Lạ kỳ vùng quê có 'luật ăn trộm'

Lạ kỳ vùng quê có 'luật ăn trộm'

Chủ nhật, 14/04/2013 | 15:11
0
Khi bị phát hiện, kẻ trộm sẽ phải nộp phạt để làng mở hội. Nếu chống lại hoặc có sự tái phạm lần thứ hai sẽ bị tách biệt ra khỏi mọi sinh hoạt làng xóm, khi gia đình có ma chay, cưới hỏi, cày cấy... thì cả làng cũng không ai giúp đỡ.

Kẻ trộm phải mở hội khao làng

Có lẽ chẳng có nơi nào trên dải đất hình chữ S này lại có "luật ăn trộm" độc đáo như xã Bính Xã, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.

Đường vào xã Bính Xã vô cùng hiểm trở. Những con dốc dựng đứng vắt vẻo qua từng con núi, một bên là vách núi cheo leo, một bên là bờ vực thăm thẳm, trên con đường dải đầy những tảng đá lô nhô nằm chình ình như những chiếc bẫy, con đường chỉ dài khoảng chục cây số nhưng chúng tôi phải đi mất khoảng hai giờ đồng hồ mới "bò" được vào nơi có "luật ăn trộm". Đây là một xã nằm giáp với khu vực biên giới, bao bọc xung quanh bằng những dãy núi cao ngút tầm mắt. Những ngôi nhà trình, lợp ngói âm dương, nằm cheo leo trên sườn núi như một chứng tích của nền văn hóa đậm chất cổ kính của dân tộc Tày.

Lạ & Cười - Lạ kỳ vùng quê có 'luật ăn trộm'

Một vùng quê ở Đình Lập

Chúng tôi dừng xe ở đầu đường vào thôn Bản Mọi. Anh bạn đi cùng tôi đang loay hoay không biết gửi xe ở đâu thì gặp một người dân bản địa đi rừng cạo nhựa thông đến hỏi: "Có phải anh định đi vào làng không? Đường rất khó đi, không thể đi xe máy được, anh cứ dựng xe ngoài này mà đi bộ vào. Ở đây không có ai trộm đâu". Thấy khách vẫn chưa tin, anh này nói lý lẽ: "Anh xem có những xe máy của người đi rừng để cả ngày ở đây cũng chẳng thấy mất bao giờ". Chúng tôi nhìn sang thấy còn rất nhiều xe máy dựng vào bìa rừng chỉ được che đậy bằng vài lá cây đã héo. Chúng tôi tin tưởng dựng xe và đi bộ vào làng.

Thôn Bản Mọi là một trong những nơi khó khăn vào loại bậc nhất của xã Bính Xá. Những ngôi nhà bà con dân tộc Tày xây dựng rải rác, xóm nghèo chỉ lèo tèo vài nóc nhà, nhưng giữa họ luôn có sự liên kết về sinh hoạt cộng đồng làng xóm. Nơi đây vẫn giữ được những luật lệ độc đáo trong hương ước của làng. Đặc biệt nhất vẫn là "luật ăn trộm".

Ông Nông Văn Lầy, 65 tuổi chia sẻ với phóng viên: "Quy ước của làng về việc xử phạt nếu bắt được kẻ trộm đã được ông cha nghĩ ra từ nhiều đời nay. Để tránh những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống gây ảnh hưởng đến tình làng xóm nên các cụ già làng đã họp nhau lại, thống nhất những quy ước về sinh hoạt cộng đồng. Đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, ví dụ: Cấy đổi công giữa các hộ trong làng, giúp đỡ nhau trong những chuyện dựng nhà, ma chay, cưới hỏi... Nhưng có lẽ độc đáo nhất vẫn là "luật ăn trộm".

"Luật ăn trộm" được các cụ bàn bạc, thống nhất thành hương ước của làng, do đó cả làng phải có trách nhiệm thực thực hiện theo hương ước đó. "Luật" quy định: Nếu phát hiện ai ăn trộm sẽ phải trả lại đồ đã ăn cắp cho người bị mất, đồng thời làng bắt người có hành vi ăn trộm phải bỏ tiền ra mua 10kg thịt, 10 lít rượu ngon và 10kg gạo nếp để làng liên hoan. Sự việc này sẽ được thông báo đến tất cả các hộ dân trong làng và xã".

Lạ & Cười - Lạ kỳ vùng quê có 'luật ăn trộm' (Hình 2).

Ông Lộc Văn Linh, Phó chủ tịch UBND xã Bính Xã: Nhờ có "luật ăn trộm" nên tình trạng trộm cắp tại địa phương giảm đáng kể

Ăn trộm là tội cấm kỵ

Ông Lầy cho biết: "Từ xưa đến nay, từ những cụ già đầu bạc đến trẻ em mới lớn đều ý thức được rằng, ăn trộm là điều tối kỵ nhất trong làng. Ăn trộm mà bị phát hiện là điều nhục nhã nhất đối với người dân nơi đây".

Cũng theo ông Lầy, điều đặc biệt nhất của "luật ăn trộm" chính là đánh vào đạo đức. "Hình phạt về mặt kinh tế cũng chỉ là một phần, cái chính là chúng tôi đánh mặt về mặt đạo đức. Hình phạt theo giao ước này có điều đặc biệt, khi một người ăn trộm sẽ được thông báo cho cả làng, cả xã biết. Trong  buổi liên hoan của cả làng khi bắt được tên trộm thì sẽ không có sự phân biệt đối xử, nếu tên trộm thành khẩn nhận lỗi, tự nguyện làm theo hương ước thì sẽ được tha thứ. Kẻ trộm vẫn được tham gia bữa liên hoan cùng cả làng. Lúc này các cụ già làng sẽ nhắc lại quy ước, khuyên bảo họ không tái phạm nữa".

Còn đối với những kẻ không biết ăn năn hối lỗi thì làng sẽ sử dụng hình phạt khắc nghiệt nhất. Khi đã bị cả làng phát hiện ăn trộm, bị bắt phạt mà không tuân thủ hoặc tái phạm lần thứ hai sẽ phải chịu hình phạt cao nhất là đuổi ra khỏi "phường hội" (Những người dân làng thường hợp lại thành phường hội để sinh hoạt cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau). Khi đã bị đuổi ra khỏi "phường hội" thì đồng nghĩa là bị tách biệt khỏi tập thể làng xóm. Về mặt hành chính, kẻ trộm vẫn được công nhận là người cư trú trên địa phương, nhưng gia đình kẻ trộm sẽ không được tham gia sinh hoạt cùng làng xóm, sẽ không nhận được sự giúp đỡ nào về các công việc ma chay, cưới hỏi, cày cấy... Như vậy, không chỉ có kẻ trộm phải chịu hình phạt, mà những người thân cũng bị ảnh hưởng. Do đó, các gia đình ở đây rất chú trọng trong việc giáo dục và nuôi dạy con cái tránh phạm phải điều cấm kỵ của làng.

Nếu tên trộm là người dân ở nơi khác sẽ được dân làng giao nộp cho địa phương đó xử lý. Được biết, một số thôn khác của xã Bính Xã, huyện Đình Lập, Lạng Sơn cũng có "luật ăn trộm" như: Nà Lừa, Pò Mát, Bản Xả... Về cơ bản, những luật lệ này cũng gần giống nhau, giữa chúng chỉ khác nhau về mức độ hình phạt nặng hay nhẹ, có làng đông dân thì phạt khoảng 20kg thịt lợn, 20 lít rượu, 20kg gạo nếp.

Tuy có khắc nghiệt, nhưng hương ước vẫn tuân thủ theo những quy định của luật pháp. Nếu tên trộm có hành vi nặng, gây thiệt hại lớn thì ngoài việc phạt theo lệ làng vẫn phải trình báo lên chính quyền địa phương để có phương hướng xử lý. Tức là ngoài việc phạt theo lệ làng, kẻ trộm vẫn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Cụ Hoàng Văn Nhau, 80 tuổi cho biết: "Trước đây, khi chưa có quy ước này, nạn ăn trộm, ăn cắp vặt trong vùng hoành hành rất nhiều. Nhưng từ khi có những quy ước "luật bất thành văn" này, nạn ăn trộm đã hạn chế đi rất nhiều. Đặc biệt trong những năm gần đây, nạn trộm cắp trong vùng gần như không có. Điều này đã làm cho người dân vô cùng phấn khởi, an tâm vào việc làm kinh tế, xây dựng thôn bản. Đây thực sự là một nét đẹp văn hóa riêng, độc đáo của các bản làng miền rừng núi này. Nhìn thấy con cháu trưởng thành, ngoan ngoãn và thành đạt, những người già như tôi cũng rất vui lòng. Đi đến đâu chúng tôi cũng tự hào vì làng xóm chúng tôi hầu như không có nạn trộm cắp vặt".

Trao đổi với chúng tôi, ông Lộc Văn Linh, phó chủ tịch xã Bính Xã cho biết: Từ khi những bản giao ước dưới các thôn bản được thực hiện nghiêm túc, trong vùng chưa xảy ra bất cứ một vụ việc nào thực sự nghiêm trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những giao ước, người dân nơi đây vẫn chấp hành tốt theo luật pháp của Nhà nước.                     

Hương ước độc đáo

Trao đổi với chúng tôi về "luật ăn trộm" trong hương ước của một số làng của xã Bính Xã, ông Lộc Văn Linh, Phó chủ tịch xã Bính Xã cho biết: "Đây là một nét đẹp trong phong tục, tập quán của các bản làng vùng biên giới này. Nó thể hiện sự kết dính cộng đồng, tổ chức làng xã. Giao ước này không chỉ góp phần hạn chế nhiều tệ nạn xã hội, mà còn góp phần mang lại lòng tin, sự an tâm cho người dân trong cuộc sống".

Hoàng Thế Tào

Lạ kỳ tục rước dâu vào nửa đêm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Bao đời nay, người dân tộc Thái ở một số nơi của huyện Con Cuông (Nghệ An) đã tồn tại một tục lệ rất đặc biệt, đó là trong ngày đám cưới, chú rể chỉ được rước cô dâu về nhà đúng vào thời khắc giao thoa giữa ngày cũ và ngày mới.

Lạ kỳ "Ảo ảnh ma quái" của chiến tướng sa mạc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Theo tích xưa của Lybia kể lại “Nàng Morgan thích trêu ghẹo những khách bộ hành mỏi mệt, chỉ cho họ thấy trên sa mạc những ốc đảo nở hoa, những hồ đầy ắp nước, những đô thị trù phú có những tháp giáo đường Hồi giáo với những vườn cây treo lơ lửng trên không trung. Nàng cho họ thấy chỉ để cám dỗ họ đi chệch đường. Sau đó, khi ảo ảnh đã tan ra trong không khí, nàng sẽ cười nhạo nỗi thất vọng của đám lữ khách ấy”.

Lạ kỳ tên trộm "thèm" điện thoại di động

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Một "đạo chích" thực hiện trót lọt 2 vụ trộm laptop, nhưng ngay sau đó, tên trộm này đã đem đổi laptop để lấy điện thoại di động dùng vì "thèm".

Kỳ nhân uống sữa bằng mũi giữa Sài Gòn

Thứ 5, 21/03/2013 | 08:25
Người ta dùng mũi để ngửi, dùng mắt để nhìn nhưng đối với Nguyễn Văn Diệu (còn có tên khác là Xuân Diệu) anh còn dùng mũi để uống sữa và phun sữa ra bằng hai mắt. Mắt của "dị nhân" này còn dùng để thổi bong bóng, ruột xe máy, thổi kèn, thổi phi tiêu...