Tế (SN 1942) xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Lão nông "vẽ" Hà Nội phố bằng giấy phế thải (1)

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Từ những sợi giấy mỏng manh, yếu đuối tưởng như vô dụng, nhưng với bàn tay biến hóa của một lão nông, nó đã trở thành những bức tranh dân gian, chùa Một cột, tranh về phố cổ Hà Nội, Khuê văn các, Trống đồng...