Khi con nghiện nghèo dốc bầu tâm sự

Khi con nghiện nghèo dốc bầu tâm sự

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Sổ sách và chính những người có thẩm quyền, chức vụ ở Trạm Tấu (Yên Bái) đều khẳng định: 100% con nghiện ở địa phương này đều ở diện hộ nghèo. Bản thân họ không có việc làm ổn định.

Họ sống nhờ bàn tay chăm sóc, lo lắng của người vợ cùng sự "chở che" của bố mẹ và những đứa con. Người miền xuôi thấy làm lạ vì thời đại bây giờ, đàn ông Mông vẫn chấp nhận sống mẫu hệ. Cười mà làm chi, đó là tập tục truyền thống in hằn vào tâm thức, nối từ đời này sang đời khác của người Mông.

Pháp luật - Khi con nghiện nghèo dốc bầu tâm sự

Giàng A Chu đang làm thủ tục đi cai bắt buộc

3 lần đi cai, vẫn tái nghiện

Được biết, trong lần "bắt" nghiện tháng 9 vừa qua của huyện Trạm Tấu, có Giàng A Chu (SN 1966), ở thôn Mo Nhang, xã Trạm Tấu, đã bị "bắt" đi cai nghiện bắt buộc 3 lần, nhưng lần này vẫn bị "bắt" đi cai nghiện. Chu là người dân tộc Mông gốc ở Trạm Tấu. Gia đình thuộc diện hộ nghèo lâu năm. Chu đã có cháu gọi bằng ông ngoại. Nhìn hình hài của Chu chỉ bằng đứa trẻ 12 - 13 tuổi: Chiều cao chỉ được 1,54m và cân nặng là hơn 40kg. Chu ẻo lả như một tàu lá chuối tươi bị hơ vào lửa. Khuôn mặt choắt, môi thâm nhưng kéo lại được đôi mắt chưa đến mức hoang dại. Vị cán bộ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu đang hoàn tất khâu khám sức khỏe cuối cùng để làm thủ tục đưa Chu đi cai nghiện, cho biết: "Tôi rất nhớ những con nghiện có "thâm niên" đi cai bắt buộc. Lần này, không nhớ được Chu, sức khỏe, con người của Chu "xuống cấp" nhanh quá. Lúc làm thủ tục lăn tay, tôi phải nhìn kỹ, đối chiếu tên mới nhận ra Chu. Sự tàn phá của ma túy quả thực là kinh khủng".

Chu kể: "Tôi đã 3 lần đi cai nghiện rồi cán bộ à. Lần nào cũng bị "bắt" trong đêm. Nếu cán bộ đến ban ngày, không bắt được tôi đâu. Trước đây, cha ông của đồng bào tôi dùng thuốc phiện, dễ cai, bây giờ hết thuốc phiện rồi, phải dùng heroin nên không cai được đâu cán bộ ạ! Cứ bắt tôi đi nhiều lần cũng thế thôi". "Có thương vợ, con không? Sao lại nghiện, nghiện rồi lại không cố gắng cai?" - PV hỏi. Chu ngập ngừng khá lâu, mắt nhìn xuống, 2 tay đan vào nhau, lí nhí nói: "Ở trên núi, chẳng có việc gì làm, nhàn quá sinh ra nghiện. Lúc đầu, tôi cũng chỉ hút thuốc phiện thôi. Cán bộ phá hết nương thuốc phiện của chúng tôi, không có thuốc phiện hút, tôi hít cái bột trắng ấy. Hít cái ấy thơm lắm, "ngủ" - tức phê - lâu. Có lần, vợ con đi nương về, thấy tôi nằm im trong xó nhà, tưởng tôi chết vì cảm. Vợ gọi cha mẹ tôi sang, mời thầy mo đến cúng. Tỉnh dậy, nghe tiếng thầy mo cúng, tôi tưởng nhà mình có chuyện…". Chu kể rất hồn nhiên, như vốn dĩ nó thế vậy. Sau đó, đối tượng này còn quay ra nói với các con nghiện khác bằng tiếng Mông, rồi cười rất to, đến mức cán bộ đang làm thủ tục phải nhắc nhở.

Giành A Chính (SN 1967) ở Tà Xí Láng, xã xa trung tâm nhất huyện, có thâm niên nghiện gần 15 năm, thuộc diện hộ nghèo, bộc bạch: "Từ bao đời nay, trai Mông lấy vợ xong là chỉ có chơi thôi. Nhà gần núi, rừng, thỉnh thoảng cũng đi rừng kiếm củi, hái rau; lên nương trồng sắn với vợ, con. Đi nương mỏi lắm, hút thuốc phiện ở nhà thích hơn. Trước đây, nhà tôi trồng hẳn 1 nương thuốc phiện nhưng bây giờ, bị cán bộ phá hết, không cho trồng nữa. Không có thuốc phiện hút, có tài sản gì, đem sang Bắc Yên (thuộc tỉnh Sơn La, giáp ranh với huyện Trạm Tấu - PV) đổi lấy thuốc phiện hút. Bây giờ, nhà cũng hết thứ để đổi rồi. Cái đứa nhỏ 2 tuổi bị đau bụng, mời thầy mo cúng mãi không khỏi, cho nó ít thuốc phiện, nó hết dãy giụa ngay. Thế không nghiện sao được…". Cái sự bao biện của con nghiện miền núi nó mộc mạc thế đấy nhưng chứa đựng quá nhiều thông tin đau đớn.

Pháp luật - Khi con nghiện nghèo dốc bầu tâm sự (Hình 2).

Chiến sỹ công an đang nhắc nhở con nghiện giữ trật tự

Vẫn tồn tại chế độ mẫu hệ

Trò chuyện với PV Người đưa tin, ông Thào A Chung - chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Trạm Tấu cho biết: "Ở các bản làng vùng xa của người Mông vẫn tồn tại chế độ mẫu hệ. Quả thật, người đàn ông Mông lười lắm, nhất là khi đã lấy vợ. Chuyện có thật mà xót xa như thế này: Nhà A Chứ thuộc diện hộ nghèo của bản, giáp hạt, được chính quyền địa phương cứu trợ lương thực. A Chứ thay vợ đi lên trung tâm xã lĩnh gạo cứu trợ về cho đám con đang nheo nhóc. Chúng đã phải ăn sắn thay cháo nhiều ngày. Lĩnh gạo cứu trợ xong, trên đường về bản, A Chứ tạt qua chợ. Thấy mấy người bạn cùng xã đang uống rượu, A Chứ bán gạo, góp rượu, uống say trong 3 ngày liền. Tỉnh dậy, A Chứ thất thểu đi về nhà tay không. Vợ và con cứ ngóng chồng, ngóng cha mang gạo về để nấu cháo không được đành quay vào luộc sắn ăn… Vợ con cũng không trách móc gì A Chứ".

Giải thích vì sao lại có chuyện xót xa như thế, ông A Chung nói: "Văn hóa của người Mông khác biệt lắm. Người phụ nữ trưởng thành - tính từ khi bắt đầu làm vợ - là trụ cột gia đình. Người đàn ông trong nhà muốn làm gì thì làm, chỉ tự lo cho bản thân mình thôi. Nói như vậy, không có nghĩa là không có quyền uy. Chế độ mẫu hệ nhưng quyền uy trong gia đình lại thuộc về người đàn ông. Thế nên, người vợ mới phải vừa làm, vừa chăm sóc chồng hơn cả chăm con…".

Theo Hồ A Lếnh - cán bộ Phòng Văn hóa, huyện Trạm Tấu thì trong tục cưới xin của người Mông xưa, thuốc phiện được "ưu ái" lắm. Nó vừa là đồ thách cưới, vừa là của hồi môn. Gia đình nào có nhiều thuốc phiện làm của hồi môn cho con gái, biểu thị gia đình đó giàu có. Nhà giàu trong bản, không thể không có đến 3-4 bàn đèn. Với tục ma chay, người ta cần thuốc phiện để thầy mo cúng cho người chết. Thực ra là để thầy mo hút, hoặc cất mang về dùng dần.

Nghèo đói và thoái hóa giống nòi

Ông A Chung cho biết: “Tục lệ như vậy, bao đời nay chẳng ai thay đổi, phản đối nên nó vẫn cứ tồn tại. Trước đây, khi cây thuốc phiện chưa bị triệt phá, mùa đông đến, chồng, vợ, con… mỗi người một góc ôm bàn đèn ở bản người Mông, không hiếm. Văn hóa của người Mông có nhiều tục lệ liên quan đến thuốc phiện. Tức là thuốc phiện nó ngấm vào máu của nhiều thế hệ người Mông vùng núi cao nhiều đời rồi. Cưới xin, ma chay, ốm đau… bất kể sự kiện vui - buồn nào trong đời sống của người Mông đều có sự hiện diện của thuốc phiện. Đã có những thời kỳ, thuốc phiện chi phối phần lớn đời sống của họ”. Bà Thu Hà - Phó Chủ tịch huyện Trạm Tấu trầm ngâm: "Có 2 điều làm chúng tôi lo lắng. Thứ nhất, con nghiện thuộc dạng hộ nghèo là chính. Họ không chịu cai nghiện thì làm sao thoát nghèo được. Không thoát nghèo, kéo theo thế hệ kế tiếp nghèo. Thứ hai, nghiện sẽ ảnh hưởng đến giống nòi. Nhìn bằng mắt thường, chúng ta cũng phát hiện được, hiện nay, người Mông thấp, nhỏ hơn trước đây nhiều. Những đứa trẻ sinh ra trong diện hộ nghèo cũng khó phát triển bình thường".

Lê Anh


Tag: heroin
Cùng chuyên mục

Bình Thuận: Nhóm đối tượng tự ý dọn đồ đạc, đuổi người ra khỏi nhà, lãnh án tù

Thứ 7, 18/05/2024 | 18:19
Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận xấu.

Bình Phước: Thu giữ số lượng lớn rượu ngoại ở khu vực biên giới

Thứ 7, 18/05/2024 | 18:00
Một số lượng lớn rượu ngoại, không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước thu giữ.

Quảng Nam: Tạm giữ người đàn ông không chịu đo nồng độ cồn, đánh công an

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:43
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ ly hôn 100 tỷ ở Đà Nẵng: Người chồng nhận phần lớn tài sản

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:39
Mặc dù tổng tài sản trong vụ kiện ly hôn 119 tỷ đồng, nhưng phía nguyên đơn chỉ nhận được 8 tỷ đồng, sau khi khấu trừ nợ chung.

Hà Nội: Một phụ nữ bị lừa 4 tỷ đồng vì ứng tiền thanh toán lấy hoa hồng

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:15
Sáng 18/5, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ một phụ nữ bị lừa mất 4 tỷ đồng với thủ đoạn ứng tiền thanh toán hộ để nhận hoa hồng.
     
Nổi bật trong ngày

Giao xe cho cháu chưa đủ tuổi điều khiển, bà ngoại bị khởi tố

Thứ 7, 18/05/2024 | 06:00
Bà Hoàng Thị Tha (SN 1958, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) vừa bị khởi tố vì giao xe máy cho cháu ngoại chưa đủ tuổi điều khiển, gây tai nạn giao thông.