Lai Châu phấn đấu đến năm 2030 diện tích trồng sâm đạt 3.000 ha

Lai Châu phấn đấu đến năm 2030 diện tích trồng sâm đạt 3.000 ha

Thứ 2, 29/04/2024 | 06:45
0
Lai Châu đề ra mục tiêu phát triển sâm Lai Châu thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 diện tích trồng sâm Lai Châu trên địa bàn đạt khoảng 3.000 ha.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ 19 vừa diễn ra ngày 19/4 nhằm sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý I và thảo luận nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2024. Hội nghị thông qua dự thảo Nghị quyết về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035.

Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển sâm Lai Châu thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, thông tin trên VOV, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm Lai Châu đạt khoảng 3.000ha, tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và một số vùng có khả năng thích ứng. Tất cả diện tích sâm trồng sẽ được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Theo nghị quyết, phấn đấu sản lượng khai thác sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 100 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO hoặc tương đương. Đến năm 2035, đưa sâm Lai Châu cùng với sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tiến tới mang thương hiệu quốc tế, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh...

Kinh tế - Lai Châu phấn đấu đến năm 2030 diện tích trồng sâm đạt 3.000 ha

Sâm Lai Châu là cây đặc hữu, ưa ẩm, ưa khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Ảnh minh họa: VOV

Theo Vietnam+, việc tỉnh Lai Châu thông qua Nghị quyết về phát triển sâm là bước cụ thể hóa quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã có đánh giá: Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam gồm các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên.

Cụ thể là phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Như vậy, tỉnh Lai Châu trở thành địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ về phát triển Sâm.

Có thể nói, đây chính là điều kiện, cơ hội để tỉnh “ấp ủ giấc mơ” xây dựng thương hiệu quốc gia đối với Sâm Lai Châu, đưa cây Sâm Lai Châu thành một trong những cây chủ lực giá trị cao gắn vào quá trình phát triển kinh tế, xóa nghèo cho người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng sâu tại những nơi có điều kiện phát triển Sâm dưới tán rừng.

Sáu nhiệm vụ phát triển Sâm Việt Nam được Thủ tướng nêu rõ gồm: Bảo tồn và phát triển Sâm Việt Nam; nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống Sâm Việt Nam; phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam tập trung; thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm Sâm Việt Nam bền vững theo chuỗi giá trị; xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại; phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm Việt Nam gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

Không để người dân phát triển tự phát, tỉnh Lai Châu chủ trương thúc đẩy liên kết “4 nhà” nhà nông - nhà quản lý-nhà khoa học-doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sớm cùng người dân bản địa liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành những tổ chức kinh doanh có năng lực; chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận độc quyền cho Sâm Lai Châu; tăng cường quảng bá để không ngừng nâng cao vị thế, giá trị của Sâm Lai Châu.

Với khí hậu vùng nhiệt đới và một số nơi có độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, Lai Châu có tiềm năng về nguồn dược liệu quý như lan kim tuyến, sâm vũ diệp, bảy lá một hoa, tam thất, thất diệp nhất chi mai, thổ hoàng liên, hoàng tinh; trong đó có sâm Lai Châu.

Sâm Lai Châu là cây đặc hữu, ưa ẩm, ưa khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Loại cây này phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung, các xã Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ của huyện Mường Tè và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa huyện Sìn Hồ và Tam Đường.

Theo một số tài liệu nghiên cứu, Sâm Lai Châu có nguồn gene đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Đây là loại dược liệu quý hiếm được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (năm 2007) với tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần.

Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. Trong thân rễ Sâm Lai Châu có saponin “MR2” chiếm tỷ lệ lớn, đặc trưng có trong Sâm Ngọc Linh.

Chính vì vậy giá trị kinh tế trên thị trường của Sâm Lai Châu rất cao. Giá thu mua 01 kg sâm tươi giá trung bình 20 triệu đồng/kg, 01 kg sâm tươi 10 tuổi giá khoảng 50 triệu đồng, những lúc khan hiếm có thể lên tới 60-70 triệu đồng/kg.

Cũng tại hội nghị, theo báo cáo, trong quý I năm nay, một số chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Lai Châu đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích cây ăn quả gần 9.000 ha, sản lượng đạt 6.800 tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh đón gần 416.000 lượt khách, tăng 54,5%, doanh thu đạt trên 340 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách địa phương đạt trên 2.800 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 294 tỷ đồng…

Theo báo Tin tức, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả chỉ thị, nghị quyết, đề án, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy; nhất là các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện nghị quyết.

Cùng với đó là tập trung chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sau khi có chỉ đạo của Trung ương; rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị, địa phương làm cơ sở triển khai chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo quy định...

Các cấp ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, triển khai quyết liệt giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế; khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời quyết liệt thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết chuyên đề, đề án, kết luận của Tỉnh ủy.

Các địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án; khẩn trương hoàn thiện thủ tục, sớm phân bổ chi tiết các nguồn vốn chưa phân bổ; tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên để triển khai thực hiện, hoàn thành kế hoạch vốn năm 2024. Đặc biệt là chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thiên tai, mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân…

Minh Hoa (t/h)

Quảng Nam: Đưa sâm Ngọc Linh lên sàn giao dịch điện tử

Thứ 2, 01/04/2024 | 20:15
Ngày 1/4, UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) tổ chức Lễ khai trương sàn thương mại điện tử sâm Ngọc Linh, dược liệu và nông sản.

Ứng dụng chiết xuất sâm Lai Châu quý hiếm vào mỹ phẩm thiên nhiên

Chủ nhật, 29/10/2023 | 09:53
Từ xa xưa, Sâm Lai Châu được xem là loại dược liệu quý hiếm, chủ yếu phục vụ cho y học và sức khỏe. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chiết xuất sâm Lai Châu đã được ứng dụng vào một ngành hoàn toàn mới mẻ - mỹ phẩm làm đẹp.

Quảng Nam: Lý do huỷ gói thầu mua cây giống sâm Ngọc Linh

Thứ 3, 09/08/2022 | 14:15
Ngày 8/8, theo hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, vừa có quyết định huỷ gói thầu mua cây giống sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam.
Cùng chuyên mục

400 “ông lớn” ngành thép châu Á hội tụ ở Đà Nẵng

Thứ 3, 14/05/2024 | 18:30
Hội nghị quy tụ hơn 400 “ông lớn” trong ngành thép khu vực châu Á cùng các chuyên gia đầu ngành, các hiệp hội liên quan và đại diện Chính phủ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo thanh tra thị trường vàng ngay trong tuần này

Thứ 3, 14/05/2024 | 17:25
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chậm nhất cuối tuần này phải công bố quyết định thanh tra.

Bình Phước: Hành trình trái sầu riêng chinh phục thị trường thế giới

Thứ 3, 14/05/2024 | 16:30
Bỉnh Phước chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác bền vững theo hướng VietGAP, GlobalGAP.

EVNHANOI triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống điện

Thứ 3, 14/05/2024 | 16:23
Với mục tiêu cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống điện.
     
Nổi bật trong ngày

Giá vàng 13/5: Vàng SJC "bốc hơi" hàng triệu đồng mỗi lượng

Thứ 2, 13/05/2024 | 09:26
Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước rớt hàng triệu đồng đối với vàng SJC, mua vào chỉ còn 85,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng 14/5: Vàng trong nước và thế giới “rơi tự do”

Thứ 3, 14/05/2024 | 11:05
Vàng miếng SJC giảm mạnh 1,3 triệu đồng/lượng đầu giờ sáng trước phiên đấu thầu vàng, vàng thế giới cũng đảo chiều sụt giảm trước áp lực chốt lời.

Đón đầu xu hướng “du lịch ngủ”

Thứ 3, 14/05/2024 | 07:00
Xã hội ngày càng hối hả, giấc ngủ dần trở thành thứ tài nguyên quý giá và "du lịch ngủ" hay hiểu rộng hơn là du lịch nghỉ dưỡng được dự đoán sẽ ngày càng phổ biến.

Vàng SJC giảm sốc, nhà đầu tư “đau tim”: Nên mua hay bán?

Thứ 2, 13/05/2024 | 19:31
Sáng 13/5, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm mạnh ở thị trường trong nước, nâng tổng mức giảm từ đỉnh xuống gần 4 triệu đồng/lượng.